Công Dụng, Cách Dùng Đỉa - Tra Cứu Dược Liệu

Mục lục

  • Mô tả con vật
  • Phân bố, nuôi, bắt đỉa và chế biến
  • Thành phần hóa học
  • Công dụng và liều dùng

Mô tả con vật

Đỉa thuộc nhiều loài đều dùng làm thuốc được. Phổ biến có mấy loài sau đây:

  • Đỉa xám Hirudo medicinalis L. màu lục nhạt, trên lưng có 6 dải dọc màu hung đỏ, bụng có những điểm màu đen và 2 dải dọc màu đen nhạt.
  • Đỉa xanh lục Hirudo offcinalis Mop. màu xanh lục nhạt trên lưng có 6 dải chạy dọc nhưng ở bụng không có những điểm đen và có 2 dải màu đen chạy dọc, đốt trên thân nhẵn chứ không có những bướu như đỉa xám.
  • Đỉa trâu có nơi gọi là đỉa rồng Hirudo troctina Mop. có lưng màu xanh lục với mép màu vàng cam. Những dải trên lưng được thay thế bởi những chấm riêng lẻ hình tròn hay hình vuông cứ cách 5 đốt lại có một đường. Bụng màu lục vàng nhạt, có đốm hay không đốm, 2 bên có 2 -dải không thẳng. Những chấm này màu đen với mép vàng hay màu vàng cam với mép đen.

Phân bố, nuôi, bắt đỉa và chế biến

  • Đỉa là một con vật sống dưới nước lặng hay nước chảy chậm tại hầu hết các khu vực trên thế giới châu Âu, châu Phi, châu Á …
  • Đỉa sống bằng hút dịch cây cỏ, hút chất dinh dưỡng của động thực vật thủy sinh và nhất là chúng thích hút máu, trâu, bò, người và động vật. Khi con đỉa muốn hút máu người và con vật, trước hết nó bám vào người hay con vật bằng miệng hút rất chặt, sau đó dùng ba hàng hàm, mỗi hàng hàm là một khối cơ mang trên mép hàng trăm răng nhỏ hình chữ V, đầu nhọn chữ V rạch trên da người hoặc con vật một vết thương rồi hút máu. Người ta đã tính một con đỉa hút khoảng 15g máu trước khi no và rơi ra. Nhưng sau khi con đỉa đã rơi khỏi người và con vật thì khoảng 15g máu nữa tiếp tục chảy. Như vậy mỗi con đỉa lấy ở con vật ra khoảng 30g máu.
  • Trước đây, vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 nhu cầu dùng đỉa chữa bệnh rất lớn ở châu Âu. Nhiều nước đã đặt vấn đề nuôi đỉa. Người ta đã thống kê chỉ riêng một số bệnh viện vùng thủ đô Paris của Pháp mà từ 1830 đến 1842, mỗi năm tiêu thụ hết 828.000 con đỉa. Muốn nuôi đỉa, người ta chọn một nơi ao hồ hay dòng nước chảy chậm, nuôi đỉa bằng những con ngựa và la già. Nhưng trước khi bắt đỉa đem bán lại phải cho đỉa nhịn đói. Năm 1977, công ty ngoại thương Imexco ở thành phố Hổ Chí Minh đã thu mua đỉa để xuất khẩu dưới dạng đông lạnh. Muốn bắt đỉa cần chú ý rằng con đỉa sẽ tụ lại khi có sự khuấy động, hay khi có mùi máu, mùi mồ hôi. Đỉa bắt được cho ngay vào thùng chứa nước, tốt nhất thay nước ngày 1-2 lần bằng nước nơi đỉa sống. Nếu vận chuyển, thỉnh thoảng nhúng gói đỉa xuống nước cho đủ ẩm.

Thành phần hóa học

Quanh miệng con đỉa có những tuyến nước bọt tiết ra chất hirudin có tác dụng làm cho máu không đông lại. Hirudin là một chất men có trọng lượng phân tử khoảng 20.000, tan trong nước, trong nước muối sinh lý, không tan trong cồn, ête, axeton, gồm rất nhiều axit amin hợp thành.

Công dụng và liều dùng

  • Trước đây đỉa được dùng sống để cho hút máu trong nhiều trường hợp viêm tấy. Cách điều trị này không được dùng cho những người già, trẻ em và những người máu khó đông. Nhưng việc dùng đỉa để hút máu trực tiếp rất nguy hiểm do đỉa có thể truyền những bệnh như bệnh than, bệnh nhiễm trùng. Cho nên từ lâu không dùng đỉa nữa. Gần đây người ta dùng đỉa làm nguyên liệu chiết men hirudin dùng dưới dạng thuốc tiêm, thuốc xoa để chữa những trường hợp máu hay đông tắc, viêm màng bao tim, trĩ, tụ máu nội, tạng, tụ máu ở các vết thương …

Từ khóa » Dùng đỉa Làm Thuốc