Công Nghệ Blockchain được áp Dụng Vào Ngành Ngân Hàng Tại Việt ...

Chuỗi khối (hay còn gọi là blockchain) là một thuật ngữ không còn quá xa lạ hiện nay ở nước ta. Blockchain là một "siêu công nghệ" với vô vàn công dụng nổi bật và được ứng dụng trong các lĩnh vực của cuộc sống như nông nghiệp, giáo dục, ngân hàng… Nhờ vậy, công nghệ này mang lại cho khách hàng những trải nghiệm vượt bậc, quan trọng hơn là đề cao tính công khai minh bạch cho người tiêu dùng. Do phạm vi ứng dụng rộng, bao trùm lên các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội, nên việc áp dụng blockchain vào cuộc sống đã đem lại những lợi ích thật sự cho cộng đồng và xã hội.

Đặc điểm của Blockchain

Blockchain là công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối (block) được liên kết với nhau. Cụ thể, blockchain là một mạng lưới gồm nhiều block và mỗi block lưu trữ những thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết với các khối trước đó. Đặc biệt, các thông tin dữ liệu trên các block là không thể thay đổi, nó chỉ có thể được cập nhật và bổ sung thêm. Về cơ bản, blockchain là một chuỗi các máy tính mà tất cả phải chấp thuận thao tác trước khi nó có thể được thực hiện, mỗi block ra đời hay được chỉnh sửa thông tin đều phải có sự xác nhận của các máy tính tham gia hệ thống. Blockchain ở thời điểm hiện tại, đã cho thấy ở nó có các ưu điểm hơn hẳn những công nghệ khác đang được sử dụng, cụ thể:

- Tính hiệu quả: công nghệ blockchain giúp nâng cao hiệu quả giao dịch giữa các bên bằng việc loại bỏ sự có mặt của các bên trung gian, các bên tin cậy thứ ba. Các dữ liệu trong blockchain được xác thực tự động thông qua cơ chế đồng thuận theo thời gian thực (real-time). Blockchain có thể tăng tốc độ giao dịch/thanh toán giữa các bên khi thỏa thuận giữa các bên được tự động mã hóa và lưu trữ dưới dạng các hợp đồng thông minh (smart contract) và được các thực thể khác (cá nhân hoặc tổ chức) xác thực theo cơ chế tự động.

- Tính phi tập trung: sự kết hợp của nhiều thực thể (hệ thống máy tính) kết nối thành mạng lưới tạo ra một chuỗi dữ liệu dài vô tận. Mỗi thực thể của mạng lưới đều có thể tạo ra khối mới và quyền xác nhận các giao dịch. Đây là mô hình “mã nguồn mở”, không có cơ quan trung ương hoặc một bên duy nhất theo dõi hoặc ủy quyền cho bất kỳ thay đổi nào trong chuỗi. Nó giúp loại bỏ sự can thiệp và tập trung quyền lực vào một cơ quan trung ương, giúp loại bỏ chi phí tổ chức và hoạt động của các cơ quan này trong các hệ thống truyền thống hiện tại.

- Tính minh bạch: khi một block mới được tạo ra và xác nhận, nó sẽ tồn tại vĩnh viễn. Suốt trong thời gian tồn tại, tất cả các bên đều có thể dễ dàng xem nội dung block cũng như những giao dịch gắn liền với nó theo thời gian thực. Một bản ghi công khai với đầy đủ nội dung được tạo ra với mỗi giao dịch có tính chất vĩnh viễn, công khai với toàn bộ thành viên của mạng lưới sẽ giúp giảm thiểu (thậm chí có thể nói hoàn toàn không có) bất kỳ hoạt động gian lận nào.

- Tính bền vững và bảo mật cao: blockchain có tính năng bảo mật tốt hơn bởi vì sẽ không có bất kỳ một khe hở nào có thể được tận dụng để đánh sập hệ thống, thậm chí là đối với các hệ thống tài chính có nguy cơ tiềm ẩn cao nhất. Bởi vì hệ thống blockchain được bảo mật bởi rất nhiều máy tính khác nhau được gọi là các nút mạng (nodes) và chúng sẽ đảm bảo việc xác nhận cho những giao dịch trong hệ thống.

Ứng dụng blockchain vào ngành Ngân hàng tại Việt Nam

Blockchain tại Việt Nam cũng được rất nhiều ngân hàng quan tâm và triển khai ứng dụng. Với mục tiêu cải tiến và nâng cao tính linh hoạt trong việc phát hành thư tín dụng (L/C), hợp lý hóa quy trình và cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp hiệu quả nhất, vừa qua một số ngân hàng tại Việt Nam như Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB) đã gia nhập và đều phát hành thành công L/C liên ngân hàng trên mạng lưới Contour. Khác với giao dịch L/C truyền thống phải thực hiện trên nhiều hệ thống khác nhau, toàn bộ quá trình của giao dịch này được thực hiện trên cùng một nền tảng với sự tham gia của nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu, ngân hàng phát hành và ngân hàng thông báo/xuất trình chứng từ đều tham gia xử lý trên cùng một mạng lưới. Ứng dụng công nghệ blockchain cho phép thực hiện được trọn vẹn toàn bộ quy trình nghiệp vụ thư tín dụng chứng từ, từ khâu phát hành đến khâu xuất trình chứng từ theo L/C trên cùng một mạng lưới Contour.

Ngân hàng TPbank, một trong số các ngân trong nước đã ứng dụng thành công công nghệ blockchain giúp tăng tốc độ xử lý giao dịch.

Sự khác biệt lớn nhất so với cách xử lý truyền thống của thư tín dụng chứng từ chính là việc các bên được phép tham gia cập nhật tức thời trạng thái giao dịch. Điều này không chỉ đảm bảo tính toàn vẹn, minh bạch thông tin giữa các bên liên quan, mà còn cải thiện rõ rệt thời gian xử lý và tiết kiệm chi phí cho toàn bộ chu trình. Đây có thể nói là bước ngoặt trong việc thực hiện một dịch vụ quan trọng bậc nhất trong lĩnh vực tài chính thương mại. Hệ thống giúp tất cả các bên tham gia đều được làm chủ, giám sát giao dịch trong suốt quá trình thực hiện, do đó đảm bảo tính nhất quán, minh bạch. Giao dịch phát hành L/C số hóa này còn cho thấy những ưu điểm nổi bật của công nghệ Blockchain như: bảo mật cao, tốc độ xử lý giao dịch được cải thiện rõ rệt, giảm thiểu giấy tờ, tiết kiệm thời gian; hạn chế sai sót, cho phép các bên hoàn thành các luồng công việc trong thời gian thực.

Có thể nói, công nghệ blockchain đang phát triển rất nhanh và mạnh mẽ trong nước, trải dài trên các lĩnh vực từ tài chính cho tới nông nghiệp, đặc biệt là trong các lĩnh vực liên quan tới xác thực thông tin như truy xuất nguồn gốc trong nông nghiệp. Trong kỷ nguyên công nghệ 4.0, việc phát triển các ứng dụng, công nghệ thông minh nhằm phục vụ tốt nhất cho nhu cầu cuộc sống thì blockchain được xem là “chìa khóa” để xây dựng nền tảng công nghệ trong tương lai và đóng vai trò lớn trong việc thay đổi thế giới công nghệ thông tin./.

Từ khóa » Blockchain ứng Dụng Trong Ngân Hàng