Cư Sĩ Hành đạo Và Việc Loại Bỏ Những Tu Sĩ Không Phù Hợp
Lời người dịch
Mấy dạo sau này chúng tôi thường thấy những tin tức “giật gân” về những điều không hay trong tăng đoàn Phật giáo ở khắp mọi nơi. Chúng tôi rất buồn và có lẽ cũng như đại đa số, chúng tôi có khuynh hướng kết tội người khác mà không bao giờ nghĩ được rằng chính mình cũng đã góp phần rất nhiều cho những tệ nạn này.
Tình cờ nghe bài pháp “Cư Sĩ Hành Đạo” của Ajahn Brahmali khiến chúng tôi phải suy ngẫm rất nhiều, hối hận về những phán đóan thiển cận của mình và đồng thời cũng rất phấn khởi khi nhận ra rằng phật tử chúng ta cũng chính là những thành viên quan trọng trong việc góp phần bảo tồn đạo Phật cho được trường tồn và tinh khiết.
Hôm nay tôi sẽ nói về cư sĩ tại gia trong đạo Phật, cách nhìn của Đức Phật về cư sĩ, cách họ tương tác với Tăng đoàn (cộng đồng tu sĩ), và cách thực hành lý tưởng nhất cho họ.
Cư sĩ tại gia rất quan trọng bởi vì cộng đồng cư sĩ đông hơn cộng đồng tu sĩ Phật giáo rất nhiều. Ở cương vị một thầy tu, một trong những điều tôi thấy khá thú vị là có một số cư sĩ rất đáng ngưỡng mộ, họ hành đạo tốt đẹp và có nếp sống thật là tuyệt vời. Nhiều khi tôi thấy họ hành xử đáng khâm phục hơn một số tăng sĩ mà tôi biết. Đời nay chỉ có một số rất nhỏ thực sự nghiêm túc tu hành, cho dù họ không mặc áo thầy tu tôi vẫn thấy họ tốt và có trí tuệ hơn đại đa số những vị tuy là tu sĩ mà không coi trọng việc thực hành Phật pháp. Vì lý do đó, tôi nghĩ điều quan trọng mà cư sĩ tại gia cần phải quan tâm tìm hiểu, đó là hành đạo thực sự có nghĩa là thế nào và làm sao để có thể tương tác tốt với cộng đồng tăng ni.
Phật nói về bốn Parisa. Parisa có nghĩa là một hội đồng, một hội chúng, hoặc một nhóm người. Bốn Parisa đó là Tăng, Ni, nam cư sĩ và nữ cư sĩ. Đây là bốn nhóm, bốn hội chúng trong Phật giáo (tứ chúng) và theo Đức Phật, nếu tất cả bốn hội chúng này tồn tại thì Phật giáo mới đầy đủ, trọn vẹn. Tất cả bốn hội chúng đều cần thiết để giữ cho Phật giáo tiếp tục tồn tại, và một trong những quan niệm cơ bản là quan niệm cư sĩ hỗ trợ tu sĩ và, để đáp lại, tu sĩ dạy giáo lý cho cư sĩ.
Tuy nhiên, như tôi đã nói, quan hệ cư sĩ – tu sĩ còn đi xa hơn thế nữa. Một trong những vai trò đặc biệt của cư sĩ, của cộng đồng phật tử, là để kiểm soát các tu sĩ và đây mới chính là điều đáng nói.
Từ xa xưa, trong thời Đức Phật, về cơ bản, cộng đồng cư sĩ quan sát các vị tu sĩ và họ hiểu nơi nào nên hỗ trợ, nơi nào không nên hỗ trợ. Qua đó, ta thấy cộng đồng cư sĩ thực sự có một ảnh hưởng rất lớn đối với Phật giáo, đối với Tăng đoàn, đối với hàng tăng chúng. Quý vị ở trong một cương vị có rất nhiều quyền lực, bởi vì nếu quý vị ngừng hỗ trợ thì Tăng đoàn không thể hoạt động được nữa và đó chính là một cơ chế an toàn rất quan trọng trong Phật giáo…
Có thể quý vị không biết mình có rất nhiều quyền lực. Thật ra, cư sĩ có nhiều quyền lực hơn tu sĩ rất nhiều. Là tu sĩ, chúng tôi làm được gì? Tăng Ni chỉ có quyền gọi là “úp bát không nhận cúng dường”. Đây là “quyền hành” duy nhất mà tăng ni có được. Đối với một Phật tử trong xứ Phật giáo truyền thống thì đây có thể là một điều khá quan trọng…
Còn quý vị, với tư cách là cư sĩ, quý vị có quyền lực, từ chối hỗ trợ khi Phật giáo không được thực hành đúng đắn. Nếu nhìn vào lịch sử của Phật giáo, từ thời Đức Phật, cách sử dụng “quyền lực” này là để làm cho Phật giáo được tinh khiết…Tôi cũng khuyến khích quý vị nên tìm hiểu, học hỏi chút ít về giới luật của tăng ni, có như vậy thì quý vị mới có thể biết tăng ni nào sống đúng đắn, tăng ni nào không. Thí dụ khi thấy tu sĩ có gia đình thì chắc chắn là không đúng. Còn nhiều, nhiều giới luật như vậy nữa, thí dụ tu sĩ không nên xử dụng tiền bạc, tu sĩ phải có một đời sống đạo đức, trong sạch và lý tưởng nhất là phải làm gương.
Vì vậy, điều quan trọng là nên học để biết một chút về những điều mà các tăng ni có thể làm và những điều tăng ni không được làm. Nếu là một tăng ni tốt thì thực sự chẳng có gì để phải lo sợ. Điều này (biết về giới luật của tăng ni) giúp Phật giáo phát triển đúng hướng, giúp phật tử biết nên hỗ trợ nơi nào và không nên hỗ trợ nơi nào.
Một trong những điều thú vị khác là bộ giới luật cho tăng ni được thành lập phần lớn là từ những lời than phiền của hàng cư sĩ tại gia. Khi các phật tử tìm đến Đức Phật để than phiền về những hành vi xấu của tăng ni thì Đức Phật gọi vị đó đến hỏi có đúng như vậy không? Nếu đúng thì Đức Phật lại ban ra thêm một giới luật mới. Đức Phật xem những lời than phiền của phật tử rất nghiêm túc, cho nên nếu có vấn đề gì với tăng chúng thì cứ việc nêu lên, không sao cả, nhiều khi nhờ vậy mà có thể thực sự giải quyết được một số vấn đề trong tăng đoàn…
Một khi đã hành trì giáo pháp tốt và hiểu thấu đáo lời Phật dạy, ngài nói bạn nên phân tích, làm cho rõ ràng rồi nên đem ra chia sẻ với người khác. Cư sĩ cũng nên làm thầy vì có rất nhiều lợi ích, chính bạn cũng sẽ học hỏi được rất nhiều. Tôi nghĩ chúng ta nên đem những tư tưởng từ thời Đức Phật về áp dụng trong thời đại mới này và chúng ta nên khuyến khích cư sĩ đi giảng dạy, nhất là thời nay cư sĩ đông hơn tu sĩ rất nhiều, đôi khi chúng ta phải tận dụng nguồn năng lực một cách thiện xảo. Như vậy quý vị đã biết thêm một điều quan trọng nữa về “Parisa”, khả năng ra giảng dạy Phật pháp của cư sĩ…
Ajahn Brahmali
Từ khóa » Hàng Cư Sĩ Là Gì
-
Cư Sĩ – Wikipedia Tiếng Việt
-
Cư Sĩ Phật Giáo Là Ai? - .vn
-
Cư Sĩ Và Phật Tử Khác Nhau Thế Nào ? - Đặc San Hoa Đàm
-
Mối Quan Hệ Giữa Tu Sĩ Và Cư Sĩ Trong Phật Giáo (Thích Nữ Chơn Ngọc)
-
Chân Dung Người Cư Sĩ | Giác Ngộ Online
-
Vài Nét Về Cách Xưng Hô Trong đạo Phật | Sở Nội Vụ Nam Định
-
Cư Sĩ Là Gì? Chi Tiết Về Cư Sĩ Mới Nhất 2021 - LADIGI Academy
-
Người Cư Sĩ Tại Gia - Phật Học Cơ Bản - THƯ VIỆN HOA SEN
-
Khái Lược Về Cư Sĩ Phật Giáo - Thư Viện Hoa Sen
-
Tăng đồ Nhà Phật (Hán Việt) »» CƯ SĨ TẠI GIA
-
Hàng Ngũ Phật Tử Thường được Chia Là Phật Tử Tại Gia Và Phật Tử Xuất ...
-
Bàn Về Hai Chữ Cư Sĩ Trong Kinh Tăng Nhất A-hàm
-
Đôi Nét Về đạo Phật Và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
-
6. Vai Trò Cư Sĩ Trong Phật Giáo - Chùa Bửu Châu