Trang
- TRANG CHỦ
- ƠN GỌI
- HỌC TẬP
- SUY NIỆM
- HÀNH HƯƠNG
- HÌNH ẢNH
- THÔNG TIN
Mỗi ngày một danh ngôn
Học hỏi Ad Gentes
HỌC HỎI SẮC LỆNH VỀ HOẠT ĐỘNG TRUYỀN GIÁO CỦA GIÁO HỘI "AD GENTES" PHẦN DẪN NHẬP 1. "Ad Gentes" có nghĩa là gì? Theo thường lệ của Giáo Hội Công Giáo Rôma, người ta lấy những chữ đầu để đặt tên cho các tài liệu. "Ad Gentes" là những chữ đầu của Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội, có nghĩa là "đến với muôn dân". Sắc lệnh được thông qua với 2.394 phiếu thuận và 5 phiếu chống, và được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI ban hành ngày 7 tháng 12 năm 1965. 2. Bố cục của sắc lệnh "Ad Gentes" như thế nào? Sắc lệnh gồm có 42 số, gồm phần mở đầu, phần kết luận và nội dung chia làm 6 chương. Sau đây là các phần chính: - Phần mở đầu (số 1). - Sáu Chương: 1. Những nguyên tắc giáo thuyết (số 2-9). 2. Chính công việc truyền giáo (số 10-18). 3. Các Giáo Hội địa phương (số 19-22). 4. Các nhà truyền giáo (số 23-27). 5. Tổ chức hoạt động truyền giáo (số 28-34). 6. Sự cộng tác (số 35-41). - Kết luận (số 42). 3. Ngoài Sắc lệnh "Ad Gentes", có những tài liệu nào nói về việc truyền giáo? Sau Công Đồng Vatican II, có một vài tài liệu nữa của Giáo Hội khuyến khích công việc truyền giáo: - Tông huấn Evangelii Nuntiandi (Loan báo Tin Mừng) của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI ban hành ngày 8 tháng 12 năm 1975. Tông huấn bàn về công việc truyền giáo, khẳng định vai trò truyền giáo của mỗi Kitô hữu (chứ không chỉ riêng các linh mục được phong chức) trong việc truyền giáo. - Thông điệp Redemptoris Missio (Sứ vụ Đấng Cứu Thế) của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban hành ngày 7 tháng 12 năm 1990 nhằm kỷ niệm 25 năm sắc lệnh "Ad Gentes". Thông điệp này nói về "sự khẩn cấp của hoạt động truyền giáo" và "mời gọi Giáo Hội canh tân cam kết truyền giáo của mình". 4. Kitô hữu phải làm gì với việc truyền giáo "đến với muôn dân"? Nói cách khác, sứ mệnh của chúng ta như là Giáo Hội hiện diện giữa các dân tộc, các nền văn hóa, ở mỗi thời điểm của lịch sử là gì? Câu trả lời của thần học cổ điển có thể được tóm tắt trong 3 từ Hy Lạp là kerygma, diakonia và koinonia. Kerygma (loan báo Tin Mừng đầu tiên), có nghĩa là chia sẻ Tin Mừng về Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta "lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện" (2 Tm 4, 2) - Đây là hành động vì Đức Tin. Diakonia (phục vụ), có nghĩa là giúp đỡ tất cả những ai đang chịu đau khổ và cần giúp đỡ - Đây là hành động vì đức Ái. Koinonia (hiệp thông), có nghĩa là quy tụ mọi người lại trong cùng một đức tin để cùng hưởng nếm sự hòa bình của Nước Trời vào cuối thời gian - Đây là hành động của đức Cậy. 5. Giáo Hội là "Bí tích phổ quát của ơn cứu độ". Điều này có nghĩa là gì? Đôi khi Giáo Hội được gọi là "bí tích phổ quát của ơn cứu độ". Từ "bí tích" ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, muốn nói lên rằng Giáo Hội là phương tiện do Thiên Chúa thiết lập để ban ân sủng cho tất cả mọi người. Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, theo tư tưởng Thần Học Kitô giáo có từ thời các thánh giáo phụ, cũng khẳng định rằng Giáo Hội Công Giáo là "bí tích phổ quát của ơn cứu độ" (các số 774–776), và xác quyết rằng: "Nơi trần gian này, Giáo Hội là bí tích ơn cứu độ, là dấu hiệu và dụng cụ của mối hiệp thông giữa Thiên Chúa và người ta" (số 780). Và vì Giáo Hội là phương tiện để Thiên Chúa ban ân sủng nên không có ơn cứu rỗi ngoài Giáo Hội Công Giáo. Tuy nhiên, cần phải hiểu giáo huấn này theo như Giáo Hội hiểu. Đức Piô IX (Quanto conficiamur moerore, tháng 10 năm 1863) đã dạy rằng: "Thiên Chúa … với lòng nhân hậu và thương xót vô cùng, đã không muốn ai phải bị hình phạt đời đời vì đã những lỗi phạm không cố ý". Công đồng Vatican II (Lumen gentium, số 16) cũng nói: "Những kẻ vô tình không nhận biết Phúc Âm của Chúa Kitô và Giáo Hội Người, nhưng nếu thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, và dưới tác động của ơn thánh, họ cố gắng chu toàn Thánh Ý Thiên Chúa trong công việc mình theo sự hướng dẫn của lương tâm, thì họ có thể được cứu rỗi". Đức Piô XII cũng nói rằng (Mystici Corporis Christi) một người có thể "thuộc về Giáo Hội bằng một ý muốn hoặc ước ao nào đó mà họ chưa nhận biết được", nghĩa là cách chung chung họ có ý muốn làm theo ý của Thiên Chúa. Thánh Phaolô khẳng định: "Chúa cũng là Thiên Chúa của các dân ngoại nữa" (Rm 3, 28) nên Ngài sẽ liệu cách cho họ thuộc về Ngài. Thánh Giustinô cũng nói Lời Chúa hiện diện trong tâm hồn mọi người, kể cả dân ngoại là những người "không có Lề Luật (tôn giáo mạc khải) nhưng theo lẽ tự nhiên mà làm những điều luật dạy; họ cho thấy điều gì luật đòi hỏi thì đã được ghi khắc trong lòng họ" (Rm 2, 14-16). Và như thế, tùy theo sự đáp trả của mình, họ sẽ được cứu độ hay là không. Rõ ràng, Lời Chúa hoặc Thần khí của Đức Kitô đã khắc ghi lề luật trong tâm hồn họ, nghĩa là làm cho họ hay biết những gì phải làm. Nếu họ làm theo mà không hay biết điều họ đang làm, song khách quan mà nói, họ đã làm theo Lời Chúa. Và như thế, Thánh Giustinô có lý khi gọi họ là Kitô hữu. Tuy không chính thức gia nhập Giáo Hội, nhưng về bản chất họ đã hội đủ điều kiện để làm thành viên của Giáo Hội. Thật vậy, Công Đồng Vatican II (Lumen Gentium, số 49) viết rằng: " Tất cả những ai thuộc về Chúa Kitô và nhận lãnh Thánh Thần Người, đều họp thành một Giáo Hội duy nhất và liên kết với nhau trong Người (x. Eph 4,16)." Ý niệm Giáo Hội như là bí tích phổ quát không phải là một ý niệm mới mẽ, nó đã xuất hiện trong các bài viết của Thánh Cyprianô và Thánh Tôma Aquinô. Nó chỉ muốn nói lên rằng Giáo Hội cần thiết cho ơn cứu rỗi. Tuy nhiên, sự cần thiết này không thuộc về trật tự pháp lý mà là bí tích. 6. Vậy thì những ai sẽ không nhận được ơn cứu độ? Chỉ có những ai có hiểu biết và cố tình phạm các tội lạc giáo (từ chối những tín điều được Thiên Chúa mạc khải) hoặc ly giáo (ly khai khỏi Giáo Hội Công Giáo hoặc gia nhập các Giáo Hội ly giáo) thì sẽ không có ơn cứu độ cho đến khi họ hối cải và quay trở về hiệp nhất với Giáo Hội Công Giáo. 7. Vì sao Giáo Hội khẳng định mình là "bí tích cứu độ"? Khẳng định rằng Giáo Hội là bí tích cứu độ phổ quát là khẳng định cho một sự dấn thân hơn là khẳng định một thực tại. Đây chỉ là cách diễn tả ơn gọi chính yếu của Giáo Hội. Để thực hiện ơn gọi là bí tích cứu độ này, Giáo Hội phải thường xuyên hội nhập vào mỗi dân tộc và mỗi nền văn hóa. Nhiệm vụ của Giáo Hội không phải là mang ơn cứu độ đến cho thế giới. Thế giới đã được Đức Kitô cứu độ và thế giới không nhờ Giáo Hội mà được cứu độ hơn. Nhiệm vụ của Giáo Hội là ngày càng trở nên một dấu hiệu hiệu quả và phổ quát về ơn cứu độ mà Thiên Chúa, qua Đức Kitô, đã dành cho nhân loại. Qua và trong nhiệm vụ của mình đối với các dân tộc mà Giáo Hội hoàn thành ơn gọi làm bí tích ơn cứu độ phổ quát, là biểu tượng cho Thiên Chúa Cứu Thế bao trùm toàn thể nhân loại trong Đức Kitô. Nếu Giáo Hội là bí tích phổ quát thì đây không phải là một đặc ân mà là một trách nhiệm. Đây là lời mời gọi để phục vụ và yêu thương không chỉ dành cho những người gần gũi với chúng ta mà còn cho những ai xa cách với chúng ta. 8. Tại sao Giáo Hội có bổn phận truyền giáo? Vì bản tính công giáo (phổ quát) của mình và lệnh truyền của Chúa Giêsu cũng như theo gương các thánh Tông Đồ, Giáo Hội có bổn phận phải loan báo Tin Mừng cho mọi người và thành lập cộng đồng tín hữu ở khắp nơi để Lời Chúa được phổ biến và tôn vinh (2 Tx 3, 1). Thứ đến, chúng ta cũng như Thánh Phaolô, “được ân sủng là để rao giảng cho Dân Ngoại các kho tàng khôn lường của Chúa Kitô” (Eph 3, 8). Sự sống mới trong Chúa Kitô là một “Tin Mừng” cho con người nam nữ ở mọi thời đại: tất cả mọi người được kêu gọi đến sự sống mới này và được ấn định để thừa hưởng sự sống ấy. Thật vậy, tất cả mọi người đang tìm kiếm sự sống ấy, mặc dù có những lúc tìm kiếm bằng một đường lối lầm lẫn, và mọi người đều có quyền biết đến giá trị của tặng ân này, cũng như được tự do tiến đến với tặng ân ấy. Giáo Hội cũng như mọi người Kitô hữu ở trong Giáo Hội không được giữ kín hay độc quyền trên sự sống mới và trên kho tàng họ đã lãnh nhận bởi lòng lành Thiên Chúa là để thông truyền cho toàn thể loài người ấy. Đó là lý do tại sao việc truyền giáo của Giáo Hội phát xuất chẳng những từ lệnh Chúa truyền, mà còn từ những đòi hỏi sâu xa nơi sự sống của Thiên Chúa ở trong chúng ta nữa. Những ai được tháp nhập vào Giáo Hội Công Giáo phải cảm nhận được đặc ân này, và chính vì lý do đó, họ càng buộc phải làm chứng cho đức tin cũng như cho đời sống Kitô giáo, như là một việc phục vụ anh chị em của mình và như là một đáp ứng tương xứng với Thiên Chúa. (Redemptoris Missio, số 11) Quan niệm về truyền giáo đã liên tục lớn mạnh và phát triển theo suốt dòng lịch sử Giáo Hội. Từ khi Giáo Hội được hình thành, luôn hiện diện một ước muốn truyền bá đức tin Kitô giáo. Ngay trong thời Cựu Ước vẫn thấy được sự xuất hiện của chủ đề truyền giáo. Thiên Chúa đã sai Giona đến thành Ninivê để làm gì nếu không phải là truyền giáo: “Hãy đi đến thành Ninivê để rao giảng sứ điệp mà Ta ban cho ngươi” (Gn 3, 2). Và quan niệm truyền giáo tiếp tục phát triển trong Tân Ước trong suốt thời Chúa Giêsu mãi cho đến khi Ngài uỷ thác sứ mệnh cho các môn đệ: “Hãy đi và thâu thập các dân tộc làm môn đệ, làm phép rửa cho họ và dạy họ tuân giữ mọi điều Ta đã ban cho các ngươi” (Mt 28, 19-20). 9. Các hình thái của hoạt động truyền giáo? Truyền giáo vừa duy nhất vừa đa dạng. Duy nhất vì xuất phát từ sứ mệnh của chính Thiên Chúa Ba Ngôi và đa dạng vì nhằm đến nhiều đối tượng khác nhau. Trong Thông điệp Redemptoris Missio, số 33-37, Đức Gioan Phaolô II đã rằng vấn đề về tính cách đa diện nơi các hoạt động trong cùng một sứ mệnh truyền giáo duy nhất của Giáo Hội không thuộc về bản chất của sứ mệnh truyền giáo, mà là do bởi tính cách khác nhau nơi hoàn cảnh thực hiện việc truyền giáo. "Nhìn vào thế giới hôm nay, bằng quan điểm của việc truyền giáo, chúng ta có thể phân biệt ba trường hợp. Trường hợp thứ nhất được hoạt động truyền giáo của Giáo Hội nhắm tới, đó là các dân tộc, các nhóm người và các tương quan văn hóa xã hội chưa biết đến Chúa Kitô cùng Phúc Âm của Người, hay còn thiếu những cộng đồng Kitô hữu đủ trưởng thành để có thể hiện thực đức tin trong môi trường sống của họ, cũng như để loan báo đức tin của họ cho những nhóm người khác. Đây là việc truyền giáo ad gentes theo đúng nghĩa của từ ngữ. Trường hợp thứ hai là những cộng đồng Kitô hữu được thiết lập đầy đủ và vững chắc. Họ hăng say với đức tin và sống đời Kitô hữu của mình. Họ làm chứng cho Phúc Âm nơi hoàn cảnh sống của mình và cảm thấy cần phải dấn thân cho việc truyền giáo chung. Giáo Hội thực hiện hoạt động và việc mục vụ chăm sóc tín hữu của mình nơi những cộng đoàn này. Trường hợp thứ ba là trường hợp ở giữa, đặc biệt là trường hợp ở nơi những xứ sở có gốc gác Kitô giáo lâu đời, đôi khi ở cả những Giáo Hội không lâu đời như vậy, là những nơi hết thảy các nhóm người lãnh nhận phép rửa đã mất đi cảm quan sống động của đức tin, thậm chí không còn coi mình là phần tử của Giáo Hội nữa, và sống một cuộc đời xa biệt hẳn với Chúa Kitô cũng như Phúc Âm của Người. Điều cần phải làm trong trường hợp này đó là “tân phúc âm hóa” hay “việc tái phúc âm hóa” vậy". (Redemptoris Missio, số 33) 10. Có cách hiểu nào khác ngoài hoạt động truyền giáo "đến với muôn dân" (Missio ad gentes)? FABC (Federation of Asian Bishops' Conferences - Liên hiệp các Hội Đồng Giám Mục Á Châu) đã dùng hạn từ “missio inter gentes”[1] (truyền giáo giữa các dân tộc) để diễn tả đường lối truyền giáo học ngày nay, ít ra là trong bối cảnh của Á Châu. Hạn từ này nói lên sự dứt khoát vượt qua những phương thức truyền giáo của quá khứ và nay không còn phù hợp nữa. Hạn từ ‘missio inter gentes’ được William R. Burrows dùng lần đầu tiên tại cuộc Hội Nghị Thường Niên lần thứ 56 của Hội Thần Học Công Giáo Mỹ (Milwaukee, 2001). Nhà thần học Peter C. Phan cũng sử dụng hạn từ này như một sự thay thế cho ‘missio ad gentes’ khi ông thảo luận về ý nghĩa của hoán cải trong ‘thần học truyền giáo mới’. 11. Lý do của sự thay đổi từ ngữ? Hình ảnh truyền thống của truyền giáo như là ‘sai ra đi’ xem ra không còn thiết thực nữa – không chỉ bởi vì hình ảnh đó ‘quá gắn kết với một mẫu thức Giáo Hội nặng tính cơ chế và phẩm trật’, nhưng còn bởi vì hình ảnh ấy hàm nghĩa rằng truyền giáo là một ‘con đường một chiều’, không mấy xét đến sự hiện diện và hoạt động sẵn có của Thiên Chúa trong thế giới. FABC nghĩ về sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội như là được cảm hứng từ hoạt động trước của Thiên Chúa trong thế giới, xuyên qua sứ mạng của Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Thực vậy, theo nhận định của FABC, những nền móng cứu độ học sâu sắc của các tôn giáo và triết học Á Châu vốn truyền cảm hứng cho vô số người Á Châu không phải là điều xấu xa lầm lạc, nhưng xuất phát từ chính Thiên Chúa. Vì thế, FABC dứt khoát khẳng định rằng kho tàng khôn ngoan của các triết học Á Châu và các yếu tố cứu độ học của các tôn giáo Á Châu đều được tác động bởi Chúa Thánh Thần, Đấng hoạt động vượt quá các ranh giới của Giáo Hội cơ chế. 12. Thần học "missio inter gentes" nhấn mạnh đến điểm nào? FABC nhấn mạnh đến mối liên đới, hiệp thông với các dân tộc Á Châu. Giáo Hội Á Châu nhận ra rằng để tồn tại mình phải hòa nhập vào trong cái đa dạng và đa nguyên ở đây, chia sẻ đời sống với đồng bào và phục vụ cho sự sống, như Đức Giêsu đã làm. Thần học truyền giáo của FABC không bắt đầu từ phía trên hay từ trung tâm, nhưng là từ phía dưới và từ ngoài rìa, di chuyển về trung tâm. Đối với FABC, truyền giáo và việc loan báo Tin Mừng không phải là một ‘con đường một chiều’, một ‘sự rao giảng một chiều’ về những nguyên tắc tín lý hay những chân lý đức tin trừu tượng. Vì vậy, khi xây dựng phương thức missio inter gentes để truyền giáo tại Á Châu, FABC bắt đầu không phải với những ý niệm và phạm trù thần học trừu tượng phổ quát, nhưng với những kinh nghiệm đời sống và những thách đố khác nổi lên từ cuộc gặp gỡ đang diễn ra với các thực tại hiện nay của Á Châu và với những bối cảnh đặc thù Á Châu. Đối với FABC, truyền giáo là một cái gì lớn rộng hơn việc trồng một Giáo Hội địa phương mới ở nơi mà nó chưa hiện diện. Các giám mục Á Châu không coi các dân tộc Á Châu như những đối tượng của truyền giáo, theo nghĩa là phải được giúp cải giáo và đưa vào Giáo Hội, mặc dù các Kitô hữu sẵn sàng mời gọi họ như thế. Đúng hơn, tiêu điểm của sứ mạng inter gentes của các Giáo Hội địa phương Á Châu được đồng hóa với chính tiêu điểm của sứ mạng Đức Giêsu: đem Nước Thiên Chúa đến giữa đồng bào mình. 13. Sự tiếp cận giữa hai kiểu thức khác nhau ở điểm nào? Sự khác biệt giữa hai kiểu thức nổi rõ nơi cách tiếp cận khác nhau đối với vấn đề đa nguyên tôn giáo. Nói chung, missio ad gentes không thoải mái với đa nguyên tôn giáo, xem tình trạng đa nguyên tôn giáo như một thách đố lớn đối với Tin Mừng Kitô giáo. Sở dĩ thế bởi vì phương thức missio ad gentes cắm rễ trong cái nhìn về Kitô giáo như tôn giáo thống trị trong khung cảnh chính trị, văn hóa và xã hội Âu Châu. Nói riêng, missio ad gentes giả thiết một cái nhìn cổ điển trong đó Âu Châu (hay Rôma) được xem như trung tâm của Chân Lý, và công cuộc sứ mạng là việc các nhà thừa sai Âu Châu thuộc các hội truyền giáo hay các dòng truyền giáo ra đi đến với các vùng mà sự ngu dốt còn đang thống trị. Mục tiêu của missio ad gentes là: cuối cùng thì đa nguyên tôn giáo sẽ nhường chỗ, và những người ngoài Kitô giáo sẽ đón nhận Tin Mừng, bởi vì chỉ Kitô giáo mới có thể thỏa mãn những niềm hi vọng sâu xa nhất của những người ngoài Kitô giáo. Trái lại, FABC xem đa nguyên tôn giáo không như một cái gì phải được đương đầu và vượt qua, nhưng như một yếu tố làm nên khung cảnh Á Châu. Chính vì thế, các giám mục Á Châu không ngừng cho thấy mối quan tâm tìm kiếm một phương thức truyền giáo ít có tính đối đầu hơn. Trong khi không bỏ qua tầm quan trọng của rao giảng, FABC đánh giá cao tình thân hữu và sự tín nhiệm, việc xây dựng các mối tương quan và đối thọai, cũng như sự liên đới và hòa điệu như những yếu tố thiết định sứ mạng truyền giáo tại Á Châu. Bởi vì phương thức truyền giáo của FABC tập chú trên sự thấm nhập của Tin Mừng Kitô giáo và các Giáo Hội địa phương vào trong các thực tại Á Châu, với tinh thần dấn thân phục vụ sự sống, nên chúng ta có thể mệnh danh đó là missio inter gentes - sứ mạng ở giữa các dân tộc Á Châu. 14. So sánh giữa missio "ad gentes" và "inter gentes"? Điểm chung giữa tầm nhìn missio inter gentes (của FABC) và tầm nhìn ad gentes (truyền thống) là cả hai cùng khẳng định mạnh mẽ sự cần thiết của sứ mạng. Nhưng có những khác biệt trong một số sự nhấn mạnh và trong các mối ưu tiên. Có thể đối chiếu như sau: missio AD gentes | missio INTER gentes |
1. Xác nhận sự cần thiết của sứ mạng truyền giáo | 1. Xác nhận sự cần thiết của sứ mạng truyền giáo |
2. Nhấn mạnh khía cạnh tại sao, cái gì, và ai của sứ mạng. | 2. Nhấn mạnh khía cạnh thế nào của sứ mạng. |
3. Giả thiết Âu Châu (hay Rôma) là trung tâm của chân lý – và các nhà thừa sai từ đó đi đến với các vùng ngu dốt, tối tăm… | 3. Nhìn nhận Thần Chân Lý vốn hoạt động trong các nền văn hóa và các tôn giáo. |
4. Khó chịu với bối cảnh đa nguyên tôn giáo ở Á Châu. | 4. Thoải mái với bối cảnh đa nguyên tôn giáo ở Á Châu. |
5.Ưu tiên rao giảng bằng lời nói. Phương thức sứ mạng truyền giáo có nhiều tính đối đầu. | 5. Ưu tiên rao giảng bằng chứng tá. Phương thức sứ mạng truyền giáo nhắm làm cho Tin Mừng Kitô giáo thấm nhập vào trong các thực tại Á Châu |
6. Mục tiêu truyền giáo nghiêng về trồng Giáo Hội. | 6. Mục tiêu truyền giáo là: xây dựng Nước Thiên Chúa. |
7. Phương thức lượng tính. Có xu hướng đo lường việc truyền giáo bằng việc gia tăng những con số hay mở rộng trong địa dư | 7. Phương thức phẩm tính (qualitative approach). Tìm cách chuyển hóa và chữa trị sự gãy đổ trong các nền văn hóa và các thực tại Á Châu |
15. Nền tảng Kinh Thánh của việc truyền giáo?[2] Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã uỷ thác cho các môn đệ một nhiệm vụ rất quan trọng: truyền giáo (Mt 28, 18-20; Mc 16, 15). Nhiệm vụ này được nhấn mạnh trong suốt đời sống và sứ vụ của Đức Kitô (Lc 24, 44-49; Ga 20, 21). Tuy nhiên, chỉ sau khi phục sinh và trước khi về cùng Thiên Chúa Cha, Chúa Giêsu đã long trọng giao cho các môn đệ một nhiệm vụ cao cả, một “Đại uỷ nhiệm” (La Grande Commission, The Great Commission). Thật sự, chủ đề truyền giáo được bắt đầu ngay từ sách Sáng Thế Ký và được khẳng định trong suốt toàn bộ Cựu Ước cho đến Tân Ước. Nếu cần phải xác định lệnh truyền giáo bắt đầu từ lúc nào thì ta có thể nói từ câu St 12, 3: “Mọi dân tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc nhờ ngươi (Abram)”. Đây là lời khẳng định sớm sủa nhất nói lên mục đích và chương trình của Thiên Chúa muốn thấy ân sủng và phúc lành của Ngài đến được với hết thảy mọi người trên mặt đất qua người đại diện là ông Abram. Đây là chủ đề chính trong St 12, 1-3 mà trong đó ý định chúc phúc của Thiên Chúa được đề cập đến 5 lần. Thế nhưng nền tảng thực sự của sứ điệp này không bắt đầu ở đó. Trong một bối cảnh rộng rãi hơn, nó bắt đầu từ phúc lành nguyên thuỷ của Thiên Chúa dành cho muôn thú và ông bà Ađam Eva trong vườn địa đàng (St 1, 22. 28). Mặc dù Ađam sa ngã, lời chúc phúc của Thiên Chúa cho nhân loại vẫn tiếp tục với ước muốn chúc phúc cho Abram, và qua Abram, cho toàn thể thế giới. Rõ ràng Thiên Chúa đã có ý định dùng Abram như một trung gian để chúc phúc cho các dân tộc. Đây là giải pháp mà Thiên Chúa dùng để sửa chữa hậu quả của sự sa ngã (St 3) và lời nguyền phân tán loài người đi khắp mặt đất khi họ xây tháp Babel (St 11, 7) Sách cuối cùng của Kinh Thánh cũng nhấn mạnh đến sự quan tâm của Thiên Chúa đối với con người: “Mọi chi tộc và ngôn ngữ, mọi nước và mọi dân” (Kh 5, 9; 7, 9; 14, 6). Như vậy ý định ban phúc lành cho hết thảy mọi dân tộc, và đây chính là mục tiêu của công cuộc truyền giáo cho toàn thế giới, đã tạo nên một lớp vỏ bọc lớn bao trùm lấy toàn bộ Kinh Thánh (inclusion), từ Sáng Thế cho đến Khải Huyền, từ Cựu Ước cho đến Tân Ước. 16. Chúa Giêsu và sứ mệnh truyền giáo phổ quát? Xem ra lúc sinh thời, Đức Giêsu không chú trọng lắm đến sứ mệnh truyền giáo phổ quát. Hoạt động của Ngài giới hạn trong lãnh thổ đất nước Do Thái và giáo huấn của Ngài không có những lời khuyên chính xác về bổn phận truyền giáo bên ngoài lãnh thổ Do Thái. Dường như ý thức truyền giáo của các tông đồ chỉ xảy đến khi các ông gắn liền nó với khám phá ra Đức Kitô của Phục Sinh. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta xem xét sự việc cách kỹ lưỡng hơn để biết được sự liên tục giữa hoạt động của Chúa Giêsu tại Galilê và rồi sau đó là công cuộc truyền giáo có tính phổ quát của các môn đệ. Thật sự, hoạt động của Chúa Giêsu chỉ hạn hẹp tại Galilê và Giêrusalem và chỉ cho người Do Thái. “Ta chỉ được sai đến với chiên lạc của dân Israel” (Mt 15, 24). Đó là một lịch sử không thể chối cãi được. Tuy nhiên, bên cạnh đó, các thánh sử cũng ghi lại thái độ rộng mở của Chúa Giêsu đối với người Samarie bị khinh miệt (Lc 17, 12 tt; Ga 4, 1 tt). Ngài vẫn chữa bệnh theo yêu cầu của viên Bách quản (Mt 8, 5-13; Lc 7, 1-10) hoặc người phụ nữ Syrophênicien (Mc 7, 24-30, Mt 15, 21-28). Trong dụ ngôn sự phán xét cuối cùng (Mt 25, 31 tt), Chúa Giêsu đã không phân biệt người Do Thái và dân ngoại mà chỉ phân biệt giữa những người yêu mến Đức Kitô khi tiếp nhận những người nhỏ nhất và những người không thi hành điều đó, lúc ấy tất cả mọi biên giới quốc gia đều bị bãi bỏ để chỉ còn những người phục vụ anh em mình. Cuối cùng, cái chết của Ngài trên thập giá là ứng nghiệm lời tiên tri về Người Tôi Tớ đau khổ đã nói lên tính chất phổ quát của hy tế. Khi nói về “phục vụ” và “hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người”, “Đổ máu mình ra để cứu chuộc nhiều người” (Mt 20, 28; 26, 28), Chúa Giêsu đã khẳng định tính chất phổ quát của hy tế. Chính từ trên đỉnh cao của thập giá mà chân trời được mở rộng đến tận cùng thế giới. Đối với Kitô giáo thời sơ khai, ý niệm về truyền giáo rất quan trọng để làm cho sứ điệp về đời sống của Chúa Giêsu loan truyền khắp thế giới. Thế nhưng, có sự xung đột với “nhãn quan thế giới” về truyền giáo bởi vì chính Chúa Giêsu đã nói rằng: “Ta chỉ được sai đến với chiên lạc nhà Israel” (Mt 15, 24). Khi Ngài tự giới hạn mình trong khuôn khổ người Do Thái thì không phải Ngài loại bỏ những dân tộc khác, nhưng là tạo nên một điểm khởi đầu cho sứ mệnh của Ngài. Chúa Giêsu muốn tạo nên một “hiệu ứng sóng vỗ” khi truyền bá sứ điệp Tin Mừng. Ngài đã có một nhãn quan rộng lớn hơn cho sứ điệp Tin Mừng nhưng chỉ khởi đầu với chiên lạc nhà Israel” để từ đó tạo nên một nhóm kế tiếp ra đi và chia sẻ Tin Mừng. Thật vậy, Chúa Giêsu đã chỉ thị cho các môn đệ “hãy đi khắp thế gian và rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật” (Mc 16, 15). “Tóm lại, hoạt động ngắn ngủi của Chúa Giêsu trên trần thế được giới hạn trong lãnh thổ Do Thái và lúc còn sống Ngài cũng không giao cho nhóm Mười Hai đi truyền giáo bên ngoài xứ sở. Ngài dành trọn nỗ lực cho dân Israel. Thế nhưng lời rao giảng cũng như thái độ của Ngài đã báo trước một nhãn quan rộng mở. Ngài không chỉ đón nhận hết thảy mọi người đến với Ngài bằng lòng tin mà còn rộng mở cho dân ngoại được tham dự vào Nước Trời. Ngài luôn nhấn mạnh đến vai trò ưu tiên của đức tin và ý của Ngài muốn vượt qua chế độ Lề Luật đã là cánh cửa mở cho dân ngoại… Sau khi hoàn thành hy tế Người Tôi Tớ đau khổ, sự phục sinh đã là điểm xuất phát hiệu quả của sứ mệnh truyền giáo phổ quát” 17. Nền tảng cứu độ học của việc truyền giáo?[3] Ngay từ khởi thủy Thiên Chúa Cha đã có ý định cứu độ nhân loại. Đó là một kế hoạch tình yêu, từ đó phát sinh sứ mạng của Đức Kitô, của Chúa Thánh Thần và của Giáo Hội. Đứng trước kế hoạch này con người được mời gọi đáp trả bằng sự hoán cải, một sự vượt qua liên tục từ “cuộc sống theo xác thịt” đến “cuộc sống theo Thần Khí”. Theo Thông điệp Veritatis splendor, đời sống luân lý xuất hiện như sự đáp trả những sáng kiến tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Tất cả được thực hiện trong mầu nhiệm Nước Trời do Đức Kitô loan báo và thiết lập và qua Giáo Hội với sức mạnh của Thánh Thần. Nét đặc trưng nhất của Nước Trời hệ tại sự bày tỏ lòng thương xót và tha thứ của Thiên Chúa. Chính mạc khải về Nước Trời đòi hỏi một sự đón nhận trọn vẹn và tin tưởng đối với lời loan báo của Chúa Giêsu và một sự hoán cải tận căn. Nước Trời đến bằng ân sủng, nhưng con người không thể đón nhận Nước ấy mà không thay đổi tâm hồn và cách sống (x. Mt 5, 20). Bài giảng trên núi vốn được coi như bản hiến chương của luân lý Tin Mừng đã làm nổi bật một cuộc hoán cải như thế. Theo Veritatis Splendor, trong bài giảng trên núi Chúa Giêsu đã kiện toàn các giới răn của Thiên Chúa, đặc biệt giới răn yêu thương tha nhân, bằng cách nội tâm hóa và triệt để hóa các đòi hỏi của các giới răn ấy; bài giảng ấy đã làm cho các giới răn hướng về sự hoàn thiện của tám mối phúc thật. Những đòi hỏi triệt để này phát xuất từ đức tin và tạo nên sự mới mẻ của Kitô giáo. Nước Trời mà Chúa Giêsu loan báo và khai mào phải được triển khai dọc theo chiều dài lịch sử nhân loại bằng sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội. Động lực sâu xa của sứ vụ này phát xuất từ lệnh truyền của Đấng Phục Sinh: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15). Chính lệnh truyền này đã xác định lý do hiện hữu của Giáo Hội.Chúng ta có thể bổ túc lệnh truyền trên đây bằng lệnh truyền trong Tin Mừng theo thánh Matthêô: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19-20). Khi liên kết hai hình thức lệnh truyền này lại với nhau, chúng ta sẽ khám phá ra rằng lệnh truyền ấy chứa đựng vừa việc loan báo Tin Mừng, vừa việc giảng dạy luân lý. Mục tiêu của việc truyền giáo là công bố Tin Mừng và biến đổi con người về phương diện luân lý. Dĩ nhiên sự biến đổi mang tính hữu thể của con người qua bí tích rửa tội đã được thực hiện ex opere operato và ngay lập tức, nhưng sự biến đổi luân lý đòi buộc một sự cộng tác tích cực của con người và đòi hỏi nhiều thời gian. Để hiểu được những đòi hỏi luân lý khác được bao hàm trong mệnh lệnh truyền giáo của Đức Kitô, chúng ta cần quay trở lại đoạn Tin Mừng theo thánh Matthêô về sứ vụ của nhóm Mười Hai (x. Mt 10,1-16) và đoạn Tin Mừng theo thánh Luca về sứ vụ của bảy mươi hai môn đệ (x. Lc 10,1-12). Sứ vụ mà Chúa Giêsu giao phó cho các tông đồ và các môn đệ cũng chính là sứ vụ của Ngài: loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa, chữa lành bệnh tật và trừ quỉ. Việc loan báo Tin Mừng về Nước Trời, vốn bao hàm sự chữa lành, sự giải thoát và bình an, cũng đòi hỏi những thái độ luân lý phải có nơi các tông đồ, như xả thân cách vô vị lợi, tinh thần khó nghèo, tinh thần cộng tác và hiệp nhất, sự phó thác cho Thiên Chúa, sự dịu dàng và khiêm tốn. 18. Tương quan giữa luân lý và truyền giáo? Thông điệp Veritatis Splendor đã dạy: “Việc rao giảng Tin Mừng bao hàm vừa lời loan báo vừa sự đề xuất luân lý”, điều đó muốn nói rằng việc đề xuất luân lý cũng góp phần vào việc loan báo Tin Mừng. Việc rao giảng chân lý về con người và về ý nghĩa cuộc sống bao hàm những đòi hỏi luân lý, tạo thành một phần căn bản trong mệnh lệnh truyền giáo của Đức Kitô (x. Mt 28,19-20). Tương quan giữa luân lý và truyền giáo xuất hiện cách rõ ràng hơn nếu chúng ta xét đến mục đích, các phương tiện và những con đường truyền giáo. Mối liên hệ mật thiết giữa luân lý và truyền giáo được nhìn thấy trước hết nơi mục đích mà công cuộc truyền giáo hướng đến: đó là sự hoán cải. “Chính Chúa Giêsu, trong khi rao giảng về Nước Thiên Chúa và về tình yêu cứu độ, đã đưa ra một lời kêu gọi đức tin và sự hoán cải”. Quả thế, việc loan báo Tin Mừng nhằm mục đích dẫn đưa con người đến đức tin. Nhưng đức tin sẽ chỉ là không tưởng và vô nghĩa nếu không có một sự biến đổi con người về phương diện luân lý, không có một sự thay đổi trong hướng đi của cuộc sống. Ở đây chúng ta chạm đến một khái niệm nền tảng về truyền giáo và sự cải hóa. Đối với Giáo Hội, truyền giáo chính là mang Tin Mừng đến mọi môi trường nhân loại và biến đổi con người từ bên trong. Do đó mục đích của truyền giáo là sự đổi mới nội tâm và khi loan báo Tin Mừng Giáo Hội cũng tìm cách cải hóa lương tâm con người, cả cá nhân lẫn tập thể, biến đổi “các tiêu chuẩn phán đoán, các giá trị quyết định, các điểm quan tâm, các dòng suy tư, các nguồn cảm hứng và các kiểu sống của nhân loại, tương phản với Lời Chúa và chương trình cứu độ”. Đức Gioan Phaolô II, trong thông điệp Redemptoris Missio, cũng đã trình bày cách rõ ràng mục đích này của việc truyền giáo: đó là sự hoán cải hoặc canh tân đức tin và đời sống kitô hữu. Thế nhưng, mọi cuộc hoán cải đều đòi hỏi một sự đổi mới trên bình diện luân lý, vì thế, theo Veritatis Splendor, việc truyền giáo vừa rao giảng các chân lý đức tin, vừa trình bày các nền tảng và nội dung của luân lý Kitô giáo như những qui tắc cần thiết để đổi mới cuộc sống. Thứ đến, mối liên hệ giữa luân lý và truyền giáo nằm trong các phương tiện loan báo Tin Mừng. Theo Veritatis Splendor cũng như tất cả các văn kiện của Giáo Hội về truyền giáo, các phương tiện của việc rao giảng Tin Mừng là loan báo và làm chứng. Giáo Hội trực tiếp nhấn mạnh đến tầm quan trọng quyết định của việc loan báo và của chứng từ đức tin sống động trong đời sống đức ái của các cộng đoàn kitô hữu, trong sự trung thành của họ đối với các giáo huấn Tin Mừng và trong việc họ cố gắng thực hiện một cuộc “tân Phúc Âm hóa”. Đây là một thách đố của thời đại chúng ta đang sống, ít ra trong nhiều dân tộc, và nó được định nghĩa như một “sự loan báo Tin Mừng luôn luôn mới và luôn chứa đựng sự mới mẻ, một cuộc Phúc Âm hóa phải luôn luôn mới trong sự nhiệt thành, trong các phương pháp, trong cách diễn tả”. Một sự nhiệt thành trên bình diện luân lý là điều cần thiết để việc loan báo được hữu hiệu. Chính vì thế, việc loan báo Tin Mừng phải đi đôi với việc làm chứng, còn việc làm chứng chuẩn bị và đồng hành với lời rao giảng, như thông điệp đã khẳng định: việc loan báo Tin Mừng “cho thấy tính chất đích thực của nó và đồng thời triển khai mọi sức mạnh truyền giáo của nó khi nó được thực hiện bởi việc trao ban không những lời được công bố, mà còn lời được sống”. Lý do là vì “nhờ đời sống luân lý, đức tin trở nên ‘lời tuyên xưng’, không những trước mặt Thiên Chúa, mà còn trước mặt người đời: đức tin trở thành lời chứng”. Quả thế, theo Ad Gentes, Evangelii Nuntiandi và Redemptoris Missio, chứng từ của một cuộc sống mới làm nảy sinh những câu hỏi nơi mọi người và mở ra một con đường ngày càng rộng cho hoạt động của Chúa Thánh Thần, và như thế nó đặt ra những tiền đề khiến cho mầu nhiệm Đức Kitô có thể chiếu sáng rạng ngời. Cũng vậy, theo Veritatis Splendor, đời sống thánh thiện “là phương thế đơn giản nhất và hấp dẫn nhất” cho việc truyền giáo. 19. Giáo luật nói gì về nghĩa vụ truyền giáo của giáo dân? Giáo luật điều 225 nói: (§1) Xét vì các giáo dân, cũng như mọi tín hữu khác, được Thiên Chúa ủy thác làm việc tông đồ do phép Rửa Tội và phép Thêm Sức, nên họ có nghĩa vụ tổng quát và có quyền lợi xét như từng cá nhân hoặc kết hợp thành hiệp hội, phải làm sao để sứ điệp cứu rỗi của Thiên Chúa được mọi người khắp thế giới biết đến và đón nhận. Nghĩa vụ này lại càng thôi thúc hơn trong những hoàn cảnh mà chỉ có thể nhờ các giáo dân, người ta mới có thể nghe Phúc Âm và biết Ðức Kitô. (§2) Tùy theo điều kiện riêng của từng người, các giáo dân cũng có bổn phận riêng phải thấm nhập và kiện toàn trật tự trần thế với tinh thần Phúc Âm; và như vậy họ làm chứng cho Ðức Kitô đặc biệt khi điều hành các sự việc thế trần cũng như lúc thi hành các chức vụ trên đời. Truyền giáo là bổn phận chung của mọi tín hữu được khẳng định đặc biệt dành cho giáo dân. Nền tảng của bổn phận này được khẳng định qua bí tích rửa tội và thêm sức. Hai mục tiêu của hoạt động truyền giáo này là: loan báo Tin Mừng đến những ai chưa nghe hoặc chưa chấp nhận Tin Mừng (§1), và biến đổi trật tự trần thế với tinh thần Tin Mừng (§2). Người giáo dân có vai trò đặc biệt trong sứ mệnh này bởi vì chỉ nhờ giáo dân mà Tin Mừng được nghe (§1); và qua các hoạt động trần thế đặc trưng của người giáo dân mà trật tự trần thế được biến đổi (§2). • Bổn phận truyền giáo. Cần phải hiểu bổn phận truyền giáo theo nghĩa rộng như đã được khẳng định ở Giáo luật điều 211: "Tất cả các tín hữu có nghĩa vụ và quyền lợi phải làm sao cho sứ điệp cứu độ của Thiên Chúa càng ngày càng được truyền tới hết mọi người, thuộc mọi thời và mọi nơi". Đây không phải là bổn phận chỉ dành riêng cho những người đã được truyền chức, những người được quyền bính hợp pháp sai đi hoặc những nhà truyền giáo chuyên nghiệp, mặc dù đây là nhóm người có tầm quan trọng đặc biệt trong công cuộc truyền giáo (Ad Gentes, các số 23-27). Đây là bổn phận chung. Nó không đòi buộc hoặc cấm cản giáo dân đi đến những miền đất xa lạ hoặc trở thành người rao giảng Tin Mừng toàn thời gian tại nơi mình cư ngụ. Tuy nhiên, những ai chấp nhận việc rao giảng Tin Mừng như thế phải hiệp thông với các thẩm quyền giáo hội địa phương và luôn tuân theo giáo huấn của Giáo Hội (Giáo luật, các điều 759, 772, 781-792). • Biến đổi trật tự trần thế. Vatican II luôn khẳng định sự độc lập của trật tự trần thế. Người Kitô hữu phải luôn tôn trọng luật lệ và thẩm quyền của trật tự trần thế. Tuy nhiên, Giáo Hội cũng được kêu gọi làm biến đổi tội lỗi mà trật tự trần thế đang bị tiêm nhiễm, với tinh thần Tin Mừng (Apostolicam Actuositatem, số 7; Gaudium Spes, số 43, etc.). Truyền giáo, đó không phải là « cách mạng hóa » thế giới, nhưng là « biến đổi » nó. Nhân Ngày Thế Giới Truyền Giáo 24/10/2010, Đức Bênêđictô XVI đã khẳng định: « Bổn phận truyền giáo không phải là cách mạng hóa thế giới, nhưng là biến đổi nó, múc lấy sức mạnh của Chúa Giêsu Kitô, Đấng triệu mời chúng ta đến bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể… ». 20. Truyền giáo "dọc đường" (Mt 10,7) nghĩa là gì? Ý nghĩ phải đi gõ cửa từng nhà hoặc những hành trình xa xôi đã làm cho mọi người phải ngại ngùng khi nghĩ đến việc truyền giáo. Thế nhưng Chúa Giêsu đã đề nghị một phương cách truyền giáo dễ dàng mà mọi người có thể làm được khi nói với các môn đệ: "Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Thiên Chúa đã đến gần" (Mt 10, 7). Hoặc khi Ngài nói với người bị quỷ ám ở Gêrasa khi anh bày tỏ ý muốn theo Ngài: "Anh cứ về nhà với thân nhân, và thuật lại cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh, và Người đã thương anh như thế nào" (Mc 5, 19). Chúng ta có thể gọi đây là phương pháp truyền giáo "dọc đường". Và đây cũng chính là phương pháp truyền giáo của Giáo Hội sơ khai: truyền giáo cho những người thân thuộc, những người mà chúng ta gặp gỡ, giao tiếp hằng ngày. 21. Tính cánh chung của hoạt động truyền giáo trong Giáo Hội? Là thân thể của Đức Kitô, Giáo Hội biểu trưng cho Đức Kitô và sứ mệnh của Ngài trong thế giới. Công cuộc truyền giáo của Giáo Hội không phải là sai đi các dân tộc nhưng là một dân tộc được sai đi để loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa trong tâm hồn mỗi người. "Vì thế, thời gian hoạt động truyền giáo là thời gian ở giữa hai lần Chúa đến; và khi Chúa đến lần thứ hai, Giáo Hội ví như mùa gặt được thu góp vào Nước Chúa từ bốn phương trời. Thực vậy, trước khi Chúa đến, Phúc Âm phải được rao giảng cho mọi dân tộc" (Ad Gentes, số 9). Đó là tính cánh chung của công cuộc truyền giáo trong Giáo Hội. Truyền giáo được dựa vào Đấng Phục Sinh, là hiện tượng hậu phục sinh. Lệnh truyền truyền giáo giả thiết sự hiển vinh đã được hoàn tất nơi Đức Kitô, sự lên ngôi vinh hiển của Ngài trên Nước Trời. Công cuộc truyền giáo xuất phát từ lệnh truyền của Chúa Phục Sinh và sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Thật vậy, lệnh truyền truyền giáo không phải được ban bố giữa sự kiện phục sinh và lên trời mà phải được giải thích trong bối cảnh sự vinh hiển của Đức Kitô trong toàn thể vũ trụ. 22. Tính hiện tại của công cuộc truyền giáo? Giáo Hội cần phải cân bằng nhãn quan cánh chung và hiện tại khi thi hành sứ mệnh truyền giáo. Cần phải có nhãn quan cánh chung bởi vì đến cuối thời gian thì sẽ có trời mới đất mới mà Dân Thiên Chúa sẽ cư ngụ trong đó (Kh 21, 1 - 22, 5). Nhưng như Chúa Giêsu đã nói, Nước Thiên Chúa đã được bắt đầu khi Ngài thi hành sứ vụ (Lc 10, 9; 11, 20). Và như để chứng minh, Ngài đã tuyên bố: "… Nếu tôi dựa vào Thần khí của Thiên Chúa mà trừ quỷ thì Nước Thiên Chúa đã đến giữa các ông" (Mt 12, 28). Bởi thế, chiều kích xã hội của sứ mệnh Giáo Hội trong thời gian hiện tại cũng thật cần thiết vì Nước Thiên Chúa cũng đã được bắt đầu. Nước Thiên Chúa này mặc dầu có tính cánh chung và không thuộc về thế giới này (Jn 18:36), nhưng cũng ở trong thế giới này và là một sức mạnh của sự công bình và hòa bình, của tự do và tôn trọng nhân phẩm của mỗi người trong lịch sử của thế giới này. Giáo Hội mong muốn biến đổi thế giới qua việc loan báo Tin Mừng của tình yêu. TÓM TẮT Tháng 4 (số 1-4) Theo thường lệ của Giáo Hội Công Giáo Rôma, người ta lấy những chữ đầu để đặt tên cho các tài liệu. "Ad Gentes" là những chữ đầu của Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội, có nghĩa là "đến với muôn dân". Sắc lệnh được thông qua với 2.394 phiếu thuận và 5 phiếu chống, và được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI ban hành ngày 7 tháng 12 năm 1965. Có thể tóm tắt sứ mệnh truyền giáo của Kitô hữu bằng 3 từ Hy Lạp là kerygma, diakonia và koinonia. Kerygma (loan báo Tin Mừng đầu tiên), có nghĩa là chia sẻ Tin Mừng về Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta "lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện" (2 Tm 4, 2) - Đây là hành động vì Đức Tin. Diakonia (phục vụ), có nghĩa là giúp đỡ tất cả những ai đang chịu đau khổ và cần giúp đỡ - Đây là hành động vì đức Ái. Koinonia (hiệp thông), có nghĩa là quy tụ mọi người lại trong cùng một đức tin để cùng hưởng nếm sự hòa bình của Nước Trời vào cuối thời gian - Đây là hành động của đức Cậy. Tháng 5 (5-7) Giáo Hội được gọi là "bí tích phổ quát của ơn cứu độ". Từ "bí tích" ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, muốn nói lên rằng Giáo Hội là phương tiện do Thiên Chúa thiết lập để ban ân sủng cho tất cả mọi người. Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, theo tư tưởng Thần Học Kitô giáo có từ thời các thánh giáo phụ, cũng khẳng định rằng Giáo Hội Công Giáo là "bí tích phổ quát của ơn cứu độ" (các số 774–776), và xác quyết rằng: "Nơi trần gian này, Giáo Hội là bí tích ơn cứu độ, là dấu hiệu và dụng cụ của mối hiệp thông giữa Thiên Chúa và người ta" (số 780). Và vì Giáo Hội là phương tiện để Thiên Chúa ban ân sủng nên không có ơn cứu rỗi ngoài Giáo Hội Công Giáo. Tuy nhiên, cần phải hiểu giáo huấn này theo như Giáo Hội hiểu. Công đồng Vatican II (Lumen gentium, số 16) nói: "Những kẻ vô tình không nhận biết Phúc Âm của Chúa Kitô và Giáo Hội Người, nhưng nếu thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, và dưới tác động của ơn thánh, họ cố gắng chu toàn Thánh Ý Thiên Chúa trong công việc mình theo sự hướng dẫn của lương tâm, thì họ có thể được cứu rỗi". Đức Piô XII cũng nói rằng (Mystici Corporis Christi) một người có thể "thuộc về Giáo Hội bằng một ý muốn hoặc ước ao nào đó mà họ chưa nhận biết được", nghĩa là cách chung chung họ có ý muốn làm theo ý của Thiên Chúa. Tháng 6 (số 8-11) Vì bản tính công giáo (phổ quát) của mình và lệnh truyền của Chúa Giêsu cũng như theo gương các thánh Tông Đồ, Giáo Hội có bổn phận phải loan báo Tin Mừng cho mọi người và thành lập cộng đồng tín hữu ở khắp nơi để Lời Chúa được phổ biến và tôn vinh (2 Tx 3, 1). Thứ đến, chúng ta cũng như Thánh Phaolô, “được ân sủng là để rao giảng cho Dân Ngoại các kho tàng khôn lường của Chúa Kitô” (Eph 3, 8). Sự sống mới trong Chúa Kitô là một “Tin Mừng” cho con người nam nữ ở mọi thời đại: tất cả mọi người được kêu gọi đến sự sống mới này và được ấn định để thừa hưởng sự sống ấy. Đó là lý do tại sao việc truyền giáo của Giáo Hội phát xuất chẳng những từ lệnh Chúa truyền, mà còn từ những đòi hỏi sâu xa nơi sự sống của Thiên Chúa ở trong chúng ta nữa. Những ai được tháp nhập vào Giáo Hội Công Giáo phải cảm nhận được đặc ân này, và chính vì lý do đó, họ càng buộc phải làm chứng cho đức tin cũng như cho đời sống Kitô giáo, như là một việc phục vụ anh chị em của mình và như là một đáp ứng tương xứng với Thiên Chúa. (Redemptoris Missio, số 11) Tháng 7 (số 12-14) Giáo Hội Á Châu nhận ra rằng để tồn tại mình phải hòa nhập vào trong cái đa dạng và đa nguyên ở đây, chia sẻ đời sống với đồng bào và phục vụ cho sự sống, như Đức Giêsu đã làm. Thần học truyền giáo của Liên hiệp các Hội Đồng Giám Mục Á Châu (Federation of Asian Bishops' Conferences - FABC) không bắt đầu từ phía trên hay từ trung tâm, nhưng là từ phía dưới và từ ngoài rìa, di chuyển về trung tâm. Đối với FABC, truyền giáo và việc loan báo Tin Mừng không phải là một ‘con đường một chiều’, một ‘sự rao giảng một chiều’ về những nguyên tắc tín lý hay những chân lý đức tin trừu tượng. Vì vậy, khi xây dựng phương thức missio inter gentes để truyền giáo tại Á Châu, FABC bắt đầu không phải với những ý niệm và phạm trù thần học trừu tượng phổ quát, nhưng với những kinh nghiệm đời sống và những thách đố khác nổi lên từ cuộc gặp gỡ đang diễn ra với các thực tại hiện nay của Á Châu và với những bối cảnh đặc thù Á Châu. Đối với FABC, truyền giáo là một cái gì lớn rộng hơn việc trồng một Giáo Hội địa phương mới ở nơi mà nó chưa hiện diện. Các giám mục Á Châu không coi các dân tộc Á Châu như những đối tượng của truyền giáo, theo nghĩa là phải được giúp cải giáo và đưa vào Giáo Hội, mặc dù các Kitô hữu sẵn sàng mời gọi họ như thế. Đúng hơn, tiêu điểm của sứ mạng inter gentes của các Giáo Hội địa phương Á Châu được đồng hóa với chính tiêu điểm của sứ mạng Đức Giêsu: đem Nước Thiên Chúa đến giữa đồng bào mình. Tháng 8 (số 15-16) Lúc sinh thời, Đức Giêsu không chú trọng lắm đến sứ mệnh truyền giáo phổ quát. Hoạt động của Ngài giới hạn trong lãnh thổ đất nước Do Thái và giáo huấn của Ngài không có những lời khuyên chính xác về bổn phận truyền giáo bên ngoài lãnh thổ Do Thái. Thật sự, hoạt động của Chúa Giêsu chỉ hạn hẹp tại Galilê và Giêrusalem và chỉ cho người Do Thái. “Ta chỉ được sai đến với chiên lạc của dân Israel” (Mt 15, 24). Đó là một lịch sử không thể chối cãi được. Tuy nhiên, bên cạnh đó, các thánh sử cũng ghi lại thái độ rộng mở của Chúa Giêsu đối với người Samarie bị khinh miệt (Lc 17, 12 tt; Ga 4, 1 tt). Ngài vẫn chữa bệnh theo yêu cầu của viên Bách quản (Mt 8, 5-13; Lc 7, 1-10) hoặc người phụ nữ Syrophênicien (Mc 7, 24-30, Mt 15, 21-28). Trong dụ ngôn sự phán xét cuối cùng (Mt 25, 31 tt), Chúa Giêsu đã không phân biệt người Do Thái và dân ngoại mà chỉ phân biệt giữa những người yêu mến Đức Kitô khi tiếp nhận những người nhỏ nhất và những người không thi hành điều đó, lúc ấy tất cả mọi biên giới quốc gia đều bị bãi bỏ để chỉ còn những người phục vụ anh em mình. Khi Ngài tự giới hạn mình trong khuôn khổ người Do Thái thì không phải Ngài loại bỏ những dân tộc khác, nhưng là tạo nên một điểm khởi đầu cho sứ mệnh của Ngài. Ngài đã có một nhãn quan rộng lớn hơn cho sứ điệp Tin Mừng nhưng chỉ khởi đầu với chiên lạc nhà Israel” để từ đó tạo nên một nhóm kế tiếp ra đi và chia sẻ Tin Mừng. Thật vậy, Chúa Giêsu đã chỉ thị cho các môn đệ “hãy đi khắp thế gian và rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật” (Mc 16, 15). Tóm lại, hoạt động ngắn ngủi của Chúa Giêsu trên trần thế được giới hạn trong lãnh thổ Do Thái và lúc còn sống Ngài cũng không giao cho nhóm Mười Hai đi truyền giáo bên ngoài xứ sở. Ngài dành trọn nỗ lực cho dân Israel. Thế nhưng lời rao giảng cũng như thái độ của Ngài đã báo trước một nhãn quan rộng mở. Ngài không chỉ đón nhận hết thảy mọi người đến với Ngài bằng lòng tin mà còn rộng mở cho dân ngoại được tham dự vào Nước Trời. Tháng 9 (số 17-18) Thông điệp Veritatis Splendor đã dạy: “Việc rao giảng Tin Mừng bao hàm vừa lời loan báo vừa sự đề xuất luân lý”, điều đó muốn nói rằng việc đề xuất luân lý cũng góp phần vào việc loan báo Tin Mừng. Việc rao giảng chân lý về con người và về ý nghĩa cuộc sống bao hàm những đòi hỏi luân lý, tạo thành một phần căn bản trong mệnh lệnh truyền giáo của Đức Kitô (x. Mt 28,19-20). Tương quan giữa luân lý và truyền giáo xuất hiện cách rõ ràng hơn nếu chúng ta xét đến mục đích, các phương tiện và những con đường truyền giáo. Mối liên hệ mật thiết giữa luân lý và truyền giáo được nhìn thấy trước hết nơi mục đích mà công cuộc truyền giáo hướng đến: đó là sự hoán cải. Việc loan báo Tin Mừng nhằm mục đích dẫn đưa con người đến đức tin. Nhưng đức tin sẽ chỉ là không tưởng và vô nghĩa nếu không có một sự biến đổi con người về phương diện luân lý, không có một sự thay đổi trong hướng đi của cuộc sống. Thứ đến, mối liên hệ giữa luân lý và truyền giáo nằm trong các phương tiện loan báo Tin Mừng. Theo Veritatis Splendor cũng như tất cả các văn kiện của Giáo Hội về truyền giáo, các phương tiện của việc rao giảng Tin Mừng là loan báo và làm chứng. Việc loan báo Tin Mừng “cho thấy tính chất đích thực của nó và đồng thời triển khai mọi sức mạnh truyền giáo của nó khi nó được thực hiện bởi việc trao ban không những lời được công bố, mà còn lời được sống”. Lý do là vì “nhờ đời sống luân lý, đức tin trở nên ‘lời tuyên xưng’, không những trước mặt Thiên Chúa, mà còn trước mặt người đời: đức tin trở thành lời chứng”. Theo Veritatis Splendor, đời sống thánh thiện “là phương thế đơn giản nhất và hấp dẫn nhất” cho việc truyền giáo. Tháng 10(số 19-20) Ý nghĩ phải đi gõ cửa từng nhà hoặc những hành trình xa xôi đã làm cho mọi người phải ngại ngùng khi nghĩ đến việc truyền giáo. Thế nhưng Chúa Giêsu đã đề nghị một phương cách truyền giáo dễ dàng mà mọi người có thể làm được khi nói với các môn đệ: "Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Thiên Chúa đã đến gần" (Mt 10, 7). Hoặc khi Ngài nói với người bị quỷ ám ở Gêrasa khi anh bày tỏ ý muốn theo Ngài: "Anh cứ về nhà với thân nhân, và thuật lại cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh, và Người đã thương anh như thế nào" (Mc 5, 19). Chúng ta có thể gọi đây là phương pháp truyền giáo "dọc đường". Và đây cũng chính là phương pháp truyền giáo của Giáo Hội sơ khai: truyền giáo cho những người thân thuộc, những người mà chúng ta gặp gỡ, giao tiếp hằng ngày. Tháng 11 (số 21-22) Giáo Hội cần phải cân bằng nhãn quan cánh chung và hiện tại khi thi hành sứ mệnh truyền giáo. Cần phải có nhãn quan cánh chung bởi vì đến cuối thời gian thì sẽ có trời mới đất mới mà Dân Thiên Chúa sẽ cư ngụ trong đó (Kh 21, 1 - 22, 5). Nhưng như Chúa Giêsu đã nói, Nước Thiên Chúa đã được bắt đầu khi Ngài thi hành sứ vụ (Lc 10, 9; 11, 20). Và như để chứng minh, Ngài đã tuyên bố: "… Nếu tôi dựa vào Thần khí của Thiên Chúa mà trừ quỷ thì Nước Thiên Chúa đã đến giữa các ông" (Mt 12, 28). Bởi thế, chiều kích xã hội của sứ mệnh Giáo Hội trong thời gian hiện tại cũng thật cần thiết vì Nước Thiên Chúa cũng đã được bắt đầu. Nước Thiên Chúa này mặc dầu có tính cánh chung và không thuộc về thế giới này (Jn 18:36), nhưng cũng ở trong thế giới này và là một sức mạnh của sự công bình và hòa bình, của tự do và tôn trọng nhân phẩm của mỗi người trong lịch sử của thế giới này. Giáo Hội mong muốn biến đổi thế giới qua việc loan báo Tin Mừng của tình yêu. Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính [1]Phần này trích (có sửa đổi) theo Lm. Lê Công Đức, Dẫn vào sứ mạng học, xem http://xuanbichvietnam.wordpress.com/2009/10/31/dan-vao-su-mang-hoc [2] Số 15 & 16 trích từ Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính, "Truyền giáo: nền tảng Kinh Thánh và Thần Học", trong Truyền giáo, từ missio Dei đến Missiones Ecclesiae, TGM Qui Nhơn, 2011, tr. 18, 23-24. [3] Các số 17 & 18 trích từ Gm. Matthêô Nguyễn Văn Khôi, "Luân lý và truyền giáo theo Thông điệp "Veritatis Splendor" của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II", trong Truyền giáo, từ missio Dei đến Missiones Ecclesiae, TGM Qui Nhơn, 2011, tr. 44-45, 52-53. Người đăng: Người Gò Thị vào lúc 16:24 Gửi email bài đăng nàyBlogThis!Chia sẻ lên XChia sẻ lên FacebookChia sẻ lên Pinterest Nhãn: Thông tin Không có nhận xét nào:
Trang chủ Đăng ký: Đăng Nhận xét (Atom)
Lưu theo thời gian
Chủ đề
- Cảm nghiệm (70)
- Hành hương (50)
- Hình ảnh (53)
- Kỷ niệm (45)
- Ơn gọi (14)
- Suy niệm (9)
- Thông tin (37)
- Thư Tín (6)
- Vui cười (1)
Website công giáo hữu ích
- Dalat
- Dòng Đa Minh Việt Nam
- Dũng Lạc
- Mạng lưới cầu nguyện
- Người tín hữu
- Trung tâm Mục vụ DCCT
- Vietcatholic
Website Catholic- Anh ngữ
- Học Tiếng Anh
- Radio - Tòa Thánh
- Spiritdaily
- UCA- Công giáo Châu Á
- Bộ truyền giáo
- Holy See - Tòa Thánh
Tin tức - giải trí
- vietnamweek
- vietnamnet
- Báo tuổi trẻ
- Báo thanh niên
Tổng lượt xem