Sử Thi Trong Văn Học Việt Nam

1. Khái niệm

Sử thi vốn là một khái niệm dùng để chỉ một thể loại hoặc một loại hình nội dung văn học thường xuất hiện trong những giai đoạn lịch sử nhất định. Thường xây dựng hình tượng ở thang giá trị cao nhất, đẹp nhất, hoàn hảo nhất, nên sự thể hiện cái tôi sử thi luôn ở tâm thế ngưỡng mộ, sùng kính. Lời nói của sử thi là lời của nhân dân, lời của cộng đồng, lời đầu tiên và cũng là lời kết luận cuối cùng…

Sau này, những đặc trưng cơ bản của sử thi dần biến đổi, từ khái niệm sử thi – thể loại văn học, giới nghiên cứu văn học đã đưa ra khái niệm văn học sử thi. Văn học sử thi không thuộc thể loại sử thi, nhưng chứa đựng những đặc điểm cơ bản của sử thi. Nghĩa là cái tôi trữ tình sử thi vừa phải mang đặc tính loại hình (sử thi) vừa phải mang đặc trưng loại thể (trữ tình). Không lặp lại sử thi cổ đại, nhưng nguyên tắc sử thi vẫn được các nhà nghiên cứu vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo vào phạm trù văn học hiện đại. Sự biến đổi của thể loại sử thi đã được tiểu thuyết hiện đại tiếp nhận để hình thành một thể loại mới: “Tiểu thuyết sử thi”.

Văn học sử thi hướng tới cái chung, cái cao cả, sự kiện lịch sử, số phận toàn dân, chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nó thường phản ánh những sự kiện có ý nghĩa lịch sử và có tính cách toàn dân. Sử thi không phải là những số phận cá nhân mà là tiếng nói của cộng đồng, của dân tộc trước thử thách quyết liệt. Nhân vật trung tâm không đại diện cho con người cá nhân, mà đại diện cho giai cấp, dân tộc, thời đại với tính cách dường như kết tinh đầy đủ những phẩm chất cao quý của cộng đồng. Con người sống chủ yếu với hiện tại và tương lai.

Hình minh họa

2. Phân loại sử thi

Sử thi anh hùng dân gian: kể về những bậc thủy tổ – những anh hùng văn hóa, về các tích truyện dũng sĩ; xa xưa hơn nữa là các truyền thuyết lịch sử, các bài tụng ca

Sử thi cổ điển: nhân vật thường là các dũng sĩ kiêm thủ lĩnh và các chiến binh đại diện dân tộc ở tầm lịch sử; các kẻ thù của họ thường được đồng nhất với bọn xâm lược, những kẻ áp bức, ngoại bang và dị giáo

Sử thi anh hùng: ác tác phẩm sử thi anh hùng cỡ lớn, thể hiện sự tương quan giữa yếu tố cá nhân anh hùng và yếu tố sử thi tập thể rõ rệt, đủ để bộc lộ tính tích cực cá nhân, đã trở thành công cụ đắc lực cho sự biểu hiện yếu tố toàn dân, toàn dân tộc

3. Đặc điểm sử thi

Là tác phẩm theo thể tự sự, có nội dung hàm chứa những bức tranh rộng và hoàn chỉnh về đời sống nhân dân với nhân vật trung tâm là những anh hùng, dũng sĩ đại diện cho một thế hệ. Nổi bật là sử thi anh hùng, các tác phẩm thường đề cập đến những vấn đề chung của cộng đồng, của xã hội, của đất nước; những sự kiện có ý nghĩa lịch sử liên quan đến vận mệnh, sự sống còn của cả cộng đồng.

Xây dựng hình tượng: Các nhân vật, hình tượng trong các tác phẩm mang cảm hứng sử thi, dù là những con người bình dị, thuộc nhiều tầng lớp, lứa tuổi, thành phần dân tộc… đều mang trong mình những phẩm chất anh hùng, thể hiện tầm vóc lớn lao, kết tụ sức mạnh, ý chí cũng như phẩm chất chung của cả cộng đồng. Số phận cá nhân gắn chặt với số phận cộng đồng. Các vấn đề đời tư hầu như không được đặt ra, nếu có thì cũng chỉ nhằm nhấn mạnh thêm trách nhiệm và tình cảm của người anh hùng với cộng đồng.

Ngôn ngữ: Ngôn ngữ thường có tính chất trang trọng, giàu hình ảnh, có tính biểu tượng cao và giàu giá trị gợi cảm.

Giọng điệu tác phẩm thường mang âm hưởng hùng tráng, lay động và khích lệ mạnh mẽ tình cảm người đọc. Các tác phẩm mang cảm hứng sử thi luôn lạc quan, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của đất nước, vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc. Khi xây dựng những hình tượng, nhân vật, thường là cảm hứng khẳng định, ngợi ca, tự hào..Cho nên cảm hứng sử thi thường gắn với cảm hứng lãng mạn

Không gian sử thi: Không gian sử thi có hai dạng: Không gian của sử thi thần thoại mang đặc điểm của không gian thần thoại và truyền thuyết suy nguyên. Không gian sử thi anh hùng có cả không gian truyền thuyết anh hùng và không gian cổ tích thần kì. Đó là không gian cộng đồng, không gian bao gồm tất cả mọi khía cạnh: không gian thiên nhiên, không gian xã hội. Không gian thiên nhiên là núi non, sông ngòi, cây cỏ, chim chóc, thú vật, sản vật. Không gian xã hội là bản làng, sinh hoạt lao động sản xuất và chiến đấu. Không gian sử thi có chiều sâu và chiều rộng. Chiều sâu không gian kéo dài từ quá khứ đến hiện tại, trải qua nhiều loại hình xã hội từ hồng hoang đến công xã nguyên thủy rồi công xã thị tộc, tiếp cuối cùng là xã hội phụ quyền. Chiều rộng là không gian bao quát từ làng quê đến bộ lạc, từ nông thôn đến núi rừng, từ mặt đất đến bầu trời, từ cảnh người đến cảnh vật và cảnh trời.

Thời gian sử thi: Thời gian sử thi là thời gian kéo dài nhiều triều đại, nhiều biến cố. Đó là thời gian lịch sử một dân tộc, bộ lạc, thời gian lịch sử của một dòng họ, một chế độ. Trong suốt thời gian dài có những khoảng thời gian ngắn tương ứng với từng thời kỳ, từng cuộc đời, từng số phận con người. Có khoảng thời gian xác định như thời gian của cuộc đời nhân vật nhưng cũng có khoảng thời gian không xác định đó là thời gian thời kỳ hồng hoang, thời kỳ hình thành dân tộc. Như vậy là ở sử thi có hai loại thời gian: thời gian thần thoại là thời gian không xác định và thời gian truyền thuyết là thời gian xác định, tất cả đều là thời gian quá khứ.

Nếu quý vị thấy bài viết Sử Thi trong văn học Việt Nam thú vị và hữu ích đừng quên chia sẻ để nhiều người được biết đến.

Từ khóa » Sử Thi Của Việt Nam