Vị Thuốc Từ... đỉa - Báo Sức Khỏe & Đời Sống
Có thể bạn quan tâm
Cách đây khoảng 2000 năm, người ta đã biết dùng đỉa để trị bệnh. Và cũng phải vào khoảng thế kỷ XIX, “Liệu pháp đỉa” mới đưaợc hình thành ở châu Âu, nhất là ở các nước Pháp, Anh, Nga. Có nhiều loại: đỉa trâu, đỉa xanh lục, đỉa xám.
Ở mỗi con đỉa đều có hai cái giác, ở phía đầu có giác miệng, bên trong có 3 hàng hàm, mỗi hàm là một khối cơ, mang trên mép, có tới 300 chiếc răng nhỏ, còn giác phía đuôi, nhỏ hơn, là phương tiện dùng để đỉa có thể bám chắc vào các vật thể. Do đặc điểm cấu tạo của các giác ở miệng, vừa có một khối cơ rắn chắc, lại có nhiều răng nhỏ, đồng thời có một chất “gây tê” được tiết ra, khi cắn. Do vậy mà đỉa có thể hút máu của đối phương một cách dễ dàng, vì không gây ra một cảm giác đau đớn gì cả. Chỉ tới khi no căng mới tự rơi ra. Khi đó máu ở vết cắn vẫn tự do chảy tiếp với số lượng ngang bằng với lượng máu mà nó hút được, vì trong nước bọt của đỉa đã tiết ra một chất men có tác dụng làm máu không đông, đó là chất hirudin, bản chất là enzym hialuridase.
Dùng đỉa trị bệnh như thế nào?
Người ta lợi dụng tính chất hút máu của đỉa để chích máu trong những trường hợp viêm tấy ở mặt, miệng, những mụn nhọt đã mưng nhiều mủ… Và chính việc làm này đã hình thành ra một phương pháp chữa bệnh từ đỉa và gọi là “Liệu pháp đỉa”. Tuy nhiên liệu pháp này lại bộc lộ nhiều nguy cơ lây nhiễm một số bệnh cho người. Do đó, đã có một thời gian dài, liệu pháp đỉa đã không được trọng dụng nữa. Tuy vậy, trong vòng 25 năm trở lại đây, người ta đã tái sử dụng phương pháp này với các loại đỉa đã được chuẩn hóa “đỉa sạch”, có nghĩa là đỉa đã được tuyển chọn và nuôi dưỡng và bảo quản trong những điều kiện thích hợp, và được sử dụng cho việc hút máu ở những bộ phận cơ thể bị ứ huyết, hoặc các ổ áp xe của phủ tạng, hoặc khi cấy mô trong phẫu thuật tái tạo, hoặc gắn lại các bộ phận của cơ thể, các nơi nối ghép có những hoại tử…Ngoài ra, người ta còn dùng nước bọt của đỉa để sản xuất nhiều loại dược phẩm để điều trị các bệnh tim mạch, nhất là các bệnh huyết khối có nguy cơ gây đột quỵ, hoặc các bệnh thấp khớp, hen phế quản, tăng nhãn áp, bệnh phụ khoa…
Trong YHCT, đỉa được gọi với tên thuốc là thủy điệt, có vị mặn, đắng, tính bình, có độc. Quy kinh can, tác dụng phá huyết, trục ứ, thông kinh hoạt lạc.
Một số bài thuốc trị bệnh có dùng đỉa:
- Trị chứng bế kinh, huyết ứ hoặc sau đẻ, có nhiều cục máu đông thành khối, gây đau đớn: dùng đỉa đã chế biến tương đương với lượng của 30 con, đại hoàng 30g. Cả hai đều nghiền thành bột, mỗi ngày uống 5g.
- Chữa máu tụ sau sinh: đỉa đã chế biến, tương đương với một con, tán thành bột, uống với rượu nóng, trong một ngày.
- Trị sưng tấy, bầm tím cơ nhục do chấn thương: dùng mỗi ngày 3g bột đỉa, uống với rượu nóng.
- Trị trúng phong, tê dại: mỗi lần uống 3g bột đỉa với nước ấm.
- Trị sưng lá lách: đỉa đã chế biến, dùng lượng bột, tương đương với 1 con đỉa, đan sâm 3g. Dùng dưới dạng thuốc tán. Ngày uống hai lần, mỗi lần 1-1,6g.
- Chữa tắc động mạch vành: đỉa 3g, rễ cây chè 30 g, kim tiền thảo 15g. Sắc uống, ngày một thang, uống một lần.
Chú ý, do đỉa có tính hoạt huyết rất mạnh (phá huyết), không dùng cho phụ nữ có thai và những trường hợp có nguy cơ xuất huyết: trĩ xuất huyết, chảy máu cam, đa kinh…
GS.TS. Phạm Xuân Sinh
Từ khóa » Dùng đỉa Làm Thuốc
-
Bài Thuốc Nghìn Năm Từ Con đỉa Khô - VnExpress Sức Khỏe
-
Đỉa Làm Thuốc Lợi Và Hại - Tiền Phong
-
Đỉa Khô Dùng để Làm Gì? - Báo Thanh Niên
-
Bất Ngờ Với Tác Dụng Chữa Bệnh Của Con Đỉa
-
Liệu Pháp Dùng đỉa Chữa Bệnh Trong Y Học Cổ Truyền | VIAM
-
Công Dụng, Cách Dùng Đỉa - Tra Cứu Dược Liệu
-
Tác Dụng Của đỉa: Dùng để Làm Gì?
-
Đỉa Trong Y Học: Tại Sao Mỗi Năm Người Nga Dùng Tới 10 Triệu Con ...
-
NHỮNG TÁC DỤNG " BẤT NGỜ " CỦA CON ĐỈA - Thuốc Hay
-
Liệu Pháp Dùng đỉa Hút Máu
-
Khi Bị đỉa Hút Máu, Cần Xử Lý Như Thế Nào?
-
Đỉa – Wikipedia Tiếng Việt
-
Tổ đỉa Tái Phát Kèm Da Nhăn Teo Nên Uống Thuốc Gì? | Vinmec