Mối Quan Hệ Giữa Tu Sĩ Và Cư Sĩ Trong Phật Giáo (Thích Nữ Chơn Ngọc)
Mối quan hệ giữa tu sĩ và cư sĩ được hình thành trước khi Đức Phật thành đạo và trải dài suốt chiều dài lịch sử từ khi Đạo Phật hiện diện trên thế gian. Từ việc nhìn thấy bóng dáng vị tu sĩ oai nghiêm dẫn đến quyết định xuất gia của thái tử Siddathar, cho đến việc thí chủ Dona chủ trì phân chia Xá-lợi Phật sau lễ trà-tỳ của Đức Thế Tôn đã minh định rằng: Người tu sĩ và cư sĩ có những mối quan hệ không chỉ dừng lại ở đời sống tinh thần mà còn trong đời sống vật chất. Hệ thống kinh điển Phật giáo ở cả Nam truyền và Bắc truyền đều ghi nhận rất nhiều những quan hệ giữa người tu sĩ và cư sĩ. Cả cư sĩ và chư Tăng đều là đệ tử Phật, khác biệt là dung nghi, hoàn cảnh sống, mức độ tu tập, giới pháp hành trì và khả năng tâm linh. Cả hai chúng đệ tử này có sự liên hệ, hỗ trợ với nhau chặt chẽ. Sự tăng trưởng hoặc thoái trào của bộ phận này đều có tác động, ảnh hưởng đến bộ phận kia; xét về mức độ sâu xa thì đôi khi còn ảnh hưởng tới thăng trầm của Phật giáo.
KHÁI NIỆM VỀ TU SĨ VÀ CƯ SĨ
Tu sĩ:
Tu sĩ Phật giáo là người từ bỏ nếp sống thế tục, còn gọi là người xuất gia, khép mình trong nếp sống đạo đức và hành trì theo pháp môn đã được Đức Phật thuyết định. Hình bóng chư Tăng thời Đức Phật cũng như hiện nay là sự hiện hữu của Phật pháp đến với hàng cư sĩ nói riêng và mọi người nói chung. Hình bóng tu sĩ Phật giáo đầu tiên sau khi Đức Phật thành đạo là năm anh em Kiều Trần Như, được nói đến trong kinh Chuyển Pháp Luân [1]. Đức Phật khuyên hàng Tỳ kheo không nên thực hành theo hai cực đoan đắm say trong các dục và tự hành khổ mình, mà phải đi theo con đường Trung đạo, tức con đường Thánh đạo tám ngành (chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định) [2].
Trong Phật giáo Bắc truyền, trước khi xuất gia, vị Hoà thượng sẽ xướng rằng: “Thiện tai, Thiện nam tử! Năng liễu thế vô thường. Khí tục thế Nê-hoàn. Công đức nan tư nghì” [3]. Và sau khi cắt trên đầu ba lọn tóc thì đọc bài kệ: “Huỷ hình thủ chí tiết. Cát ái từ sở thân. Xuất gia hoằng thánh đạo. Thệ độ nhất thiết nhân.”
Cư sĩ:
Trong kinh Tăng Chi Bộ, chương Tám pháp, phẩm Gia chủ, kinh Thích tử Mahànàma, Đức Phật nói với Mahànàma rằng: “Này Mahànàma, khi nào quy y Phật, quy y Pháp, quy y chúng Tăng, cho đến như vậy, này Mahànàma, là người nam cư sĩ” [4]. Theo kinh Tương Ưng Bộ, tập V (Đại phẩm), chương 11 (Tương ưng dự lưu), phẩm Phước đức sung mãn, kinh Mahanama (số 37), Đức Phật trả lời cho họ Thích Mahànàma rằng: “Ai quy y Phật, này Mahànàma, quy y Pháp, quy y chúng Tăng. Cho đến như vậy, này Mahànàma, là người cư sĩ”. Đức Phật dạy Mahànàma về người cư sĩ cần đầy đủ: Giới (năm giới), Tín (Phật), Thí (rộng mở và lìa xan tham), Tuệ (tuệ sanh diệt, tuệ các bậc Thánh thể nhập, đoạn tận khổ đau). Sau khi phát nguyện quy y Tam bảo trở thành người cư sĩ, tiếp theo để hoàn thiện đạo đức tự thân cần phải thọ trì năm giới (không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ và không uống rượu) và tu học các thiện pháp.
Tứ chúng:
Gồm Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu-bà-tắc (nam cư sĩ) và Ưu-bà-di (nữ cư sĩ). Đức Phật nói với A-Nan về việc Ác ma thỉnh Ngài nhập Niết bàn và Ngài sẽ không nhập diệt nếu những Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ “chưa thành những đệ tử chơn chánh, sáng suốt, có kỷ luật, sẵn sàng, đa văn, duy trì Chánh pháp, thành tựu Chánh pháp và Tùy pháp, sống chơn chánh, sống theo Chánh pháp, sau khi học hỏi giáo lý chưa có thể tuyên bố, diễn giảng, trình bày, xác định, khai minh, phân tích và giải thích rõ ràng Chánh pháp; khi có tà đạo khởi lên, chưa có thể chất vấn và hàng phục một cách khéo léo, chưa có thể truyền bá Chánh pháp thần diệu” [5].
Tu sĩ và cư sĩ, gọi tắt là tứ chúng là những người sẽ thay Phật hoằng truyền chánh pháp đến khắp mọi người. Mỗi người sẽ có trách nhiệm và bổn phận trong đời sống tu học tự thân và gắn kết nhau trong việc hoằng truyền chánh pháp lợi lạc nhân thiên thời Đức Phật còn tại thế cũng như hiện nay. Hơn hết, chư Tăng là người giữ vững chánh pháp nhãn tạng, là sứ giả của Như Lai truyền thông điệp tu tập đến với mọi người, xây dựng đạo đức tự thân, nếp sống thiền môn và đạo lộ giải thoát trong mai sau.
MỐI QUAN HỆ TU SĨ VÀ CƯ SĨ
Chân chánh và bình đẳng:
Trong tất cả các mối quan hệ thì quan hệ tu sĩ và cư sĩ có điểm đặc biệt là sự chân chánh và bình đẳng. Trong sinh hoạt hằng ngày, các tu sĩ đều truyền trao giáo lý đến với các vị nam nữ cư sĩ. Trong quá trình học, họ luôn đề cao tinh thần bình đẳng vị tha, không phân biệt đối xử với nhau là người giàu kẻ nghèo, hay người tri thức và kẻ thiểu năng, một lòng cùng nhau chia sẻ giáo pháp Phật đà đến với mọi người, cùng xây dựng nền đạo đức. Các hệ thống lớp học cư sĩ, hay truyền giới, thọ bát quan trai được tổ chức với mục đích tạo ra niềm vui an lạc để tu tập giải thoát, cùng thực hành các việc làm chân chánh. Đồng thời, đấy còn là phương thức vận động mọi người tham gia các việc làm mang tính chất không gây đau khổ đến ai, bởi khi còn tại thế Đức Phật có dạy: “Các vị là Phật sẽ thành, ta là Phật đã thành” [6].
Chính điều này đã làm rõ hơn tinh thần bình đẳng và sự thực hành pháp chân chánh, không một tôn giáo nào có thể vượt qua. Ngài cũng nhấn mạnh các vị Tỳ kheo: “Này các Tỳ kheo, Tỳ kheo ấy do kiến được đặt hướng chân chánh, do con đường tu tập được đặt hướng chân chánh, nên đâm thủng vô minh, minh được sanh khởi, chứng được Niết bàn” [7]. Qua đó, chúng ta có thể nhận định Đạo Phật là một tôn giáo chân chánh, bình đẳng thể hiện qua mối quan hệ tu sĩ – cư sĩ, là nơi giao thoa để mang lại nền hòa bình cho xã hội, nâng cao nền giáo dục đạo đức Phật học và thấy rõ nền đạo lý có sự tương hỗ giữa hai thân phận.
Giáo dục và giảng pháp:
Giáo dục Phật học là nơi tầng lớp tu sĩ và cư sĩ phối hợp để tìm hiểu, nghiên cứu, mở mang kho tàng tri thức và thực hành giáo lý Phật đà. Giáo dục Phật học ngày nay dưới tác động của cách mạng thông tin, trở nên toàn cầu hóa. Các vị đứng đầu hệ thống Phật học mở trường lớp, hay các trang mạng online giảng dạy giáo lý trong và ngoài nước, lan truyền các bài học về pháp hành. Một số trung tâm phiên dịch như: Trung tâm phiên dịch Huệ Quang, Hán – Nôm và các học viện được mở để đào tạo tăng tài dấn thân vào phụng sự, hoằng pháp lợi sinh. Người tu sĩ đóng vai trò quan trọng trong việc giảng dạy, đưa ra lời khuyên hữu ích giúp cho cư sĩ. Họ còn có thể hướng dẫn cư sĩ thực tập thiền quán, mở đạo tràng, khóa tu nhằm nâng cao nhận thức đạo pháp cho các cư sĩ. Ngược lại, các cư sĩ mang tinh thần hoằng hóa giáo lý, chuyên tâm tu tập để ngoại hộ thiện tri thức, hộ trì chánh pháp, tạo nên mối tương quan với các tu sĩ. Chính Đức Phật cũng đã dạy mỗi người đi một hướng để giáo hóa chớ đừng hai người đi cùng một hướng.
Cúng dường và từ thiện:
Cúng dường là một trong những cách thức thể nghiệm tâm buông xả. Hơn nữa, là một người đệ tử Phật thì phải có trách nhiệm đến sự suy vong hay phát triển của đạo pháp. Sự hiện hữu của người xuất gia là sự hiện hữu của Tam bảo. Góp duyên để người xuất gia hoàn thành sứ mạng thiêng liêng đồng nghĩa với hạnh nguyện hộ pháp. Đây chính là phương diện hỗ trợ tích cực cho người xuất gia. Khi cúng dường với tâm hoan hỷ, dù cúng phẩm vật nhỏ nhoi nhưng vẫn có ý nghĩa lớn. Hơn thế, Đức Phật không nói lời tùy hỷ với các thí chủ, dù đó là nhà vua, nếu như không có tâm cung kính và sự gia tâm. Nhận thức đúng về điều này là định hướng quan trọng cho người cư sĩ, trong thiện hạnh yểm trợ người xuất gia.
Việc hộ pháp cho người xuất gia không nên giới hạn ở một vị tu sĩ, thầy bổn sư truyền giới hay dựa vào sự thân quen, vì Tăng già là một đoàn thể sống thanh tịnh và hoà hợp. Người cư sĩ phải bỏ đi ý niệm thầy mình, không phải thầy mình, hướng đến tâm bình đẳng cúng dường cho chư Tăng Ni. Tiêu biểu như câu chuyện Gotami cúng y cho Đức Phật và được Phật bảo rằng: “Này Gotami, hãy cúng dường Tăng chúng. Bà cúng dường Tăng chúng, thời Ta sẽ được cung kính, và cả Tăng chúng cũng vậy” [8]. Thông qua lời dạy của Ngài, con người phụng sự con người, mang lại lợi lạc và hạnh phúc cho nhân gian là cúng dường quý báu nhất đối với Ngài. Ở đây, theo kinh Bổn phận người gia chủ Đức Phật dạy rằng, người cư sĩ nếu đủ phước, đủ duyên thì nên hộ trì các bậc xuất gia phạm hạnh về các nhu cầu sống thiết yếu, trên cơ sở của tự nguyện và tùy duyên. Các chương trình từ thiện như khám chữa bệnh, cơ sở dạy nghề, lớp mẫu giáo và lớp học tình thương, trung tâm tư vấn và nuôi dưỡng người nhiễm HIV/AIDS… là những biểu hiện sinh động, cụ thể hoạt động cúng dường và từ thiện ấy.
Thiện xảo trong xử lý những sai lầm:
Tỳ kheo Xa Nặc (Chana) náo loạn chê bai các vị đại đệ tử và ỷ mình có công với Phật nên sau khi Đức Phật nhập diệt, theo lời di huấn của Phật, Tăng già đã tác pháp mặc tẫn (Brahmadanda) Xa Nặc. Cư sĩ là những vị tích cực đóng góp ý kiến cho tu sĩ hoàn thiện đạo đức giới luật trên tinh thần hộ pháp như vua Tần Bà Sa La, vua Ba Tư Nặc,… Tu sĩ và cư sĩ tương tác nhau, nhưng không nên can thiệp quá sâu đời sống tu sĩ. Nếu cúng dường chư Tăng với tâm hoan hỷ thì dù vật phẩm nhỏ vẫn có ý nghĩa lớn như bà già nghèo cúng bát cháo ôi thiu cho Tôn giả Ca Diếp.
Đức Phật dạy: “Thức ăn tốt nhất là thức ăn được cho với tình yêu thương. Vì thiếu những người tạo mối thân tình bằng cách bố thí với niềm yêu thương nên các Tỳ kheo đã lấy thức ăn ở đó và mang đến ăn tại các nhà thân hữu của họ. Tâu Ðại vương, không có vị ngọt nào bằng vị ngọt của tình thương. Thứ gì được cho mà không tình thương thì dù nó gồm bốn thứ ngon ngọt cũng không xứng bằng gạo rừng được cho với tình thương” [9].
Sự tương tác hài hoà của chúng xuất gia và tại gia sẽ tạo nên sức mạnh đoàn thể Tăng già lúc bấy giờ và mai sau. Dù đệ tử xuất gia hay tại gia, giàu hay nghèo, vua chúa hay dân thường… luôn an trú trong chánh pháp, như lý tác ý với tất cả mọi việc, khắc phục những sai lầm, thực tập quán chiếu, hiện pháp lạc trú sẽ an lạc tự thân và phát triển xã hội thanh bình.
BỔN PHẬN NGƯỜI CƯ SĨ
Trách nhiệm trong gia đình và xã hội:
Kinh Thiện Sanh (kinh Trường A-hàm 16) hoặc kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt (kinh Trường Bộ 31), Đức Phật dạy chàng thanh niên Sigala (Thi-ca-la-việt) về những bổn phận của cư sĩ như bổn phận cha mẹ và con cái, thầy và trò, chồng và vợ, bạn bè (bà con), chủ (quản lý) và tớ (nhân viên), tu sĩ và cư sĩ . Đức Phật nói với vua Pasenadi nước Kosala về một vị chân nhân cư sĩ thọ hưởng không đưa đến tổn giảm bằng việc: “Có được tài sản lớn, đem lại an lạc cho mình, đem lại an lạc cho cha mẹ, đem lại an lạc cho vợ con, đem lại an lạc cho người phục vụ, cho người làm công, đem lại an lạc cho bạn bè thân hữu; đối với các vị Sa-môn, Bà-la-môn, thiết trí các sự cúng dường hướng thượng, có khả năng thăng lên thượng giới, đưa đến lạc quả, hướng đến Thiên giới”. Như thế, trong đời sống xã hội, người cư sĩ làm ra tài vật phải đúng pháp.
Hộ trì người xuất gia:
Chơn chánh hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn! Tức là bốn đôi tám chúng. Chúng đệ tử Thế Tôn đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời được bậc Thánh ái kính, không có bể vụn, không bị sứt mẻ, không tì vết, không ô nhiễm, đem lại giải thoát, được người trí tán thán, làm cho an lạc, hướng đến Thiền định. Chư Tăng là ruộng phước, đáng được cung kính cúng dường ở đời. Vì thế, Đức Phật khuyên người cư sĩ nếu đủ duyên thì nên hộ trì các vị xuất gia đạo hạnh: “Ở đây, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử hộ trì chúng Tỳ kheo, hộ trì chúng Tỳ kheo với y, hộ trì chúng Tỳ kheo với đồ ăn khất thực, hộ trì chúng Tỳ kheo với sàng tọa, hộ trì chúng Tỳ kheo với dược phẩm trị bệnh”. Đức Phật đã tán thán việc hỗ trợ không gian tu tập, ngoài việc cúng dường tịnh xá hay giảng đường tu tập, tuỳ theo khả năng mà người cư sĩ có thể cúng dường hỗ trợ điều kiện sống cho người tu sĩ trên cơ sở tự nguyện và tuỳ duyên như y tế, phương tiện đi lại, và các điều kiện sinh hoạt của người xuất gia.
Kinh Tăng Chi Bộ III có đề cập: “Ở đây, này Kimbila, khi Như Lai nhập diệt, các Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ sống cung kính, tùy thuận bậc Đạo Sư, sống cung kính tùy thuận Pháp; sống cung kính tùy thuận chúng Tăng; sống cung kính tùy thuận học pháp; sống cung kính tùy thuận Thiền định; sống cung kính tùy thuận không phóng dật; sống cung kính tùy thuận nghinh đón. Này Kimbila, đây là nhân, đây là duyên, khi Như Lai nhập diệt, diệu pháp được tồn tại lâu dài” [10]. Bản thân cư sĩ phải nhận thức được vai trò và trách nhiệm của mình trong việc hộ trì Tam bảo cũng như thừa tự pháp, để giúp cho giáo pháp được trường tồn. Trong vấn đề hộ trì đó, có nhiều khía cạnh mà người cư sĩ cần ghi nhớ. Ngoài việc hộ trì Phật bảo, Pháp bảo thì Tăng bảo cũng là một phần quan trọng trong đời sống tâm linh của hàng đệ tử tại gia và cần được hộ trì: Niềm tin vững chắc nơi Tăng chúng; Thường xuyên hộ độ cúng dường đến chư Tăng; Bảo vệ uy tín và thanh danh cho Tăng chúng; Kính trọng và nhu thuận.
Cư sĩ đến với chùa là tinh thần tự nguyện, đem công đức của mình cùng với tu sĩ tham gia các Phật sự, đồng tâm hiệp lực tạo ra sức mạnh đồng bộ, góp phần phụng sự đạo giúp đời theo phương hướng hoạt động của Giáo hội Phật giáo ngày càng hưng thịnh và phát triển.
Tóm lại, tu sĩ và cư sĩ chính là những người con ưu tú của Đức Phật. Nếu cả hai trang nghiêm tự thân, tu tập chuẩn mực và hoàn thành những trách vụ đã phân định, luôn tương kính nhau bằng con mắt tuệ thì ngọn đèn sinh mệnh chánh pháp luôn được duy trì và thắp sáng mãi muôn nơi, đem lại lợi lạc đến khắp nhân sinh. Tăng, Ni và Phật tử ngày nay cần xác định rõ mục đích của Đạo Phật đi vào đời cứu khổ ban vui với phương châm: “Hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi bổn hoài”. Mỗi chúng ta hãy cùng nhau góp từng viên gạch nhỏ vững chắc góp phần xây dựng nên tòa nhà Chánh pháp của Đức Như Lai ngày càng được kiên cố hơn. Mỗi chúng ta phải tự thân làm gương mẫu, luôn trau dồi giáo lý và phẩm hạnh, điều này rất cần thiết trong quá trình đưa đến quả xuất thế.
Chính tác phong, đạo đức của tu sĩ và Phật tử là nền tảng cho gia đình, xã hội tốt đẹp, là tấm gương cho các thân hữu hoặc những người chưa hiểu đạo phát tâm tu tập theo Đạo Phật, làm cho đời sống ngày càng thăng hoa, hạnh phúc. Trong bối cảnh có nhiều tôn giáo cùng vận hành trong xã hội, tu sĩ và cư sĩ Phật giáo nên trang bị nhiều hơn về kiến thức và kỹ năng trong việc tu học, nhất là nghiêm túc thực hành đúng theo những gì Đức Thế Tôn đã dạy nhằm kiến tạo đời sống vững mạnh về tâm hồn lẫn thể chất.
Chú thích:
1.Thích Minh Châu (dịch) (2018), Kinh Tương ưng bộ II (tập IV), Nxb Tôn giáo, tr.783. 2.Kinh Tương ưng bộ II, Sđd, tr.783. 3.Thích Thiện Hoà (2016), Giới đàn tăng, Nxb Tôn giáo, tr.249. 4.Thích Minh Châu (dịch) (2018), Kinh Tăng chi bộ I, Nxb Tôn giáo, tr.340. 5.Thích Minh Châu (dịch) (2018), Kinh Trường bộ 1, Nxb Tôn giáo, tr.300. 6.Thích Tịnh Hạnh (2000), Đại Tập 145, Bộ Luật sớ III số 1809 – 1815, Hội Văn hoá Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc, tr.614. 7.Kinh Tương Ưng V, Sđd, tr.23. 8.Kinh Trung bộ (quyển 3, 13 quyển), Nxb Tôn giáo, tr.595. 9.Kinh Tiểu bộ (Chuyện tiền thân 346, chuyện đạo sĩ Kesava), tr.413. 10.Kinh Tăng Chi Bộ III (Chương Bảy pháp, Phẩm Không Tuyên Bố), Sđd, tr.395.
Từ khóa » Hàng Cư Sĩ Là Gì
-
Cư Sĩ – Wikipedia Tiếng Việt
-
Cư Sĩ Phật Giáo Là Ai? - .vn
-
Cư Sĩ Và Phật Tử Khác Nhau Thế Nào ? - Đặc San Hoa Đàm
-
Chân Dung Người Cư Sĩ | Giác Ngộ Online
-
Vài Nét Về Cách Xưng Hô Trong đạo Phật | Sở Nội Vụ Nam Định
-
Cư Sĩ Là Gì? Chi Tiết Về Cư Sĩ Mới Nhất 2021 - LADIGI Academy
-
Người Cư Sĩ Tại Gia - Phật Học Cơ Bản - THƯ VIỆN HOA SEN
-
Khái Lược Về Cư Sĩ Phật Giáo - Thư Viện Hoa Sen
-
Tăng đồ Nhà Phật (Hán Việt) »» CƯ SĨ TẠI GIA
-
Hàng Ngũ Phật Tử Thường được Chia Là Phật Tử Tại Gia Và Phật Tử Xuất ...
-
Bàn Về Hai Chữ Cư Sĩ Trong Kinh Tăng Nhất A-hàm
-
Đôi Nét Về đạo Phật Và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
-
Cư Sĩ Hành đạo Và Việc Loại Bỏ Những Tu Sĩ Không Phù Hợp
-
6. Vai Trò Cư Sĩ Trong Phật Giáo - Chùa Bửu Châu