Thông tin chung: Công trình: Cung điện Westminster và Tu viện Westminster bao gồm cả Nhà thờ Saint Margaret (Palace of Westminster and Westminster Abbey including Saint Margaret’s Church) Địa điểm: Westminster, London, England (N51 29 59 E0 7 43) Thiết kế kiến trúc: Quy mô: Diện tích Di sản 10,26ha Năm hình thành: Giá trị: Di sản thế giới (năm 1987, sửa đổi ranh giới nhỏ vào năm 2008; hạng mục i, ii, iv) Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (United Kingdom of Great Britain and Northern Ireland) thường được gọi là Vương quốc Anh (United Kingdom) nằm ở ngoài khơi bờ biển phía tây bắc lục địa châu Âu. Vương quốc Anh bao gồm đảo Anh, phần đông bắc của đảo Ireland. Vương quốc Anh bao gồm bốn quốc gia: Anh, Scotland, Wales và Bắc Ireland; thủ đô lần lượt là London, Edinburgh, Cardiff và Belfast. Bắc Ireland có chung biên giới trên bộ với Ireland. Ngoài biên giới trên bộ, Vương quốc Anh được bao quanh bởi Đại Tây Dương, gồm biển Bắc ở phía đông, eo biển Manche ở phía nam, biển Celtic ở phía tây nam. Vương quốc Anh có diện tích 242.500 km2; dân số 67 triệu người (năm 2020); thủ đô và thành phố lớn nhất của cả vương quốc là London. Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len còn có một số lãnh thổ hải ngoại và các lãnh thổ còn đang tranh chấp. Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len có một lịch sử phát triển lâu đời, từ khoảng 30000 năm trước đây; là quốc gia công nghiệp hóa đầu tiên trên thế giới; cường quốc đứng đầu thế giới trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Ngày nay, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland vẫn là một đại cường quốc với các ảnh hưởng đáng kể về kinh tế, văn hóa, quân sự, khoa học và chính trị trên quy mô toàn cầu. Bản đồ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len; vị trí thành phố London Westminster là một khu vực của Trung tâm Luân Đôn, kéo dài từ sông Thames đến phố Oxford với nhiều điểm thu hút du khách và các địa danh lịch sử, bao gồm Cung điện Westminster, Cung điện Buckingham, Tu viện Westminster, Nhà thờ Westminster và phần lớn khu mua sắm và giải trí West End. Cung điện Westminster, Tu viện Westminster và Nhà thờ St Margaret nằm cạnh bờ tây bắc sông Thames, gần các tòa nhà chính phủ ở Whitehall. Với hình khối phức tạp, Quần thể này tượng trưng cho chế độ quân chủ tôn giáo và nghị viện kể từ khi Edward the Confessor (Vua Anh, trị vì từ năm 1042- 1066) xây dựng cung điện và nhà thờ trên đảo Thorney (Thorney Island, một tên khác của Westminster) vào thế kỷ 11 sau Công nguyên. Quần thể đại diện cho hành trình từ một xã hội phong kiến đến một nền dân chủ hiện đại và thể hiện lịch sử đan xen của nhà thờ, chế độ quân chủ và nhà nước. Ngày nay, Cung điện Westminster, Tu viện Westminster và Nhà thờ St Margaret tiếp tục sử dụng theo chức năng ban đầu và đóng một vai trò quan trọng trong chính thể và xã hội tại Anh. Tu viện Westminster là nơi các quốc vương đăng quang, kết hôn và chôn cất. Đây cũng là đài tưởng niệm quốc gia về những người đã phục vụ đất nước, như Mộ Chiến sĩ vô danh (Tomb of the Unknown Warrior). Tu viện Westminster là nơi thờ phụng tôn giáo hơn 1000 năm, tổ chức các nghi lễ hàng ngày, lễ kỷ niệm và sự kiện văn hóa lớn quốc gia. Cung điện Westminster tiếp tục là nơi đặt trụ sở của Quốc hội. Tiếng chuông “Big Ben” tại Tháp Elizabeth trong Cung điện Westminster được phát sóng thường xuyên trên khắp thế giới. Tháp Big Ben hiện đã trở thành một trong những biểu tượng của nền dân chủ Nghị viện. Cung điện Westminster, Tu viện Westminster và Nhà thờ St Margaret thể hiện lịch sử của một trong những chế độ quân chủ nghị viện cổ xưa nhất cho đến thời điểm hiện tại, cũng như sự phát triển của các thể chế nghị viện và hiến pháp. Ở dạng hữu hình, Cung điện Westminster là một ví dụ nổi bật về các giai đoạn kế tiếp của nghệ thuật và kiến trúc Gothic Anh; là nguồn cảm hứng cho thiết kế kiến trúc của Charles Barry (kiến trúc sư người Anh, năm 1795 - 1860) và thiết kế nội thất của Augustus Pugin (kiến trúc sư, nhà thiết kế, nghệ sĩ và phê bình người Anh, năm 1812 - 1852) Quy mô to lớn của Cung điện Westminster thể hiện sự hùng vĩ của chế độ quân chủ lập hiến và nguyên tắc của hệ thống Lưỡng viện đã được định hình vào thế kỷ 19 của Vương quốc Anh. Cung điện là một trong những di tích quan trọng nhất của kiến trúc Tân Gothic (Gothic Revival), là một ví dụ nổi bật, mạch lạc và hoàn chỉnh của phong cách này. Hội trường Westminster là một di tích quan trọng của phong cách Kiến trúc Gothic hình học (Perpendicular Gothic) ở Anh thế kỷ 14- 17 và mái nhà bằng gỗ sồi đáng ngưỡng mộ của Hội trường là một trong những thành tựu lớn nhất của xây dựng bằng gỗ thời Trung cổ. Westminster là nơi đã diễn ra những sự kiện lịch sử trọng đại của Vương quốc Anh. Nhà thờ St Margaret, một công trình xây dựng theo phong cách Kiến trúc Gothic hình học quyến rũ, tiếp tục là nhà thờ giáo xứ của Cung điện Westminster, nơi thờ phụng của Thượng viện và Hạ viện từ năm 1614 và là một phần không thể thiếu của Quần thể. Cung điện Westminster và Tu viện Westminster bao gồm cả Nhà thờ Saint Margaret tại London, Anh được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới (năm 1987) với tiêu chí: Tiêu chí (i): Tu viện Westminster là công trình nghệ thuật độc đáo, một tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người, đại diện cho một chuỗi nổi bật các giai đoạn liên tiếp của nghệ thuật Gothic Anh. Tiêu chí (ii): Ngoài ảnh hưởng đối với kiến trúc Anh thời Trung cổ, Tu viện Westminster còn đóng một vai trò quan trọng tác động đến kiến trúc sư Charles Barry, Augustus Pugin trong thiết kế Cung điện Westminster và phong cách Tân Gothic (Gothic Revival) của thế kỷ 19. Tiêu chí (iv): Cung điện Westminster, Tu viện Westminster bao gồm cả Nhà thờ Saint Margaret minh họa các đặc điểm cụ thể của chế độ quân chủ nghị viện trong một khoảng thời gian dài tới 9 thế kỷ. Lăng mộ hoàng gia, Nhà chương, Hội trường, Khu Thượng viện và Hạ viện là ví dụ nổi bật về một quần thể kiến trúc cảnh quan hài hòa, tạo nên một bảo tàng thực sự về lịch sử Vương quốc Anh. Phạm vi Khu vực Di sản Cung điện Westminster và Tu viện Westminster bao gồm cả Nhà thờ Saint Margaret, London, Anh Vị trí 3 công trình chính trong Khu vực Di sản: 1. Cung điện Westminster; 2. Tu viện Westminster; 3. Nhà thờ Saint Margaret, London, Anh Di sản bao gồm các khu vực sau: Cung điện Westminster Cung điện Westminster (Palace of Westminster) là nơi họp của Thượng viện và Hạ viện Vương quốc Anh, còn gọi là Nhà Quốc hội. Tên của Cung điện bắt nguồn từ Tu viện Westminster lân cận. Cung điện là một trong những trung tâm của đời sống chính trị ở Vương quốc Anh. Westminster trở thành biệt danh cho Quốc hội và Chính phủ Anh. Phối cảnh tổng thể Cung điện Westminster, London, Anh Cung điện được xây dựng vào năm 1016, là nơi ở chính thức của các vị vua Anh cho đến khi hỏa hoạn thiêu rụi các căn hộ hoàng gia vào năm 1512. Phần còn lại của Cung điện tiếp tục đóng vai trò là trụ sở của Quốc hội Anh và Tòa án Tư pháp Hoàng gia. Sau trận hỏa hoạn năm 1834, Cung điện chỉ còn lại một số công trình thời Trung cổ như Hội trường Westminster, một số hầm mộ và tòa tháp. Cung điện Westminster ngày nay được xây dựng lại vào năm 1840–1876, do Charles Barry (kiến trúc sư người Anh, năm 1795 - 1860) thiết kế kiến trúc và Augustus Pugin (kiến trúc sư, nhà thiết kế, nghệ sĩ và phê bình người Anh, năm 1812 - 1852) thiết kế nội thất. Cung điện Westminster có phong cách Tân Gothic (Gothic Revival Style), đặc biệt được lấy cảm hứng từ phong cách Perpendicular Gothic (Kiến trúc Gothic Hình học ở Anh thế kỷ 14- 17). Phong cách này đặc trưng bởi: Vòm cửa được tạo bởi 4 đường cong khác nhau còn gọi là “vòm 4 tâm” (hai trong số loại vòm nổi tiếng này là vòm Ba Tư và vòm Tudor); Các đường gờ thẳng dọc và ngang (Tracery, làm bằng đá, gỗ, thạch cao, sắt) phân chia mặt tường, trần, cửa theo các phần tỷ lệ khác nhau. Cung điện Westminster được xây dựng bằng đá vôi màu cát từ vùng Anston, Anh và được bổ sung bằng đá vôi màu mật ong từ vùng Clipsham, Rutland, Anh. Vòm 4 tâm điểm, một đặc trưng của Kiến trúc Gothic Hình học (Perpendicular Gothic) ở Anh Cung điện Westminster có tổng diện tích sàn khoảng 112476m2, bao gồm hơn 1100 phòng, 100 cầu thang và 4,8km lối đi, được trải rộng trên 4 tầng. Tầng trệt là văn phòng, phòng ăn và quầy bar. Tầng 1 (tầng chính) nơi bố trí các phòng chính, gồm phòng họp, tranh luận, sảnh, hành lang và thư viện. Hai tầng trên cùng được sử dụng làm văn phòng của các ủy ban. Sơ đồ mặt bằng Cung điện Westminster, London, Anh Về bố cục chung, Quần thể Cung điện kéo dọc theo sông Thames dài gần 300m, gồm 5 lớp không gian chính: Lớp không gian thứ nhất, lớp ngoài cùng dọc sông Thames: Bao gồm hành lang dọc sông và các dãy phòng lưu trữ, văn phòng phục vụ cho Thượng viện và Hạ viện. Lớp không gian thứ hai, hay lớp sân trong phía đông: Bao gồm 6 sân trong gắn với khu vực Thượng viện, Hạ viện và khu vực trung tâm. Lớp không gian thứ ba: Là lớp không gian chính với các phòng lớn là sảnh, hội trường, hành lang của Thượng viện và Hà viện. Lớp không gian thứ tư hay lớp sân trong phía tây: Bao gồm 5 sân trong gắn với khu vực Thượng viện, Hạ viện và khu vực trung tâm. Lớp không gian thứ năm, lớp trong cùng: Bao gồm các phòng phục vụ và Hội trường Westminster (Westminster Hall), là tòa nhà lớn nhất trong Quần thể. Các hạng mục chính trong Cung điện Westminster hay Nhà Quốc hội gồm: Sân vườn xung quanh và cổng ra vào Cung điện Cung điện Westminster có mặt phía đông là sông Thames, ba mặt còn lại là vườn và sân. Từ đây có các cổng ra vào Cung điện. Cung điện có nhiều cổng, dành riêng cho Hoàng gia, thành viên Thượng viện, Hạ viện và cho công chúng. Sơ đồ vị trí vườn xung quanh và cổng ra vào Cung điện Westminster, London, AnhSân vườn xung quanh và cổng ra vào Cung điện Westminster gồm: Mặt phía đông Cung điện là sông Thames. Tại đây không có cổng ra vào mà chỉ có hành lang như là một sân thượng (Terrace) cảnh quan hướng ra sông. Mặt phía nam Cung điện là Vườn Black Rod (Black Rod's Garden). Đây là không gian gắn với 2 cổng: Cổng Vehice (Vehice Entrance) và Cổng Pedestrian (Pedestrian Entrance). Từ đây có lối vào Sân trong Hoàng gia (Royal Court) dẫn đến Khu vực Thượng viện. Vườn Black Rod,phía nam Cung điện Westminster, London, Anh; Cạnh vườn là Tháp Victoria Cổng Pedestrian vào Vườn Black Rod, phía nam Cung điện Westminster, London, Anh Mặt phía tây nam Cung điện có Sân Cung điện cũ (Old Palace Yard). Trong sân có tượng Vua Richard Coeur de Lion (Vua Richard I, trị vì năm 1189 – 1199) cưỡi ngựa bằng đồng, được hoàn thành vào năm 1856. Từ đây có 3 cổng vào Khu vực Thượng viện: Cổng Sovereign (Sovereign's Entrance): Lối vào đi xuyên qua Tháp Victoria (Victoria Tower), là tuyến đường dành riêng cho Hoàng gia. Cổng Chancellor (Chancellor's Gate) dẫn vào Sân trong Chancellor (Chancellor's Court): Lối vào dành riêng cho công chúng. Cổng Peer (Peer's Entrance) dẫn vào Sân trong State Officer (State Officer's Court): Lối vào dành riêng cho thành viên Thượng viện. Cổng được nhấn mạnh bởi khối sảnh 1 tầng nhô ra phía trước và tháp phía trên cổng với trang trí phía trên đỉnh là cửa kính hình tròn và 4 tháp nhỏ, nhọn tại 4 góc.Bề mặt khối cổng được trang trí bởi các đường gờ (Tracery) bằng đá theo nguyên tắc hình học với những chi tiết kiến trúc điển hình và phức tạp. Sân Cung điện cũ (Old Palace Yard) phía tây nam Cung điện Westminster, giáp với đầu hồi phía nam của Hội trường Westminster; Trong sân có tượng Richard Coeur de Lion. Cổng Peer (Peer's Entrance) tại Sân Cung điện cũ (Old Palace Yard); Cung điện Westminster, London, Anh Mặt chính giữa phía tây Cung điện là Vườn Cromwell (Cromwell Green). Từ đây có cổng St. Stephen (St. Stephen's Entrance) vào mặt nam của Hội trường Westminster (Westminster Hall). Đây là lối vào dành cho các vị thượng khách trong và ngoài nước đến thăm Quốc hội. Trong vườn có tượng Oliver Cromwell (tướng, chính khách người Anh, năm 1599 – 1658) được dựng vào năm 1899. Vườn Cromwell, phía tây Cung điện Westminster, giáp với mặt bên Hội trường Westminster; Trong vườn có tượng Oliver Cromwell Cổng St. Stephen, lối vào Sân khấu Hội trường Westminster, London, Anh Mặt phía tây bắc là Vườn và Sân Cung điện mới (New Palace Yard): Từ đây có cổng vào khu vực Hạ viện và phía bắc của Hội trường Westminster (Westminster Hall). Bên dưới Sân là bãi đậu xe ngầm 5 tầng với 450 chỗ đỗ dành cho ô tô của các thành viên Quốc hội, được xây dựng từ năm 1972- 1974. Trung tâm của bãi cỏ trong vườn là một đài phun nước được dựng vào năm 1977. Bên trong đài phun nước là một tác phẩm điêu khắc được trang trí bởi các loài chim và thú từ các lục địa, phía trên là một vương miện mạ vàng. Vườn và Sân Cung điện mới (New Palace Yard) phía tây bắc Cung điện Westminster, Luân Đôn, Anh Đài phun nước trong Vườn và Sân Cung điện mới, Cung điện Westminster, Luân Đôn, Anh Mặt phía bắc là Vườn Speakers (Speaker's Green). Từ đây có lối vào Sân Speaker (Speaker's Court) tới khu vực Hạ viện. Cạnh Vườn là Tháp Elizabeth. Vườn Speakers tại phía bắc Cung điện Westminster, Luân Đôn, Anh Tòa tháp Cung điện Westminster có 3 tháp chính: Tháp Victoria, Tháp Elizabeth và Tháp Trung tâm. Tháp Victoria (Victoria Tower) là lớn nhất và cao nhất, tới 98,5m, nằm tại góc tây nam của Cung điện. Tháp có mặt bằng hình vuông và sử dụng làm lối vào Cung điện (Sovereign's Entrance) dành riêng cho Hoàng gia và làm kho chống cháy lưu trữ tài liệu của Quốc hội. Công trình do Kiến trúc sư Charles Barry thiết kế theo phong cách Perpendicular Gothic, được hoàn thành vào năm 1860. Tháp cao 14 tầng, là tòa nhà thế tục cao nhất thế giới thời bấy giờ. Liên kết giữa các tầng là một cầu thang bằng sắt với 533 bậc, đỡ mặt bậc bằng đá granit. Chân tháp (phía tây và đông) là lối vào Cung điện với Cổng vòm cao 15m, được trang trí lộng lẫy bằng các tác phẩm điêu khắc, bao gồm các bức tượng của các Thánh George, Andrew và Patrick, cũng như của chính Nữ hoàng Victoria (Nữ hoàng Anh, trị vì năm 1837 – 1901, được biết đến với tên gọi Thời đại Victoria/ Victorian Era). Thân chính của Tháp Victoria chứa ba triệu tài liệu của Kho Lưu trữ Quốc hội trong một giá cao 12 tầng. Mái Tháp có hình chóp bằng gang. Trên đỉnh chóp là một cột cờ bằng sắt cao 22m. Toàn cảnh Cung điện Westminster với Tháp Victoria ở bên trái, London, Anh Trang trí đỉnh Tháp Victoria, Cung điện Westminster, London, Anh Tháp Elizabeth (Elizabeth Tower) cao 96m, nằm tại góc phía bắc của Cung điện. Tháp thấp hơn một chút so với Tháp Victoria, song mảnh mai hơn. Phần đế của Tháp có hinh vuông, mỗi cạnh dài 12m. Công trình do Kiến trúc sư Augustus Pugin thiết kế theo phong cách Tân Gothic (Gothic Revival), được hoàn thành vào năm 1859. Tháp cao 11 tầng. Liên kết giữa các tầng là bậc thang xoắn ốc với 290 bậc đá lên đến Phòng đồng hồ, tiếp theo 44 bậc đến Tháp chuông và thêm 59 bậc lên đỉnh ngọn tháp. Công trình được xây dựng bằng đá vôi màu cát từ vùng Anston, Anh. Trên cùng là một chóp mái bằng gang. Ban đầu, đây dự kiến đây là một tháp thông gió có kích thước 4,9m x 2,4m, nhưng đã không hoạt động và trở thành một ống khói cho đến năm 1914. Tháp còn có tên là Tháp Đồng hồ (Clock Tower) với 4 mặt đồng hồ đường kính 7m, được thắp sáng phía sau vào ban đêm. Kim giờ dài 2,7m; Kim phút dài 4,3m. Đồng hồ ghi giờ chính xác đến từng giây, đạt được các tiêu chuẩn về độ chính xác mà các nhà chế tác đồng hồ thế kỷ 19 coi là không thể, và hiện vẫn luôn đáng tin cậy kể từ khi đi vào hoạt động vào năm 1859. Phía trên đồng hồ có một tháp chuông với 5 quả chuông. Chuông nhỏ đánh vào mỗi phần tư giờ. Chuông lớn nhất đánh theo giờ, được gọi là Big Ben (Great Bell of Westminster) nặng 13,5 tấn, đúc năm 1858. Tháp Elizabeth hay Tháp Big Ben với vẻ đẹp thanh lịch, hoành tráng và thần bí cổ tích là niềm tự hào, là một trong những biểu tượng nổi bật của Vương quốc Anh. Tháp Elizabeth (Big Ben), Cung điện Westminster, London, Anh Tháp Trung tâm (Central Tower/ Central Hall) là tháp ngắn nhất trong 3 tháp chính của Cung điện với độ cao 91m. Tháp có mặt bằng hình bát giác, nằm tại chính giữa Cung điện; Hai bên là hai sảnh chính (Lobby) vào Thượng viện (House or Lords) và Hạ viện (House of Commons). Hình dáng mảnh mai của Tháp Trung tâm tương phản rõ rệt với các tháp hình vuông đồ sộ như Tháp Victoria, Tháp Elizabeth ở hai đầu của Cung điện. Tháp Trung tâm, Cung điện Westminster, London, Anh Ngoài 3 tháp chính, trong Cung điện còn có một số tháp nhỏ như tháp cổng, tháp thông gió và những khối tháp nằm tại đầu góc sát sông của Quần thể. Lớp Sân trong phía đông Lớp sân trong phía đông, gần với sông Thames, từ nam lên bắc, gồm 6 sân: Sân Hoàng gia (Royal Court): Nằm tại phía nam của Quần thể: Mặt nam sân: Văn phòng quản lý Cung điện Westminster (Lord Great Chamberlain, hình vẽ ký hiệu 1), là dãy công trình cao 3 tầng (gồm cả 1 tầng trệt) với một cổng vào sân trong. Mặt đông sân với khối nhà cao 3 tầng với hai tòa tháp cao 4 tầng tại hai bên: Văn phòng thư ký Thượng viện (Clerk of Parliaments, ký hiệu 2), Văn phòng Ủy ban Thượng viên (Committee Room, ký hiệu 3), Thư viện Thượng viện (Peers' Libraries) với Sân thượng dọc sông (Rivers Terrace). Mặt tây sân: Phòng Kings' Robing (Kings' Robing Room) và Phòng trưng bày Hoàng gia (Royal Gallery). Mặt bắc sân: Phòng lễ phục (Bishops' Robing Rooms, ký hiệu 4) cao 4 tầng. Phối cảnh tổng thể Sân trong Royal, Cung điện Westminster, London, Anh Sân Thượng viện (Peers' Court): Nằm cạnh Sân Royal có mặt bằng hẹp, diện tích chỉ bằng một nửa so với Sân Royal: Mặt đông sân: Phòng giải khát (Refreshment Rooms, ký hiệu 5) gắn với Thư viện thuộc Thượng viện (Peers' Libraries), Văn phòng Thượng viện (Peers' Committee Rooms, ký hiệu 13. Mặt tây sân: Phòng Hoàng tử (Princes Chamber); Phòng họp của Thượng viện (House of Lords) và Sảnh vào (Lobby). Mặt bắc và nam sân: Là dãy phòng hẹp và hành lang. Hai sân trong cạnh Tháp Trung tâm (Central Hall): Sân bên trong Thượng viện (Peers's Inner Court) và Sân bên trong Hạ viện (Common's Inner Court): Mặt đông sân: Các dãy phòng nhỏ, nối với các Phòng ăn (Dining Rooms, ký hiệu 14) nằm dọc sông. Mặt tây sân: Các phòng luật sư (Law Officers Rooms), phòng trợ lý cho Chính phủ và đảng đối lập (Government & Opposition Whips). Mặt phía bắc Sân bên trong Hạ viện: Phòng của chủ tịch Ủy ban Hạ viện (Chairman of Committtees, ký hiệu 18). Mặt nam sân: Là các dãy phòng hẹp và hành lang. Hai sân trong cạnh Tháp Trung tâm (Central Hall): Sân bên trong Thượng viện (Peers's Inner Court) và Sân bên trong Hạ viện (Common's Inner Court),Cung điện Westminster, London, Anh Sân Hạ viện (Common's Court): Mặt đông sân: Phòng đọc và uống trà dành cho Hạ nghị viên (Member's Reading & Tea Rooms, ký hiệu 17) gắn với Thư viện thuộc Hạ viện (Common's Libraries) nằm dọc sông. Mặt tây sân: Hành lang Hạ viện (Division Lobbies, ký hiệu 20) gắn với Phòng họp Hạ viện (House of Commons). Mặt bắc và nam sân là các dãy phòng hẹp và hành lang. Sân của người Phát ngôn (Speaker's Court): Nằm ngoài cùng phía bắc của Cung điện, có quy mô tương tự như Sân Hoàng gia: Mặt đông của sân: Là một khối nhà cao 3 tầng với 2 tòa tháp cao 4 tầng tại hai bên, nơi bố trí phòng nghỉ của Chủ tịch Hạ viện (Speaker's Residence, ký hiệu 15). Mặt bắc của sân: Phòng của sĩ quan nghi lễ (Serjeant at Arms, ký hiệu 16). Mặt tây của sân: Dãy phòng của các Bộ trưởng (Minister's Rooms, ký hiệu 21) và Văn phòng thư ký Hạ viện (Clerk of the House of Commons, ký hiệu 22). Kề liền phía bắc là Tháp Đồng hồ (Clock Tower) hay Tháp Elizabeth. Lớp Sân trong phía tây Lớp sân trong phía tây, từ nam lên bắc, gồm 5 sân: Sân Carriage (Peers' Carriage Court): Là một sân nhỏ hình vuông: Mặt nam của sân là Tháp Victoria (Victoria Tower). Mặt tây và bắc của sân là Phòng Thư ký Thượng viện (Reding Clerk, ký hiệu 9) và dãy phòng nhỏ. Mặt đông của sân là Phòng trưng bày Hoàng gia (Royal Gallery). Sân văn phòng Quốc gia (State Office Court): Mặt tây và bắc là văn phòng Đại Chưởng ấn (Đại Pháp quan/Đổng lý Văn phòng / Lord Chancellor, ký hiệu 10. Đại Chưởng ấn là vị quan chức hàng đầu của triều đình, thực thi Luật Công bình, viện dẫn vào “Công lý, Lẽ phải và Tình thương yêu của Chúa trời” để giải quyết các vụ việc của Tòa án); Văn phòng của Chủ tịch Thượng viện (Chairman of Committees, ký hiệu 12). Mặt đông là phòng họp Thượng viện (House of Lords). Sân St Stephen (St Stephen's Court): Mặt đông là văn phòng Bộ trưởng (Minister's Rooms, ký hiệu 7), Văn phòng Điện tín (Telgraph Office, ký hiệu 26). Mặt nam là Phòng để các Thượng nghị sĩ mặc áo choàng nghi lễ (Peers' Robing Room, ký hiệu 8). Mặt tây là văn phòng Chủ tịch Thượng viện (Chairman of Committees, ký hiệu 12). Mặt bắc là sảnh St Stephen (St Stephen s' Hall) nối Tháp Trung tâm (Central Hall) với Hội trường Westminster (Westminster Hall). Sân Tu viện (Cloister Court): Là sân trong của một Tu viện, nằm tại phía nam của Hội trường Westminster. Phía nam của Sân có phòng lưu giữ phiếu bầu và kỷ yếu (Votes and Proceedings, ký hiệu 24) của Quốc hội. Các mặt còn lại của sân là các phòng nhỏ và hàng lang. Sân Ngôi sao (Star Champer Court): Phía đông sân là Hành lang Hạ viện (Division Lobbies, ký hiệu 20) gắn với Phòng họp Hạ viện (House of Commons). Phía tây sân là Hội trường Westminster. Phía bắc sân là Văn phòng Bộ trưởng (Minister's Rooms, ký hiệu 23). Phòng Robing Phòng Robing (Queen's Robing Room/ King's Robing Room) kề liền Sân Hoàng gia (Royal Court), nằm tại mặt tiền phía nam của Quần thể, nhìn ra Vườn Black Rod (Black Rod's Garden. Đây là nơi Nữ hoàng đội Vương miện và mặc lễ phục Hoàng gia trước khi vào Thượng viện. Chủ đề trang trí của căn phòng là truyền thuyết về Vua Arthur, được nhiều người thời Victoria coi là cội nguồn lập quốc. Trong Phòng có một ngai vàng, được làm từ thế kỷ 19 để Nữ hoàng sử dụng. Ngoài ra tại đây còn có trang trí bằng các huy hiệu, khiên của hiệp sĩ, phù hiệu của các vương triều Anh. Bên trong Phòng Robing (Queen's Robing Room), Cung điện Westminster, London, Anh Phòng trưng bày Hoàng gia Phòng trưng bày Hoàng gia (Royal Gallery): Nằm tại phía bắc của Phòng Robing (Kings' Robing Room) kề liền Sân Hoàng gia (Royal Court), là một trong những phòng lớn nhất Cung điện với kích thước (33,5m x 13,7m, cao 13,7m) và được thiết kế rất hoành tráng. Phòng có chức năng như là một không gian cho lễ rước Hoàng gia tại Lễ khai mạc kỳ họp Quốc hội, nơi khán giả đứng dọc theo hai bên của Phòng. Đây cũng là phòng khách tiếp đón các nguyên thủ, chính khách nước ngoài đến thăm và phát biểu tại hai Viện Quốc hội; nơi tổ chức tiệc chiêu đãi cấp nhà nước, thường có sự hiện diện của các thành viên hai Viện Quốc hội. Trong Phòng trưng bày các sự kiện quan trọng trong lịch sử quân sự Anh, trong đó có 2 bức tranh lớn với kích thước 13,7m x 3,7m miêu tả những khoảng khắc quan trọng trong Chiến tranh Napoleon. Ngoài ra, đây còn là nơi trưng bày tranh chân dung các vị vua và hoàng hậu và tượng miêu tả một số vị vua Anh. Trần phòng là bằng gỗ chạm khắc hình hoa hồng Tudor (Tudor Rose, biểu tượng huy hiệu hoa truyền thống của nước Anh); Cửa sổ kính màu hiển thị quốc huy của các vị vua Anh và Scotland. Nữ hoàng Anh và Công tước xứ Edinburgh tiến qua Phòng trưng bày Hoàng gia (Royal Gallery) trong Lễ Khai mạc Quốc hội tại Cung điện Westminster, Luân Đôn, Anh Phòng Hoàng tử Phòng của Hoàng tử (Princes Chamber) là một tiền sảnh nhỏ giữa Phòng trưng bày Hoàng gia (Royal Gallery) và Phòng họp của Thượng viện (House of Lords). Đây là nơi các Thượng nghị sĩ gặp nhau để bàn về các công việc của Thượng viện. Chủ đề trang trí của Phòng Hoàng tử là lịch sử của triều đại Tudor (House of Tudor, trị vì Vương quốc Anh từ năm 1458- 1603) với 28 bức tranh chân dung, 12 bức phù điêu bằng đồng mô tả các thành viên của gia tộc. Trong phòng có một bức tượng cao 2,44m của Nữ hoàng Victoria, ngồi trên ngai vàng, tay cầm vương trượng. Phòng của Hoàng tử (Princes Chamber), Cung điện Westminster, London, Anh Phòng họp Thượng viện Phòng họp Thượng viện (House of Lords) nằm cạnh Sân Thượng viện (Peers' Court) và Sảnh vào Thượng viện (Peers' Lobby). Căn phòng có kích thước 13,7m x 24,4m. Phòng được trang trí xa hoa với các đồ đạc màu đỏ. Phần trên của Phòng được trang trí bởi các cửa sổ kính màu và 6 bức bích họa ngụ ngôn đại diện cho tôn giáo, tinh thần hiệp sĩ và luật pháp. Các đồ vật chính trong Phòng gồm: Ngai vàng: Được trang trí công phu dành cho vua Anh (chủ yếu tham gia dự lễ Khai mạc Quốc hội). Cạnh Ngai vàng là hai ghế cho thành viên Hoàng gia tham dự Quốc hội. Ghế len màu đỏ có tên là Woolsack: Đặt phía trước Ngai vàng, là chỗ ngồi của Chủ tịch Thượng viện. Trước năm 2006, là chỗ ngồi của Thủ tướng Anh (được cho là thể hiện tầm quan trọng lịch sử của ngành buôn bán len xưa kia); Phía sau của Woolsack là Chùy nghi lễ (Ceremonial Mace), là một cây trượng (vũ khí) biểu tượng cho quyền lực của Hoàng gia. Phía trước chỗ ngồi của Chủ tịch Thượng viện là hai tấm đệm màu đỏ (Woolsack, không có chỗ tựa) dành cho Thẩm phán Tòa án tối cao và các Thẩm phán khác (là thượng nghị sĩ hoặc không), đại diện cho Cơ quan Tư pháp của Chính phủ. Phía trước các Woolsack là bàn làm việc của các thư ký Thượng viện. Các thành viên của Thượng viện ngồi trên những chiếc ghế dài màu đỏ ở ba mặt của Phòng họp. Những chiếc ghế dãy phải của Phòng họp là Khu vực Tinh thần (Lords Spiritual) dành cho các vị chức sắc tôn giáo (Tổng giám mục và giám mục của Giáo hội Anh quốc) và nghị sĩ của đảng cầm quyền. Những chiếc ghế dãy trái của Phòng họp là Khu vực Thế tục (Lords Temporal), dành cho nghị sĩ của các đảng đối lập. Dãy ghế chính giữa Phòng họp (Crossbencher) đối diện với Ghế len màu đỏ Woolsack dành cho nghị sĩ phi đảng phái. Phòng họp Thượng viện (House of Lords) với Ngai vàng và chỗ ngồi của các nhóm Nghị sĩ, Cung điện Westminster, Luân Đôn, Anh Sảnh Phòng họp Thượng viện Sảnh Phòng họp Thượng viện (Peers' Lobby) nằm tại phía bắc của Phòng họp Thượng viện (House of Lords). Đây là nơi các Thượng nghị sĩ có thể thảo luận hoặc thương lượng các vấn đề trong thời gian diễn ra các cuộc họp Thượng viện. Phòng có kích thước hình vuông, 12m x 12m. Tường phòng trang trí biểu tượng liên quan đến các triều đại Hoàng gia. Trong số các cửa ra vào, cửa ở phía nam dẫn đến Phòng họp Thượng viện là lộng lẫy nhất với những biểu tượng được trang trí và mạ vàng. Tại phía bắc của Sảnh là Hành lang (Corridor) tới Phòng Trung tâm (Central Hall), được trang trí bằng 8 tranh tường mô tả những sự kiện lịch sử xung quanh nội chiến Anh (English Civil War, năm 1642- 1866). Các bức bích họa thực hiện từ năm 1856 – 1866. Sảnh Phòng họp Thượng viện (Peers' Lobby), Cung điện Westminster, Luân Đôn, Anh Hội trường Trung tâm Hội trường Trung tâm (Central Hall) ban đầu được đặt tên là Hội trường Bát giác vì hình dạng của nó. Hội trường Trung tâm là trái tim của Cung điện Westminster. Công trình nằm ngay dưới Tháp Trung tâm (Central Tower), tạo thành một ngã tư giữa Thượng viện tại phía nam và Hạ viện tại phía bắc; Sảnh St Stephen St (Stephen s' Hall) và lối vào tại phía tây; Sảnh đợi và các phòng thư viện tại phía đông. Hội trường là nơi các nhà lập pháp có thể gặp các thành viên của Lưỡng viện Quốc hội, nơi vận động hành lang. Hội trường cũng là nhà hát của các buổi tổ chức nghi lễ trược khi khai trương các kỳ họp Quốc hội. Hội trường rộng 18m, cao 23m. Bên trong được trang trí bởi các biểu tượng hoa, huy hiệu, tượng các vị vua Anh và Scotland; Tại các ô cửa và bề mặt tường phía trên cửa (Tympana) có các bức tranh khảm miêu tả các vị thánh bảo trợ quốc gia và tượng các chính khách lớn trong thế kỷ 19. Sàn nhà được lát bằng gạch men với hoa văn phức tạp… Hội trường Trung tâm (Central Hall), Cung điện Westminster, Luân Đôn, Anh Sảnh Phòng họp Hạ viện Sảnh Phòng họp Hạ viện (Members' Lobby) nằm tại phía nam của Phòng họp Hạ viện (House of Commons). Đây là nơi các Hạ nghị sĩ có thể thảo luận hoặc thương lượng các vấn đề trong thời gian diễn ra cuộc họp Hạviện. Phòng được thiết kế tương tự như Sảnh Phòng họp Thượng viện, song lớn hơn, tạo thành một khối lập phương với kích thước 13,7m ở tất cả các mặt. Bên trong Sảnh đặt tượng, tượng bán thân của các vị Thủ tướng Anh. Bên trong sảnh Phòng họp Hạ viện, Cung điện Westminster, Luân Đôn, Anh Phòng họp Hạ viện Phòng họp Hạ viện (House of Commons) nằm cạnh Sân Hạ viện (Commons Court) và Sảnh vào Hạ viện (Members' Lobby). Phòng họp Hạ viện có kích thước 14m x 20,7m và có kiểu dáng đẹp hơn Phòng họp Thượng viện. Các ghế dài, cũng như các đồ đạc có màu xanh lục. Cuối phía bắc của Phòng họp là ghế của Chủ tịch Hạ viện. Phía trước chủ tọa là nơi bàn của các thư ký Hạ viện với chiếc Chùy nghi lễ đặt trên bàn. Hai bên của Phòng họp Hạ viện là các dãy ghế màu xanh lá cây. Dãy ghế bên trái thuộc các Hạ nghị sĩ của đảng cầm quyền; Dãy ghế bên phải thuộc các Hạ nghị sĩ của các đảng đối lập. Phòng này chỉ có thể chứa 427 trong tổng số 650 Hạ nghị sĩ của Quốc hội. Một số Hạ nghị sĩ phải ngồi hai đầu của Phòng họp. Theo truyền thống, Hoàng gia Anh không vào Hạ viện. Bên trong Phòng họp Hạ viện, Cung điện Westminster, Luân Đôn, Anh Hội trường Westminster Hội trường Westminster (Westminster Hall) nằm nhô ra phía tây của Quần thể, có mặt bằng hình chữ nhật theo hướng bắc nam. Sân khấu nằm tại phía nam. Hội trường có hai lối vào chính: Lối vào chính từ phía bắc, phía Quảng trường Cung điện mới (New Palace Yard). Đây cũng là mặt đứng chính của Hội trường theo kiểu đầu hồi. Lối vào từ phía từ phía nam, dành cho các vị chủ trì và các chính khách đặc biệt. Phía tây của Hội trường là dãy phòng thủ tục hành chính, giấy tờ tư nhân (Private Bill Office, hình vẽ ký hiệu 25), văn phòng Ủy ban Quốc hội (Grand Committee Room, ký hiệu 26). Hội trường là phần tồn tại lâu đời nhất của Cung điện Westminster, được xây dựng vào năm 1097 bởi Vua William II ('William Rufus', trị vì năm 1087- 1100). Vào thời điểm đó, đây là một trong những hội trường lớn nhất châu Âu. Mái nhà ban đầu được hỗ trợ bởi các cột trụ tạo thành 3 nhịp nhà, nhưng dưới thời trị vì của Vua Richard II (trị vì năm 1377- 1399), kết cấu mái được thay bằng hệ thống công xôn (console) bởi thợ mộc hoàng gia Hugh Herland (khoảng năm 1330 – 1411), cho phép thay thế hai hàng cột giữa để tạo thành không gian mở một nhịp, không có cột giữa nhà. Kết cấu mái nhà mới được đưa vào hoạt động năm 1393. Mái nhà có kích thước 20,7m x 73,2m. Kết cấu gỗ bằng gỗ sồi, được chế tạo tại các xưởng mộc và mang đến lắp ráp tại công trường. Bên trong Hội trường có các hốc tường, nơi đặt 15 bức tượng kích thước bằng người thật của các vị vua Anh. Ngoài ra, trong Hội trường còn đặt nhiều biểu tượng liên quan đến những nhân vật lịch sử, các nghị sĩ, nhân viên của hai viện Quốc hội và con trai của họ đã hy sinh trong Chiến tranh Thế giới 1 và 2. Cho đến thế kỷ 19, nơi đây thường xuyên được sử dụng cho các mục đích tư pháp của các tòa án và phục vụ các chức năng nghi lễ như tiệc đăng quang, tang lễ cấp quốc gia, lễ kỷ niệm sự kiện quốc gia. Một số chính khách đặc biệt nước ngoài đã được mời phát biểu trước cả hai viện Quốc hội tại đây. Hình ảnh bên ngoài Hội trường Westminster, London, Anh Kết cấu mái nhà, Hội trường Westminster, London, Anh Bên trong Hội trường Westminster, nhìn về hướng nam; London, Anh Các công trình khác Ngoài các phòng chính nêu trên, Quần thể Cung điện Westminster còn có nhiều không gian đặc biệt khác: Thư viện Thượng viện (House of Lords Library) nằm tại phía đông của Quần thể, trải dài dọc sông Thames. Thư viện được thành lập vào năm 1826. Đây là nơi lưu giữ và cung cấp cho Thượng viện các tài liệu về pháp lý và nghị viện với khoảng 80 ngàn tập sách cùng với các tài liệu báo cáo khác. Thư viện Hạ viện (House of Commons Library) tương tự như Thư viện Thượng viện, trải dài dọc sông Thames. Thư viện được thành lập vào năm 1818. Đây là nơi lưu giữ và cung cấp cho Hạ viện khoảng 30 ngàn cuốn sách về lịch sử, địa hình, văn học, tiểu sử và chính trị, cũng như các tài liệu báo cáo khác. Sứ mệnh của Thư viện khi thành lập: "Đóng góp cho một nền dân chủ được thông tin đầy đủ". Bên trong Thư viện Thượng viện (House of Lords Library), Cung điện Westminster, Luân Đôn, Anh Bên trong Thư viện Hạ viện (House of Commons Library), Cung điện Westminster, Luân Đôn, Anh Quần thể Tu viện Westminster Tu viện Westminster (Westminster Abbey) nằm tại phía tây của Cung điện Westminster; là một quần thể gồm Nhà thờ Hiệp đoàn Thánh Peter, Nhà nguyện Henry VII 's Lady và Tu viện Westminster. Tại địa điểm này, vào thế kỷ thứ 7 đã tồn tại một nhà thờ. Giữa năm 1042 và 1052, Vua Edward the Confessor (trị vì năm 1042- 1066, được tôn là Thánh) bắt đầu xây dựng lại Tu viện Westminster như một nhà thờ và nơi chôn cất Hoàng gia. Đây cũng là nhà thờ đầu tiên ở Anh được xây dựng theo phong cách Romanesque. Tòa nhà được hoàn thành vào khoảng năm 1060 và được thánh hiến vào ngày năm 1065. Tu viện hiện nay được bắt đầu xây dựng vào năm 1245 theo lệnh của Vua Henry III (trị vì năm 1216- 1272) và phần lớn được hoàn thành vào triều đại của Vua Richard II (trị vì năm 1377 – 1399). Ban đầu, đây là một tu viện dòng Benedictine cho đến khi Tu viện bị giải thể vào năm 1539. Từ năm 1540 đến năm 1556, Tu viện là nhà thờ chính tòa và là trụ sở của giám mục Công giáo của Giáo phận Luân Đôn. Sau năm 1560, tòa nhà không còn là tu viện hay nhà thờ, sau khi những người Công giáo bị Vua Henry VIII (Monarchy of the United Kingdom, trị vì năm 1491- 1547) mời ra khỏi Tu viện, thay vào đó là một Giáo hội Anh “ Royal Peculiar ", một dòng tu chịu trách nhiệm trực tiếp với chủ quản là Nữ hoàng Elizabeth I (trị vì năm 1558- 1603). Những năm sau này, Tu viện tiếp tục được bổ sung một số nhà nguyện và tòa tháp. Tu viện bị đánh bom khủng bố năm 1914 và bị đánh bom phá hủy vào năm 1940, 1941 trong Chiến tranh thế giới thứ 2. Tu viện Westminster trở thành là một trong những Quần thể tôn giáo đáng chú ý nhất của Vương quốc Anh; nơi đăng quang truyền thống của quốc vương Anh và đám cưới Hoàng gia. Tu viện là nơi chôn cất hơn 3.300 người nổi tiếng trong lịch sử nước Anh: ít nhất 16 vị vua, 8 thủ tướng, nhà thơ, diễn viên, nhà khoa học (trong đó có Stephen Hawking, nhà vật lý, vũ trụ học người Anh, năm 1942- 2018), nhà lãnh đạo quân sự nổi tiếng và Chiến binh vô danh (trong Chiến tranh thế giới thứ nhất). Do đó, Tu viện Westminster đôi khi được mô tả là " Valhalla của Anh " (Tượng đài Liệt sĩ), nơi vinh danh các anh hùng của Vương quốc Anh. Phối cảnh phía tây nam Tu viện Westminster, Luân Đôn, Anh Phối cảnh phía đông nam Tu viện Westminster, Luân Đôn, Anh Sơ đồ mặt bằngtổng thể Tu viện Westminster, Luân Đôn, Anh Nhà thờ tại Tu viện Westminster Nhà thờ tại Tu viện Westminster còn có tên chính thức là Nhà thờ Hiệp đoàn Thánh Peter tại Westminster (Collegiate Church of Saint Peter at Westminster). Đây là một nhà thờ lớn, được xây dựng theo phong cách Gothic. Nhà thờ nằm tại phía bắc của Quần thể, bố cục theo hướng đông tây. Cửa chính vào từ phía tây. Khối nhà thờ dài khoảng 140m, rộng 70m. Mỗi mặt trong bốn mặt chính của nhà thờ đều là những thành tựu nổi bật của kiến trúc và nghệ thuật.Mặt bằng của công trình gồm các không gian chức năng: Lối vào chính tại phía tây (West Door, hình vẽ ký hiệu 1) nằm tại chính giữa đầu hồi nhà. Phía sau Lối vào là một không gian Sảnh hiên (Narthex). Tại đây có Ban thờ (Phòng nguyện/ Chapel, ký hiệu 2) Thánh St. George, tại góc phía nam của Sảnh. Chính giữa Sảnh là nơi đặt tấm bia tưởng niệm Winston Churchill (Memorial to Sir Winston Churchill, ký hiệu 3, đặt chìm trong nền nhà) và mộ Chiến sĩ Vô danh (Tomb of the Unknown Warrior, đặt nhô cao hơn so với nền và được kết xung quanh bằng viền hoa đỏ). Gian Hội trường (Nave) gồm 7 bước cột và 3 nhịp nhà. Nhịp giữa rộng và cao. Hai nhịp hai bên (North Aisle; South Aisle) nhỏ và thấp hơn; Giới hạn nhịp giữa và nhịp hai bên là hai hàng cột. Các cột có tiết diện hình bát giác với các góc trang trí cột tròn nhỏ. Gian Hợp xướng gồm 4 bước cột và 3 nhịp nhà, nối tiếp gian Hội trường. Tại đây có không gian bố trí Hệ thống đàn Organ (Organ Gallery, ký hiệu 4) và dàn Hợp xướng (Choir, ký hiệu 5). Gian chính Hội trường (Atrium) và gian Hợp xướng giao với Gian ngang (Transept) tạo cho mặt bằng Nhà thờ có hình một cây Thánh giá (chữ thập). Hình chữ thập này nhô cao lên so với mái của các gian bên. Đầu Gian ngang phía bắc là một Cổng ra vào (North Doorway, kí hiệu 6), gồm 3 vòm cổng. Đầu hồi của Gian ngang phía bắc tạo cho Nhà thờ có mặt tiền đặc sắc với nhiều trang trí lộng lẫy, gồm các trụ tường với tháp nhọn trên đỉnh; Vòng tròn trang trí hình hoa hồng phía trên vòm cửa chính; Đầu hồi tường tam giác với các trang trí hình tròn; Hình dáng xiên của hệ khung sườn (Flying Buttress) với các gờ trang trí. Dọc theo mặt phía đông của Gian ngang là nơi thờ các vị thánh: Phòng nguyện St Andrew (St Andrew's Chapel, ký hiệu 7); Phòng nguyện St Michael (ký hiệu 8); Phòng nguyện St John the Evangelist (ký hiệu 9) và Phòng nguyện St Edmund (ký hiệu 25). Trung tâm của Nhà thờ là gian Hậu đường (Apse), gồm Không gian nghi lễ (Sanctuary ký hiệu 11) và Ban thờ (High Altar, ký hiệu 12). Phía sau Ban thờ là Phòng nguyện St Edward (ký hiệu 13); Phòng nguyện Hery V Chantry (ký hiệu 14). Mặt đứng phía tây với sảnh vào chính Nhà thờ tại Tu viện Westminster, Luân Đôn, Anh Mặt đứng phía bắc Nhà thờ tại Tu viện Westminster, Luân Đôn, Anh Sảnh hiên nơi đặt mộ Chiến sĩ Vô danh (Tomb of the Unknown Warrior) và bia tưởng niệm Winston Churchill (Memorial to Sir Winston Churchill); Nhà thờ tại Tu viện Westminster, Luân Đôn, Anh Bên trong gian Hội trường và Hợp xướng, Nhà thờ tại Tu viện Westminster, Luân Đôn, Anh Phòng nguyện với ngôi mộ của Thánh St Edward (Edward the Confessor) ngay phía sau Ban thờ; Nhà thờ tại Tu viện Westminster, Luân Đôn, Anh Xung quanh Ban thờ là phòng nguyện tại góc phòng: Phòng nguyện Islip (ký hiệu 10); Phòng nguyện St Benedict (ký hiệu 24) và 4 phòng nguyện có mặt bằng là một nửa hình bát giác: Phòng nguyện St John the Baptist (ký hiệu 15); Phòng nguyện St Paul (ký hiệu 16); Phòng nguyện St Nicholas (ký hiệu 22); Phòng nguyện St Edmund (ký hiệu 23). Bên trong các phòng nguyện là nơi đặt các lăng mộ. Phòng nguyện St Edmund cũng như phòng nguyện khác quanh Ban thờ là các lăng mộ; Westminster, Luân Đôn, Anh Tại gian Hội trường, Hợp xướng cũng như Hậu đường, có các hệ khung sườn (Flying Buttress) để nhận tải trọng xiên từ mái vòm và chuyển thành tải trọng đứng, truyền xuống móng thông qua các trụ tường lớn (Buttess Pies). Các khung sườn dạng vòm này được trang trí với các tháp trụ tạo cho công trình vẻ bề thế. Sơ đồ mặt cắt ngang Nhà thờ với hệ khung khung sườn (Flying Buttress) và chi tiết mặt đứng Nhà thờ tại Tu viện Westminster, Luân Đôn, Anh Nhà nguyện Henry VII 's Lady Nhà nguyện Henry VII 's Lady (Henry VII 's Lady Chapel nằm tại phía đông của gian Hậu đường (Apse). Công trình được xây dựng vào năm 1503, theo ý muốn của Vua Henry VII (trị vì năm 1485- 1509) nhằm vinh danh Đức Trinh nữ Maria và là nơi đặt lăng mộ Hoàng gia. Nhà nguyện được đặt trên một bệ nền cao, xây dựng theo phong cách Perpendicular Gothic (Kiến trúc Gothic hình học) tạo một sự tráng lệ đặc sắc và được ví như kỳ quan của thế giới. Tòa nhà có 3 nhịp tạo thành một gian giữa và hai gian bên, chạy vòng quanh tại mặt phía đông. Công trình được ngăn cách với Tu viện bằng các cánh cửa bằng đồng chế tác công phu với các huy hiệu của Hoàng gia và một dãy bậc. Nhà nguyện có các không gian chính: Mộ Elizabeth I (ký hiệu 17); Phòng nguyện Henry VII (ký hiệu 18); Mộ Herry VII (ký hiệu 19); Nhà nguyện Royal Air Force (RAF Chapel/ Battle of Britain Memorial Window, ký hiệu 20); Mộ Mary Queen of Scots (ký hiệu 21). Nhà nguyện được chú ý với trần dạng Vòm quạt (Pendant Fan Vault) theo phong cách Gothic, trong đó các sườn của vòm có cùng một dạng đường cong và cách đều nhau như một cái quạt. Dạng Vòm quạt này được khởi xưởng và truyền bá từ nước Anh. Ban thờ và lăng mộ vua Herry VII được chế tác bằng đất nung, đá cẩm thạch trắng và đồng mạ vàng bởi các nghệ nhân thời Phục hưng, đến từ Florentine, Ý. Ngoài vai trò đặt lăng mộ của một số vị quốc vương Anh, đây còn là trụ sở của Hội Hiệp sĩ mang tên Order of the Bath từ năm 1725 (bắt nguồn từ nghi lễ bổ nhiệm hiệp sĩ thời Trung cổ phức tạp, liên quan đến việc thanh lọc tinh thần và với châm ngôn: “Ba trong một” – Tria Juncta in Uno). Hội chủ hiện là Nữ hoàng Elizabeth II; Hoàng tử là Hiệp sĩ chính. Số lượng thành viên luôn cố định với 3 nhóm thành viên gồm các Đại sư và Hiệp sĩ Đồng hành. Phối cảnh khối Nhà nguyện Henry VII 's Lady gắn vớiTu viện Westminster, Luân Đôn, Anh Chi tiết kiến trúc bên ngoài Nhà nguyện Henry VII 's Lady, Tu viện Westminster, Luân Đôn, Anh Một trong những huy hiệu biểu tượng của Hội Hiệp sĩ Order of the Bath Vòm trần dạng quạt tại Nhà nguyện Henry VII 's Lady, tại Tu viện Westminster, Anh; Dọc hai bên là Biểu tượng Huy hiệu của Hiệp sĩ Order of the Bath Lăng mộ Vua Herry VII và Hoàng hậu, Nhà nguyện Henry VII 's Lady, Tu viện Westminster, Anh Tu viện Westminster Tu viện Westminster nằm tại phía nam của Nhà thờ, bao xung quanh một Sân trong (Cloister Garth, ký hiệu 30). Công trình bị hỏa hoạn vào năm 1298, được phục hồi và xây dựng bổ sung cho đến thế kỷ 15. Sân trong có mặt bằng hình vuông, được giới hạn bởi một hành lang với hàng cột phía ngoài sân. Chính giữa sân trong có một đài phun nước nhỏ. Sân trong Tu viện Westminster, London, Anh Hành lang bao quanh Sân trong Tu viện Westminster, London, Anh Xung quanh Sân trong gồm các phòng hay tòa nhà: Nhà chương hay Nhà hội họp (Chapter House, ký hiệu 27) được xây dựng đồng thời với phần phía đông của Tu viện dưới thời Henry III, từ năm 1245 đến năm 1253. Công trình được trùng tu vào năm 1872. Nhà chương có mặt bằng hình bát giác, được xây dựng theo phong cách Perpendicular Gothic (Kiến trúc Gothic hình học) với hầm mộ hình bát giác bên dưới. Một vòm mái hình bát giác được đỡ bởi một cột tròn nằm chính giữa phòng và các vòm trụ tường (hệ khung sườn/ Flying Buttress) xung quanh. Ban đầu, đây là nơi hội họp hàng ngày của tu sĩ dòng Benedictine, sau đó thành nơi họp của Đại Hội đồng Hoàng gia. Sơ đồ thể hiện cấu trúc xây dựng Nhà chương hay Nhà hội họp (Chapter House), Tu viện Westminster, London, Anh Lối vào Nhà chương, Tu viện Westminster, London, Anh Nội thất Nhà chương với cột đỡ vòm trần, Tu viện Westminster, London, Anh Các bức tranh tường bên trong Nhà chương, Tu viện Westminster, London, Anh Xung quanh Nhà chương còn có dãy phòng với tầng hầm: Phòng nguyện St Faith (St Faith's Chapel ký hiệu 26); Phòng nguyện Pyx (Pyx Chamber, ký hiệu 28): Đây là phòng có từ thế kỷ 11; được sử dụng làm kho bạc cho cả Tu viện và Hoàng gia Anh. Hiện tại đây vẫn lưu giữ được một bàn thờ bằng đá từ thế kỷ 13 và nền lát gạch thời Trung cổ. Tầng hầm mang tên Norman (Norman Undercroft, ký hiệu 29), nay là Bảo tàng Abby (Abby Museum). Từ Nhà chương có hành lang dẫn tới Sân trong College (College Garden) với một số phòng nguyện nhỏ khác bao quanh. Tầng hầm Phòng nguyện Pyx với bàn thờ bằng đá thế kỷ 13, Tu viện Westminster, Anh Ngoài Nhà chương, tại Tu viện còn có một số di tích chính sau:Sân mang tên Tu viện trưởng (Dean's Yard, ký hiệu 31): Nằm tại góc tây nam của Sân trong. Khu vực nhà ở của Tu viện trưởng (Deanery, ký hiệu 32): Nằm tại phía tây của Sân trong. Phòng khách (Jericho Parlour, ký hiệu 33): Nằm tại phía bắc của Khu vực nhà ở Tu viện trưởng. Phòng Jesusaem (Jesusaem Champer, ký hiệu 34) nằm tại phía bắc Khu vực nhà ở Tu viện trưởng. Cửa hàng sách (Bookshop, ký hiệu 35): Nằm tại phía tây Khu vực nhà ở Tu viện trưởng. Nhà thờ St Margaret Nhà thờ St Margaret (St Margaret's, Westminster) nằm tại phía bắc, trong khuôn viên của Tu viện Westminster trên Quảng trường Quốc hội (Parliament Square). Công trình được dành riêng cho Nữ thánh Margaret of Antioch (Margaret the Virgin, một vị Thánh tử vì đạo vào thế kỷ thứ 3). Nhà thờ được thành lập vào thế kỷ 12 bởi các tu sĩ Benedictine, theo phong cách Romanesque. Cấu trúc ban đầu của Nhà thờ đã bị phá bỏ vào thế kỷ 14, và được xây dựng lại từ năm 1486 – 1523. Vào những năm 1540, công trình gần như bị phá hủy khi người ta dự kiến dỡ bỏ để lấy vật liệu xây dựng Cung điện mới (New Palace Yard). Năm 1614, Nhà thờ St Margaret's trở thành nhà thờ giáo xứ của Cung điện Westminster. Năm 1734 - 1738, Tòa tháp phía tây bắc được xây dựng lại. Năm 1878, nội thất của nhà thờ đã được trùng tu. Nhà thờ St Margaret hiện tại là một công trình kiến trúc Gothic đơn giản. Nhà thờ có bố cục theo hướng đông – tây. Hàng hiên phía tây là lối vào chính với 3 vòm cổng. Phía bắc của Hàng hiên là một tháp (Tower), có mặt bằng hình vuông với tường bao che dày. 4 góc của tháp được trang trí bằng trụ bát giác với đỉnh là tháp nhọn. Sau Hàng hiên là Hội trường (Gian giữa, Nave) với 3 bước gian và 8 nhịp, nhịp giữa rộng, nhịp hai bên (North Aisle và South Aisle) hẹp, được phân chia bởi 2 hàng với 7 cột chữ thập mỗi hàng. Nhà thờ không có gian ngang. Phía nam của gian Hợp xướng là một phòng Lễ phục (Vestry) với nội thất được trang trí bằng các bức bích họa. Ban thờ (High Altar) với bục giảng được coi là có trang trí phong phú nhất bên trong Nhà thờ. Dọc theo gian hai bên Hội trường là các bàn thờ cho các vị thánh. Nhà thờ St Margaret tại Westminster cũng là nơi chôn cất nhiều vị thánh tử vì đạo. Phối cảnh Nhà thờ St Margaret, Westminster, Anh Sơ đồ mặt bằng Nhà thờ St Margaret, Westminster, Anh Mặt trước Nhà thờ St Margaret, Westminster, Anh Bên trong Nhà thờ St Margaret, Westminster, Anh Các bức tường được bao phủ bởi vô số di tích tưởng niệm, Nhà thờ St Margaret, Westminster, Anh Di sản Cung điện Westminster và Tu viện Westminster bao gồm cả Nhà thờ Saint Margaret tại London, là một ví dụ điển hình về một quần thể kiến trúc Tân Gothic (Gothic Revival Style), là một biểu tượng về chế độ quân chủ nghị viện và là một bảo tàng về lịch sử Vương quốc Anh. Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD Nguồn : https://whc.unesco.org/en/list/426/ https://en.wikipedia.org/wiki/United_Kingdom https://en.wikipedia.org/wiki/Westminster https://en.wikipedia.org/wiki/Palace_of_Westminster https://en.wikipedia.org/wiki/Victoria_Tower https://en.wikipedia.org/wiki/Big_Ben https://en.wikipedia.org/wiki/Victoria_Tower_Gardens https://en.wikipedia.org/wiki/New_Palace_Yard https://en.wikipedia.org/wiki/Old_Palace_Yard https://en.wikipedia.org/wiki/Buxton_Memorial_Fountain https://en.wikipedia.org/wiki/Westminster_system https://en.wikipedia.org/wiki/Woolsack https://en.wikipedia.org/wiki/Members%27_Lobby https://en.wikipedia.org/wiki/House_of_Lords_Library https://en.wikipedia.org/wiki/House_of_Commons_Library https://en.wikipedia.org/wiki/Westminster_Abbey https://en.wikipedia.org/wiki/Edward_the_Confessor https://en.wikipedia.org/wiki/Henry_VII_Chapel https://en.wikipedia.org/wiki/St_Margaret%27s,_Westminster https://www.british-history.ac.uk/rchme/london/vol2/pp99-148 Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi |