Vang Mãi Muôn đời - Báo Thái Bình điện Tử

Lịch sử của thôn Sơn Ðồng như một khúc ca bi tráng, hào hùng, với những câu chuyện đánh giặc giữ làng còn vang mãi muôn đời. Ngay từ ngày đầu thực dân Pháp chiếm đóng, chúng đã xây đồn bốt hòng chia cắt làng và những địa phương khác để dễ bề cai trị. Năm 1950, địch đã thiết lập một vành đai thép gồm các bốt: Bến Hiệp, Quỳnh Côi, Quỳnh Lang, Bồ Trang, Bái Trang, Hương Dũng, Ngọc Quế; xã Quỳnh Giao nằm gọn trong núm vó của các bốt giặc. Nhưng những nông dân lam lũ, quanh năm chân lấm tay bùn vẫn bám trụ, giữ làng.

Ngày ấy giặc Pháp và bọn tay sai dùng ca nô từ Ninh Giang (Hải Dương) và các đồn bốt Bái Trang, Ngọc Quế đổ bộ vào An Hiệp, Sơn Ðồng. Quyết tâm của dân làng là đánh tiêu hao sinh lực địch, ngăn chặn không cho chúng tự do đi lại cướp phá. Lực lượng dân quân du kích đã chủ động đặt mìn, gài chông ở những nơi buộc địch phải đi qua nên nhiều tên địch đã chết và bị thương. Với vũ khí chỉ là mã tấu, dao kiếm, gậy gộc, đòn gánh nhân dân Sơn Ðồng đã đồng lòng đứng lên đánh giặc. Ðó là ngày 21/6/1950, một đội quân chống càn với hơn 70 dân quân và du kích đã bố trí mai phục rào làng theo 3 hướng chờ địch vào.

Nhiều nhân chứng kể lại, vào khoảng 8 giờ sáng, một trung đội địch xuất phát từ Bái Trang tiến vào Sơn Ðồng. Sau khi toàn bộ địch lọt vào trận địa phục kích bí mật, đồng chí đội trưởng Hoàng Hữu Thuân phát lệnh xung phong. Do bị bất ngờ nên địch trở tay không kịp. Thừa thắng xông lên, nhân dân toàn thôn phấn khởi đổ ra đường đánh giặc, vừa đánh vừa hô “Dân làng ơi xông lên đánh giặc”. Bọn địch khiếp sợ, đạp lên nhau tháo chạy khỏi làng.

Trận đánh diễn ra hơn một giờ đồng hồ, dân làng Sơn Ðồng đã tiêu diệt 8 tên, làm bị thương 20 tên, trong đó tên đồn trưởng bị thương nặng, thu 9 khẩu súng trường, trên 200 viên đạn. Nhưng trong trận đánh đó, đã có biết bao tấm gương hy sinh dũng cảm, như các đồng chí: Hoàng Bá Thuân, Hoàng Hữu Hồng…

Ngay chiều hôm đó, địch tập trung lực lượng kéo đến Sơn Ðồng, chúng châm lửa đốt toàn bộ nhà cửa, tài sản của nhân dân, giết hại dân thường gây nên những mất mát to lớn và cả những nỗi đau mà người dân Sơn Ðồng phải gánh chịu. Sau trận đánh táo bạo, dũng cảm và đặc biệt xuất sắc của quân và dân Sơn Ðồng, Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh đã họp và ra nghị quyết phong tặng “Tiếng trống Sơn Ðồng”, tiếng trống mở màn cho chiến tranh nhân dân của tỉnh Thái Bình.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, dân làng Sơn Ðồng còn nghèo, nhưng tấm lòng rộng mở, hăng hái đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến, đùm bọc, che chở, nuôi giấu cán bộ, bộ đội, dân quân du kích. Dân quân du kích Sơn Ðồng đã phối hợp với quân chủ lực chiến đấu giải phóng bốt Hiệp, Ngọc Quế, san bằng nhiều đồn bốt khác trong khu vực. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dân làng Sơn Ðồng phát huy truyền thống đoàn kết, thi đua sản xuất nông nghiệp, xây dựng hậu phương vững mạnh.

Thực hiện khẩu hiệu "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", dân làng tích cực chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, dành độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc. Chỉ trong 10 năm (1965 - 1975), nhân dân thôn Sơn Ðồng cùng với toàn dân Quỳnh Giao đóng góp 3.200 tấn lương thực, 3.000 tấn lợn thịt, 50 tấn đay cho Nhà nước. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Sơn Ðồng đã tiễn đưa lớp lớp thanh niên lên đường đánh giặc, trong đó có 52 người đã hiến dâng tuổi thanh xuân cho nền độc lập, tự do của non sông đất nước, 44 người đã để lại một phần xương máu tại các chiến trường. Thôn có 3 Bà mẹ Việt Namon> anh hùng và hàng trăm người được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến.

Về Sơn Ðồng hôm nay, mọi người đều nhận thấy sự đổi thay mạnh mẽ, từ một làng quê kháng chiến nghèo khó năm xưa, nay trở thành một làng văn hóa tiêu biểu của huyện Quỳnh Phụ. Ðời sống của người dân ngày càng được nâng cao, số hộ nghèo giảm nhanh, chỉ còn 3%. Năng suất lúa luôn đạt trên 125 tạ/ha/năm, 100% diện tích được làm bằng cơ giới; là một trong những thôn dẫn đầu xã về phát triển cây màu vụ đông, với các cây chủ lực như: ớt, rau màu. Nhân dân phấn khởi chung sức chung lòng xây dựng nông thôn mới. 100% các tuyến đường trong thôn, chiều dài hơn 5km đã được bê tông hóa bằng nguồn nội lực trong dân. Trung bình mỗi hộ gia đình tình nguyện góp từ 3 - 4 triệu đồng, nhiều ngõ nhân dân góp 7 triệu đồng/hộ làm đường giao thông nông thôn. Hơn 2.600 ngày công san lấp ao và hàng trăm triệu đồng của bà con nhân dân, khu trung tâm văn hóa thể thao của thôn rộng 3.000 m2 đã được hoàn thành với kinh phí 700 triệu đồng, trong đó con em xa quê ủng hộ 300 triệu đồng. Cùng với đó, các công trình phúc lợi được xây dựng khang trang, nhà xây mái ngói, mái bằng, cao tầng mọc lên san sát, đường làng, ngõ xómđược trải nhựa, bê tông phong quang, sạch đẹp.

Có được cuộc sống như hôm nay, người dân Sơn Ðồng càng thấm thía công ơn trời biển của Ðảng, Bác Hồ và bao lớp người đã ngã xuống vì độc lập, tự do cho quê hương, đất nước thanh bình.

Minh Nguyệt

Từ khóa » Bốt Quỳnh Lang