Phản Hồi Sau Loạt Bài: “Giải Quyết Chính Sách Người Có Công

  • Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tiếp đoàn người có công tỉnh Kon Tum
  • Giải quyết chính sách người có công – tiếng nói từ những “hồ sơ trong ngăn tủ”
  • Đề xuất nâng mức trợ cấp đối với người có công
  • Năm 2017, giải quyết 5.000 hồ sơ người có công với cách mạng

Tâm tư của người thân người có công

Ông Vũ Ngọc Hà (52 tuổi, quê ở thôn Bương Thượng, xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) tâm sự: “Gia đình tôi rất xúc động và tâm đắc những lời Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) chia sẻ khi nói về vấn đề xác minh và xét công nhận thương binh liệt sỹ cho các trường hợp còn bỏ sót.

Tôi thực sự ấm lòng khi nghe câu nói: “Người hi sinh rồi, có đòi hỏi gì đâu! Người sống phải có trách nhiệm tìm xét, công nhận để ghi công cho người đã khuất vì dân vì nước”…”. Ông Hà cho biết, ông cũng đã viết thư gửi Bộ trưởng đề nghị được quan tâm, chỉ đạo để hồ sơ của cha ông và hàng nghìn trường hợp khác được xem.

Phản ánh tới Báo CAND, ông Hà trình bày: “Trước Cách mạng tháng Tám, cha tôi là Vũ Lập Thành (tên thường gọi là Vành) dạy học và làm nông. Những ngày tháng 8-1945, cụ tích cực tham gia những hoạt động do Ủy ban cách mạng hương xã tổ chức. Cụ được dân bầu làm Trưởng thôn Bương Thượng, được cấp trên cử làm Chủ tịch Ủy ban Liên Việt xã Toàn Thắng. Những chức danh và nhiệm vụ đó của cụ được ghi rõ trong cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Quỳnh Ngọc hiện nay.

Phải mất nhiều năm gia đình ông Nguyễn Đức Trình mới hoàn thiện được hồ sơ công nhận liệt sỹ cho anh trai.

Năm 1950, Pháp đưa quân về lập bốt Quỳnh Lang trong địa bàn xã. Chúng lập tề, lùng bắt cán bộ Việt Minh của địa phương. Trong trận càn ngày 3-4-1950, cha tôi cùng nhiều dân quân du kích địa phương bị chúng bắt trói, giam ở điếm canh gốc đa Bương trước mặt cả dân làng. Sáng hôm sau chúng giải cha tôi và những người khác về bốt Quỳnh Lang.

Tại đây chúng cho bọn tay sai chỉ điểm. Cha tôi và nhiều người bị chúng nhốt lại, cho chó cắn xé rồi đem xử bắn. Sau năm 1954 địa phương có xét công nhận liệt sỹ nhưng cha tôi không được công nhận. Chỉ có anh trai cả của tôi là Vũ Lập Trung, là đảng viên, Chính trị viên xã đội xã Toàn Thắng hi sinh tháng 8-1950 được công nhận liệt sỹ.

Anh trai tôi là Vũ Lập Cự, nay đã 50 năm tuổi đảng nhiều lần làm hồ sơ theo hướng dẫn của địa phương để được xét công nhận liệt sỹ cho cha tôi. Ông đã lặn lội tìm gặp các nhân chứng và có bút tích xác minh. Tuy nhiên, Hội đồng thẩm định xã Quỳnh Ngọc lại loại bỏ hồ sơ của các trường hợp ở thôn Bương Thượng vì lý do thôn không có đại diện đến họp. Trong khi các trường hợp tương tự hi sinh cùng ngày ở các thôn khác trong xã đều được công nhận liệt sỹ. Sau đó, gia đình tôi tiếp tục gửi hồ sơ của cha lên các cấp để được xét nhưng được trả lời là chưa có đợt…”.

Bức thư ông Vũ Ngọc Hà và anh trai là Vũ Lập Cự gửi đến cho chúng tôi mang theo nỗi lo lắng, sau này các nhân chứng cao tuổi không còn nữa thì sẽ chẳng còn ai biết về sự hi sinh của cha ông. Trong khi, ông Hà và ông Cự cũng đã gần 80 tuổi. Tuy nhiên, các ông cũng mang theo niềm tin khi thấy sự quyết tâm của Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung trả lời trên báo chí, truyền hình.

Ở tỉnh Thái Bình, nơi còn rất nhiều người chưa được hưởng chế độ, chính sách người có công. Một ngày đầu tháng 4, chúng tôi về xã Tây Phong, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình gặp ông Nguyễn Đức Trình, em ruột liệt sỹ Công an Nguyễn Tiến Hùng. Ông Trình thắp hương lên mộ liệt sỹ, kể về hành trình hơn 10 năm ròng rã tìm mộ anh và đề nghị công nhận liệt sỹ cho người anh hy sinh khi đang công tác tại Công an tỉnh Hà Tĩnh.

Dưới làn bom đạn, đồng chí Nguyễn Tiến Hùng đã quên thân mình để bảo vệ cho đường giao thông huyết mạch Bắc Nam thông suốt. Anh đã hi sinh khi đang làm nhiệm vụ thông xe trên phà Phủ ở thị xã Hà Tĩnh. Ngày 29-7-2016, Công an tỉnh Hà Tĩnh và Thái Bình đã cùng tổ chức lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công cho gia đình liệt sỹ Hùng và đưa hài cốt anh trở về quê hương.

Cần sự tích cực của cán bộ giải quyết

Quá trình thu thập tài liệu chúng tôi được biết, hầu hết những vướng mắc trong giải quyết chính sách cho người có công là do giấy tờ thất lạc. Nhiều đơn vị chiến đấu cũng đã giải thể nên khó khăn trong xác nhận giấy tờ. Bởi thế, rất nhiều thương binh dù còn vết thương trên cơ thể cũng không có giấy tờ chứng minh đã chiến đấu hay bị thương ở chiến trường nào.

Thế nên, ngày 22-10-2013 Bộ LĐTB&XH và Bộ Quốc phòng ký ban hành Thông tư liên tịch số 28/2013 hướng dẫn xác nhận liệt sỹ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ. Thông tư này ra đời đã mang lại niềm vui cho nhiều người vốn đã trải qua nhiều mất mát, hi sinh trong chiến tranh.

Tuy nhiên, lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước, nhiều trường hợp làm hồ sơ giả mạo để được hưởng chế độ. Có 3 đối tượng bị giả mạo nhiều là: Giả mạo ở trường hợp xác nhận thương binh, giả mạo hồ sơ chất độc hóa học, giả mạo hưởng chính sách với TNXP.

Bên cạnh việc xử lý những trường hợp giả mạo để hưởng chế độ người có công thì các cơ quan chức năng cũng đã tập trung giải quyết các hồ sơ tồn đọng để người có công không bị thiệt thòi. Tuy nhiên, còn nhiều trường hợp bị lãng quên, nhiều trường hợp chưa được giải quyết kịp thời, thậm chí cán bộ giải quyết chính sách còn máy móc, thiếu tích cực dẫn đến hồ sơ giải quyết chậm.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã quyết tâm sẽ chỉ đạo đẩy nhanh giải quyết hồ sơ tồn đọng với người có công, phấn đấu cuối năm 2017 hoàn thành căn bản hồ sơ tồn đọng, tiếp tục tháo gỡ khó khăn về giấy tờ gốc trong xác minh, đặc biệt là với lực lượng thanh niên xung phong… Phấn đấu năm 2020 không còn bỏ sót trường hợp người có công nào chưa được công nhận.

Bản thân người có công và gia đình luôn mong mỏi được Tổ quốc, nhân dân ghi nhận những cống hiến cho cuộc chiến. Với họ, kinh phí hỗ trợ chỉ là một phần, điều lớn hơn mà họ cần là danh dự để họ có quyền được tự hào với làng xóm và với thế hệ sau. Cán bộ giải quyết chính sách cần trách nhiệm, thực sự tâm huyết để bớt đi những nỗi đau còn dai dẳng sau chiến tranh. Báo CAND sẽ tiếp tục chuyển đơn thư đề nghị của người dân tới các cơ quan chức năng đề nghị giải quyết.

Trả lời chất vấn các đại biểu quốc hội ngày 18-4, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, từ 2012 – 2016, Bộ đã thanh tra việc lập hồ sơ thương binh ở 5 quân khu và 29 địa phương. Trong hơn 60.000 hồ sơ tại các địa phương thanh tra thì có 12.000 hồ sơ không đảm bảo cơ sở pháp luật và không đủ điều kiện ưu đãi; 1.800 hồ sơ giả mạo. Từ kết quả thanh tra đã buộc hoàn trả chế độ hưởng sai 130 tỉ đồng, kiến nghị xuất toán, thu hồi nộp ngân sách nhà nước 13 tỉ đồng.

Từ khóa » Bốt Quỳnh Lang