Cuộc Sống Trong Quân Ngũ ở Triều Tiên - VnExpress

korea-soldiers-1118477i-3397-1442112088.

Các binh sĩ Triều Tiên nhìn qua biên giới, hướng về phía Hàn Quốc khi tới thăm làng đình chiến Panmunjom thuộc khu phi quân sự (DMZ). Ảnh: Reuters

Ở Triều Tiên, thời gian phục vụ trong quân ngũ trung bình đối với nam thanh niên là 10 năm và nữ thanh niên là 7 năm. Với các lực lượng đặc biệt, ví dụ như vệ sĩ riêng của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, yêu cầu này là 13 năm, theo NK News.

Nhập ngũ là nghĩa vụ bắt buộc đối với tất cả mọi người, bất kể nam hay nữ. Hầu hết thanh niên ở Triều Tiên đều gia nhập quân đội sau khi tốt nghiệp phổ thông. Nếu có bằng cử nhân, thời gian trong quân ngũ của một người sẽ kéo dài khoảng 5 năm. Nhưng nếu theo học các ngành khoa học kỹ thuật thì họ chỉ phải thực hiện trách nhiệm quân sự trong ba năm. Triều Tiên có chính sách khuyến khích giới trẻ tham gia nghiên cứu khoa học, vì thế từ thời cố chủ tịch Kim Jong-il, ông đã ban hành những quy định đãi ngộ này.

Khi tham gia quân ngũ, những người trẻ ở Triều Tiên phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách. Song, nỗi khổ đầu tiên và luôn thường trực đó là cái đói. Trong khi các đội quân đặc biệt ở Bình Nhưỡng khá được quan tâm thì những binh sĩ hoạt động tại các khu vực bên ngoài lại thường xuyên phải chịu cảnh thiếu thức ăn. Khẩu phần mỗi bữa của họ chỉ bao gồm vài ba củ khoai tây hoặc ngô. Đôi khi họ phải nhồi ngô với cơm để chống lại cơn đói.

Theo ông Adam Cathcart, chuyên gia phân tích về Triều Tiên, chính bởi chế độ ăn thiếu dinh dưỡng nên binh sĩ Triều Tiên được cho là có thể trạng nhỏ và yếu hơn so với lính Hàn Quốc.

Ngoài tham gia các bài huấn luyện ở doanh trại, họ còn ra ngoài để giúp đỡ nông dân trồng lúa, hoa màu. Vì đời sống quá kham khổ, nhiều người rất gầy.

Theo lời kể của một người từng phục vụ trong quân đội ở Triều Tiên, lớp phổ thông của anh ta có 25 nam sinh. 5 người theo học đại học, 20 người còn lại gia nhập quân ngũ. Một nửa trong số này bị suy dinh dưỡng. Họ được cho về nhà để điều trị. Nhiều người yếu đến nỗi không thể tự bước đi, Khi sức khỏe cải thiện, họ lại quay về đơn vị.

Các binh sĩ may mắn là những người được xếp trong hàng ngũ lực lượng đặc biệt với đãi ngộ tốt hoặc có thượng cấp quan tâm đến đời sống của binh lính nên tránh được tình trạng thiếu ăn. Điều mà thân nhân của họ mong mỏi hơn cả là con em mình trở về nhà an toàn sau quãng thời gian dài thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Vũ Hoàng (theo NK News)

  • Một triệu thanh niên Triều Tiên xung phong nhập ngũ
  • Tương quan lực lượng quân sự Triều Tiên - Hàn Quốc

Từ khóa » Triều Tiên đi Nghĩa Vụ Bao Nhiêu Năm