Cuộc đời Là Một Miền Chơi Bất Tận – Mega Story

Trần Nhật Thăng vẽ tranh như chơi, cứ tưng tửng cầm cọ phóng vào mặt toan những vệt màu đầy ám thị cảm xúc để thoả mãn niềm hạnh phúc bên trong tâm hồn mình. Anh không để ý đến nội dung tạo hình hay đến hình khối, những thứ sẽ thu hút sự chiêm ngưỡng và cả tiền bạc của người đời. Để chơi mà.

*

Không mấy người biết đến Trần Nhật Thăng như một hoạ sĩ có tiếng tăm lừng lẫy, có tranh được trọng vọng trong các gallery hay các bộ sưu tập cá nhân, hoặc được niêm yết với giá bán cao ngất ngưởng… những yếu tố luôn được đem ra để đánh giá tài năng và đẳng cấp của một hoạ sĩ.

Cầm cọ vẽ đã hàng chục năm, số lượng tác phẩm xếp dài vài trăm mét, thế nhưng tranh của Trần Nhật Thăng chưa bao giờ tạo được tiếng vang bằng một họa sĩ tay ngang vừa buông bút viết thơ văn, chuyển sang vẽ vời, song ở triển lãm đầu tay, bức nào bức ấy đều đính dấu đỏ báo hiệu đã tranh đã được mua.

Trần Nhật Thăng không bao giờ gây chấn động như thế bởi anh chọn cho mình một hướng đi “hành xác” và cô độc là vẽ tranh trừu tượng. Bản thân khái niệm “tranh trừu tượng” cũng là một cái gì đấy quá trừu tượng, thế nên gây chấn động như tranh hiện thực sao được.

Cho nên, khi nói đến mảng tranh trừu tượng ở Việt Nam, Trần Nhật Thăng vẫn nổi lên như một kẻ tiên phong của giai đoạn Hậu-Đổi Mới, nhưng cái sự nổi đó cũng bởi quá ít hoạ sĩ dám đi theo con đường này.

Khả năng thụ cảm của công chúng Việt Nam với tranh trừu tượng có lẽ vẫn ở mức thấp nên họ lãnh đạm với Trần Nhật Thăng và tranh của anh. Chỉ người trong giới mới biết và dành cho anh một sự kính nể nhất định. Họ kính nể ngôn ngữ trừu tượng của anh hay nể sự dũng cảm điên rồ trong suốt hơn 20 năm qua thì chúng ta không cần biết.

Chính vì thế, nói đến anh, có lẽ nhiều người biết đến ông Thủy, bố của anh hơn (đạo diễn Trần Văn Thuỷ – NV) với những bộ phim tài liệu kinh điển như “Hà Nội trong mắt ai” hay “Chuyện tử tế”. Bước ra đời dưới cái bóng của người bố danh tiếng nhiều khi là một áp lực.

Con người còn như thế, huống hồ tác phẩm của anh ta. Có lẽ, những bức tranh được chiêm ngưỡng nhiều nhất của Trần Nhật Thăng chính là những bức bích họa vẽ xung quanh trường cấp ba Phan Đình Phùng, vốn được anh thực hiện cách đây vài năm nhằm để tri ân “lớp cũ, trường xưa”.

Nhưng Trần Nhật Thăng vẫn cứ cười hềnh hệch, vắt chân chữ ngũ, nắn lại vành mũ phớt, rút điếu thuốc lá gắn lên miệng, châm lửa kéo một hơi thật dài, rồi khoan khoái thả ra một vầng khói trắng. Đám mây bay lờ lững trong mắt nhìn hờ hững, giống như cách anh giăng màu cho thoả đam mê mà không cần biết chuyện gì sẽ đến với bức tranh của mình sau đó.

**

Vẽ tranh với Trần Nhật Thăng như là cơm ăn, nước uống và không khí để hít thở, không vẽ không chịu được. Có những lần, ngồi say sưa bên khay trà rượu, đang hăng say chém gió, anh chợt im lặng như rơi tõm vào trú xứ xa xôi, rồi bất thình lình vớ lấy tập giấy nào bất kỳ trong tầm tay để hối hả vạch nên những ký họa chân dung của người đồng ẩm và tặng luôn cho họ.

Từ góc xa quan sát, tôi thấy Trần Nhật Thăng mải miết vẽ đến cả chục bức ký họa trên tập giấy menu của nhà hàng. Tiếng chì nát trên giấy sồn sột, tiếng xé giấy soàn soạt, anh cứ mải mê vẽ, khoé miệng khẽ nhếch một nụ cười nửa vời. Hình ảnh đó khiến tôi không thể không liên tưởng đến hình ảnh mỹ nhân Bao Tự xé lụa để mua vui, không cần để ý đến thế nhân.

Họa sĩ hay những người làm nghệ thuật, thường có cái Tôi lớn. Càng những người được ca tụng nhiều, cái Tôi của họ càng lớn như thể những lời khen ngợi là nguồn dinh dưỡng nuôi nấng cho một cái Tôi phì đại. Họ thận trọng đặt bút vẽ, thận trọng giới thiệu một bức tranh, thận trọng đón nhận từng lời khen tiếng chê để sung sướng hoặc đau khổ.

Nhưng cái Tôi của Trần Nhật Thăng có vẻ miễn nhiễm với nguồn dinh dưỡng đó. Anh đưa những tờ ký hoạ cho người khác như tặng một món quà tri ngộ, như bày tỏ một tấm chân tình của mình. Tuy nhiên, anh không màng tới thái độ của người được tặng như thế nào.

Có những người đón nhận một cách trân trọng, ngắm nghía kỹ càng, khen ngợi sự nhanh, sự tinh của mắt vẽ rồi cất giữ cẩn thận. Có người hờ hững cầm, hờ hững xem rồi hững hờ thả xuống cạnh chén rượu như thể đó là một tờ giấy ăn vậy.

Song dù thế nào, Trần Nhật Thăng không bao giờ cảm thấy sung sướng hay bị tổn thương vì những điều đó. Anh cứ thản nhiên uống rượu, hút thuốc và lại vẽ trong cuộc rượu như góp một câu chuyện mua vui vậy. Làm gì cũng phải vui chứ, nhất là khi vẽ tranh và uống rượu.

Ngay cả ở những tác phẩm lớn của mình, chưa bao giờ Trần Nhật Thăng để những phản hồi nhận lại làm ảnh hưởng đến bản ngã. Người ta xem tranh của anh xong lắc đầu vì “chẳng hiểu vẽ cái gì”. Người ta đem tranh của anh treo ở nơi kém trang trọng, thậm chí là cạnh chuồng gà.

Không sao hết, mỗi bức tranh đều có số phận riêng của nó, và việc định đoạt số phận của những đứa con tinh thần này vốn dĩ không phải phận sự của anh. Hơn hết, Trần Nhật Thăng hiểu quá rõ sự vô thường trong lĩnh vực mang tính tinh thần này.

Trải qua 13 cuộc triển lãm cá nhân, tận mắt thấy sự hình thành của từng bức tranh, tận tay “mi” từng bức một cách cẩn thận, ngắm nhìn chúng rực rỡ toả sáng trên tường gallery trong thời gian hữu hạn và rồi lại chứng kiến chúng xếp thành từng đống im lặng trong bóng tối và bụi bặm, anh đã quá hiểu mọi thứ.

Anh không thể bắt người ta phải mua hết tranh của mình, phải bỏ ra rất nhiều tiền để sở hữu tranh của mình hay yêu cầu họ phải dành không gian đẹp đẽ nhất để treo tranh của mình. Trần Nhật Thăng không có tham vọng bức nhân đó.

Bức tranh chỉ là của anh khi nó còn không là gì cả, khi những trạng thái cảm xúc của anh vẫn còn bị giam giữ trong tâm trí chứ chưa được giải phóng lên toan. Còn khi bức tranh đã có hình hài vật chất, đã được định dạng bởi những đường nét và miền màu, nó biến thành hạt mưa bay giữa trời vô định. Anh nào biết được hạt nào sẽ rơi cạnh chuồng gà!

***

Thật sâu trong tâm khảm của mình, chắc chắn, Trần Nhật Thăng không thể vui khi thấy nhiều tác phẩm của mình chìm trong bóng tối. Người họa sĩ vẽ tranh là để đưa những cảm xúc cá nhân thoát thai khỏi bóng tối mơ hồ, hiện diện bằng màu sắc và hiện diện trong ánh sáng. Chúng phải được thừa nhận và đón nhận.

Song, Trần Nhật Thăng không phải tuýp người thích thể hiện, cũng như những bức tranh của anh không phải thứ mà đám đông dễ tiếp cận. Anh an nhiên với bóng tối, thậm chí cảm thấy khoái trá với sự cô độc. Anh vẫn thường nằm trong bóng tối, trên một con đèo đầy bóng tối để tận hưởng ánh sáng của những ngôi sao, thứ ánh sáng chỉ được thụ cảm nhờ bóng tối và bị triệt tiêu bởi ánh sáng.

Tranh của Trần Nhật Thăng thể hiện rất rõ điều triết lý sáng tạo cá nhân này. Chúng được vẽ bằng những đường nét tuỳ hứng của dòng cảm xúc và tư tưởng. Anh đặt cọ lên một điểm khởi đầu ngẫu hứng và để cho dòng chảy của cảm xúc và tư tưởng dẫn đường.

Vốn dĩ tư tưởng của con người không bất động mà luôn linh hoạt chuyển động như vượn chuyền cành hay mạnh mẽ phá cách như chiến mã lỏng cương. Dòng chảy tư tưởng đó sẽ khiến tay của anh miên man tuỳ ý, dừng ngắt hay chuyển hướng vô cùng, không thể nắm bắt cho đến khi ý tuyệt, tâm cạn.

Trong một lần ghé qua xưởng vẽ của Trần Nhật Thăng, tôi thấy anh đặt một giá để gươm của võ sĩ đạo Nhật Bản trước khung tranh, liền hỏi mối quan hệ giữa gươm và hội hoạ trong tâm tưởng của hoạ sĩ. Anh giải thích, ngoài việc tôn thờ tinh thần kiên cường nguyên thuỷ của võ sĩ đạo, anh muốn mọi đường đi bút của mình cũng mạnh mẽ và dứt khoát như một đường gươm.

Đó có thể là một giải thích mang tính “nguy hiểm”, theo ý kiến chủ quan của tôi, nhưng thực sự, khi xem tranh, tôi thấy mọi bức đều phảng phất “gươm ý”. Không phải những nét tung, nét hoành hay nét xiên mang “gươm ý” mà là tinh thần ào ạt, mạnh mẽ như tuốt gươm tả xung hữu đột, miên man không ngừng.

Nếu không có tinh thần đó, khó có thể giải thích tại sao Trần Nhật Thăng có những đêm “vung gươm” như mê dại để vẽ xong cả vài bức tranh có kích thước bằng cả bức tường, để rồi sáng ra mệt phờ, cả tâm, thân, ý đều cạn kiệt đến cả gần 10 năm sau, khiến nhiều người tưởng rằng sau trận “đồ sát” này thì anh sẽ thôi hẳn trừu tượng.

Nói đến chuyện Trần Nhật Thăng vẽ một vài bức tranh khổ lớn trong một đêm, nhiều người có thể cho là kiểu tranh của anh dễ vẽ bởi chúng không cầu kỳ, tinh xảo về đường nét, hình hoạ, bố cục, tạo hình. Tranh trừu tượng mà, có người bôi màu nguyên một bức, có người cầm chậu màu hắt lên toan, thế mà cũng thành tranh, bán lại đắt cả mấy chục triệu USD.

Sa vào lĩnh vực trừu tượng dễ cãi nhau như vậy lắm, bởi trừu tượng là cái gì đó chưa thể cộng cảm với tâm thế xem tranh, thưởng tranh không chỉ của người Việt Nam mà còn cả thế giới. Ngôn ngữ trừu tượng vốn dĩ là thứ có thể cảm được mà không mô tả được, mà mỗi người lại cảm theo một hướng khác nhau dù cùng xem một bức tranh.

Sự tương phản, kết hợp của đậm nhạt, sáng tối, nét vẽ, vùng màu, các mảng đối lập, tiếp biến trong tranh của Trần Nhật Thăng không phải là ngôn ngữ để đám đông thụ cảm. Bởi chúng chính là diễn biến tư tưởng, cảm xúc của anh trong quá trình “vung gươm” và để nắm bắt được thứ ngôn ngữ đó, người xem buộc phải có cùng bước sóng với họa sĩ.

Có như vậy thì mới cảm được ý đồ và ý thức sáng tác của hoạ sĩ, cùng rung cảm ở một tần số sóng tại một bức tranh. Nếu không rất dễ lâm vào cảnh “gật gù vô minh” hoặc chỉ thấy đẹp bởi màu sắc hài hoà, bắt mắt hoặc chê bai thẳng thừng “vẽ thế này thì trẻ con cũng vẽ được”.

****

Ngôn ngữ hội hoạ của Trần Nhật Thăng chọn khù khoằm như thế nên cũng dễ hiểu tại sao nhiều bức tranh của anh nằm trong bóng tối. Nhưng anh không thay đổi ngôn ngữ và bản ngã của mình, bởi Trần Nhật Thăng biết rằng, còn chấp vào bản ngã không được công nhận là còn chưa nhận thức rõ về bản thân mình.

Anh muốn người ta cảm nhận tranh của mình bằng trái tim chứ không phải cái đầu, bằng cảm xúc chứ không phải phân tích lý luận. Vẽ đối với anh là giãi bày thế giới nội tâm, đem vùng tối đặt ra ngoài vùng sáng, dùng màu sắc vật chất để diễn tả trạng thái tinh thần. Nó là một nhu cầu nội tại và là một cuộc chơi của riêng anh.

Hoàn toàn không bất ngờ khi những bức tranh của Trần Nhật Thăng chỉ bừng sáng trong giây lát triển lãm và rồi chìm đắm trong bóng tối miên viễn. Nhưng cũng không bất ngờ nếu một ngày nào đó, bước sóng của Trần Nhật Thăng bắt được vào con tim của người khác, để rồi chúng sẽ được tung hô, trọng vọng, còn ngôn ngữ của anh sẽ được mô tả là ngôn ngữ của bậc trí giả.

Nhưng dù thế nào, tranh là một cuộc chơi lớn, là một miền rong chơi bất tận của Trần Nhật Thăng. Vốn là một gã trai Hà Nội đầy những đam mê phù phiếm, Trần Nhật Thăng rất ham chơi và biến cả cuộc đời thành một thú chơi. Việc anh dùng tranh để chơi cảm xúc của mình thú vị chẳng kém chơi mô tô, chơi bật lửa, đồng hồ, kính bút hay tượng Phật.

Trong thú chơi của mình, đặc biệt là vẽ tranh, Trần Nhật Thăng chỉ cần sự cộng cảm “không thể không có” từ người vợ và ba cô con gái. Tranh của anh của anh dù được khen hay chê, dù được trưng bày hay xếp xó, ít nhất cũng tìm được sự đồng cảm từ “bốn nữ tướng” trong gia đình.

Chỉ cần thế là đủ và thừa thãi để Trần Nhật Thăng mê mải trong miền chơi của mình. Nếu không, mọi thứ sẽ biến thành địa ngục bởi không một người vợ nào có thể chấp nhận chồng “vung gươm” tốn bao tiền toan, tiền màu, tiền khung để vẽ ra những bức tranh không đem lại tiền bạc suốt mấy chục năm qua.

Ở ngưỡng “ngũ thập tri thiên mệnh”, Trần Nhật Thăng đã biết được mệnh trời hay chưa. Nhưng anh vẫn cứ chơi và chơi cho ra chơi. Lần này anh chơi “Miền Không”, cuộc triển lãm cá nhân thứ 13 trong sự nghiệp gươm đao tranh pháo với 30 bức tranh trừu tượng được anh đặt tên từ 1 đến 30.

Nói đến “Miền Không” nhiều người sẽ nghĩ rằng có liên quan đến Thiền, đến tư tưởng nhị nguyên Sắc – Không của Phật giáo. Cũng có thể là thế, nhưng cũng chẳng thể là thế. Nó chỉ là tư tưởng, là suy nghĩ của Trần Nhật Thăng, được hình thành trong một cuộc chơi như bao cuộc chơi khác.

Trong cuộc chơi này, Trần Nhật Thăng không cầu điều gì cả bởi danh tiếng và tiền bạc anh đều không có, hoặc có không nhiều. Anh cũng không quan tâm đến việc tranh có được đón nhận, được mua hay không. Những vấn đề của cuộc sống không tồn tại trong tranh của Trần Nhật Thăng. Ở đó chỉ có sự sáng tạo, thứ giúp anh luôn nổi loạn trong hiện thực và trong suốt miền chơi bất tận của mình.

Hơn 2 thập kỷ lao vào nhánh chông gai nhất của con đường hội hoạ, chịu đựng nhiều bầm dập từ cuộc đời, có lẽ Trần Nhật Thăng coi “Miền Không” như một điểm tiếp biến trong tư duy sáng tạo. Nhưng khi bước vào tuổi 50, Trần Nhật Thăng lại cho chúng ta thấy một sự bừng tỉnh trở lại với năng lượng và tinh thần tươi mới. Nó rất xứng đáng với cái tên Nhật Thăng của anh: Mặt Trời Đang Lên!

Tác giả: strong>TUỆ LAM/strong>
Tác giả: TUỆ LAM

Từ khóa » Cách Vẽ Cái Gì Cũng được