Cõi đời Hư Thực
Có thể bạn quan tâm
Cõi đời hư thực
<< < (3/14) > >>
hoi_ls: *… Đơn vị hành quân đến xã Quỳnh Ngọc, đúng ngày giỗ của làng, hỏi ra mới biết: Vào một buổi chiều mùa thu năm 1950, An-va-rê - Cao, một tên phản động đội lốt linh mục lệnh cho đồn trưởng bốt Quỳnh Lang cho quân đi lùng bắt hết đàn ông, trai tráng ba thôn của làng ra bốt để nghe quan lớn hiểu dụ. Bốt Quỳnh Lang có một chiếc hầm nửa chìm, nửa nổi rộng 50 mét vuông. Phần trên hầm có một cửa nhỏ thông xuống bằng một chiếc thang tre. Sau khi bắt được 142 người, chúng nhốt xuống chiếc hầm chật hẹp. Có một người trượt chân ngã liền bị chúng xả súng bắn chết ngay tại chỗ. Ở dưới hầm, người nọ lèn người kia, lại ngột ngạt vì cửa hầm bịt kín. Chỉ mấy giờ sau, 142 người tắc thở, họ kêu gào thảm thiết, rồi rú lên phát điên, lồng lộn giãy đạp, cắn xé lẫn nhau. Bọn địch dã man, xả súng bắn xuống... Khoảng nửa đêm, mọi âm thanh dưới hầm tắt lịm. 128 người chết ngạt. Máu ở miệng những người chết ậc ra lênh láng, đông lại, sục chân xuống như bước vào đống bùn. Để xoá dấu vết, địch bắt những người còn sống dòng dây buộc vào cổ từng xác kéo lên, rồi đào hai chiếc hố ném xuống. Sau này hoà bình lập lại, làng đào lên xương cốt lẫn lộn, đành phải chia đều cho mỗi bộ một ít để mai táng. Có gia đình hai bố con bị giết, có nhà cả bố, con, anh em bị giết đến năm người. Bởi thế người Thái Bình truyền đời câu: Thái Bình có bốt Quỳnh Lang Có lò cắt tiết, có hang chôn người... Quế đặt cuốn sổ xuống, vội vàng lấy khăn lau nước mắt. Không ngờ trên quê hương mượt mà xanh ngát, vi vu tiếng sáo diều của cô, trước đó đã có biết bao máu đào đổ xuống. Suýt nữa thì cô chỉ biết phần ngọn còn phần gốc dưới đất sâu cô nào có biết. Thế ra, sự hiểu biết nông cạn về lịch sử, có thể là một nguyên nhân của vô ơn và độc ác. Cô nhìn như lạ vào gương mặt bố kính yêu và tự dưng một âm thanh vang lên từ trong tim: "Bố ơi, con hiểu vì sao bố, thế hệ bố lại phải cầm súng ra mặt trận". Sau những giây phút xúc động, anh Củng ngồi dậy với cuốn sách đưa cho con gái, rồi bấm tắt ngọn đèn bàn. Cả gian phòng tràn ngập bóng tối. Anh Củng hỏi con gái: - Con có đọc được không? Quế hơi hoảng vì đã thấy bố khang khác, nhưng vẫn mạnh dạn trả lời: - Con chả nhìn thấy gì, tối om bố ạ. Anh Củng lại bật sáng chiếc đèn, rồi cầm chiếc đèn giơ lên bảo: - Con đọc được chứ? - Dạ, con đọc được ạ. - Vậy thì phải làm sao, chứ con? Quế lắng mắt suy nghĩ một lát, rồi chụm hai bàn tay kẹp trong gối, trả lời: - Ánh sáng của ngọn đèn đã cho con đọc được cái chữ. Anh Củng nhìn thẳng vào mặt con gái, triết lý: - Con phải cám ơn ngọn đèn vì ánh sáng của nó. Nhưng chớ quên người cầm đèn kiên nhẫn đứng trong đêm, nghe con.
hoi_ls: 4Nửa đêm, chị Mạ tỉnh dậy, có cảm giác khó chịu, cổ họng khô rát. Chị lỏn ra ngoài màn lấy bình nước uống ực ực, đi giải, rồi lại lỏn vào màn nằm. Cổ họng vẫn khô rát. Chị thiếp đi chừng một tiếng rồi lại tỉnh dậy, thấy trong đầu hơi váng vất, cổ họng hơi đau. Chị ngồi dậy lắc đầu thử, cảm giác như óc lỏng ra. Chị lần tìm hộp cao sao vàng trong hốc tủ đầu giường mò mẫm bấm mở, xoa vào hai thái dương, gáy, cổ, mang tai và hai lỗ mũi, yên tâm tiếp tục nằm xuống ngủ. Gần sáng chị tỉnh dậy, thấy chân tay rời rã như đi mượn, toàn thân đau nhức và nóng phừng phực như hòn than ngậm lửa. Thế là ốm to rồi. Chị Mạ hơi lo, vì chưa bao giờ chị ốm mà lại có triệu chứng lạ như lần này. Chị lo hơn là con Quế lại đi công tác ở Tiền Hải những hai, ba ngày mới về. Ai là người lo cơm nước? Ai là người thay chị phục vụ anh Củng? Bên cạnh, anh Củng ngừng ngáy. Dường như anh đã tỉnh ngủ nằm lắng nghe từng cử động của vợ. Chắc là mùi cao cay sực khiến anh lo lắng hỏi: - Sao đấy? Ốm hả? - Em hơi bị nhức đầu. Chị lại ngồi dậy vén màn, xuống bếp đặt nước nấu bữa sáng. Chị thấy chân tay hơi run, người mệt lử như bị đứt gân cốt. Ngồi phịch xuống chiếc ghế, rũ người chờ cho ấm nước sôi, pha tạm gói mì tôm cho chồng. Chị lại thật thững trở lại giường. Ngoài hè, con gà trống đập cánh cất cao cổ giục giã thiên hạ dậy. Anh Củng dậy khuờ khoạng bước ra cửa, tập vài động tác thể dục cho khuây khoả. Trở lại phòng ngủ, thấy chị Mạ nằm co quắp ở trong giường, anh Củng rờ rẫm ấp bàn tay lên trán vợ: - Chết, em sốt cao quá! Anh Củng lại mò mẫm lấy chiếc khăn mặt dấp nước mang vào đắp lên trán vợ. Tầm nửa buổi thì cơ thể chị Mạ như bị triệt tiêu gần hết năng lượng. Đôi môi chị khô nứt, trắng nhợt, mắt mệt đờ, chân tay thõng thượt. Mãi đến mười giờ rưỡi chị Bằng mới tất tưởi đạp xe đến. Đặt túi thuốc xuống bàn, chị Bằng bấm chiếc quạt để phun gió vào mình, nói: - Khổ quá, con bé báo tao từ sáng. Nhưng tao phải cấp cứu một ca "giời vật" - phạm phòng dưới xóm Một. Giờ lại một ca đang chuẩn bị lên bàn đẻ. Thôi chết, sao người mày nóng như lửa thế này? Há miệng tao xem nào. Hở, sợ gió hả? Để tao tắt quạt... Mày đút cái này vào nách giùm tao, kẹp chặt vào. Anh Củng xách phích nước vào đặt ở góc tường, rồi lẫn thẫn trở ra để hai người đàn bà với nhau. Chị Bằng khoác chiếc ống nghe vào cổ, vén cánh tay chị Mạ để đo huyết áp, vừa làm vừa nói: - Lần đầu tiên tao xử lý ca phạm phòng, xấu hổ chết đi được. Lại phạm phòng ngoại tình mới đểu chứ. Phải nói con nhỏ cũng gan, chồng nó bỏ, ngoại tình với anh chàng hàng xóm đã có vợ con. Thế mà nó dám ôm khư khư thằng cha trên bụng, rồi gọi người nhà đi tìm thầy thuốc. Tao bước vào thấy nó nhồng nhỗng nằm như con bò ngửa quặp chặt thằng cha trần như nhộng đã ngừng thở. Tao lấy dây buộc chặt hai đứa lại cho chắc, bảo con bé: "Chớ để cái thổ tả của hắn tụt ra khỏi cái của mình nhớ. Tụt ra là hết cứu, nghe chửa". Con bé sợ, hai tay cứ ghì chặt mông hắn. Không biết ai báo tin cho con vợ. Mụ chạy sang lách bằng được, đạp cửa xông vào, nhìn thấy con bé đang ôm ghì chồng mình, liền đổ ngửa, ngất xỉu. Thế là cùng một lúc tao phải cấp cứu hai người. Sướng quá cũng chết, mà đau quá cũng chết... Huyết áp mày bình thường. Xem nào, á nhiệt độ cao. Mày sốt 40 độ đấy. Cả xã đang có dịch sốt vi rút. Mày bị sốt vi rút rồi. Mệt lắm hả, ít ra cũng mất một tuần. Để tao tiêm cho một mũi trợ lực, rồi uống thuốc, nghỉ ngơi là khỏi. Cơm nước gì chưa? Có ai nấu cho không? Chị Mạ uể oải: - Con bé cháu hàng xóm nấu hộ… Vậy mày cứu được hắn rồi chứ? - Tao tưởng mày mệt không nghe. Hoá ra mày cũng quan tâm nhỉ? Tao không châm chích gì hết, cứ lông đít hắn nhổ, rồi bắt con bé hà hơi vào mồm hắn. Một lát thì hắn tỉnh. Thằng đàn ông thì nằm nghẻo thoi thóp, cái thổ tả của hắn nhợt nhạt, chun lại như con giun. Con đàn bà, nó trơ không thể tưởng, cái đồ chơi của nó thè lè tý đầu lưỡi nhọn đo đỏ, thâm thâm. Tao bảo: "Sướng nhỉ?". Mày có biết nó trả lời thế nào không? Nó bảo: "Sướng gì? Mệt hơn Tây hiếp". Chao ơi, tao không thể tưởng tượng được. Thôi nhớ, để khi rảnh rang nói chuyện nhiều. Tao đã ghi liều lượng ra đây rồi, cứ thế mà uống. Giờ tao phải đi đây. Con bé sinh con so nên phải cẩn thận. Chị Bằng ra phòng ngoài rì rầm gì đó với anh Củng một lúc mới thấy tiếng líp xe rè rè xa dần. Chị Mạ nhận thấy sự khác lạ của bạn. Bằng nói nhiều, bỗ bã cứ liến thoắng như thể che đậy điều gì. Anh Củng trở vào phòng, lấy chiếc khăn mặt đã khô đi dấp nước đắp lên trán vợ. Càng ngày anh Củng càng thấm thía sự cần thiết của chị Mạ đối với cuộc sống của anh. Còn nhỏ, trách nhiệm lớn nhất đối với mình là cha mẹ. Khi đã lập gia đình, trách nhiệm lớn đó thuộc về vợ hoặc chồng. Bởi vậy người đời hết sức coi trọng việc kết hôn là thế. Vậy mà trước đây anh, thế hệ anh coi việc lấy vợ, lấy chồng thật giản đơn. Cũng may, anh lấy được chị Mạ - một người vợ thuỷ chung, hết lòng vì chồng, vì con. Mới chỉ có một ngày vợ anh ốm nằm đó, mà mọi việc rối bời. Anh không thể hình dung nổi, nếu lúc này, nếu cuộc đời anh thiếu Mạ sẽ ra sao? Tạo hoá thật kỳ diệu, đã sinh ra người đàn ông và người đàn bà để thực hiện một mục đích tối thượng đó là tình yêu. Nếu không phải vì mục đích ấy thì tạo hoá chỉ tạo một loại người, hoặc đàn ông, hoặc đàn bà, hoặc lưỡng tính cũng đủ để làm tất cả mọi việc trên đời, kể cả duy trì nòi giống bằng cách nhân bản vô tính chẳng hạn. Thế nhưng, có người, nhiều người lại quên, hoặc coi nhẹ cái mục đích tối thượng của tạo hoá. Họ lập gia đình với mục đích khác. Thôi thì để sinh nhai, thích ứng và tồn tại, nhiều khi con người cũng phải bươn trải, thế này, thế khác... Nhưng mà dù gì đi chăng nữa cũng không được quên mục đích của tạo hoá khi tạo con người. Quên là vứt. Cũng may, ốm nằm đây, anh đã nhận ra. Tuy có hơi muộn mằn đôi chút. Nếu một mai trời không cho được sống nữa, bắt anh đi thì anh cũng được ra đi trong khi đang chiến đấu cho mục đích của tạo hoá. Sống không có mục đích đã sợ, điều còn đáng sợ hơn là đến lúc chết cũng không biết mình chết cho mục đích gì. Chị Mạ nhắm mắt tận hưởng giây phút hạnh phúc hiếm hoi của đời làm vợ. Hơn 30 năm lấy anh, lần đầu tiên chị được hưởng sự quan tâm chăm sóc của chồng. Dù đó chỉ là một cử chỉ rất nhỏ: lo lắng, rồi dò dẫm dấp nước chiếc khăn mặt, gấp làm tư, đắp ngay ngắn lên trán vợ. Đó là biểu hiện của lòng thương yêu thực sự. Đã là phụ nữ, đã làm vợ có cần gì to tát hơn đâu, dẫu là nhà cao cửa rộng, là bạc tỷ, là giang sơn đi chăng nữa... chị sẵn sàng đánh đổi chỉ để tận hưởng một cử chỉ nhỏ nhoi này. Tối đó, chị Mạ cố gượng dậy lấy cuốn nhật ký của anh Củng để tìm đọc cho anh nghe một đoạn. Ngồi vào bàn, ngực chị như căng ra, cổ họng cuộn lên như muốn nôn mà không sao nôn nổi. Thấy vợ mệt mỏi, anh Củng bảo: - Thôi em ạ. Hồi này anh thấy người cũng khoẻ. Em đã mệt thì đi nằm đi, đừng có cố. Nghe chồng nói vậy, chị Mạ được cớ rời cuốn sách về giường nằm. Anh nói thế là anh thương chị. Nhưng con bệnh của anh nó có thương anh không? Làm sao mà chị biết được. Biết vậy, sáng nay nhờ quách Bằng đi cho rồi. Tối nó rỗi, sang thăm bệnh rồi giúp một lát... Nghĩ đi thì thế, nghĩ lại cũng không thể được. Gần đây Bằng có gì mập mập mờ mờ, khó hiểu. Sáng nay cũng thế. Có bao giờ ầm ầm, bôm bả như vậy đâu. Lại còn rì rầm nhỏ to với nhau gì đó... Lẽ ra lúc này con Quế phải có mặt ở nhà. Thôi đành thế, lạy trời, lạy phật phù hộ độ trì cho anh Củng qua được vài ngày, rồi ra chị khoẻ, sẽ tính toán, bố trí lại cho hợp lý, chứ để thế này không thể ổn được.
hoi_ls: *Anh Củng tỉnh dậy lúc hai giờ sáng, bật điện mò mẫm tìm dưới gầm giường, tìm góc nhà, tìm cả trên tường một con dế nào đó cứ ri rỉ rót vào tai anh như tiếng kèn đám ma làm anh không thể nào ngủ được. Tìm mãi không thấy, anh tắt điện chui vào giường nằm. Tiếng con dế mỗi lúc một to, cứ như nó nằm trong lỗ tai, chổng mông lên để gáy. Anh Củng bịt tai lại, tiếng con dế càng to hơn, nhức hết cả đầu. Anh bực mình, lại dậy ra phòng ngoài ngồi để tránh con dế mất dạy. Quái lạ, hôm nay trở trời thế nào mà chỗ nào trong nhà cũng có tiếng dế. Khi mất ngủ, anh Củng dễ nóng tính và cáu kỉnh có khi căm thù tất cả những gì là lý do. Anh mà tóm được những con dế khốn nạn này, thì anh sẽ cho mỗi con một nhát búa. Anh Củng mở cửa bước ra ngoài sân. Cả khoảng sân nhỏ như có hàng ngàn con dế thi nhau khóc, loạn cả óc. Anh giơ tay đập mạnh vào cành nhãn trước mặt để cho đàn dế giật mình mà câm miệng. Chả con nào nó sợ, vẫn cùng nhau tấu lên bản hợp ca thê thảm. óc anh ong ong, rồi lúc lắc, lúc lắc. Ờ... như thế lại dễ chịu. Tiếng dế vẫn như tiếng kèn thổi vào tai. Anh chành miệng phát âm "he... he... be... be... e... e..." giống như tiếng bản hợp xướng của lũ dế, thì bỗng dưng thấy chúng im bặt. Nhưng đến khi anh ngừng kêu, lũ dế lại tế lên. Và thế là từ đó cho tới sáng, anh đứng ở giữa sân lắc lư cái đầu, miệng liên tục kêu "he... he... be... be... e... e...". Chị Mạ tỉnh dậy không thấy chồng, vội vã lê đôi chân tê dại cùng tấm thân mỏi mệt ra sân. Thấy anh Củng đứng lắc đầu, kêu be be thì hoảng quá, chạy lại dìu chồng vào nhà. Anh Củng giơ tay gạt vợ ra. Chị Mạ lùi lại suy nghĩ cách xử lý. Bỗng anh Củng dừng lắc đầu, thôi kêu be be. Anh rập hai chân đánh rốp, đứng nghiêm, mắt nhìn thẳng, cất giọng hát: "Đời mình là một khúc quân hành. Đời mình là bài ca chiến sĩ. Ta ca vang, triền miên bao tháng ngày, lượn bay trên núi rừng biên cương tới nơi đảo xa. Mãi mãi lòng chúng ta, ca bài ca người lính...”. Cứ thế, anh đứng hát say sưa, hát đi hát lại hàng chục lần. Chị Mạ đứng nhìn chồng mà ứa nước mắt. Chị tiếp tục kéo anh vào nhà. Anh giậm chân, ưỡn nực, quắc mắt, dõng dạc, đọc to: “Chúng tôi quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam, lấy danh dự người chiến sĩ cách mạng xin thề dưới lá cờ vinh quang của Tổ quốc: Một, xin thề! Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và giàu mạnh, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hoà bình độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới. Hai, xin thề!...”. Đọc xong 10 lời thề danh dự của quân đội, anh Củng lại giậm chân, vung tay hát: "Đời mình là một khúc quân hành. Đời mình là bài ca chiến sĩ...”. Chị Mạ càng cố sức kéo anh vào nhà, anh lại càng đọc to hơn, nhanh hơn. Chị ôm anh đẩy, anh hất chị ra. Không còn cách nào, chị Mạ đành vào nhà lấy cuốn nhật ký mở đại một trang đọc thử. Trời ơi! Chị mệt quá. Miệng chị đắng ngắt, giọng khản đặc, đầu váng như búa bổ. Chị cố gắng đọc to cốt để át tiếng hát của anh Củng: … Sư thày rủ rỉ kể, giáo lý chân truyền của đạo Phật cho rằng, bất cứ kỷ niệm gì, vui buồn đều mang lại phiền não cho con người. Nó làm hại sức khoẻ, có thể làm chết người. Công chúa Mị Nương cũng chết vì tương tư chàng thuyền chài Trương Chi đó thôi... Chị Mạ mới đọc đến đó, anh Củng đã ngừng hát, nhưng hai tay vẫn vung, chân vẫn giậm. Thấy có hiệu nghiệm, chị Mạ quên mệt cố đọc tiếp: … Vì vậy đạo Phật sáng tạo một học thuyết có tên "Hiện pháp lạc trú". Học thuyết yêu cầu con người ta vui tươi, lành mạnh trong thực tại. Hiện pháp là những gì hiện có bây giờ và ở đây. Lạc trú là vui tươi để sống, không ưu phiền quá khứ, và cũng không quá lo lắng cho tương lai. Anh Củng ngừng mọi động tác, nhưng mắt vẫn nhìn thẳng dài dại. Chị Mạ ngước nhìn chồng, rồi cúi xuống đọc: … Sư thày hiền từ nói tiếp: Tại sao chúng ta cần phải Hiện pháp lạc trú? Bởi vì, như các cháu đã biết, quá khứ thì đã qua rồi, không bao giờ trở lại được nữa. Có tiếc cũng không thể lấy lại được. Tương lai thì còn ở phía trước, ta có bồn chồn lo lắng cũng chẳng giải quyết được gì. Nói như vậy thì khi ta làm kiểm điểm những việc đã qua để rút kinh nghiệm mà đề ra phương hướng liệu có trái với tinh thần của Hiện pháp lạc trú không? Ta có thể ôn lại quá khứ, tính toán cho tương lai, nhưng là để giáo dục hiện tại, củng cố hiện tại. Anh Củng chùng người, quay lại nhìn vợ và lắng nghe. Hình như toàn bộ các cơ trên khuôn mặt anh đã trở lại bình thường. Đôi mắt bớt đờ dại, nhưng vẫn còn vẻ ngạc nhiên như người vừa ở trên cung trăng xuống. Mồ hôi trên người chị Mạ toả ra, họng càng khô khốc, hai tay run run. Không được bỏ cuộc, cũng phải coi đây như một trận chiến đấu, phải cố lên chút nữa để anh Củng trở lại bình thường. Chỉ cố lên một chút nữa thôi. Chị cúi xuống kiên nhẫn: … Hiện pháp lạc trú không cho phép ta kẹt vào quá khứ. Phấn đấu xây dựng nhà mới to đẹp, đàng hoàng, ấy là Hiện pháp lạc trú. Trước ngày ra trận lo thất bại, thao thức cả đêm, mất ngủ, ấy là kẹt vào tương lai. Bình tĩnh, sáng suốt bước vào trận đánh, ấy là Hiện pháp lạc trú... Tôi và anh trung đội trưởng nhìn nhau, đều tỏ ra ngạc nhiên trước kiến thức uyên bác của sư thày. Thế hệ chúng tôi hầu như không được nghiên cứu, tiếp thu triết học phương Đông, ở đó có một khối lượng kiến thức đồ sộ của Phật giáo rất gần gũi với tư duy người Việt ta. Nên lần đầu nghe, chúng tôi như mảnh đất nứt nẻ được tưới nước. Trung đội trưởng quay lại chăm chú nhìn vị sư thày vẻ kính trọng. Sư thày nói tiếp: "Trong quan hệ tình yêu hôn nhân, gia đình cũng thế thôi, các cháu ạ, Hiện pháp lạc trú rất cần để bảo đảm hạnh phúc. Nếu ta có kỷ niệm tốt về tình yêu cũ cũng không nên quên nó. Nhưng cũng đừng để nó làm ảnh hưởng đến hiện tại cuộc sống gia đình mình. Ngược lại, nếu có kỷ niệm buồn thì hãy chôn vùi nó đi, chớ đào bới lên làm gì cho đau khổ. Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, chàng Kim Trọng tái hồi với nàng Kiều được là vì họ không bị kẹt vào quá khứ nhơ nhuốc của nàng Kiều... Chị Mạ ngừng đọc vì lúc này anh Củng đã đến bên cạnh, một tay đặt lên vai vợ. Bản hợp ca đưa đám của đàn dế xung quanh nhà đã tắt lịm. Anh Củng thấy trong đầu thoáng hẳn. Và anh cũng nhận thấy chị Mạ đang lên cơn sốt cao, hai tay chị ôm đầu gục xuống. Anh Củng nâng vợ đứng dậy, gỡ cuốn sổ để lại trên ghế, rồi dìu vợ vào nhà. ở ngoài cổng, chiếc xe đạp mini màu xanh - sứ giả của lòng từ thiện vừa tới. Chị Bằng kịp dừng lại, khi nhìn thấy hai người đang tựa vào nhau, dò dẫm, thập thễnh bước vào nhà.
hoi_ls: 5Mùa thu. Trưa, vòm trời bổng vút. Từng mảng mây màu trắng đục nhởn nhơ trên nền trời xanh biếc. Có rất nhiều con chuồn chuồn màu vàng thẫm dang cánh ve vãn trên tầng cao. Bồn hoa cúc vàng rực như một mâm hoa đặt trước cửa nhà trực ban đại đội. Một đôi chim bồ câu trắng từ trên mái nhà, hứng chí vút lên trời xanh chao liệng như thể tắm mình trong không gian bình yên. Từ trận địa của bộ đội pháo phòng không bỗng vang lên tiếng còi báo động. Củng quơ vội chiếc dùi sắt lao ra chỗ treo chiếc kẻng, liên tục phang đến nóng cả bàn tay. Tiếng kẻng báo động vừa dứt, một tốp hai chiếc máy bay F-4H của Mỹ từ biển Đông lao vào. Tiếng gầm rít của động cơ phản lực xé tan đàn chuồn chuồn đang lơ lửng. Ở độ cao hơn nghìn mét, hai chiếc F-4H bay một vòng để xác định mục tiêu. Đến nửa vòng thứ hai, chiếc đi đầu bỗng cắm đầu lao vút xuống, cắt sáu quả bom, rồi ngóc đầu vội vàng chuồn thẳng ra biển. Các trận địa pháo cao xạ của bộ đội phòng không, trận địa trực chiến của dân quân thi thau nhả đạn. Lợi dụng khi bom nổ, chiếc máy bay thứ hai lao xuống cắt tiếp sáu quả bom đen trũi. Tiếng bom, tiếng súng hoà lẫn thành một thứ âm thanh hỗn độn. Mặt đất như vỡ ra từng mảng. - Làng Chành bị bom rồi, bà con ơi!... Làng Chành là nơi trung đội của Củng đóng quân. Ở đây có cụ Thủ, ông Nhậm, có Quyên, có nhân dân và đồng đội. Một cái làng nhỏ nhoi đầu xã, gần trường học, chỉ vỏn vẹn ba chục nóc nhà mà phải chịu 12 quả bom của giặc Mỹ, thì... chao ôi! Mới nghĩ đến đó... Làng Chành tan tác như sau trận lốc. Cá dưới ao bay lên vườn, người treo trên ngọn cây, nhà cửa đổ xuống biến thành tro gạch vùi lấp người đang sống. Mồ mả quật tung, hắt cốt người lên ruộng. Tiếng khóc của bọn trẻ, tiếng thét của người mất cha, tiếng gào của người mất mẹ, tiếng chửi rủa trút hận thù... Tiếng tre nứa cháy ngùn ngụt, lốp bốp... cả làng Chành giãy lên đành đạch... Người chị Bằng rung nhẹ như thể vừa có chấn động. Chị đặt cuốn nhật ký xuống bàn, không thể không ngước nhìn anh Củng để chia sẻ, nhưng lại gặp ánh mắt của chị Mạ, liền lảng nhìn ra cửa. Chị Mạ mệt mỏi nằm trên giường, đành xua cái lúng túng của bạn bằng câu nói: - Đọc tiếp đi Bằng. Anh Củng đang nghe đấy. Bằng vuốt nhẹ hai cánh mũi, rồi cúi xuống đọc tiếp: … Cụ Thủ nằm vắt ngang thành bể nước, đầu cụt lăn lóc dưới gốc cây chè, máu ở cổ nhểu ròng ròng xuống sân, bàn tay phải còn nắm đôi đũa tre. Gian nhà vách đất của cụ, cùng đồ đạc và cả chiếc ba lô của Củng biến đâu mất. Cùng với mọi người, Củng đưa cụ Thủ xuống, rồi bê chiếc đầu có bộ hàm móm, tóc cắt ngắn bạc trắng của cụ lắp vào để thi thể được nguyên vẹn, đắp tạm cho cụ chiếc chiếu rồi chạy sang nhà Quyên. Nhà Quyên không bị sập đổ, chỉ bay mất mái. Nhưng chiếc hầm kèo bị trúng một quả bom. Xương thịt ông Nhậm cùng chiếc hầm tan biến hết, chỉ còn nửa lá gan mắc trên ngọn tre ngoài bờ ao. Quyên bị một mảnh bom xuyên từ lưng qua ngực, gục xuống ôm lấy mâm cơm, mặt vục vào bát canh rau ngót. Miếng cơm độn khoai và rau muống trong miệng Quyên vẫn chưa nuốt kịp. Làng Chành bị bom Mỹ giết chết 48 người, hầu hết là đàn bà và trẻ em. Bốn người không còn chút xương thịt để mai táng. Ngoài ra còn chín người đã yên nghỉ dưới mồ từ mấy đời trước cũng bị bom Mỹ quật lên rải cốt khắp cánh đồng... Chị Mạ xúc động nhổm dậy, ngồi ôm gối dựa vào thành giường, chờ cho chị Bằng ngừng đọc liền hỏi anh Củng: - Sao anh bảo mới gặp chị Quyên? Anh Củng ngồi trên chiếc ghế ba đai, đối diện với chị Bằng, hai tay nắm và ghì chặt lấy bạnh ghế. Hình như anh đang chìm vào hồi ức bi thương của làng Chành, nghe tiếng vợ hỏi bỗng giật mình: - Ờ… à. Thử em một tý xem... chất lượng tình yêu còn bao nhiêu. Chị Bằng: - Các người ký ám hiệu với nhau cái gì? Ai mà hiểu được. Thôi tôi phải đi đây, gần trưa rồi còn gì. Tôi hộ bà Mạ một lần này thôi nhá. Mạ kéo tay Bằng, nhìn lén về phía chồng: - Quyên là người yêu cũ... Bằng chả vừa: - Sao mà lắm cũ thế? - Rồi ngẩng mặt nói bâng quơ - Còn đây là mới hay cũ?
hoi_ls: *“Sao mà lắm cũ thế? Còn đây là mới hay cũ?”. Bằng đi rồi, mà tiếng Bằng cứ lặp đi lặp lại găm vào lòng Mạ. “Còn đây là mới hay cũ?”. "Còn đây"... là ám chỉ ai? Mạ hay Bằng? Anh Củng ơi, cuộc đời anh đối với em còn nhiều bí mật lắm. Hơn hai mươi năm anh đi xa, đánh giặc những đâu, những đâu? Anh có chức, có quyền; anh làm gì, yêu ai? Hoặc người ta yêu anh, thậm chí mua chuộc anh, em làm sao biết được. Bây giờ, còn cái thân tàn như trái chanh đã vắt kiệt anh mới trở về trao cho em. Mà đã hết đâu... ánh mắt của Bằng, những câu nói lập lờ và cả những cử chỉ gần đây của cô ấy đáng ngờ lắm. Đó, từ lúc cô ấy đi, anh xem ra có vẻ bần thần vẩn vơ như người mất hồn. Ốm thì ốm vậy thôi, chứ lúc tỉnh táo cũng khoẻ ra phết, chẳng khác gì hồi cưới nhau, ăn diện vào cũng bảnh bao, ra đường chả khối đứa chết mệt. Anh Củng ở ngoài sân vẩn vơ, vẩn vơ đứng nhìn đàn kiến khênh một con sâu đo đi từ góc sân ra vườn, trông như đoàn quân vác pháo hành quân vào chiến trường. Anh bồi hồi nhớ lại ngày anh cùng đồng đội rời làng Chành hành quân vào miền Nam đi chiến đấu. Làng Chành như một vết dao chém vào tim anh, vết thương không bao giờ kín miệng. Suốt đời anh, suốt cuộc đời cầm súng chiến đấu, không bao giờ quên được hình ảnh bà cụ Thủ cụt đầu nằm vắt ngang bể, hình ảnh Quyên miệng ngậm rau muống vục mặt vào bát canh mà chết, và lá gan tím lịm, khô héo của ông Nhậm treo lủng lẳng trên ngọn tre... Ngay cả bây giờ, ốm đau bệnh tật, nhưng mỗi lúc nhớ về làng Chành, cơ thể anh như được thắp lửa, sức sống bừng thức, sục sôi, bứt phá nhấn chìm cơn đau của bạo bệnh và mọi muộn phiền phức tạp. Lịch sử và tổ tiên giao cho thế hệ anh phải hy sinh, phải chịu thiệt thòi để cho mầm xanh của dân tộc hồi sinh. Anh không có gì phải ân hận hoặc so đo tính toán. Đó là bổn phận, là điều tất nhiên của thế hệ anh. So với Bằng anh còn quá hạnh phúc. Anh có vợ, có con, có một mái ấm gia đình. Còn Bằng, sau khi dốc hết tuổi xuân ở Trường Sơn, trở về cô có còn gì đâu ngoài cái túi thuốc hình dấu cộng màu đỏ. Ở tuổi anh, hôm nay được tin bạn bè thăng quan tiến chức, ngày mai lại có tin đồng đội mắc bệnh hiểm nghèo. Thăng quan tiến chức thì ít, mà bị bệnh hiểm nghèo thì nhiều. Gian khổ, hy sinh nó nhiễm bệnh vào người, tuổi cao mới phát ra, thật khổ. Nhưng cứ nhìn thấy bọn trẻ, thấy con Quế mơn mởn vươn lên là anh mãn nguyện... Ờ mà sao đến giờ này con Quế vẫn chưa về? Hễ bao giờ nó xuống với biển, y rằng bị hút vào đấy. Không biết biển hút, hay anh chàng nuôi tôm sú hút? Anh nhớ con gái.
Navigation
[0] Message Index
[#] Next page
[*] Previous page
Từ khóa » Bốt Quỳnh Lang
-
Cây đa La Tiến - Nhân Chứng Lịch Sử - Báo Đại Đoàn Kết
-
CHƯƠNG 52 (Lịch Sử Và Hồ Sơ Tội... - Trang Nguyễn Mạnh Quang
-
Vang Mãi Muôn đời - Báo Thái Bình điện Tử
-
Phản Hồi Sau Loạt Bài: “Giải Quyết Chính Sách Người Có Công
-
Sự Linh ứng Khó Lý Giải Về Những Hiện Tượng Lạ Bên Gốc đa Cổ Thụ
-
Nhà Thờ Quỳnh Lang - Quỳnh Ngọc | Quỳnh Phụ Mến Yêu - Flickr
-
Giáo Phận Thái Bình Nhà Thờ Giáo Xứ Quỳnh Lang
-
Bốt Nữ Đẹp Bốt Nữ Ngành Của Quỳnh Búp Bê Siêu Hot - Shopee
-
Quỳnh Thy đụng Hàng đôi Boots 45 Triệu đang "làm Mưa Làm Gió ...
-
Di Tích Lịch Sử Quốc Gia Cây đa Và Đền La Tiến - - Huyện Phù Cừ
-
Phú Dư - Cồ Việt Mobile - Tri Thức Việt
-
Thảo Luận Thành Viên:Thôn Đại Phú - Wikiwand
-
Ký ức Cựu Du Kích Lạc Hồng | Đất Và Người Quân Khu 3