Quân đội Bắc Triều Tiên - KBS WORLD

© KBS

Ở Hàn Quốc, thực hiện nghĩa vụ quân sự là một trong 4 nghĩa vụ được Hiến pháp quy định, cùng với đóng thuế, giáo dục và lao động. Theo đó, tất cả nam giới Hàn Quốc khỏe mạnh từ 18 tuổi trở lên, phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Vậy hệ thống quân đội ở Bắc Triều Tiên, đất nước tổ chức diễu binh quy mô lớn hàng năm như một cách thể hiện sức mạnh quân sự, thì như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu về nền quân sự miền Bắc.

Hình thành và lớn mạnh sau sự sụp đổ của khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu

Quân đội nhân dân Bắc Triều Tiên, lực lượng vũ trang của miền Bắc, được thành lập tháng 2 năm 1948, 7 tháng trước khi Chính phủ Bắc Triều Tiên được thành lập ngày 9/9 cùng năm. Sau đó, quân đội đã tăng cường vị trí và vị thế của mình. Sau sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, miền Bắc đã phải hứng chịu khó khăn trầm trọng về kinh tế, còn được biết đến là thời kỳ “tháng Ba gian khổ” giữa những năm 1990. Năm 1995, nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên khi đó là Kim Jong-il đã coi “songun” hay “nền chính trị lấy quân sự làm đầu” là hệ thống tư tưởng chủ đạo của quốc gia.

Chính sách này là công cụ quan trọng nhằm duy trì chính quyền miền Bắc trong bối cảnh hỗn loạn và bất ổn ở cả bên trong lẫn bên ngoài. Hậu quả là, quân đội thậm chí đã trở nên quyền lực hơn dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Kim Jong-il. Các dự án liên quan đến quân đội được xem trọng hơn cả các dự án kinh tế, và Bắc Triều Tiên đã huy động tổng lực nhằm đẩy mạnh năng lực quốc phòng của mình. Lính tráng cũng phải phục vụ trong quân đội một thời gian dài.

Nghĩa vụ quân sự bắt buộc kéo dài tới 10 năm

Theo Cơ quan quản lý nhân sự quân đội Hàn Quốc, 16 nước, trong đó có Trung Quốc, Thụy Sĩ và Israel, đã áp dụng nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Trong số đó, Bắc Triều Tiên có thời gian tòng quân dài nhất, 10 năm. Theo độ tuổi quân dịch, tất cả nam giới miền Bắc từ 14 tuổi trở lên có nghĩa vụ phải nhập ngũ, và những người trên 60 tuổi được giải ngũ khỏi lực lượng quân dự bị.Tuy nhiên, tù nhân chính trị và con cái của tầng lớp thù địch (tầng lớp đáy) nằm ngoài chế độ tòng quân. Những sinh viên tài năng tại các trường nghệ thuật hay khoa học tự nhiên danh giá, cũng như công nhân lành nghề trong các lĩnh vực công nghiệp đặt biệt, cũng được miễn nghĩa vụ quân sự.

Nhìn chung, đăng ký nhập ngũ diễn ra khi đến 14 tuổi. Hai vòng kiểm tra sức khỏe được tiến hành nhằm đảm bảo rằng người nhập ngũ đạt yêu cầu cao ít nhất 1m48, nặng ít nhất 43kg. Nếu vượt qua kỳ kiểm tra sức khỏe, nam giới Bắc Triều Tiên bị buộc phải gia nhập quân ngũ năm 17 tuổi, tức là sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông. Họ được chỉ định vào các đơn vị quân đội do Nhà nước quyết định.

Con cái của giới tinh hoa chính trị thường được phân vào Bộ Tư lệnh quốc phòng Bình Nhưỡng, Bộ an ninh nhân dân, hoặc Làng đình chiến Bàn Môn Điếm, nơi họ nhận được khẩu phần đầy đủ và cuộc sống tương đối thoải mái. Những người có xuất thân nghèo khó thường hối lộ hơn 500 USD cho các cơ quan, tổ chức liên quan để tránh bị gửi đi các đơn vị quân đội có tình trạng không tốt. Nhưng phần lớn người dân Bắc Triều Tiên đều cho rằng việc phục vụ trong các đơn vị do Nhà nước chỉ định là điều dĩ nhiên.

Điều kiện quân dịch hết sức nghiêm khắc

Trong thời gian 10 năm nghĩa vụ, binh sĩ Bắc Triều Tiên phải trải qua huấn luyện quân đội chuyên sâu và thường được huy động cho các chiến dịch sản xuất kéo dài. Tuy nhiên, họ không được phép xin nghỉ một cách dễ dàng, và khẩu phần thực phẩm thì cũng không ổn định. Nhiều thập niên trước, lính tráng được cung cấp 3 bữa ăn một ngày, mỗi bữa có một bát cơm và vài món ăn phụ. Nhưng sau khi tình hình lương thực bắt đầu xấu đi những năm 1990, một số binh sĩ không có cái ăn đã đi cướp của dân hoặc thậm chí là trốn khỏi doanh trại.

Mặc dù vậy, nhìn chung, nam giới miền Bắc tin rằng việc họ phục vụ quân đội là điều đúng đắn và tự nhiên. Chính ý thức về nghĩa vụ của người lính đã hình thành nên căn bản của quân đội Bắc Triều Tiên. Cứ 1.000 người dân thì lại có 40 người phục vụ trong quân đội, với 1,2 triệu lính tại ngũ và hơn 5 triệu quân dự bị. Miền Bắc được đánh giá là có sức mạnh quân sự tổng thế rất lớn, xét tới các tên lửa, bệ phóng tên lửa đa nòng, vũ khí hóa học và vũ khí hạt nhân của nước này.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu quân đội nước này có thể tiếp tục duy trì địa vị vững mạnh của mình trong bao lâu? Năm 2016, Chủ tịch Kim Jong-un đã loại bỏ Ủy ban Quốc phòng Nhà nước đầy quyền lực trong một động thái dường như là nhằm từ bỏ nền chính trị lấy quân sự làm đầu của người tiền nhiệm, và khiến miền Bắc trở thành một quốc gia bình thường. Vừa qua, Bình Nhưỡng cũng đã công bố cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Đã đến lúc nước này rời xa chủ nghĩa quân sự bằng hành động chứ không phải lời nói.

Từ khóa » Triều Tiên đi Nghĩa Vụ Bao Nhiêu Năm