Cong Giao Viet Nam


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Lm. JB. Bùi Ngọc Điệp
Bài Viết Của Lm. JB. Bùi Ngọc Điệp
CUỘC SỐNG ĐỜI SAU LÀ SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI
LÒNG SÁM HỐI VÀ ƠN CỨU ĐỘ
LỜI CẦU NGUYỆN KHIÊM NHƯỜNG
TÌM HIỂU VÀ SUY NIỆM VỀ SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO NHÂN NGÀY KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO
CẦU NGUYỆN CHO VIỆC TRUYỀN GIÁO
LÒNG BIẾT ƠN LÀM NÊN ĐIỀU KỲ DIỆU
XIN THÊM LÒNG TIN
TUÂN GIỮA ĐIỀU RĂN - ĂN NĂN SÁM HỐI
TIN MỪNG CHO NGƯỜI NGHÈO
DỤ NGÔN BA CHA CON
NHỮNG ĐIỀU KIỆN PHẢI CÓ ĐỂ TRỞ NÊN MÔN ĐỆ CHÚA KITÔ
CHÚA TÔN VINH KẺ KHIÊM NHƯỜNG VÀ KẺ KHIÊM NHƯỜNG TÔN VINH CHÚA
NƯỚC TRỜI: NHÀ RỘNG - CỬA HẸP
HAI CHỊ EM MÁCTA VÀ MARIA
TÌM HIỂU VÀ SUY NIỆM VỀ SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO NHÂN NGÀY KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO

  

I.- TRUYỀN GIÁO LÀ GÌ?

Dựa theo các sắc lệnh Công Đồng về Hoạt động Truyền giáo của Giáo Hội hay “Sứ vụ truyền giáo cho lương dân – Missio Ad Gentes”. Truyền giáo là khái niệm được hiểu trong tương quan với những dân tộc và nhóm người nơi mà Chúa Kitô và Phúc Âm chưa được biết đến hoặc biết đến chưa đầy đủ. Thông điệp truyền giáo Redemptoris Missio phân biệt sứ vụ truyền giáo với “thừa tác vụ mục vụ bình thường” và “tái Phúc Âm hóa”. Dựa theo Thông điệp ấy, các khái niệm “truyền giáo” và “hoạt động truyền giáo” được giải thích cặn kẽ hơn và ngày hôm nay cũng được đề cập đến vấn đề phải hiểu truyền giáo là như thế nào. (Karl Muller, SVD)

Công Đồng Vaticanô II khẳng định rằng: Hành trình lữ thứ của Giáo Hội tự bản chất là một cuộc truyền giáo” (AG 2), và qua đó đối với Giáo Hội và mỗi Kitô hữu, việc nghiên cứu ngành học truyền giáo và thực hiện việc truyền giáo phải trở nên nền tảng năng động cho mọi người Kitô hữu và là trung tâm điểm của Giáo Hội. Vì thế, tất cả mọi người đều có nhiệm vụ thừa sai như nhau, tuy nhiên chức năng và tầm hoạt động có thể khác nhau tùy nhu cầu và khả năng riêng biệt… 

1. Xét về từ ngữ:

Chúng ta có thể hiểu nội dung của những từ này tương tự nhau:

- Truyền giáo.

- Rao giảng.

- Loan báo Tin Mừng.

- Làm chứng.

Vì mục đích của truyền giáo, rao giảng, loan báo Tin Mừng hay làm chứng, chính là giới thiệu đức tin, tình yêu và miềm cậy trông của mình vào một Thiên Chúa Ba Ngôi: tạo dựng, yêu thương và cứu độ muôn người. 

Một Hạn từ thường dùng nữa, hiểu theo tính đặc sủng đó là “sứ vụ” hay “thừa sai”, có nghĩa là được Đức Giêsu Kitô sai đi để rao giảng Tin Mừng cho muôn dân và làm cho họ trở thành môn đệ của Chúa. Từ ngữ này được gán cho những nhà truyền giáo chuyên biệt, với sứ mệnh được ủy thác chuyên biệt.

2. Xét về phương thế:

Người ta có thể dùng: lời nói, chữ viết, cử chỉ, thái độ, nghi lễ, đời sống chứng nhân, phương tiện truyền thông và cả các công trình nghệ thuật… để loan báo Tin Mừng. 

Dù bằng phương thế nào, thì hoạt động của Giáo Hội bao giờ cũng phải đặt sứ vụ truyền giáo lên mức ưu tiên hàng đầu. Hội Thánh không thể thoái thác lệnh truyền rõ ràng của Đức Kitô, cũng không thể tước mất của mọi người “Tin Mừng” về tình yêu và ơn cứu độ của Thiên Chúa đối với họ. Việc rao giảng Tin Mừng luôn luôn bao gồm một lời công bố rõ ràng rằng: Trong Đức Kitô… ơn cứu độ được cống hiến cho mọi người, như một quà tặng của ân sủng và lòng thương xót của Thiên Chúa; đó chính là nền tảng, là tâm điểm, và đồng thời là tột đỉnh của động năng việc rao giảng. Mọi hình thức hoạt động truyền giáo đều hướng tới việc rao giảng này, nó tỏ lộ và dẫn tới mầu nhiệm vốn được giữ kín từ bao thế hệ và đã được mặc khải trong Đức Kitô – tâm điểm của việc truyền giáo” (x. RM 44; EN 22). 

Sứ mạng đến với muôn dân “Ad Gentes” là một thực tại phức tạp bao gồm những hoạt động và những giai đoạn khác nhau (x. RM 31). Nó đòi hỏi phải có một tiến trình lâu dài, bắt đầu với việc loan báo đầu tiên “kerygma và dạy giáo lý”, cuộc hoán cải, thời dự tòng (thanh tẩy), khai tâm và việc hình thành một cộng đoàn Kitô giáo tự lập. Tiếp theo là việc xây dựng các cơ cấu Hội Thánh địa phương với hàng giáo sĩ riêng, các tu sĩ và các cơ cấu thích hợp với môi trường văn hóa riêng của địa phương. Sự chăm lo mục vụ cho cộng đoàn tín hữu và việc tái rao giảng Tin Mừng cho những ai đã mất cảm thức đức tin và cảm thức thuộc về Hội Thánh. (Paolo Giglioni)

3. Nhà truyền giáo là những ai?

- Theo nghĩa rộng: Là bất kỳ ai, đặc biệt là người Kitô hữu, họ là những người dùng lời nói, chữ viết, cử chỉ, thái độ, nghi lễ, đời sống chứng tá, phương tiện trruyền thông và công trình nghệ thuật để giới thiệu hay làm chứng về Chúa Giêsu Kitô và Tin Mừng Cứu độ cho người khác.

- Theo nghĩa hẹp: Là các giám mục, linh mục, tu sĩ và có cả một số giáo dân được truyển chọn. Nhưng họ phải là những người được bổ nhiệm hay được sai đến sống và làm việc giữa những người khác đạo (lương dân) để giới thiệu Chúa Giêsu và Tin Mừng Cứu độ cho những người chưa biết Chúa và giúp họ nhận ra Chúa và gia nhập Giáo Hội… qua các Bí tích gia nhập Đạo: Thanh Tẩy, Thêm Sức và Thánh Thể.

Với tư cách là người thực hiện sứ vụ. Nhà truyền giáo không thể làm cho người khác trở thành môn đệ của Chúa Giêsu Kitô nếu bản thân nhà truyền giáo không là một môn đệ đích thực của Ngài. Chính vì lẽ đó, nhà truyền giáo phải có tư cách riêng của người môn đệ Chúa Kitô bằng đời sống kinh nguyện và việc tu luyện, mỗi ngày nhà truyền giáo lớn lên dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Bất kể nhà truyền giáo ấy là ai, thì cũng phải cần học hỏi khuôn mẫu của những nhà truyền giáo tiên khởi, sách Công Vụ thuật lại rằng: “Họ cầu nguyện xong, thì nơi họ họp nhau rung chuyển; ai nấy đều được tràn đầy Thánh Thần và bắt đầu mạnh dạn nói Lời Thiên Chúa” (Cv 4, 31).

II.- BẢN CHẤT CỦA SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO

Bản chất truyền giáo của Giáo Hội, dựa trên chính sứ mạng thừa sai của Thiên Chúa Ba Ngôi” (RM 01). Trước khi Chúa Giêsu Tử Nạn, Phục Sinh và lên Trời, Người đã ủy thác cho các Tông Đồ một mệnh lệnh truyền giáo, vang lên như một lời mời gọi, một sự hiệu triệu thành khẩn: Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19-20). 

Mục đích sứ vụ của Đức Kitô ngày nay vẫn luôn duy trì như vậy. Thông điệp Đấng Cứu Thế có ghi nhận: “Một trong những mục đích chính yếu của sứ vụ truyền giáo là quy tụ dân chúng để nghe Tin Mừng, để sống hiệp thông huynh đệ, để cầu nguyện và cử hành Bí tích Tạ ơn. Sống ‘hiệp thông huynh đệ’ (koinoia) có nghĩa là ‘chỉ có một lòng một ý’ (x. Cv 2,46) bằng cách xây dựng một đời sống hiệp thông về mọi phương diện: Thể lý, tâm lý, tâm linh và vật chất. Trong thực tế, cộng đoàn Kitô hữu đích thực đó quyết tâm phân phát các của cải vật chất để không ai phải túng thiếu và để tất cả mọi người có thể sử dụng của cải theo nhu cầu của mỗi người” (RM 26).

Chúng ta được biết, sứ vụ của Chúa Con từ khi nhập thể được khởi sự cho đến cái Chết và Phục Sinh đều được Chúa Thánh Thần đồng hành và dẫn dắt. Sứ vụ của Chúa Con thiết yếu phải liên hệ và bày tỏ sứ vụ của Thần Khí, và không hủy bỏ hoạt động liên tục của Thần Khí. Chúa Thánh Thần là Đấng gieo vãi “hạt giống Lời Chúa” (x. LG 17; AG 3,15; RM 28), nhưng Lời gieo vãi chính là hạt giống Thần Khí của sự hiệp thông trong tâm hồn các dân tộc. Nhưng tất cả hoạt động như thế đều hướng đến Chúa Con. Và cũng tương tự như vậy, tất cả hoạt động cứu độ của Chúa Con đều hướng đến Chúa Thánh Thần, hướng đến sự hiệp thông Đồng Bản Thể giữa Chúa Cha và Chúa Con. 

Mối liên hệ tương tự như thế cũng xảy ra nơi sứ vụ của Giáo Hội ngày nay. Sứ vụ của Giáo Hội không tách biệt khỏi mục tiêu đích thực của các tôn giáo trên thế giới, như Thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Thế đã tuyên bố rõ ràng rằng: “Không được tách rời hoạt động phổ quát của Chúa Thánh Thần khỏi hoạt động riêng biệt của Người trong thân thể của Đức Kitô là Giáo Hội. Quả thật, chính Chúa Thánh Thần luôn luôn hoạt động, cả khi làm cho Giáo Hội được sống động hay thúc đẩy Giáo Hội loan báo Đức Kitô, cũng như khi tuôn đổ và làm tăng triển các hồng ân của Người nơi tất cả mọi người và mọi dân tộc. Người dẫn dắt Giáo Hội khám phá, cổ võ và đón nhận các hồng ân đó nhờ đối thoại”. (RM 29)

Như vậy, có một mối liên hệ và sự hỗ tương thiết yếu giữa sứ vụ của Chúa Con và sứ vụ của Chúa Thánh Thần trong thế giới. Và như vậy thì không thể có hai con đường cứu rỗi song song: “Thánh Thần, Đấng đã hoạt động trong biến cố nhập thể, trong đời sống, cuộc khổ nạn, sự Chết và cuộc Phục Sinh của Đức Giêsu nay đang hoạt động trong Giáo Hội. Như thế, Người không thay thế Đức Kitô và không phải là lấp đầy một chỗ trống, như đã có một giả thuyết nói rằng: có thể có chỗ trống giữa Đức Kitô và Ngôi Lời”. (RM 29)

Thật vậy, Thần Khí muốn thổi đâu Người muốn. Tuy nhiên, điều này không được hiểu như một hoạt động tách biệt khỏi hoạt động của Đức Giêsu Kitô và Giáo Hội của Người. Thần Khí chỉ thổi để đưa đến sự hiệp thông và thiết lập Nước Thiên Chúa trong tâm hồn các dân tộc nhờ Đức Giêsu Kitô.

III.- NỘI DUNG TRUYỀN GIÁO

1. Dựa trên nền tảng Chúa Ba Ngôi:

Nội dung nền tảng của sứ mạng truyền giáo là Chính Chúa Ba Ngôi. Chúng ta có thể tóm lược như sau: Sứ mạng thừa sai của Giáo Hội, trong bản chất thừa sai và trong sự hiện hữu của mình, gắn liền và bắt nguồn từ sứ mạng thừa sai của Chúa Giêsu Kitô. Nhưng Chúa Kitô được Chúa Cha sai đến (x. Ga 3,16) và qua Ngài, Người sai Thánh Thần (x. Ga 15,26) đến trong Giáo Hội, như một món quà đầu tiên và hằng sống. Như vậy chính Thiên Chúa Ba Ngôi là nguồn mạch và cội rễ cho sự hiện hữu và sứ mạng thừa sai của Giáo Hội (x. AG 2). Theo chiều hướng này, ta có thể nói rằng giữa Giáo Hội và Thiên Chúa Ba Ngôi có một mối liên hệ về bản thể, hoặc Giáo Hội là hình ảnh của Chúa Ba Ngôi. (Adam Wolanin. SJ)

Theo ý nghĩa này: Chúa Ba Ngôi là cốt lõi, là nội dung và là bản chất thừa sai của Giáo Hội, cội rễ của sự hiện hữu của mình ấy là Thiên Chúa, Đấng đã mặc khải và tự trao ban cho nhân loại trong tư thế là Cha và Con và Thánh Thần. Chân lý này được quảng diễn ngắn gọn và rõ ràng trong sắc lệnh Ad Gentes của Công Đồng Vaticanô II: “Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo, vì chính Giáo Hội bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo ý định của Thiên Chúa Cha” (AG 2). Ở đoạn kế tiếp ta đọc được rằng “Ý định này tuôn trào từ suối tình yêu, nghĩa là từ tình yêu của Thiên Chúa Cha, Người là nguyên lý vô nguyên lý, bởi Người, Chúa Con được sinh ra, và cũng bởi Người và nhờ Chúa Con mà phát xuất Chúa Thánh Thần” (x. AG 2).

2. Dựa trên nền tảng sứ vụ Kitô giáo: 

Giáo Hội đặt niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa, Người đã làm người, đã chết và đã sống lại để cứu độ nhân loại, và đã ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ. Chính con người của Đức Giêsu Kitô, qua sự chết và phục sinh của Người là một quyết định cho sự cứu độ muôn dân. Thế nên, không thể có sứ vụ Kitô giáo nào mà lại không loan báo về Đức Giêsu Kitô bị đóng đinh, đã sống lại và ngự bên hữu Chúa Cha. “Ơn cứu độ nơi Kitô giáo vẫn là duy nhất; không thể coi các tôn giáo như nhau hay bằng nhau được”. Điều có thể nói được là: tuy có nhiều tôn giáo và nhiều “sứ vụ” trong thế giới, nhưng điều làm nên tính duy nhất của sứ vụ trong Giáo Hội là chính Đức Giêsu Kitô. (Sebastian Karotemprel, S.D.B)

Đức Giêsu Kitô là con đường duy nhất cho Giáo Hội, như Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã dạy: Đức Giêsu Kitô là con đường chính yếu cho Giáo Hội. Tự chính Người là con đường dẫn tới nhà Chúa Cha của chúng ta và là con đường cho từng người một” (RH 38).

3. Dựa trên nền tảng Thần Khí:

Thông điệp sứ vụ Đấng Cứu Thế gọi Chúa Thánh Thần là tác nhân siêu việt và chính yếu của sứ vụ Giáo Hội. Thông điệp minh chứng rằng sứ vụ của Đức Giêsu Kitô luôn luôn liên kết với Chúa Thánh Thần (x. RM 36). Tân ước chứng tỏ rằng: chỉ có một sứ vụ thần linh từ Chúa Cha đến với nhân loại thông qua Người Con Một, Ngôi lời nhập thể và Chúa Thánh Thần.

Chúa Thánh Thần là tác nhân siêu việt. Người đã nói qua các Ngôn sứ, qua việc chuẩn bị và thực hiện hóa Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô Phục Sinh trong tâm hồn mọi người và trong lịch sử nhân loại. Người giữ vai trò chủ đạo trong toàn bộ sứ vụ của Giáo Hội, đặc biệt là sứ vụ truyền giáo. Người chuẩn bị cho các Tông đồ và Cộng đoàn những người truyền giáo đã được rửa tội. Người chuẩn bị cho sự loan báo Tin Mừng của Giáo Hội qua việc gieo vãi và phát triển những ân huệ nơi tất cả mọi dân tộc, nơi nền văn hóa và tôn giáo của họ. Chính Chúa Thánh Thần là Đấng gieo vãi những “hạt giống của Lời” đang hiện diện nơi họ và chuẩn bị cho sự chín mùi của họ nơi Đức Giêsu Kitô. Nhiệm vụ này được thực hiện đầy đủ khi mọi người được hoàn toàn trở thành những tạo vật mới nơi hình ảnh của Thiên Chúa, mà qua đó họ đã được trù định từ ban đầu. Vì thế chỉ có một sứ vụ cứu độ từ Chúa Cha đến với nhân loại qua Đức Giêsu Kitô, Con của Người và Chúa Thánh Thần. (Tomaso Federict)

Tóm lại: Sứ vụ chỉ có một mà thôi, vì trước khi Chúa Kitô đến Chúa Thánh Thần đã hoạt động rồi. Sứ vụ của Chúa Kitô là làm cụ thể hóa sứ vụ của Chúa Thánh Thần mà Chúa Cha đã trao phó. Sứ vụ ấy chính là “sứ vụ cứu độ muôn người”. Giáo Hội là phương thế hữu hiệu để đạt được ơn cứu độ.

4. Dựa trên nền tảng sứ vụ của Giáo Hội:

Chúa Giêsu giao cho Giáo Hội tiếp tục sứ vụ của Ngài: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo…” (Mc 16,15). Qua quyền giảng dạy được trao ban này, Giáo Hội nắm giữ kho tàng Kinh Thánh, giải thích và loan báo Lời Chúa cho mọi người. Vì thế, Giáo Hội luôn ý thức trong mình tinh thần phục vụ của sứ vụ. Toàn bộ sứ vụ của Giáo Hội tóm lược trong một cụm từ “Nước Trời”. Giáo Hội phải là hạt giống, là dấu chỉ và là dụng cụ của Vương Quốc Nước Trời. 

Trong sứ vụ rao giảng, Giáo Hội luôn là dụng cụ của Vương Quốc Nước Trời. Vì thế Giáo Hội cố gắng là bí tích cứu độ cho muôn dân trên trái đất. Giáo Hội chuẩn bị sẵn sàng để tất cả mọi người có thể đón nhận ơn cứu độ được ban tặng nơi Đức Giêsu Kitô. Tóm kết phạm vi của Giáo Hội cũng như mục đích của sứ vụ này gọn trong một lời cầu nguyện liên lỉ là: “Xin cho Nước Cha ngự đến”.

Lời giảng dạy của Đức Giêsu Kitô đã ảnh hưởng đến cách sống của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi. Họ chấp nhận Người và sứ điệp của Người. Do đó, Giáo Hội được khai sinh và Chúa Giêsu muốn Giáo Hội là bí tích cứu độ cho muôn dân. Đức Kitô hoàn tất Nước Trời ở trần gian. Nhưng ai đón nhận Đức Kitô thì tụ họp lại với nhau dưới danh Ngài: “Để cùng nhau tìm kiếm Vương Quốc, xây dựng và làm sống động Vương Quốc đó” (EN 13). Do đó Giáo Hội không phải là người thay thế cho Chúa Giêsu, nhưng trở thành một nơi đặc tuyển để qua đó tất cả mọi người tìm thấy Chúa, tin Chúa, theo Chúa, để được trở nên hoàn thiện và để được ơn cứu độ. 

Vì thế, Giáo Hội phải là một người chỉ đường hiệu quả về thực tại mới của Nước Trời. Đồng thời Giáo Hội phải luôn luôn truyền giáo thì mới thực sự đúng với bản chất của mình. Công Đồng Vaticanô II đã dạy rằng: “Mục đích tối hậu của hoạt động truyền giáo là rao giảng về Đức Giêsu Kitô và đào tạo cộng đồng sống đức tin. Như vậy, cộng đồng được đào tạo nhắm đến hai chiều kích: 1) sống hiệp nhất theo như ý định của Thiên Chúa Cha, 2) được Đức Kitô tái lập qua Chúa Thánh Thần. Căn tính rõ rệt nhất được diễn tả trong nghi lễ Tạ Ơn, đó là nguồn mạch và là đỉnh cao của toàn bộ Tin Mừng”. (Paul Vađakumpadan, S.D.B)

5. Noi gương Đức Maria, nhà truyền giáo mẫu mực tiên khởi:

Đức Maria là tín hữu và là môn đệ đầu tiên của Chúa Kitô, đồng thời ngài cũng có thể được gọi là nhà truyền giáo đầu tiên. Ngài là người ban Chúa Kitô cho thế giới. Như thế ngài trở thành mẫu mực của Hội Thánh truyền giáo và mẫu mực của mọi người Tông đồ. (Juan Esquerda-Bifet)

Mối liên hệ giữa Đức Maria và truyền giáo được duy trì, là vì trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa được thể hiện trong lịch sử mà Đức Maria là một phần không thể tách rời. Chúa Giêsu Kitô chắc chắn là tâm điểm của mầu nhiệm và lịch sử cứu độ từ lúc Truyền tin Đấng Cứu Thế cho tới lúc ơn cứu độ hoàn thành trong cái Chết và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô và biến cố Hiện Xuống. Vì thế, việc sai các Tông đồ đi công bố cùng một ơn cứu rỗi trong Chúa Giêsu Kitô và trong quyền năng Chúa Thánh Thần. Ở đâu ơn cứu độ trong Chúa Giêsu Kitô được rao giảng, ở đó cũng có Đức Maria. Do đó, việc rao giảng của Hội Thánh luôn luôn mang chiều kích Thánh Mẫu này.

Giáo Hội nhìn nhận mẫu gương Đức Maria như là một môn đệ hoàn hảo của Chúa Giêsu, và như là nữ tỳ của mầu nhiệm cứu chuộc. Mẫu gương này luôn luôn rất hấp dẫn không chỉ đối với các Kitô hữu, mà cả đối với các tín đồ của các tôn giáo khác như Ấn giáo, Hồi giáo và các tôn giáo Cổ truyền. Lịch sử Hội Thánh cho thấy Đức Maria đã gợi hứng cho nhiều người nam-nữ các Hội Dòng, noi gương Mẹ dấn thân phục vụ cho công cuộc truyền giáo ở bất cứ đâu, kể cả những nơi ngặt nghèo nhất, nguy hiểm nhất đến tính mạng.

Mọi thế hệ tín hữu sẽ coi Mẹ thực là “Diễm phúc” vì đã tin vào lời rao giảng đầu tiên về Tin Mừng cứu độ nhờ Chúa Giêsu Kitô. Hơn nữa, mọi thế hệ các nhà truyền giáo sẽ nhìn lên Mẹ như là mẫu người “được rao giảng Tin Mừng hoàn hảo” và là “nhà rao giảng Tin Mừng hoàn hảo” để noi gương bắt chước.

IV.- HUẤN LUYỆN NHÀ TRUYỀN GIÁO CHUYÊN BIỆT

Chúa Giêsu phán rằng: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ gặt ra đồng gặt lúa về” (Lc 10,2; Mt 9,37-38).

Nói đến đây, tôi bỗng nhớ lại một kỷ niệm. Có lần tôi đi dự buổi khai giảng lớp thần học kia. Cha giám đốc học viện đã rảo mắt nhìn khắp hội trường thấy đông đảo tu sinh (nam, nữ) tụ về khai giảng năm học mới. Trong bài chia sẻ đầu năm học, ngài đã đọc câu lời Chúa này và chia sẻ về tính cấp bách mà Chúa Giêsu hằng luôn thao thức. Ngài nhấn mạnh rằng: “Môi trường học viện này phải là nơi huấn luyện các nhà truyền giáo chuyên biệt. Nghĩa là phải được đào tạo thành nhà truyền giáo thực thụ đạo đức và lành nghề”. Ngài nói tiếp: “Bây giờ người ta không than thiếu thợ gặt nữa rồi, nhưng người ta lại than rằng: “Thợ gặt không thiếu, nhưng tay nghề thì yếu”. Đây là thực trạng đau lòng ở một số nơi”.

Vì thế, mỗi nhà truyền giáo, phải có nơi mình một linh đạo truyền giáo thâm sâu và chuyên biệt, nhờ đó nhà truyền giáo có thể diễn tả kinh nghiệm của cá nhân về Thiên Chúa qua Chúa Giêsu Kitô và trong Chúa Thánh Thần, bằng một phong cách chuyên biệt về đời sống cầu nguyện và tông đồ. 

Như Cha Neno Contran, M.C.C.J nhận định: Linh đạo truyền giáo chính là sự diễn tả kinh nghiệm về Thiên Chúa qua Chúa Giêsu Kitô và trong Chúa Thánh Thần, theo một đường lối chuyên biệt Kitô giáo về đời sống cầu nguyện, tu đức và tông đồ, làm cho người Kitô hữu nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô là mẫu gương của nhà truyền giáo. Nhà truyền giáo noi gương Thầy chí ái của mình, qua đời sống, kinh nguyện, tu đức và tông đồ Kitô giáo. Đó là đường lối chuyên biệt của nhà truyền giáo để đạt tới Thiên Chúa, sự trưởng thành nhân bản, và sự thánh thiện Kitô giáo.

Linh đạo truyền giáo cũng được Thông điệp Redemptoris Missio trình bày như là cơ sở của mọi hoạt động truyền giáo, vì hoạt động này đòi hỏi một linh đạo đặc biệt, và nó áp dụng cách riêng cho tất cả những ai đã được Thiên Chúa kêu gọi làm nhà truyền giáo. (RM 87)

Linh đạo ấy chứa đựng những yếu tố như: 

1). Kinh nghiệm đặc biệt về Thiên Chúa.

2). Qua Chúa Giêsu Kitô một phong cách riêng về cầu nguyện.

3). Làm tông đồ.

4). Vâng nghe Chúa Thánh Thần.

5). Tinh thần tự hủy.

6). Và tu đức (khổ chế) theo đòi hỏi của tư cách môn đệ phù hợp với cá tính, hoàn cảnh và khát vọng thiêng liêng của từng người. 

Đây là những điều mà Công Đồng Vaticanô II đã nói đến: “Mọi người phải đi đứng một cách dứt khoát theo các năng khiếu cá nhân và các bổn phận của mình trên con đường của một đức tin sống động làm khơi dậy đức cậy và hoạt động nhờ đức mến” (LG 41). 

V.- NHẬN ĐỊNH THAY LỜI KẾT

Chúng ta là những người Kitô hữu, chúng ta quả quyết cùng với thánh Phaolô rằng: “Chỉ có một Ðấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người; đó chính là Chúa Kitô Giêsu” (1Tm 2,5). Tuy nhiên, chúng ta nghĩ rằng vai trò duy nhất này của Chúa Kitô không loại bỏ sự cộng tác của những con người khác trong chương trình cứu rỗi mà Thiên Chúa thực hiện trong dòng lịch sử. 

Từ chối rao giảng Tin Mừng là phản bội lý tưởng Kitô giáo và đánh mất căn tính của mình. Nhưng trong bối cảnh đa phức tôn giáo hôm nay, loan báo Tin Mừng được thực hiện qua dạng thức đối thoại liên tôn; mà quan niệm liên kết đối thoại và rao giảng Tin Mừng được coi như chủ trương căn bản của Giáo Hội trong thời đại hôm nay. Đối thoại liên tôn chân thật của người Kitô hữu phát xuất từ ước muốn làm cho người khác biết và yêu mến Chúa Giêsu Kitô mỗi ngày nhiều hơn, còn rao truyền Chúa Giêsu Kitô phải được thực hiện trong tinh thần đối thoại của Phúc Âm.

Để có thể loan báo Chúa Giêsu là Đấng cứu độ trung gian và duy nhất. Về điểm này, Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu đã dành hẳn chương V để nói về sự “hiệp thông và đối thoại cho công việc truyền giáo”. Qua Tông huấn, Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã định hướng cuộc đối thoại mà Giáo hội đề nghị phải đặt nền tảng trên logic của mầu nhiệm Nhập Thể…

Giáo hội chỉ có thể hoàn thành sứ mạng của mình đúng theo cách Thiên Chúa đã hành động trong Chúa Giêsu Kitô: Người trở nên người đồng hành chia sẻ đời sống của chúng ta và nói bằng tiếng nói con người để truyền thông ơn cứu rỗi của Người. Đáp ứng với sứ mạng đã lãnh nhận, Giáo hội mạo hiểm đi tìm các dân tộc trong thế giới, vẫn biết mình là “một đoàn chiên nhỏ” giữa đám đông bao la nhân loại (x. Lc 12,32). Trước hết, Giáo hội cố gắng dấn thân đối thoại với những người có thiện chí chia sẻ niềm tin với mình vào Chúa Giêsu Kitô, là Chúa và là Đấng Cứu Thế. Sự đối thoại còn trải rộng sang bên kia thế giới Kitô giáo tới những người theo tất cả truyền thống tôn giáo khác, dựa trên cơ sở là tâm hồn mọi người đều mong muốn tìm kiếm chân lý đích thực. (x. Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu, số 29)

Sứ vụ truyền giáo chính là Tin Mừng (mầu nhiệm tình yêu). Tình yêu Thiên Chúa và tha nhân thúc đẩy người tín hữu loan báo Tin Mừng cho anh em mình. Nhiệm vụ của chúng ta là mạnh dạn dấn thân vào con đường đối thoại với tất cả khả năng của trí tuệ, sức mạnh của con tim và niềm tin tưởng lạc quan nơi quyền năng Thiên Chúa, Đấng tác tạo và hướng dẫn muôn vật theo kế hoạch yêu thương nhiệm mầu của Ngài.

Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần” (Mt 28,19). Lệnh truyền của Chúa Giêsu vẫn luôn cấp bách như mới vừa nói xong, nó có giá trị cho mọi thời và cho mọi nơi. Tuy nhiên, lệnh truyền này phải được thực thi trong một hoàn cảnh cụ thể. Là người Kitô hữu và là môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta cần tìm ra những phương thức thích hợp và hiệu quả nhất để hoàn thành lệnh truyền của Ngài.

----------------------------------

Tài liệu tham khảo:

1. AG=Ad gentes: Sắc lệnh về Hoạt động truyền giáo của Công Đồng Vaticanô II.

2. EN=Evangelii nuntiand: Tông Huấn loan báo Tin Mừng của ĐGH Gioan Phaolô II.

3. LG=Lumen gentium:Hiến chế về Hội Thánh của Công đồng Vaticanô II.

4. RH=Redemptor hominis: Thông điệp Đấng cứu chuộc con người của ĐGH Gioan PhaolôII

5. RM=Redemptoris Missio: Thông điệp truyền giáo.

6. EAs=Ecclesia in Asia: Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu. 

Nghiên cứu và biên soạn

Linh mục GBt. BÙI NGỌC ĐIỆP-TSVN

Tác giả: Lm. JB. Bùi Ngọc Điệp

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!

Từ khóa » Tóm Tắt Sắc Lệnh Ad Gentes