Tìm Hiểu Công Việc Vẽ Tranh - MyThuatMS

Tìm hiểu công việc vẽ tranh

Tìm hiểu công việc vẽ tranh

Hội họa đã dành cho con mắt chúng ta những bữa tiệc. Người xem tranh cứ việc tự do thưởng thức, nhưng đã mấy ai để ý đến thứ hoạt động gọi là công việc bếp núc của người nghệ sĩ, để tự trả lời câu hỏi: một bức vẽ đã được tiến hành như thế nào? Bằng thần hứng? Bằng lao động miệt mài? Bằng sự thăng hoa của trí tuệ? Bằng sự nghịch ngợm của tài năng hay bằng những gì khác mà cho đến nay chưa có lời giải đáp nào được xem là thỏa đáng.

tranh 1 Pablo Picasso. Gernica. 1937. Oil. on can vas. 349 cm × 776 cm (137.4 in × 305.5 in).

Theo những họa sĩ giàu kinh nghiệm thì một bức vẽ dù ở kích cỡ nào cũng nhất thiết phải tiến hành qua hai bước: phác thảo và thể hiện. Ở bước đầu, nên làm nhiều phác thảo để chọn ra một bức tốt nhất. Sang bước sau sẽ lấy đấy làm chuẩn mẫu để làm bản hình, nghiên cứu sâu và thể hiện. Điều cần nhất là phải trung thành với phác thảo, đừng vì một vài ý kiến nhất thời mà xoay hướng đổi nền làm sai lạc mất tinh thần. Cứ theo trình tự đó mà tiến hành thì chắc chắn sẽ đạt kết quả. Tuy nhiên, làm như vậy thì tránh sao khỏi gò bó và thực tế cho thấy tranh ít khi trội hơn phác thảo. Do đấy, có người phản bác rằng chẳng thà coi phác thảo là tranh hoặc lấy tranh làm phác thảo, chỉ cần một bước là đủ, hà tất phải làm ra một cái khác không bằng nó.

Ở một góc độ khác, có người lại quan niệm rằng, phác thảo nào cũng không sánh được với hiện thực. Nếu biết dựa vào đấy thì thiên nhiên và cuộc sống sinh động sẽ cung cấp đủ những gì người họa sĩ cần cho một bức vẽ. Vì vậy, cách tốt nhất là sáng tác tại chỗ, nếu không đủ điều kiện thì dùng trực họa và ký họa làm chỗ dựa, khi nào cần thêm gì thì tìm ở thực tế. Đấy là kho vô tận để họa sĩ khai thác.

Thế nhưng, theo một số họa sĩ quen làm việc tại xưởng, thì hiện thực không thể làm sống lại quá khứ và cũng không chắp được cánh cho trí tưởng tượng. Ta làm sao khai thác được ở đấy những sự kiện lịch sử hay huyền thoại, cũng không thể tìm thấy ở đấy những hình ảnh thuộc tâm tư và ký ức. Do vậy, tốt hơn hết là vận dụng trí nhớ và óc tưởng tượng để vẽ trong điều kiện yên tĩnh và thuận tiện của một xưởng họa, không cần đến tư liệu và phác thảo. Hơn thế nữa từ đời nhà Tống ở Trung Hoa, các nhà văn nhân họa đã khẳng định công việc sáng tác tranh của họ chỉ là chuyện “thi dư mặc hý” tức là trò chơi bút mực thường được sử dụng sau khi ý thơ không diễn được bằng lời. Đến thời kỳ hiện đại, các họa sĩ hành động như Pollock còn tỏ ra cực đoan hơn với những thao tác vung vẩy một chất liệu màu lỏng trên mặt tranh. Chẳng riêng gì họ, ngay các họa sĩ lớn ở Việt Nam như Nguyễn Gia Trí cũng đã từng nói rằng: “Nghệ sĩ như một đứa trẻ con, mày mò chơi đùa với tác phẩm”. Nói cho đúng đó là một trò nghịch ngợm có ý thức của họa sĩ.

Những ý kiến về công việc sáng tác tranh rất khác nhau và quả là hấp dẫn bởi từ đó có thể rút ra nhiều điều bổ ích. Vậy phương pháp sáng tác là gì? Nó có tầm quan trọng như thế nào đối với người họa sĩ?

Theo định nghĩa của Từ điển Tiếng Việt: phương pháp là “Trình tự cần theo trong những bước có quan hệ với nhau khi tiến hành một việc có mục đích nhất định”. Trong cuộc sống thường ngày, phương pháp luôn cần thiết. Ví như việc giải một bài toán, đan một chiếc áo len hoặc như chơi Rubic… đều cần có phương pháp. Người xưa đã phổ biến cho chúng ta một kinh nghiệm là trước khi đẽo một hình tròn, phải biết đẽo cho được một hình vuông, suy rộng ra thì nghệ thuật muốn phát triển và nâng cao thì phải đi từ cái cơ bản. Phương pháp chính là những kinh nghiệm đã được đúc kết lại để người sau có thể dựa vào đó, nhờ vậy mọi khó khăn trong giai đoạn đầu của một bức vẽ được giảm nhẹ rất nhiều. Phương pháp sáng tác chính là những kinh nghiệm đã được đúc kết lại để người sau có thể dựa vào đó, nhờ vậy mọi khó khăn trong giai đoạn đầu của một bức vẽ được giảm nhẹ rất nhiều.

Phương pháp sáng tác chính là phương hướng, cách thức tiến hành một bức tranh. Trên thực tế có rất nhiều quan điểm, ý kiến trái ngược nhau về nó. Vậy ta nên hiểu vấn đề này như thế nào là đúng đắn và hợp lý?

Quan điểm thứ nhất cho rằng sáng tác một bức tranh nhất thiết phải tiến hành qua hai bước, điều này có đúng không? Thực tế sáng tạo của người nghệ sĩ cho thấy, khi vốn sống và sự rung cảm về một đề tài đã được tích lũy, thì họa sĩ nảy ra những ý sáng tác đầu tiên. Song, những ý này có thể còn mơ hồ, chập chờn chưa rõ nét. Có bao nhiêu nhân vật? Những nhân vật này như thế nào? Hoạt động ra sao? Nằm trong khung cảnh nào? Vì vậy, phác thảo là để ghi lại những hình ảnh tổng hợp đầu tiên, ghi bố cục chung của bức vẽ. Tùy theo cách làm việc của từng họa sĩ, tùy theo yêu cầu của mỗi loại tranh, để tránh phải làm việc nhiều một lúc, người ta thường chia ra nhiều bước làm phác thảo. Có bước chuyên tìm phác thảo về hình hay về màu. Làm phác thảo có thể coi như bước chuyển, qua được nó người họa sĩ sẽ dễ dàng hơn khi thể hiện bức tranh.

Vẽ tranh dựa vào phác thảo có thể nói là một cách làm khá phổ biến mà hầu như những ai học qua cơ bản đều sử dụng. Nhiều bậc thầy như Theodore Gericault, Henri Matise, Pablo Picasso… trước khi thể hiện một bức tranh, họ thường làm hàng loạt phác thảo. Có người thể hiện trung thành với phác thảo, có người lại nghiên cứu sâu từng nhân vật, từng chi tiết rồi mới thể hiện, hoặc cũng có người dựa trên phác thảo đã có, sau đó phát triển sâu hay vẽ theo cảm xúc mới, cấu trúc tạo hình mới mà đều đạt được kết quả tốt. Từ phác thảo đến khi thể hiện tác phẩm có nhiều sự ngẫu nhiên xuất hiện vì còn do quá trình xử lý chất liệu. Thí dụ như sơn mài có thể đưa đến những hiệu quả bất ngờ trong khi mài, hay sơn dầu khi vẽ do phủ nhiều lớp, hoặc khi dùng bay vẽ lấy sơn ra có khi tạo nên “chất cảm” rất đẹp. Người vẽ phải biết dừng đúng lúc, hoặc phải biết giải quyết tốt những tương quan, trạng thái mới xuất hiện.

tranh 2 Marc Chagall. I and the village. 1911. Oil on canvas. 6′ 3 5/8″ x 59 5/8″ (192.1 x 151.4 cm).

Cách làm này đòi hỏi người nghệ sĩ phải dụng công, duy trì được cảm hứng liên tục. Trong nghệ thuật, điều chính yếu là phải thành thật, có lòng say mê sáng tạo nghệ thuật, người sáng tác không được dễ dãi với kết quả ban đầu mà cần có sự tìm tòi đến khi đạt kết quả cao nhất mới thôi.

Phác thảo là chỗ dựa của người họa sĩ trong quá trình sáng tác. Tuy nhiên có người lại lập luận rằng phác thảo cũng không sánh được với hiện thực. Họ chủ trương sáng tác dựa vào thực tế, có nghĩa người họa sĩ phải đi vào thiên nhiên nghiên cứu và sáng tác ngay tại chỗ. Những năm 30 của thế kỷ XIX, một nhóm họa sĩ tới ngụ ở làng Barbizon, giữa một khoảng rừng thưa ở Fontainebleau để vẽ phong cảnh. Theodore Rousseau yêu tha thiết thiên nhiên và để tâm hết vào cảnh vật. Khi đứng trước thiên nhiên, ông coi mình như một họa sĩ chân dung trước người mẫu. Ông cho rằng thiên nhiên rất đẹp với mọi khía cạnh của nó, cho nên thật vô ích khi vẽ cảnh mà còn tìm bố cục hư cấu. Hay như thời Mỹ thuật Đông Dương, họa sĩ Joseph Inguimberty không bao giờ vẽ phong cảnh trong xưởng họa theo tài liệu ghi chép, mà xưởng họa đích thực của ông là thiên nhiên. Để có được một bức tranh phong cảnh sinh động, người vẽ cần có khả năng nhận biết tinh tế, trình độ chuyên môn sâu để truyền đạt lại những gi mình cảm nhận. Tả thực cũng được xem là sáng tạo, vì để tái hiện lại thực tế, người họa sĩ phải làm ba công việc quan trọng: phát hiện và ghi nhận các quan hệ cấu trúc của đối tượng, chuyển thể những hình khối ba chiều trong không gian sang mặt phẳng hai chiều, chỉ dùng một chất liệu mà gợi tả được nhiều loại “chất cảm” trong thiên nhiên, qua đó còn thể hiện được tình cảm, tính cách bên trong của vật mẫu.

Nhưng cũng có những họa sĩ khi đứng trước thực tế, nắm bắt tinh thần đối tượng, chỉ chọn những nét chính yếu để làm nổi bật điều mình cảm nhận. Họ quan niệm sáng tác phải có chủ quan của tác giả chứ không câu nệ vào thiên nhiên. Tranh phong cảnh của Levitan đẹp biết bao nhờ ở sự đơn giản đám cỏ xanh bằng những mảng màu đầy hiệu quả. Picasso cũng từng nói: “Tôi vẽ cùng với thiên nhiên chứ không vẽ theo tự nhiên”. Câu nói đó muốn nhấn mạnh vào vai trò chủ thể sáng tạo là nghệ sĩ khi đứng trước hiện thực.

Một số họa sĩ khác cũng đi vào thực tế, song không phải để sáng tác mà để nghiên cứu, ghi chép tài liệu rồi mới xây dựng thành tranh, dựa trên ký họa để xây dựng bố cục và hình. Leonardo Da Vinci khi sáng tác bức tranh Bữa ăn cuối cùng, theo một số tài liệu, ông đã đi rất nhiều nơi ghi chép vô số ký họa để xây dựng nhân vật cho tác phẩm của mình. Song cũng có những họa sĩ sáng tác tranh hầu như chỉ dựa vào trí nhớ, hoặc tưởng tượng mà hình dung ra. Chẳng hạn, Marc Chagall khi vẽ những tác phẩm Đám cưới, Tôi và làng quê… trong tâm trạng chứa đầy ắp những kỷ niệm về gia đình, về nước Nga. Marc Chagall đã sử dụng những hình ảnh đựa theo trí nhớ rồi tùy từng yêu cầu, ý tưởng mà chúng được hư cấu, sắp xếp lại, thay đổi vị trí, tỷ lệ; biến đổi hình và màu, hoặc không gian… Hay như Sanvador Dali, không ít người phải thừa nhận khả năng thiên bẩm về trí tưởng tượng của ông. Chính nhờ nó, mà Dali đã tạo nên những kiệt tác. Những chiếc đồng hồ trong Sự trường cửu của ký ức; hay pho tượng với hình bàn tay bỗng dưng to lên một cách đột ngột, những vật kỳ dị, những chiếc đầu lơ lửng trong không gian Trò chơi bi thảm… đã đạt được điều Dali mong muốn là tạo dựng hình tượng khác lạ gây tác động mạnh đến người xem. Lại cũng có người hư cấu nên những nhân vật lịch sử chỉ căn cứ vào ngôn từ như Diêm Lập Bản. Khi thể hiện mười ba ông vua trong Lịch đại đế vương đồ quyển, Diêm Lập Bản truyền đạt bấy nhiêu tính cách của các ông vua dựa trên lời mô tả sử sách mà mọi người đều cảm thấy rất đúng.

tranh 3 Sự dai dẳng của ký ức của Salvador Dalí

Người có trí nhớ về hình ảnh là điều đáng quý, người có khả năng phong phú về trí tưởng tượng cũng không phải là nhiều. Chúng ta mong đợi ở họ, bởi chính sự khác nhau đó làm cho nghệ thuật luôn đổi mới và đa dạng, còn làm cách nào cũng đều có thể mang lại kết quả.

Theo phái Văn nhân họa của Trung Hoa hay ý kiến của một số họa sĩ hiện đại đề cao sự ngẫu hứng trong sáng tác, Quách Nhược Hư nói “Văn chưa hết được kinh vị mà hư không thể hình dung được, nhiên hậu mới kế tiếp bằng họa vậy”. Quách Nhược Hư cùng nhiều nhân sĩ đại phu quan niệm hội họa chỉ là dùng để biểu hiện nhân phẩm cá nhân của họ, là dư hứng của văn chương thi từ, là trò chơi đùa bút mực, nhân đó mà bày tỏ cái khí cao đạo siêu thoát. Tô thức vẽ trúc không chỉ dùng mực, có khi còn dùng màu son. Ông lại tùy hứng có khi vẽ từ gốc đến ngọn chỉ một nét bút. Mễ Thị mặc hý không chỉ dùng bút, có khi lấy cọng cây, bã mía đều có thể vẽ được. Thái độ và quan điểm coi hội họa là trò mặc hý dĩ nhiên ta chẳng nên theo, song sáng tác của các tác giả Văn nhân họa không phải là không có chỗ khả thủ. Mễ Phị nếu không phải là người luyện tập cách dùng bút đến độ thao túng, thì làm sao ông có thể vẽ tranh bằng những vật dụng tầm thường. Còn Tô Thức nếu không vẽ trúc nhiều đến độ khắc sâu trong trí nhớ thì làm sao có thể vẽ trúc được như vậy. Điều đó cũng giống như một nhà văn khi được hỏi về quá trình viết một tác phẩm của mình đã trả lời là ông ta nghĩ trong sáu năm, viết trong sáu tháng và in trong sáu ngày. Điều quan trọng là quá trình suy nghĩ và nghiền ngẫm chứ không thể đánh giá tác phẩm bởi thời gian in hay viết. Nếu không có sự khổ luyện thì không thể đạt được cái trác tuyệt. Các họa sĩ Trung Quốc xưa đã để hàng năm trời luyện tập cách dùng bút từ một nét đi mảnh như sợi tóc đến một nhát mực chấm phá nhòe đẫm nước rồi mới phóng bút như múa trong cao hứng sáng tác.

Vẽ nhanh và đẹp có thể nói là trường hợp hãn hữu may ra mới gặp. Ở đây ta không bàn đến vấn đề thời gian vì nó không phải là nhân tố quyết định sự thành công của một tác phẩm. Khi xưa vua Huyền Tông giao cho Ngô Đạo Tử và Lý Tư Huấn vẽ cảnh sông Gia Lăng để trang trí tường của cung Đại Đồng. Ngô Đạo Tử đi thăm phong cảnh trở về, không có tí ghi chép nào và chỉ trong một ngày đã vẽ xong toàn cảnh sông dài ba trăm dặm. Còn Lý Tư Huấn phải mất nhiều tháng mới vẽ xong. Nhưng khi xem tranh của hai người, nhà vua đều khen là tuyệt tác. Hoặc như Edgas Degas công phu ngồi kẻ ô để phóng lên tranh nhiều hình vũ nữ ba lê từ những ghi chép khổ nhỏ và Ingre dựng hình nhân vật hoàn chỉnh rồi mới vẽ quần áo, thì Picasso đã vẽ thẳng bút lên mặt toan, nhiều bức không hề dạm trước dù chỉ một vệt than hay một nét chì. Như vậy, bằng nhiều con đường khác nhau người ta vẫn có thể đạt đến đỉnh cao trong nghệ thuật.

Thế mới biết những giai thoại như “Đấu tửu bách thiên” (Uống một đấu rượu hoàn thành xong ngàn bài), hay “Ỷ mã vạn ngôn” (có nghĩa ngồi trên lưng ngựa mà thành vạn lời), hoặc như Picasso trong phút chốc có thể vẽ nên một tác phẩm tuyệt tác, Pollock chỉ vung vẩy mầu lên giấy mà tạo được một bức tranh… là để đề cao thành tích của các bậc thiên tài. Còn xưa nay, những đại nghệ thuật gia nào trong lúc thiếu thời mà chẳng phải bỏ lắm công phu học hỏi. Chúng ta chỉ cần có cơ hội đến thăm viện bảo tàng, hay thư viện của các danh nhân rồi ghé mắt vào các bản thảo của các nhà văn nổi tiếng sẽ thấy bao nhiêu sửa chữa lỗi lầm, hoặc ta lần giở những tranh của một số danh họa nói về kinh nghiệm sáng tạo của họ, thì sẽ thấy chẳng có ai là không phải trải qua giai đoạn trau dồi về nghề nghiệp cả. Chỉ có lao động vất vả, kiên trì mới bảo tồn được tài năng làm cho nó nảy ra những trái quả.

tranh 4

Bữa ăn cuối cùng của Leonardo Da Vinci

Qua những điều vừa trình bày, ta thấy công việc tiến hành để sáng tác một bức vẽ quả là rất khác nhau, nhưng đều đưa đến kết quả tùy theo khí chất, kinh nghiệm và tác phong của mỗi họa sĩ. Các cách thức làm việc cũng chỉ nhằm một mục đích: đạt tới những hiệu quả trên mặt phẳng. Trong đó, cách làm phù hợp với đa số, kể cả người mới học và những nghệ sĩ lớn, là sáng tác có phác thảo rồi mới tiến hành thể hiện. Cách làm này luôn đảm bảo chất lượng sáng tác vì nó ít xảy ra những đảo lộn bất ngờ. Phương Tây có câu: “Mọi con đường đều dẫn đến La Mã” trùng hợp với ý của ngạn ngữ phương Đông là “Đồng qui nhi thù đồ” (có nghĩa tuy khác đường đều vẫn có thể qui tụ về một điểm). Điều căn bản là người vẽ cần am hiểu tường tận, nắm bắt chặt chẽ điều mình muốn diễn đạt, có tay nghề, còn dù vẽ trực họa hay ngẫu hứng hoặc bất cứ cách nào cũng đều đạt kết quả.

Tiến tới làm chủ phương pháp, nhưng không phải để áp dụng một cách máy móc và ràng buộc mãi mãi. Nghệ thuật khi đã thăng hoa thì không cần đến phương pháp nữa mà lúc đó người nghệ sĩ có thể tùy chọn cách làm nào phù hợp với mình. Thực ra, còn nhiều cách làm nữa mà tôi chưa có đủ điều kiện để đề cập tới trong bài viết này, nhưng bất cứ cách thức nào nếu nghệ sĩ nắm bắt được đến nơi, đến chốn thì cũng sẽ phát huy được kết quả tốt đẹp.

- Bùi Thị Thanh Mai -

>>> Các bài tập vẽ tranh bột màu

>>> Bí quyết vẽ tranh

>>> Kỹ thuật vẽ tranh bằng mực nho

Từ khóa » Cách Vẽ Cái Gì Cũng được