Xu Hướng Blockchain Trong Kinh Doanh Và Tài Chính Ngân Hàng

Tính đến năm 2021, thị trường blockchain Việt Nam có khoảng 3.800 dự án khởi nghiệp, với 11 cái tên được định giá trên 100 triệu USD. Hiện nay, nước ta cũng có hơn 200 quỹ đầu tư đang hoạt động và hơn 100 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, cơ sở ươm tạo... .Hệ sinh thái blockchain của nước ta đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Singapore và Indonesia. Công nghệ này hiện nay bắt đầu có độ phủ nhất định trong nhiều lĩnh vực

Blockchain Việt có nhiều "đất diễn"

Trong năm 2021, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam ghi nhận 88 thương vụ đầu tư với tổng giá trị hơn 1,3 tỷ USD (theo số liệu thống kê từ Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ và Văn phòng Đề án 844 thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ). Trong số đó, có nhiều lĩnh vực phát triển phù hợp với xu thế của xã hội, thu hút nhiều vốn đầu tư như công nghệ tài chính, game, giáo dục, y tế chăm sóc sức khỏe, thương mại điện tử, ...

Theo thống kê của Newszoo, năm 2021 có gần 3 tỷ người chơi game trên toàn cầu. Con số này tăng 5,3% so với năm 2020. Trong lĩnh vực ví điện tử, tài chính phi tập trung, Coin98 Wallet vượt vốn hóa một tỷ USD, được đầu tư bởi Alameda Research, quỹ đứng sau FTX.

Công nghệ blockchain có thể được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực. Ảnh: Unplash

Công nghệ blockchain có thể được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực. Ảnh: Unplash

Bên cạnh điểm sáng, Theo ông Trương Gia Bảo - Chủ tịch Liên minh DTS, Phó Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA), có một thực tế cần phải nhìn nhận tại thị trường blockchain tại Việt Nam là nhiều dự án khởi nghiệp có tiềm năng phát triển rất lớn song lại nhanh chóng lụi tàn do không có nhà đầu tư đồng hành. "Số người tham gia vào thị trường gia tăng, nhưng lại thiếu kiến thức trầm trọng về lĩnh vực này. Từ đó, dẫn đến có nhiều hình thức biến tướng, lừa đảo xuất hiện hay thường được biết đến với tên gọi là "lùa gà" hay "giăng bẫy nhà đầu tư", ông Bảo nhận định.

Đối với ngành Tài chính ngân hàng, ứng dụng blockchain cũng bắt đầu nở rộ. Tháng 7 năm 2018, NAPAS đã phối hợp cùng ba ngân hàng VietinBank, VIB và TPBank, thực hiện thử nghiệm thành công giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng bằng công nghệ blockchain sau bốn tuần triển khai.

Paul Vigna – Phóng viên tại Tạp chí The Wall Street nhận định các ngân hàng Việt Nam đều có định hướng đầu tư, nâng cấp và phát triển hệ thống công nghệ của mình. Đặc biệt có một số ngân hàng thể hiện sự quan tâm đến một số công nghệ mới hiện đại như blockchain, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, robot tự động.

Theo ông Trương Gia Bảo, blockchain sẽ mang đến điểm tích cực trong hoạt động tài chính ngân hàng. Đầu tiên là tính hiệu quả.Công nghệ chuỗi khối có thể nâng cao hiệu quả giao dịch giữa các bên bằng việc loại bỏ sự có mặt của trung gian, các bên thứ ba. Các dữ liệu trong chuỗi khối được xác thực tự động thông qua cơ chế đồng thuận theo thời gian thực (real-time).

Tiếp đến là tính phi tập trung. Theo ông Bảo, tính phi tập trung giúp các tổ chức tài chính ngân hàng triệt tiêu sự can thiệp và tập trung quyền lực vào một cơ quan trung ương, giúp loại bỏ chi phí tổ chức và hoạt động của các cơ quan này trong các hệ thống truyền thống hiện tại.

Ông Trương Gia Bảo - Chủ tịch Liên minh DTS, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA). Ảnh: DTS

Ông Trương Gia Bảo - Chủ tịch Liên minh DTS, Phó Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA). Ảnh: DTS

Công nghệ chuỗi khối cũng đảm bảo tính minh bạch, bền vững và bảo mật cao. "Blockchain được bảo mật bởi rất nhiều máy tính gọi là các nút mạng (nodes) và chúng sẽ đảm bảo việc xác nhận cho những giao dịch trong hệ thống. Sẽ không có bất kỳ một khe hở nào có thể được tận dụng để đánh sập hệ thống, thậm chí là đối với các hệ thống tài chính có nguy cơ tiềm ẩn cao nhất", ông Bảo khẳng định.

Nhiều bài toán phải giải

Tuy vậy, theo các chuyên gia, việc ứng dụng blockchain vào tài chính ngân hàng cũng có nhiều thách thức. Trong đó, lớn nhất là quy định pháp lý. Việc hoàn thiện quy định trong lĩnh vực này sẽ mất rất nhiều thời gian và sự cộng tác của nhiều bên liên quan. Không chỉ vậy, hầu như chưa có tiêu chuẩn hoặc một tổ chức nào đứng ra thực thi nhiệm vụ giám sát cũng như quản lý vấn đề này.

Thách thức tiếp theo là việc các đơn vị phát triển blockchain vẫn đang loay hoay trong việc tích hợp chuỗi khối với các hệ thống hiện tại. Nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng sẽ có thể mất từ 7 đến 10 năm để phát triển và làm cho hệ thống thanh toán dựa trên công nghệ blockchain hoạt động và tích hợp đầy đủ cho thanh toán thương mại và thanh toán liên ngân hàng, đảm bảo giải quyết được các vấn đề liên quan đến tốc độ giao dịch, quá trình xác minh với các giới hạn về dữ liệu.

Theo đánh giá của chuyên gia, dù còn nhiều hạn chế, việc ứng dụng công nghệ này tại nước ta vẫn có nhiều cơ hội để mở rộng. Đầu tiên, Chính phủ cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc tạo hành lang pháp lý thúc đẩy sự phát triển của chuỗi khối.

Hơn nữa, Việt Nam cũng đang hoàn thiện các chính sách thúc đẩy chuyển đổi số trong nhiều ngành nghề bao gồm các hoạt động thương mại, gắn với nhiều lĩnh vực khác nhau như sở hữu trí tuệ, thuế hải quan, hạ tầng số, thanh toán không dùng tiền mặt, fintech, logistics... Hướng tới giai đoạn tiếp theo, ông Trương Gia Bảo cho rằng nước ta cần một lộ trình hiệu quả nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong thương mại, gắn với các nội dung theo thứ tự sau: bảo đảm an toàn, an ninh mạng; hoàn thiện chính sách cạnh tranh; cân nhắc kỹ lưỡng các quy định về thuế với nền tảng số gắn với hoạt động thương mại; chính sách sở hữu trí tuệ; phát triển hạ tầng số; phát triển một số ngành, lĩnh vực ưu tiên; và phát triển nguồn nhân lực, chuyên gia trực tiếp và hỗ trợ chuyển đổi số trong thương mại.

Nhân lực trong lĩnh vực blockchain dự kiến cũng sẽ là ngành nổi bật trong tương lai. Ông Trương Gia Bảo cho rằng nếu giải quyết tốt vấn đề nhân lực, có sự đào tạo bài bản, đón đầu xu hướng, chỉ trong vài năm nữa, blockchain có thể phủ sóng ở khắp các lĩnh vực đời sống xã hội, chứ không riêng tài chính ngân hàng.

Hoài Phương

Từ khóa » Blockchain ứng Dụng Trong Ngân Hàng