Đời Thương Hồ - Báo Đà Nẵng

Hoàng hôn đổ dài trên mặt sông, những chiếc ghe ngược xuôi vội vã trở về sau một ngày lênh đênh cùng sóng nước. Tôi đứng trên bờ dõi mắt nhìn những chiếc ghe khuất dần trong ráng chiều bờ bãi. Mường tượng hành trình chiếc ghe đã đi qua, lòng tôi lại khấp khởi những chân trời mới. Bến sông vắng lặng, chỉ còn vài cánh lục bình trôi ngơ ngác.

Đời thương hồ trăm nẻo ngược xuôi, tôi từng nghĩ mình bị khuyết một đoạn ấu thơ đồng bãi khi gắn chặt đời mình trong chiếc ghe thương hồ chật chội. Ba má làm nghề bán lá trầm lợp nhà. Tôi vẫn thường cằn nhằn với má “sao mình không bán cái gì đó ăn được”. Má mỉm cười rồi ôm tôi vào lòng. Ngồi trong lòng má, nhìn những mái nhà, hàng cây, cánh đồng vừa bỏ lại sau lưng, tôi tiếc những buổi chiều quê, có lũ trẻ gọi nhau tắm sông, có cánh đồng nứt nẻ với cánh diều căng gió. Tôi từng muốn ba má treo lá dừa(*) trước ghe, dừng chân ở một bến nào đó, cất căn nhà có khu vườn trồng đủ loại cây trái. Mỗi bận nhìn khoảng nước trắng xóa xung quanh, tôi thường nhớ đến ngày ba má bán hết ruộng vườn trả nợ, xuống ghe làm kiếp thương hồ rày đây mai đó. Tôi nhớ những lần say sóng vật vã, má ngồi ôm tôi vào lòng mà nước mắt chảy dài. Đời sông cũng như đời người, có những khúc buồn đến nao lòng.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Những đêm khuya buồn xứ lạ, nằm trong ghe nghe bìm bịp kêu từng tiếng buồn hiu. Ba trằn trọc với tàn thuốc rơi dài theo bến sông, từng vòng khói trắng bay chập chờn giữa khuya bên ngọn đèn leo lét. Má thao thức suốt đêm với câu nói ngô nghê của con trẻ ban chiều “chừng nào con mới được đi học”...

Ghe thương hồ thường đậu cạnh nhau hủ hỉ chuyện đời, chuyện người. Có những người dù chỉ gặp một lần nhưng ngỡ đã thân thuộc với nhau từ lâu. Họ bỏ lại sau lưng đoạn đường vừa đi qua, bên mâm rượu say sưa với mùa trăng xứ lạ. Câu vọng cổ vút lên làm vơi đi nỗi nhớ quê hương. Cái vỗ đùi đen đét, cái nhăn mặt khà rượu cùng nụ cười hào sảng của người miền Tây cứ đưa tôi đi qua hết những dặm dài con nước. Từng câu chuyện không đầu không cuối. Tôi nhớ đêm mưa gió ở vàm sông Chơi Vơi (tên do tôi tự đặt), chiếc ghe chòng chành như sắp lật, nước vào ngập khoang. Ba dầm mưa cắm lại chiếc sào, má ôm tôi vào lòng mặc cho mưa dột ướt khắp người. Những trận gió từ mé sông ào ào thổi xiết, giấc mơ về một ngôi nhà “trước cau sau chuối” vẫn không ngừng loe lói trong tôi. Ba má dọn dẹp tàn dư sau trận gió lớn, đồ đạc ngổn ngang như lòng người.

Ghe cập hết bến này đến bến khác. Ở mỗi bến đã đi qua, ghe đâu có lưu lại dấu nằm, chỉ có ánh mắt hoài vọng vẫn còn nằm lại đâu đó trên vạt cỏ đồng xanh mươn mướt, ở con đường làng quanh co dẫn đến ngôi trường nằm nép sau tàng cây trứng cá. Đêm cuối cùng ngủ dưới ghe, trước khi ba má gửi tôi lên bờ đi học, nằm trong lòng má, tôi nghe rõ mồn một tiếng nấc nghẹn ngào của má. Tự dưng giây phút đó, tôi chẳng muốn rời xa chiếc ghe chật hẹp.

Ghe khuất dần sau rặng trâm bầu cuối bãi, tôi đứng trên bờ nhìn ráng chiều lặng lẽ đi qua nhau. Ngoại dắt tay tôi vào nhà với mớ sách vở má mua từ mùa tựu trường năm trước. Lật giở từng trang sách, tôi nghe lòng mình như có những đợt sóng va vào nhau...

Thời gian mải miết trôi qua, những bến sông dần bị lãng quên. Ba má cũng bán ghe lên bờ bỏ lại những triền sông đầy gió. Lâu lâu khi dừng lại ở bến sông nào đó, tôi lại thấy lòng mình bâng khuâng nỗi niềm khôn tả. Ba má vẫn thường ngồi trong nhà nhìn ra những chiếc ghe thương hồ lướt qua. Cơn sóng vỗ vào bờ trắng xóa, ba má nhớ lại những bến sông mình đã đi qua. Ngoắc ghe thương hồ lại chỉ để mua vài thứ vu vơ, hỏi thăm nhau những câu mà chỉ dân trong nghề mới biết. Dường như nỗi nhớ về sông vẫn đong đầy trong ba má. Ngồi trước sông quê lững lờ con nước, những tiếng rao cứ âm vọng từ bờ này sang bờ khác dội vào lòng người không nguôi.

Chiều quê những giọt nắng chưa tan, có hai vợ chồng già ngồi nói chuyện với sông…

NGUYÊN KHỐI

----------------------- (*) Khi muốn bán ghe, người làm nghề thương hồ sẽ treo lá dừa trước mũi ghe.

Từ khóa » Ghe Thương Hồ