Thương Hồ Miền Tây - Báo Nhân Dân
Có thể bạn quan tâm
Phải đến tận 10 giờ đêm, vợ chồng con cái Ba Sanh mới cân xong cả chục tấn dưa hấu, chất đống dưới chiếc ghe bầu. Mang tiếng là theo ghe nhưng tôi chỉ hụ hợ mấy chuyện lặt vặt, chứ Ba Sanh nhất quyết không cho tôi làm động... móng tay. Anh bảo, nghề này cực khổ, không quen làm không nổi, mà có khi chỉ làm mất thời gian chứ không trôi việc. Chị Ba thì cứ cắm cúi ghi ghi, chép chép, anh làm nhiệm vụ khuân vác, còn thằng Bách, con trai anh mới lên 10 hì hục chất dưa hấu dưới bụng ghe. Gió giữa đồng thổi lồng lộng nhưng lưng áo cha con Ba Sanh luôn ướt sũng mồ hôi. Ba Sanh nói, mua bán bây giờ lời lõm hổng bao nhiêu nên dù cực nhọc cũng ráng, để lấy công làm lời. Chứ cái gì cũng mướn, chẳng khác nào làm giùm thiên hạ. Nói xong, Ba Sanh nhảy ùm xuống dòng kênh xáng lặn ngụp mấy hơi rồi tất tả leo lên ghe, vừa thở hổn hển vừa thay vội bộ đồ, nổ máy lao ghe đi trong đêm tối. Lúc này, chị Ba đang hâm lại nồi cá kho khô, mùi cháy khét của cái nồi đất thơm nồng khiến bụng tôi đói cồn cào. Chị Ba nhanh nhẩu dọn nồi cá kho khô, giở cơm nóng hổi rồi chẻ trái dưa hấu ruột đỏ tươi lên mui ghe đãi khách. Cơm nước xong, chị Ba với thằng Bách chui xuống ca-bin ngủ. Tôi ngồi lại trên mui ghe rỉ rả uống nước trà, lắng nghe tâm sự của gã thương hồ quê miệt Hậu Giang. Lâu lắm rồi, dân các chợ nổi Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang), Cái Răng (TP Cần Thơ) quên bẵng cái tên cúng cơm Phạm Văn Sanh, mà chỉ gọi tên anh theo mặt hàng buôn bán. Bởi thế, hôm ghé chợ nổi Cái Răng, hỏi ghe của Ba Sanh, ai nghe xong cũng ngơ ngác, lắc đầu. Đến khi chợt nhớ, tôi bảo, ảnh buôn dưa hấu, quê ở Hậu Giang, thì mọi người mới phá lên cười: “Thằng Ba Dưa đó, tưởng ai, nghe tên lạ hoắc”. Nhà nghèo lại đông con, ít ruộng, ba má anh đành đùm túm hết con cái xuống ghe đi bán hàng bông dọc theo những dòng kênh xáng mới. Năm đó, Hai Thạch 18 tuổi, còn Sanh 16 tuổi, phải nghỉ học giữa chừng để theo ghe. Từ đó, cả nhà anh bắt đầu sống cuộc đời lênh đênh trên sông nước. Hết đời cha, đến lượt mấy anh em Hai Thạch, Ba Sanh nối lấy nghiệp thương hồ. Rồi năm ngoái, cưới vợ cho con trai lớn xong, vợ chồng Ba Sanh cho ra riêng bằng một chiếc ghe. “Nghiệp ba đời mà. Tuy gian nan, vất vả nhưng đời gạo chợ, nước sông của cánh thương hồ tụi này tự do, tự tại, đoàn kết, yêu thương nhau lắm. Đã trót mang lấy kiếp thương hồ thì chỉ có khi “về” với đất mới dứt ra được”, Ba Sanh bộc bạch.
Đang ngon giấc, tôi bỗng giật mình bởi tiếng gà gáy sáng. Vợ chồng Ba Sanh cũng lật đật thức giấc. Thì ra một mình Ba Sanh đã lái chiếc ghe chở đầy dưa về đến chợ nổi Cái Răng, còn tôi đã ngủ quên lúc nào không hay biết. Bây giờ tôi mới hiểu vì sao có con gà trống ở mui ghe. Nó là chiếc đồng hồ báo thức cho cả cái chợ nổi Cái Răng này. Một lúc sau, chợ nổi sáng đèn. Từng đoàn ghe, xuồng nhỏ tứ phía đổ về chợ nổi ăn hàng rồi lại tỏa ra muôn hướng. Vài chiếc ghe tam bản cặp kè vào ghe của Ba Sanh để xem dưa, ngã giá. “Dưa đẹp hén, giá bao nhiêu?”, giọng một phụ nữ hỏi. “Trời đất, mối mần ăn mấy năm rồi mà chị Tư cứ hỏi, giá y chang hôm qua”, Ba Sanh vui vẻ đáp. Sau mấy câu đối thoại ngắn gọn là họ cứ tuồn hàng sang ghe. Chiếc ghe chị Tư chở đầy dưa hấu, khẳm mẹp vừa lui ra đã có xuồng khác cặp vào. Không đợi hỏi, Ba Sanh nói: “Dưa đẹp, giá cũ”. Rồi anh cứ tung hứng từng quả dưa sang xuồng cho khách. Cảnh mua bán càng tất bật, nhộn nhịp hơn vào lúc hừng đông. Chợ nổi Cái Răng ken đặc ghe xuồng, xuôi ngược như con thoi. Mặt trời còn chưa lên khỏi đọt sào thì ghe dưa hấu của Ba Sanh đã bán hết ba phần. Chị Ba cứ ngồi bấm máy tính tiền, miệng tủm tỉm cười. “Coi ảnh đen đúa, chứ nhờ cái miệng có duyên, tánh thiệt thà, vui vẻ nên mua mau bán đắt”, chị nói như khoe.
Đêm nay, Ba Sanh lấy hàng về đến bến chợ nổi Cái Răng sớm hơn mọi bữa. Ánh trăng sáng vằng vặc, in bóng làng ghe lung linh đáy nước Cửu Long. Ba Sanh nướng mấy con khô cá sặc rằn bốc mùi thơm lừng khiến mấy gã thương hồ neo ghe gần đó tỉnh ngủ, kéo đến lai rai vài ly rượu đế. “Tui là Sáu Khảm, đây là Tư Nhỏ, Chín Khanh, Út Dứt. Coi mặt chú em mày không phải dân thương hồ “rặt””, anh Sáu Khảm tự giới thiệu rồi quay sang hỏi tôi. Ba Sanh vội ngắt lời, bảo, thằng em, đòi theo ghe vài chuyến để hiểu kiếp thương hồ. Giọng Ba Sanh bất ngờ chùn xuống, buồn hiu khi nhớ lại hành trình hàng chục năm nổi trôi trên sông nước. Anh bảo, chỉ khi trên bờ hết đường mưu sinh mới chọn lấy nghiệp này. Đời thương hồ nay đây, mai đó, không biết đâu là bến bờ, lênh đênh như cánh lục bình trên sông. Nhiều lúc nghĩ cảnh dập dềnh suốt tháng này sang năm khác, mấy đứa nhỏ học hành chữ được, chữ mất, Ba Sanh không khỏi chạnh lòng. Cuộc sống trên sông thiếu thốn đủ bề, gặp khi ốm đau không kịp đưa lên bờ cấp cứu, bỏ mạng như chơi. Nhưng với dân thương hồ, điều ám ảnh họ luôn là các tai nạn trên sông. Những con sông chở nặng phù sa mang đến nguồn sống cho hàng vạn người, nhưng nó cũng cướp đi không biết bao nhiêu người chồng, người cha, và cả những đứa trẻ xảy chân rớt xuống... Anh Tư Nhỏ chỉ tay về phía giữa dòng, đoạn sông ít ghe xuồng đậu nhất ở chợ nổi Cái Răng. Nơi đó, mang một kỷ niệm buồn, nơi Hai Thạch, anh ruột Ba Sanh gặp nạn. “Hôm đó, chợ tan, Hai Thạch lột áo lặn ùm xuống nước để gỡ neo. Mấy người trên ghe chờ mãi không thấy ảnh ngoi lên, nghi có chuyện, liền lao xuống nước, lục tung cả đáy sông. Đến cuối buổi chiều, xác Hai Thạch mới được tìm thấy ở đoạn sông phía hạ nguồn vài cây số”, Sáu Khảm rưng rưng kể.
Chín Khanh tiếp lời, nguy hiểm hổng biết đâu mà lường, nạn chìm ghe đối với dân thương hồ đâu có hiếm. Nhẹ thì mất hết tài sản, nặng thì mất cả... người. Còn thêm nạn trộm cướp, xin đểu của đám thanh niên miệt vườn. Cho tới bây giờ, thương hồ chợ nổi Cái Răng còn truyền tai nhau câu chuyện của lão thương hồ Út Đẹt, vốn là cha ruột của Ba Sanh. Hồi đó, sau khi cưới vợ cho Hai Thạch, Ba Sanh, vợ chồng ông gom hết vốn liếng mua cho mỗi người một chiếc ghe để con cái ra riêng. Ông Út Đẹt cùng vợ tự cầm lái chiếc ghe già nua ngược xuôi khắp miền tây sông nước. Đêm đó vừa chở một ghe trái cây đầy ắp về đến chợ nổi Cái Răng, thì gặp đám thanh niên chạy xuồng máy xáp vô xin đểu, định cướp trái cây. “Ông Út già chứ còn “gân” lắm. Ổng vác chèo tử thủ rồi hét to: “Thằng nào ngon vô đây cướp, tao liều cái mạng già. Thà xin tao cho, muốn cướp hả, một trái cũng đừng hòng”. Nghe tiếng lão thương hồ la hét, cả làng ghe kéo đến nơi. Thấy vậy, đám thanh niên đành tháo lui trong trật tự. Dân thương hồ tụi này nghèo thiệt nhưng giàu nghĩa khí, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau lúc tối lửa, tắt đèn”, Chín Khanh nói như đúc kết một triết lý của con người nơi sông nước.
Đời thương hồ nay đây, mai đó, không biết đâu là bến bờ, lênh đênh như cánh lục bình trên sông. |
Từ khóa » Ghe Thương Hồ
-
Đời Thương Hồ - Báo Quân đội Nhân Dân
-
Lênh đênh Thương Hồ - Báo Đại Đoàn Kết
-
Thương Hồ Trên Sông Nước Miền Tây - Khoa Học Phổ Thông
-
Cuộc Sống Thương Hồ - Báo Hậu Giang
-
Du Lịch Về Miền Tây Bằng Ghe Thương Hồ 1 - YouTube
-
Du Lịch Về Miền Tây Bằng Ghe Thương Hồ (2) - YouTube
-
Truyện Ma : GHE KHÁCH THƯƠNG HỒ - YouTube
-
Lênh đênh Thương Hồ... Tro - Tuổi Trẻ Online
-
Lênh đênh đời Thương Hồ - Tạp Chí Thủy Sản
-
Ghe Thương Hồ
-
Sống đời Thương Hồ Nơi Miệt Thứ - Báo Công An Nhân Dân điện Tử
-
Kiếp Thương Hồ - Báo Công Lý
-
Đời Thương Hồ - Báo Đà Nẵng