Cuộc Sống Thương Hồ - Báo Hậu Giang
Có thể bạn quan tâm
Từng chiếc ghe chở đầy hàng hóa cập bến bán lại cho tiểu thương các chợ để đưa đến tay người tiêu dùng, nhưng ẩn sâu đằng sau đó là câu chuyện vui buồn của những phận đời mua dạo bán sông.
Khách thương hồ cập bến sông Ngã Bảy.
Khi ánh bình minh vừa ló dạng, cũng là lúc chiếc ghe chở đầy chuối của bà Sáu Loan, ở phường VII, thành phố Vị Thanh, vừa cập bến trước cửa nhà. Bà bảo không biết trên ghe mình bao nhiêu tấn chuối vì cứ chất đầy ghe thì đi, khi thì chuối, khi thì dừa, khi thì khóm, cam, quýt… mùa nào trái ấy. Bà Loan không nhớ mình đã đi qua bao mùa cây trái trên sông, chỉ nhớ rằng khi 19-20 tuổi đã về làm dâu gia đình nhà chồng mưu sinh bằng nghề chở trái cây bán dạo, nay tuổi đã ngoài 60 mà vẫn duy trì. Cột xong sợi dây neo quay sang tôi, bà nói: “Âu đó cũng là cái duyên với sông, với đất, tôi làm đến lúc nào hết nổi thì giao lại cho sắp nhỏ, nghề này tuy thu nhập không cao, nhưng được cái tiền lúc nào cũng có. Nếu như những ngày mưa có giông không đi được, ở nhà chừng vài hôm là thấy nhớ đến bến sông, nhớ những người bạn lái thương hồ…”.
Đang nhâm nhi tách trà lúc chợ chiều thưa khách, chiếc vỏ máy chạy ngang sóng nước cuộn lên xô đẩy vào bờ làm nồi cơm bà Bảy Đức đang nấu trên ghe như muốn ngả nghiêng. Đưa mắt nhìn tôi, ông Bảy Đức (Nguyễn Bá Đức), nhà ở huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ, tâm sự: “Kiếp thương hồ là vậy đó, đến bữa ăn còn chưa chắc gì trọn vẹn”. Có lẽ khi mới nghe hai tiếng “thương hồ” nhiều người nghĩ rằng chắc lãng mạn và khấm khá lắm, song họ đâu biết cuộc sống của những người mua bán trên sông không phải lúc nào cũng thuận lợi. Nghề này có khi lời khi lỗ, hàng hóa có khi vơi khi đầy, những người từ khi sinh ra đã chọn nơi sống là con sông, dòng nước lớn ròng như nhịp thoi đưa là chốn quê nhà.
Đã hơn 10 năm theo nghề mua bán rau củ quả, cũng là ngần ấy thời gian ông Bảy Đức neo đậu ghe ở bến sông chợ Vị Thanh, thành phố Vị Thanh này. Khách đã quen rồi nên cứ đến lấy hàng đưa tiền không cần trả giá. Với ánh mắt như có chút đượm buồn, ông Bảy Đức nói khẽ: “Nhiều năm lênh đênh trên sông nước cũng vất vả và lắm ưu tư, mỗi chuyến đi phải mất 5-7 ngày tiền lời kiếm được cũng chỉ vài ba triệu đồng, có khi cả tháng không được gặp con, vì phải tranh thủ đi chở hàng cho kịp chuyến”. Chuyện buôn bán dưới ghe bây giờ không còn được thuận lợi như trước, bởi ngày nay đường bộ thông thoáng, xe tải lớn nhỏ gì đều cũng có thể chạy được đến rẫy mua hàng của nông dân. Vì vậy những bạn hàng chuyên đi ghe đã không còn cạnh tranh lại những “đồng nghiệp” trên bờ, hơn nữa hàng hóa di chuyển bằng đường bộ rất nhanh, về đến chợ là những tiểu thương có thể đến mua mà không phải vất vả xuồng ghe.
Nằm chen chúc giữa những chiếc ghe bán nông sản dưới cái nắng gắt giữa trưa ở bến chợ Vị Thanh, là chiếc ghe sắt có trọng lượng chở khoảng 20 tấn, còn gần nửa ghe muối hạt của vợ chồng anh chị Út Sơn đang lui cui cất hàng bán mối. Anh Sơn nói quê anh ở tận huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, do nhà không ruộng đất nên sau khi lập gia đình, vợ chồng anh xuống ghe sống nghề mua bán trên sông tính ra cũng đã hơn 20 năm rồi. Cả nhà 4 người sống trên chiếc ghe cũng lắm chuyện vui buồn, bất tiện. Có nhiều chuyến chỉ đi chừng vài ngày là bán hết nhưng cũng có nhiều chuyến phải đi hàng tuần mới bán xong hàng. Nghiệp thương hồ lênh đênh theo con sóng để kiếm từng đồng tiền, vợ chồng anh không chỉ vì cuộc mưu sinh mà còn là sự yêu nghề và là niềm vui trong công việc. Anh Sơn quả quyết: “Nếu giờ cho tôi lựa chọn giữa trên bờ và trên sông thì tôi vẫn chọn cho mình “gạo chợ nước sông”. Bởi tôi vốn sinh ra vùng sông nước, nghiệp thương hồ rong ruổi đã gắn liền một phần cuộc sống của tôi rồi, âu đó cũng là số phận”.
Trời đã xế chiều, trên bến sông Ngã Bảy, thành phố Ngã Bảy, tôi gặp ông Sáu Hòa người có hơn 40 năm làm nghề lái đò ở bến sông Ngã Bảy. Trong ký ức của ông hồi xưa khúc sông này nhộn nhịp lắm, hàng trăm chiếc ghe lớn, nhỏ chở đầy hàng hóa đậu kín cả một khúc sông. Chợ nổi giờ đã thưa ghe dần, một số người từ bỏ con sông đi tìm con phố mưu sinh, cũng có người kiên nhẫn bám trụ với nghề, gần hết cuộc đời gắn bó với một khúc sông, ông Hòa cũng chưa từng nghe ông bà xưa nói chính xác về mốc thời gian nghề này hình thành. Chỉ biết rằng cái nghề ăn ở trên sông của khách thương hồ đã có từ lâu, họ ăn uống, ngủ nghỉ và sinh hoạt ngay trên ghe hàng của mình.
Sống cuộc đời lênh đênh chuyện vui cũng nhiều, chuyện buồn cũng lắm, rồi ông Sáu Hòa kể cho tôi nghe câu chuyện đời mình. Quê ông vùng sông nước tỉnh Cà Mau, cha mẹ ông cũng là thương hồ rày đây mai đó, dần dần trôi dạt đến đây. Vợ ông cũng là người “thừa kế” nghiệp thương hồ lênh đênh bán chuối, bán cam đã gần hết cuộc đời mà vẫn chưa khá nổi, giờ chỉ còn mong chờ tụi nhỏ ở thế hệ thứ ba sau này lớn lên đổi nghề cơ may làm ăn khấm khá.
Dù còn lắm gian truân, nhưng nghề thương hồ vẫn sẽ tồn tại bởi nét đặc sắc, độc đáo vốn có của nó cho dù trong cuộc mưu sinh của họ cũng có lúc gặp nhiều khó khăn, vất vả.
Bài, ảnh: QUANG HẢI
Từ khóa » Ghe Thương Hồ
-
Đời Thương Hồ - Báo Quân đội Nhân Dân
-
Lênh đênh Thương Hồ - Báo Đại Đoàn Kết
-
Thương Hồ Miền Tây - Báo Nhân Dân
-
Thương Hồ Trên Sông Nước Miền Tây - Khoa Học Phổ Thông
-
Du Lịch Về Miền Tây Bằng Ghe Thương Hồ 1 - YouTube
-
Du Lịch Về Miền Tây Bằng Ghe Thương Hồ (2) - YouTube
-
Truyện Ma : GHE KHÁCH THƯƠNG HỒ - YouTube
-
Lênh đênh Thương Hồ... Tro - Tuổi Trẻ Online
-
Lênh đênh đời Thương Hồ - Tạp Chí Thủy Sản
-
Ghe Thương Hồ
-
Sống đời Thương Hồ Nơi Miệt Thứ - Báo Công An Nhân Dân điện Tử
-
Kiếp Thương Hồ - Báo Công Lý
-
Đời Thương Hồ - Báo Đà Nẵng