Trai Hàn Mong Chấm Dứt Chiến Tranh Triều Tiên để Khỏi đi Nghĩa Vụ

Trai Hàn mong chấm dứt chiến tranh Triều Tiên để khỏi đi nghĩa vụ - Ảnh 1.

Đợt lính nghĩa vụ của năm 2019 trong ngày đầu tiên được tiếp nhận vào quân đội ở thành phố Nonsan (Hàn Quốc) - Ảnh: AFP

Mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên đã được cải thiện rất nhiều trong năm 2018, thông qua các cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Kim Jong Un của Triều Tiên và Moon Jae In của Hàn Quốc.

Hai nước đã tháo dỡ các chốt gác vũ trang trong khu vực an ninh chung ở Bàn Môn Điếm và đang tiến tới việc cùng tuần tra không vũ trang ở khu phi quân sự.

Mặc dù vậy, những điều này không giúp Namgung Jin thôi lo lắng trong lúc chờ ngày nhập ngũ. Đó là lúc cậu chính thức có 2 năm phục vụ trong quân đội Hàn Quốc - một quốc gia về lý thuyết vẫn đang còn trong tình trạng chiến tranh với người láng giềng phương bắc.

Nhưng trước khi cậu sinh viên 19 tuổi này khoác lên người bộ quân phục vào ngày 5-3, tức chỉ 5 ngày sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2, một số nhà phân tích tin rằng Chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953) sẽ chính thức khép lại.

Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vào tuần tới tại thủ đô Hà Nội của Việt Nam. Một cuộc gặp được kỳ vọng sẽ giải quyết nhiều vấn đề, từ tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đến cả một hiệp ước hòa bình.

Nếu chiến tranh Triều Tiên chính thức khép lại, đó sẽ là ngày vui cho cả dân tộc Triều Tiên ở hai miền nam bắc. Nhưng nói như Hãng thông tấn AFP của Pháp, "nếu điều đó xảy ra, chế độ nghĩa vụ bắt buộc của Hàn Quốc sẽ trở thành tâm điểm tranh cãi".

Vì sao lại như thế? Với nhiều người trẻ Hàn Quốc như Namgung, người được sinh ra gần 50 năm sau khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc năm 1953 bằng một hiệp ước đình chiến, câu trả lời là nó đã quá lỗi thời.

"Tôi chắc chắn sẽ không đi nghĩa vụ nếu được lựa chọn" - cậu sinh viên cao đẳng tuyên bố, gọi thời gian quân ngũ là "sự lãng phí tuổi thanh xuân" bởi nó khiến cậu phải trì hoãn việc kiếm được một công việc tốt ở một đất nước cạnh tranh khốc liệt như Hàn Quốc.

"Tôi chưa bao giờ xem Triều Tiên như một kẻ thù, cũng chẳng hề có ác cảm nào với miền bắc. Điều duy nhất tôi nghĩ chỉ là cuộc sống của người dân ở đó chắc sẽ khó khăn lắm" - Namgung chia sẻ với AFP.

Đồng quan điểm, Han Sang Kyu, 18 tuổi, người sẽ nhập ngũ vào năm tới, khẳng định không có tư tưởng thù địch với chính quyền Bình Nhưỡng.

"Người Triều Tiên hay người Hàn Quốc cũng chỉ là một dân tộc. Tôi luôn hi vọng hai nước có thể thống nhất vào một ngày nào đó" - Han tâm sự.

Trai Hàn mong chấm dứt chiến tranh Triều Tiên để khỏi đi nghĩa vụ - Ảnh 2.

Những cách trốn nghĩa vụ quân sự thường được áp dụng ở Hàn Quốc là tự tạo thương tích cho bản thân, tiến hành các phẫu thuật không cần thiết hoặc lạm dụng protein để tăng cân quá khổ - Ảnh chụp màn hình

Phần lớn đội quân 600.000 binh sĩ thường trực của Hàn Quốc là lính nghĩa vụ - những người bị bắt buộc phục vụ ít nhất 20 tháng trong quân ngũ, theo AFP.

Ông Lim Tae Hoon, giám đốc Trung tâm vì nhân quyền trong quân đội Hàn Quốc, nhận định cuộc chiến Triều Tiên và các di sản của nó vẫn còn hiện hữu rất nhiều trong văn hóa của quân đội Hàn Quốc.

Chẳng hạn, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hiện nay vẫn còn duy trì một quy định, đó là số binh sĩ nghỉ phép cùng thời điểm không được vượt quá tỉ lệ 25% tổng quân số.

"Cuộc chiến Triều Tiên năm xưa bùng nổ vào ngày chủ nhật - ngày nhiều binh sĩ Hàn Quốc về phép. Điều đó lý giải vì sao đến tận bây giờ các binh sĩ Hàn Quốc bị bắt có mặt ở doanh trại gần như liên tục" - ông Lim lý giải.

Song Jun Seo, một học sinh 18 tuổi sẽ nhập ngũ vào năm nay hoặc năm tới, khẳng định sẽ đòi bồi thường nếu chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc bị bãi bỏ sau khi cậu hoàn tất thời gian quân ngũ.

Nhưng theo ông Kim Dong Yup, một nhà phân tích tại Đại học Kyungnam, vẫn còn quá sớm để bàn tới việc bỏ chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc ở Hàn Quốc.

Ông Kim nhận định Hàn Quốc sẽ còn mất thêm một thời gian dài nữa để chuyển sang chế độ nhập ngũ tự nguyện, kể cả khi quan hệ giữa hai miền Triều Tiên có tiến triển tích cực.

Hàn Quốc chính thức không coi Triều Tiên là Hàn Quốc chính thức không coi Triều Tiên là 'kẻ thù'

TTO - Báo cáo quốc phòng hai năm một lần của Hàn Quốc công bố hôm 15-1 đã không coi Triều Tiên là 'kẻ thù' nữa.

Từ khóa » Triều Tiên đi Nghĩa Vụ Bao Nhiêu Năm