Điện Westminster – “Thâm Cung” Của Nghị Viện Anh

  • Nghị viện Anh có cả phu quân Thủ tướng Đan Mạch
  • Lộ diện kẻ lừa đảo dính líu đến Nghị viện Anh

Cả Viện Thứ dân (Hạ viện) lẫn Viện Quý tộc (Thượng viện) của Quốc hội Anh đều quy tụ trong tòa lâu đài Westminster huyền thoại, tọa lạc ngay giữa trung tâm thủ đô London. Nhiều sử gia cho rằng, Nghị viện có xuất xứ từ một gốc Anglo-Saxon: “Witan” - “Hội đồng của các nhà thông thái”, một cơ quan tồn tại giúp các Vương triều Anh trước thời điểm đức Vua William I (1028-1087) lên ngôi vào năm 1066. Kế tiếp công việc này là “Magnum Concilium” - “Hội đồng Quý tộc và Thần học cao cấp”, cơ quan này thường được William I cũng như các vị vua kế nhiệm ông triệu tập.

Điện Westminster tọa lạc bên bờ bắc dòng sông Thames chảy qua London. Một tòa nhà đã hiện hữu nơi đây ngay cả trước khi vị vua Anh gốc Đan Mạch là Cnut Đại đế (995-1035) nắm quyền. Tuy tòa nhà bị hỏa hoạn thiêu hủy nặng nề trong năm 1042, nhưng đã được vua Edward Sám hối quyết định khôi phục lại. Sau khi Edward băng hà vào năm 1066 và William I thu phục được xứ England, ông đặt cung vua của mình chính tại Điện Westminster.

Toàn cảnh Điện Westminster và tháp đồng hồ Big Ben bên dòng Thames.

Con trai kế vị ông - Vua William II (1056-1100) - một kẻ hời hợt và ấu trĩ đã chối bỏ cung cũ, mỉa mai gọi đó là cái “phòng trọ tầm thường” và quyết định xây “nhà khách Westminster” mới. Nhưng Vua Richard II - lên ngôi năm 1377 và bị phế truất năm 1399 - đã cho dựng “nhà khách Westminster” nổi tiếng hiện nay. Ông ra lệnh thay toàn bộ mái vòm và cải tạo tòa nhà trở thành một “tuyệt tác kỳ diệu” thời đó.

Westminster được xem là một trong những “biểu tượng đỉnh cao” của nền kiến trúc châu Âu, qua phong cách kiến trúc Gothic revival. Các pho tượng vua Anh từ thời Trung cổ vẫn đang nhìn xuống nơi Richard II bị hạ bệ và hơn 250 năm sau lúc Vua Charles I (1600-1649) bị xử trảm. Trong suốt 7 thế kỷ qua, mọi vì vua Anh đều đến đây sau nghi thức đăng quang, để tham dự lễ hội chào mừng vương triều mới của giới dân biểu đại diện cho các tầng lớp thần dân.

Nổi tiếng nhất có lẽ là đại lễ mừng đức Vua George IV (1762-1830) vào đầu năm 1820. Trong buổi đại lễ này, người ta đã dùng hết hơn 7,7 tấn thịt nướng các loại, 1.160 con ngan (vịt xiêm), 1.160 con gà, 800kg bột ngũ cốc, 160 con cá lớn cộng với 4.000 chai rượu vang trứ danh.

Cho tới năm 1882, Điện Westminster được dùng làm nơi xử án của các vì vua Anh; cũng như là nơi xem xét hầu hết các việc quyết định những kế hoạch quốc gia tầm cỡ. Một trong những việc đầu tiên là xử Hiệp sĩ (Sir) William Wallace (1270-1305) - kẻ cầm đầu đám người Scotland nổi loạn. Năm 1305 ông bị xích giải đến đây và bị buộc tội lừa dối nhà vua Edward I (1239-1307).

Lời biện hộ của W. Wallace thật đơn giản: “Tôi không phải là kẻ lừa dối người đứng đầu nền quân chủ Anh, bởi tôi không có gì ràng buộc với ông ấy cả. Như một nhà lãnh đạo đất nước Scotland, tôi là kẻ thù của kẻ thù của dân tộc tôi. Dĩ nhiên tôi là kẻ thù không đội trời chung với Vua Anh”, W. Wallace dõng dạc tuyên bố trước tòa.

Nhưng xem ra phần tự biện hộ mạnh mẽ và logic của bị cáo không giúp được điều gì cả. Sir W. Wallace bị xử mức án cao nhất dành cho kẻ phản bội bằng cách treo cổ. Sau đó, thủ cấp nhà lãnh đạo khởi nghĩa Scotland quả cảm còn bị bêu trên tháp London cả tháng trời.

Điện Westminster được dùng làm dinh thự chính thức của các vì vua Anh cho tới năm 1512 - khi bị “bà hỏa” tàn phá nặng nề. Sau đó Vua Henri VIII (1491-1547) tạm thời chuyển trụ sở của mình qua cung điện Whitehall gần đó, chờ tới lúc Điện Westminster được sửa chữa lại. Theo truyền thống lúc ấy, các vị vua đều triệu tập nghị viện tại chính nơi họ đang cư ngụ, do vậy cung điện Westminster đương nhiên trở thành nơi hội họp của Quốc hội Anh. Ban đầu Viện Thứ dân không có chỗ họp ổn định.

Khác với Viện Quý tộc được dành cho những dãy phòng ốc trang hoàng nghiêm cẩn - tuy hơi bất tiện cho việc tụ tập đông người. Đến năm 1547, do ảnh hưởng của các cải cách, Vua Edward VI (1537-1553) kế vị Vua Henri VIII quyết định cho Viện Thứ dân tụ họp trong nhà thờ Thánh Stephen, cũng nằm tại khu vực kề điện Westminster.

Vào ngày 16-10-1834, 2 người thợ lò phục vụ hệ thống sưởi ngay bên dưới Viện Quý tộc đã gây ra một vụ hỏa hoạn lớn. Hậu quả là Điện Westminster bị biển lửa thiêu đốt, nhưng nhờ những cố gắng cứu chữa tổng lực mà tòa nhà vẫn được vẹn toàn.

Điện Westminster ngày nay mang những đường nét lộng lẫy và kiêu hãnh của quá khứ, “Một giấc mơ bằng đá” - như một thời Vua Nicholas I của Nga từng ca ngợi. Đó là kết quả từ sự hợp tác hữu hiệu giữa kiến trúc sư được hoàng gia Anh phong tước Hiệp sĩ Charles Barry (1795-1860) với nhà trang trí nội thất nổi tiếng Augustus Welby Northmore Pugin (1812-1852) - người ngay từ năm 15 tuổi đã được giao trọng trách trang trí tòa lâu đài Hoàng gia lừng danh Windsor ở phía tây London.

Phiên họp đầu tiên của Viện Thứ dân, tại trụ sở chính thức trong Điện Westminster đầu năm 1870 (tranh vẽ của họa sĩ Francis Wheatley).

Sau vụ cháy năm 1834, kiến trúc sư C. Barry bị thôi thúc bởi ý tưởng xây lại Cung điện Westminster với kiến trúc dạng Gothic hoặc Elizabeth, đồng thời có nghĩa vụ nhận A. Pugin tài hoa làm trợ tá cho mình. Như vậy kiến trúc tổng thể của Điện Westminster do C. Barry thiết kế, còn mọi chi tiết trang trí cả bên trong cũng như bên ngoài được A. Pugin đảm nhiệm.

Nhưng đột nhiên trong Nghị viện bùng nổ những cuộc tranh cãi về chi phí dành cho công trình. Các nghị sĩ chất vấn mọi khoản và cứ mỗi sự chần chừ lại kéo đơn giá lên cao thêm. Thậm chí người ta còn tranh luận cả về tiền công cho các nhà kiến trúc và trang trí nội thất nữa.

Sự căng thẳng lên cao đến nỗi giới công nhân từ chối việc khởi công xây dựng lại Điện Westminster, khiến C. Barry không thể đặt viên đá đầu tiên trước năm 1840 - khi có quyết định chính thức dành 8 mẫu Anh trong khu trung tâm Westminster cho việc xây dựng một công trình mới. Tới đầu năm 1845, C. Barry viết thư cho đồng sự A. Pugin, khẳng định rằng ông “điên tiết muốn rũ bỏ tất cả vì các trở lực bảo thủ”.

Kiến trúc sư Sir C. Barry lúc sinh thời.

Nữ hoàng Anh Elizabeth I (1533-1603) từng nổi danh với việc “dẹp bỏ” Viện Thứ dân, bởi theo nguyên văn lời bà thì “họ có ít kinh nghiệm và cư xử như những chàng trai non nớt…”. Nhưng “các chàng trai” đã vụt trưởng thành nhanh chóng và bảo vệ quyền được tồn tại của mình bằng các văn bản pháp quy được lưu trữ cho đến nay. Thậm chí đức Vua James I (1566-1625) gốc Scotland, cũng là người kế nhiệm Elizabeth I hồi năm 1621 còn cố “dẹp” Viện Thứ dân thêm một lần nữa, nhằm “ít chỗ tụ tập hơn trong Điện Westminster”(!).

Nhà quân chủ James I là một người đàn ông thông minh, nhưng không phải là một vị vua biết cách giải quyết mọi việc; hay chính là “tên ngốc thông thái nhất trong thế giới Anh giáo” - như người ta thường nói về ông.

Đề cập đến Westminster mà không nhắc tới tháp chuông đồng hồ Big Ben thì sẽ là một thiếu sót lớn. Vì cũng “già nua như Viện Thứ dân” nên tháp đồng hồ này cũng ghi nhận bị nghiêng ít nhất 46 cm.

Big Ben được bắt đầu xây dựng vào năm 1843 và hoàn thành vào năm 1859. Trước sự tấn công ác liệt của Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ hai, Big Ben vẫn trụ vững mặc dù có thiệt hại ở một mặt. Chính vì điều này mà tháp đồng hồ được xem là biểu tượng chiến thắng của người Anh. Big Ben là tên gọi của quả chuông lớn nhất (nặng khoảng 13,5 tấn) trong số 5 quả chuông của tòa tháp. 4 mặt của đồng hồ Big Ben được các chuyên gia lau dọn 5 năm/lần.

Tháng 6-2012, Big Ben chính thức được đổi tên thành Tháp Elizabeth để kỷ niệm 60 năm trị vì của Nữ hoàng Elizabeth II. Tuy nhiên, mọi người vẫn quen gọi là Big Ben.

Tính đến hiện tại, Big Ben đã 157 tuổi, đổ chuông 15 phút/lần và từng ngừng đổ chuông trong 2 năm khi xảy ra Thế chiến thứ nhất. Vào ngày 17-02-1924, tiếng chuông của đồng hồ Big Ben chính thức được dùng làm nhạc hiệu của đài BBC.

Vào năm 2015, đồng hồ Big Ben được phát hiện chạy chậm 6 giây. Để khắc phục sự cố này, các kỹ sư đã điều chỉnh bằng cách thêm hoặc bớt những đồng xu để con lắc hoạt động chính xác. Hơn thế nữa, từ lâu người ta đã biết Big Ben đang nghiêng dần; nó nghiêng về hướng Tây Bắc theo một góc 0,26 độ. Theo tính toán, phải mất khoảng 10.000 năm nữa thì Big Ben mới có độ nghiêng như tháp nghiêng Pisa của Italy.

Bên trong tháp Big Ben không có thang máy. Do vậy, những người được phép vào bên trong Big Ben phải leo lên một cầu thang cao 334 bậc.

Theo ước tính, nếu Big Ben được xây dựng vào thời điểm hiện nay thì chi phí sẽ vào khoảng 222.000 USD (tương đương khoảng gần 5 tỷ VNĐ).

Từ khóa » điện Westminster