Công Bố 16 Tác Phẩm Sử Thi Tây Nguyên - VnExpress Giải Trí

Những tập sử thi đặc sắc vừa được ra mắt. Ảnh: A.V.

16 tác phẩm sử thi này được thiết kế trọn vẹn trong 16 ấn bản đẹp, trang trọng. Mỗi ấn bản dày trên dưới 1.000 trang. Các tác phẩm đều có lời giới thiệu của Chủ tịch Viện khoa học Xã hội Việt Nam; có bài giới thiệu của biên tập viên tác phẩm sử thi và có chân dung của các nghệ nhân diễn xướng. Phần đầu của tác phẩm là phiên âm tiếng dân tộc, phần sau là bản dịch tiếng Việt, phần cuối là chú giải. Tất cả đều được đóng bìa cứng với những hình vẽ minh họa trang nhã. Đặc biệt, bìa 4 có phần giới thiệu sơ lược về bộ sưu tập Sử thi Tây Nguyên bằng tiếng Anh.

16 ấn bản đầu tiên này của bộ sử thi Tây Nguyên do Viện nghiên cứu Văn hóa phối hợp với NXB Khoa học xã hội và Công ty Fahasa cho ra mắt công chúng Việt Nam và giới nghiên cứu. Trong tương lai không xa, chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng đầy đủ bộ sử thi lớn nhất Việt Nam.

Cách đây 79 năm, cuốn sử thi Việt Nam đầu tiên được công bố ở Pháp. Đó là sử thi Đăm San của người Ê Đê do nhà nghiên cứu L. Sabatier sưu tầm. Sau đó, việc nghiên cứu, sưu tầm sử thi dần phát triển ở Việt Nam nhưng mới ở dạng tự phát. Tháng 3/2001, chính phủ thông qua dự án "Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên". Theo kế hoạch đến hết năm 2007 sẽ có 75 tác phẩm sử thi Tây Nguyên được ra mắt.

Viện nghiên cứu Văn hóa (thuộc Viện khoa học xã hội) chủ trì dự án, phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên và vùng phụ cận thực hiện. Tháng 11/2001, dự án được triển khai với tổng kinh phí hơn 17,3 tỷ đồng. Chủ tịch Viện khoa học Xã hội Việt Nam, GS-TS. Đỗ Hoài Nam là trưởng ban chỉ đạo dự án. Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa, GS-TS. Ngô Đức Thịnh, là Giám đốc điều hành, và sau đó GS-TS. Nguyễn Xuân Kính tiếp tục công việc này. Đến nay, công tác điều tra, sưu tầm về cơ bản đã hoàn thành. Việc bảo tồn, bảo quản các tư liệu, hiện vật liên quan đến sử thi cũng đã và đang được tiến hành.

GS-TS. Nguyễn Xuân Kính, Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa, cho biết: "Khó khăn lớn nhất chính là việc phiên âm, phiên dịch và biên tập văn học. Hiện nay, chúng ta sưu tầm được trên 100 tác phẩm sử thi của người Mơ Nông nhưng chỉ có một mình nghệ nhân Điểu Kâu (trên 70 tuổi) mới có thể phiên âm và phiên dịch". Đặc biệt đối với hơn 60 tác phẩm sử thi của người Gia Rai đã sưu tầm được, chưa ai có thể đảm nhiệm công việc phiên âm và phiên dịch. Do đó, với những băng ghi âm tiếng dân tộc lưu giữ được, người làm công tác nghiên cứu sẽ cố gắng dịch và chú thích đến đâu thì làm đến đấy, chỗ nào không làm được thì thế hệ sau sẽ tiếp tục.

fdhrtjyr

Các học viên lớp truyền dạy sử thi của tỉnh Đắc Nông đọc sách mới xuất bản của dự án. (Ảnh tư liệu)

Hiện tại, quỹ Ford (Mỹ) đã tài trợ cho Viện nghiên cứu Văn hóa thực hiện 3 dự án: Đào tạo các nhà nghiên cứu về kỹ thuật sử dụng máy móc trong quá trình điều tra, nghiên cứu, bảo quản sử thi; Truyền dạy sử thi cho các thế hệ trẻ Việt Nam; Đào tạo trí thức trẻ Tây Nguyên để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của sử thi Tây Nguyên.  

Trong buổi trao đổi, GS. Phan Đăng Nhật nêu lên 3 đặc điểm tiêu biểu nhất của sử thi Tây Nguyên: Chứa đựng đầy đủ nhất lịch sử, cuộc sống, con người và thiên nhiên Tây Nguyên; Sử thi Tây Nguyên là sử thi sống, nghĩa là không giống với những sử thi khác, người thưởng thức sử thi Tây Nguyên còn được nghe giọng hát (kể), được thấy điệu bộ của nghệ nhân, được sống trong không khí đồng cảm của cộng đồng; Đặc biệt, sử thi Tây Nguyên Việt Nam có khối lượng đồ sộ. Các quốc gia khác thường chỉ có 1 hoặc 2 sử thi, trong khi đó Việt Nam có hàng trăm bộ.

Về việc có người nghi ngờ số lượng đồ sộ này và đặt câu hỏi: "Sử thi chứ có phải củ mì đâu?", GS. Phan Đăng Nhật khẳng định, việc điều tra, sưu tầm, tuyển chọn sử thi rất kỳ công, kỹ càng và những sử thi được tìm thấy là những sử thi đích thực. "Đó là niềm tự hào của chúng ta", ông nói.  

dgerher

Nghệ nhân A Lưu, người hát kể sử thi Ba Na ở Kon Tum. (Ảnh tư liệu)

Theo GS-TS. khoa học Tô Ngọc Thanh, dựa trên những giá trị đặc sắc của sử thi Tây Nguyên có thể đưa ra giả thiết: Sử thi Tây Nguyên chính là trung tâm của sử thi khu vực; cũng như GS. J.Maceda, Philippines, đã khẳng định cồng chiêng Tây Nguyên Việt Nam là trung tâm của cồng chiêng Đông Nam Á. Từ đó, ông Phan Đăng Nhật cũng nêu kiến nghị: Các dân tộc trên đất nước Việt Nam vẫn còn không ít những bộ sử thi lớn sắp mất hẳn, chúng ta phải nhanh tay "cứu vớt" chúng. Sau khi đã sưu tầm được sử thi thì cần đưa chúng vào đời sống, đưa trả về những chủ nhân đích thực để họ tiếp tục thưởng thức, hưởng thụ và bảo quản.  

Các nhà nghiên cứu đều khẳng định, chúng ta có quyền tự hào về kho tàng văn hóa vô cùng quý giá này. Dù chưa thể so về độ dài và quy mô với tác phẩm Maha Bharata, về tư duy lãng mạn trong Ramayana, tính chất anh hùng ca trong 2 tác phẩm Iliad, Odyssé; nhưng sử thi Tây Nguyên là những bản tráng ca mỹ lệ, một cảm hứng lãng mạn trong lao động chiến đấu và cả trong đời thường. Hơn thế nữa, chỉ có ở sử thi Tây Nguyên mới có cảm hứng lãng mạn theo lối tư duy mới - một lối tư duy đi suốt mọi thời đại - sống mãi theo thời gian.

Trọn bộ sử thi Tây Nguyên dự kiến là 75 tác phẩm. Trong 2 năm 2004 và 2005 đã xuất bản được 16 tác phẩm sau:

1. Cướp chiêng cổ bon Tiăng: Sử thi Mơ Nông.2. Lêng nghịch đá thần của Yang: Sử thi Mơ Nông.3. Udai - Ujà: Sử thi Rag Lai.4. Bắt con lươn ở suối Dak Huck: Sử thi Mơ Nông5. Binh con Mănh xin làm vợ Yang: Sử thi Mơ Nông6. Chi Bri - Chi Brít: Sử thi Chăm.7. Con đỉa nuốt bon Tiăng: Sử thi Mơ Nông.8. Cướp chăn lêng của Jrêng, Lêng con Ôt: Sử thi Mơ Nông.9. Giông, Giơ mồ côi từ nhỏ: Sử thi Ba na.10. Giông làm nhà mồ: Sử thi Ba Na.11. Kră, Năng cướp Bing, Kông con Lông: Sử thi Mơ Nông.12. Lấy hoa bạc, hoa đồng: Sử thi Mơ Nông.13. Lêng, Kong, Mbong lấy ché vôi trắng: Sử thi Mơ Nông14. Tiăng lấy ché rlung chim phượng hoàng ở bon Kla: Sử thi Mơ Nông.15. Thuốc cá ở hồ Bầu Trời, Mặt Trăng: Sử thi Mơ Nông.16. Yơng, Yang lấy ống bạc tượng người: Sử thi Mơ Nông.

Anh Vân

Từ khóa » Sử Thi Của Việt Nam