Củng Cố Kiến Thức - Ngữ Văn - SureTEST

1. Các loại văn bản đã học trong chương trình

+ Tự sự: Trình bày các sự việc (sự kiện) có quan hệ nhân - quả dẫn đến kết cục nhằm biểu hiện con người, đời sống, tư tưởng, thái độ.

+ Thuyết minh: Trình bày thuộc tính, cấu tạo, nguyên nhân, kết quả... của sự vật, hiện tượng, vấn đề... giúp người đọc có tri thức và thái độ đúng đắn đối với đối tượng được thuyết minh.

+ Nghị luận: Trình bày tư tưởng, quan điểm, nhận xét, đánh giá... đối với các vấn đề xã hội văn học qua các luận điểm, luận cứ, lập luận có tính thuyết phục.

+ Ngoài ra, còn có văn bản nhật dụng gồm: Kế hoạch, quảng cáo, bản tin, văn bản tổng kết...

2. Yêu cầu viết văn bản

+ Nắm vững đặc điểm kiểu loại văn bản và mục đích, yêu cầu cụ thể của văn bản.

+ Hình thành ý và sắp xếp thành dàn ý cho văn bản.

+ Viết văn bản: Mỗi câu trong văn bản tập trung thể hiện một chủ đề và triển khai chủ đề trọn vẹn. Các câu trong văn bản liên kết chặt chẽ, kết cấu mạch lạc, tương ứng với nội dung là hình thức thích hợp.

3. Văn nghị luận

a). Đề tài cơ bản của văn nghị luận:

- Đề tài nghị luận trong nhà trường gồm nghị luận xã hội và nghị luận văn học.

- Khi viết nghị luận về các đề tài đều trình bày tư tưởng, quan điểm, nhận xét, đánh giá... đối với các vấn đề nghị luận; sử dụng luận điểm, luận cứ, các thao tác lập luận có tính thuyết phục.

+ Đối với đề tài nghị luận xã hội, cần có vốn sống, vốn hiểu biết thực tế, hiểu biết xã hội phong phú, rộng rãi, sâu sắc.

+ Đối với đề tài nghị luận văn học, cần có kiến thức văn học, khả năng lí giải các vấn đề văn học, cảm thụ các tác phẩm, hình tượng văn học.

b). Lập luận trong văn nghị luận:

- Lập luận gồm những yếu tố: Luận điểm, luận cứ, phương pháp lập luận.

- Luận điểm thể hiện tư tưởng, quan điểm của người viết (nói) về vấn đề nghị luận, luận điểm cần chính xác, minh bạch. Luận cứ là những lí lẽ và bằng cứ dùng để soi sáng cho luận điểm.

- Yêu cầu cơ bản và cách xác định luận cứ cho luận điểm:

+ Lí lẽ phải có cơ sở, phải dựa trên những chân lí, những lí lẽ đã được thừa nhận.

+ Dẫn chứng phải chính xác, tiêu biểu và phù hợp với lí lẽ.

+ Cả lí lẽ và dẫn chứng phải phù hợp với luận điểm, tập trung làm sáng tỏ luận điểm.

- Các thao tác lập luận cơ bản gồm: Thao tác lập luận phân tích; so sánh; bác bỏ; bình luận.

Sử dụng tổng hợp các thao tác lập luận trong bài nghị luận.

- Các lỗi thường gặp khi lập luận:

+ Nêu luận điểm không rõ ràng, trùng lặp, không phù hợp với bản chất của vấn đề cần giải quyết.

+ Nêu luận cứ không đầy đủ, thiếu chính xác, thiếu chân thực, trùng lặp hoặc rườm rà.

+ Lập luận mâu thuẫn, luận cứ không phù hợp với luận điểm.

c). Bố cục văn nghị luận

- Mở bài:

+ Nêu vấn đề nghị luận, định hướng cho bài nghị luận và thu hút người đọc (nghe).

+ Thông báo chính xác, ngắn gọn về đề tài, hướng người đọc (người nghe) vào đề tài một cách tự nhiên; gợi sự hứng thú với vấn đề được trình bày trong văn bản.

+ Cách mở bài: Có thể nêu vấn đề một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.

- Thân bài là phần chính của bài viết.

+ Nội dung cơ bản của phần thân bài là triển khai vấn đề thành các luận điểm, luận cứ, sử dụng các phương pháp thích hợp.

+ Các nội dung trong phần thân bài phải được sắp xếp có hệ thống, giữa các đoạn trong thân bài phải chuyển ý để đảm bảo tính liên kết giữa các ý, các đoạn.

- Kết bài:

+ Thông báo về sự kết thúc của việc trình bày đề tài.

+ Đánh giá khái quát của người viết về những khía cạnh nổi bật nhất của vấn đề, gợi liên tưởng rộng hơn, sâu sắc hơn.

d). Diễn đạt trong văn nghị luận

- Yêu cầu của diễn đạt trong văn nghị luận:

+ Lựa chọn từ ngữ chính xác, phù hợp với vấn đề nghị luận, tránh dùng khẩu ngữ hoặc những từ sáo rỗng, cầu kì. Kết hợp sử dụng những biện pháp tu từ vựng (ẩn dụ, hoán dụ, so sánh...) và một số từ ngữ mang tính biếu cảm để bộc lộ cảm xúc phù hợp.

+ Phối hợp một số kiểu câu trong đoạn, trong bài để tránh sự đơn điệu, nặng nề, tạo nên sự linh hoạt biểu hiện sự cảm xúc (câu ngắn, câu dài, câu mở rộng thành phần, câu nhiều tầng bậc...). Sử dụng các biện pháp tu từ cú pháp để tạo nhịp điệu, nhấn mạnh rõ hơn thái độ, cảm xúc (lặp cú pháp, song hành, liệt kê, câu hỏi tu từ...).

+ Giọng điệu chủ yếu của văn nghị luận là trang trọng, nghiêm túc. Các phần trong bài có thể thay đổi giọng điệu cho thích hợp với nội dung cụ thể: Sôi nổi, trầm lắng, hài hước.... thể hiện chính xác ý nghĩa và tình cảm của người viết.

- Các lỗi về diễn đạt thường gặp: Dùng từ ngữ thiếu chính xác, lặp từ, thừa từ, dùng từ ngữ không đúng phong cách, sử dụng câu đơn điệu, câu sai ngữ pháp; sử dụng giọng điệu không phù hợp với vấn đề nghị luận.

Từ khóa » Hệ Thống Kiến Thức Văn Nghị Luận