Đặc điểm Của Nhân Vật Sử Thi - Top Lời Giải

Câu hỏi: Đặc điểm của nhân vật Sử thi 

Lời giải:

      - Nhân vật trung tâm của sử thi là nhân vật anh hùng: Anh hùng văn hóa và anh hùng chiến trận. So với thần thoại và truyền thuyết, nhân vật sử thi có nhiều lớp người, nhiều thế hệ.

      - Nhân vật chính của sử thi anh hùng là anh hùng chiến trận. Phẩm chất cao quí của nhân vật là lòng dũng cảm xả thân vì cộng đồng trong việc chiến đấu chống kẻ thù và chinh phục thiên nhiên. Con người anh hùng có vẻ đẹp cường tráng của thể chất. Nhân vật anh hùng là hiện thân của ý chí và sức mạnh cộng đồng. Đó là hình tượng khái quát hóa, lý tưởng hóa, mang ý thức và sức mạnh cộng đồng.

Ngoài ra, các em cùng Toploigiai tìm hiểu thêm về một số nhân vật trong sử thi nhé!

Mục lục nội dung 1. Phân tích nhân vật người anh hùng Đăm Săn trong đoạn trích Chiến thắng Mtao Mxây2. Phân tích nhân vật Uy-lit-xơ trong đoạn trích “Uy-lít-xơ trở về” của Hô-me-rơ3. Phân tích nhân vật nàng Xi-ta trong đoạn trích Ra-ma buộc tội 

1. Phân tích nhân vật người anh hùng Đăm Săn trong đoạn trích Chiến thắng Mtao Mxây

      Đoạn trích Chiến thắng Mtao Mxây là một trong những đoạn trích tiêu biểu nằm trong chương 34 của bộ sử thi Đăm Săn. Qua đoạn trích, ta không chỉ thấy được sức mạnh cộng đồng, con người Tây Nguyên mà còn cảm nhận được vẻ đẹp uy nghi, hùng tráng của người anh hùng sử thi. Điều đó được thể hiện rõ qua nhân vật người tù trưởng Đăm Săn với chiến công lẫy lừng. 

      Sức mạnh và tài năng của Đăm Săn trước hết được thể hiện qua cuộc đấu với Mtao Mxây. Cuộc đấu xảy ra khi Đăm Săn nghe tin vợ mình bị bắt, đó là ngòi nổ Mtao Mxây gây ra, Đăm Săn chủ động tới trước chân cầu thang của hắn để thách đấu. Vẻ uy nghi cùng những lời lẽ bản lĩnh, thách thức của chàng khiến Mtao Mxây phải sợ hãi, phân vân " Xuống, giêng! Xuống, giêng!....hun cái nhà của người cho mà xem". Mtao Mxây đành chấp nhận bước xuống trong nỗi lo sợ bị Đăm Săn đâm lén, nhưng đời nào một anh hùng lại làm chuyện tiểu nhân, chỉ có kẻ bỉ ổi mới chực chờ người khác không để ý mà ra tay hành động "Sao ta lại đâm ngươi.....ta cũng không thèm đâm nữa là". Rõ ràng trong lời nói của Đăm Săn đã thể hiện rõ khí chất của một bậc anh hùng, mạnh mẽ, dứt khoát và quyết liệt. Khác với một Mtao Mxây hèn nhát, tiểu nhân, thích khích bác người khác mà thiếu bản lĩnh. Khi hắn bước xuống với xiêm áo lộng lẫy tựa vị thần, vũ khí sắc bén với gươm óng ánh cầu vồng trong cái dáng vẻ tần ngần do dự, bước đi mà chẳng dám thì cũng là lúc mà hình ảnh Đăm Săn được nổi bật hơn. 

      Bước vào trận chiến, Đăm Săn nhường cho hắn múa khiên trước, vậy mà hắn  tìm cách để ép chàng mua trước bằng lời lẽ hiếu thắng, khoe khoang :" người mới là người múa trước.....đã gãy mất cánh". Sau cùng hắn vẫn múa trước với những đường múa chán nản, " kêu lạch xạch như quả mướp khô",  Đăm Săn vẫn đừng im nhìn hắn mua một cách khinh bỉ, " Miếng múa ngươi học ai đấy, ngươi múa chơi đấy phải không?". Vậy mà hắn vẫn không thôi khoe khoang những vẻ vang của mình, còn Đăm Săn cứ việc múa những đường gươm đầy điêu luyện, thể hiện một tài năng xuất chúng của mình " Đăm Săn rụng khiên khiên múa.....vun vút qua phía tây".

      Sự đối lập giữa màn đấu kiếm đã cho thấy một Đăm Săn đầy hùng dũng  trong chiến trận, một kẻ khó lòng ai có thể vượt qua. Nhìn thấy sức mạnh ấy của chàng, Mtao Mxây phải vội cầu cứu Hơ Nhị nhưng miếng trầu nàng trao lại bị Đăm Săn chụp được, lúc này sức mạnh và sinh lực của chàng càng tăng lên gấp bội. Rồi tiếp tục là những trận múa, những đòn đánh đuổi mạnh mẽ , thần tốc vào kẻ địch " Thế là Đăm Săn lại múa.....Chàng đâm vào người Mtao Mxây cũng không thủng". Được sự trợ giúp của ông Trời, Đăm Săn liền dùng chày mòn ném vào vành tai địch, truy đuổi đến cùng , hắn phải van xin cầu phúc, nhưng sự kiện quyết của Đăm Săn đã giết chết hắn, đầu Mtao Mxây bị đem bêu khắp đường.

      Chiến thắng Mtao Mxây không chỉ là chiến thắng cá nhân mà còn là chiến công của cộng đồng. Bởi vậy mà khi Đăm Săn kêu gọi mọi người đi cùng đều được nhân dân tin tưởng đi theo "Ơ ngân chim sẻ, ơ vạn chim ngói....chúng ta về nào!". Với những người vô tội, chàng không hề một chút mảy may trách móc, trái lại muốn họ cùng mình xây dựng một cộng đồng giàu mạnh, thịnh vượng hơn. Đó là vẻ đẹp của một tấm lòng lơn, tấm lòng rộng lượng vì nhân dân. 

Đặc điểm của nhân vật Sử thi

      Không chỉ mang vẻ đẹp về tài năng, phẩm chất, ở Đăm Săn còn có  cả  vẻ đẹp về ngoại hình. Trong bữa tiệc thiết đãi mừng năm mới, Đăm Săn uy nghi và to lớn như một tướng lĩnh thư thái, một dũng tướng hào hùng "Chàng nằm trên võng....ở dưới đất là một cái nông hoa", " Ngực quấn chéo một tấm mền.....Đăm Săn vốn đã ngang tàng từ trong bụng mẹ".  Đánh tiếng Đăm Săn vang dội khắp mọi miền, đến cả vạn vật sông núi cũng phải kính trọng, nể phục. Cộng đồng trong tay Đăm Săn ngày một phát triển, giàu có chính là nhờ phúc phần và tài năng của vị tù trưởng anh minh.

      Đăm Săn qua đoạn trích hiện lên là một người anh hùng đầy đẹp đẽ, một tù trưởng trách nhiệm, bản lĩnh. Hình ảnh Đăm Săn giúp em thêm tự hào hơn về lịch sử dân tộc, tin tưởng  vào sức mạnh của chính nghĩa và cố gắng hoàn thiện, xây dựng bản thân mỗi ngày cả về trí tuệ và thể chất, xứng đáng là một " tù trưởng" của xã hội mới hôm nay, xây dựng và cống hiến cho đất nước giàu mạnh.

2. Phân tích nhân vật Uy-lit-xơ trong đoạn trích “Uy-lít-xơ trở về” của Hô-me-rơ

      Sử thi “Ô-đi-xê” ra đời trong bối cảnh người Hy Lạp bắt đầu công cuộc chinh phục biển cả để mở rộng địa bàn sinh sống của mình. Để chinh phục được đại dương bao la song cũng tiềm tàng nhiều hiểm nguy rình rập ấy, con người không chỉ cần đến sức mạnh thể chất và lòng quả cảm mà còn cần đến trí tuệ, sự khôn ngoan, tỉnh táo. Đây cũng là thời kỳ xã hội Hy Lạp bước vào chế độ chiếm hữu nô lệ, tổ chức sinh hoạt cộng đồng theo chế độ công xã thị tộc dần thay thế bằng tổ chức gia đình và hôn nhân một vợ một chồng. Điều đó đòi hỏi mỗi người phải có tình yêu thuỷ chung của vợ chồng, cùng sự gắn bó với quê hương, xứ sở. Hai phẩm chất thời đại của con người Hy Lạp: trí tuệ và thuỷ chung đã được thể hiện tinh tế qua hình tượng nhân vật Uy-lít-xơ trong đoạn trích “Uy-lít-xơ trở về”

      Suốt 20 năm trời lênh đênh, phiêu bạt nơi chân trời góc bể, động lực duy nhất để Uy-lít-xơ vượt qua bao khó khăn, thử thách để tìm đường trở về quê hương là mong muốn được đoàn tụ cùng vợ con. Kể cả khi đã trở về quê hương, chàng vẫn phải trải qua thử thách tiêu diệt bọn cầu hôn đang có mưu đồ chiếm đoạt tài sản để bảo vệ hạnh phúc gia đình. Uy-lít-xơ  là người khao khát hơn ai hết giây phút đoàn tụ cùng vợ con, được gần gũi, yêu thương vợ. Nhưng có lẽ điều Uy-lít-xơ không ngờ tới là thử thách cuối cùng với chàng lại là thử thách trước Pê-nê-lốp – người vợ yêu quý của mình. Pê-nê-lốp vốn đã tắt hi vọng vào sự trở về của chồng sau hai mươi năm đằng đẵng, không tin rằng Uy-lít-xơ đã trở về nên tỏ ra rất lạnh nhạt. Hơn nữa, Uy-lít-xơ đang ở trong bộ dạng một người hành khất khiến Pê-nê-lốp càng không tin tưởng. Để chinh phục được trái tim “sắt đá” và khiến vợ tin tưởng mình chính là Uy-lít-xơ, chàng đã phải rất kiên nhẫn chờ đợi. Đối diện với thái độ thờ ơ, lạnh nhạt của vợ, Uy-lít-xơ vẫn “cao quý và nhẫn nại”. Khi Tê-lê-mác lên tiếng trách cứ Pê-nê-lốp vì không nhận ra bố, chàng vẫn rất bình tĩnh giải thích cho con hiểu về sự nghi ngờ tất yếu của mẹ.

      Khi nhận ra ý muốn thử thách của Pê-nê-lốp, Uy-lit-xơ mỉm cười. Nụ cười đó như một dấu hiệu kín đáo để chấp nhận thử thách của vợ, đồng thời cũng như một lời nhắn nhủ tới vợ: chàng luôn tin tưởng vợ, tin vào tài năng cũng như trí tuệ của vợ. Uy-lit-xơ mỉm cười cũng vì chàng tin vào trí tuệ của bản thân, tin rằng mình nhất định sẽ vượt qua được thử thách. Trước hết, chàng đi tắm rửa để rũ bỏ bộ dạng của một người hành khất. Đây là bước đầu tiên để Uy-lit-xơ chiếm lại lòng tin của vợ. Tuy vậy, sau khi tắm rửa xong và lúc này Uy-lít-xơ “đẹp như một vị thần” nhưng Pê-nê-lốp vẫn không thay đổi thái độ với chồng, Uy-lít-xơ liền đau khổ và cất lời trách vợ “sắt đá”, đồng thời yêu cầu nhũ mẫu để mình ngủ riêng. Kỳ thực, ngay từ khi nghe lời gợi ý của vợ: “những dấu hiệu riêng… chỉ hai người biết với nhau”, Uy-lít-xơ đã liên tưởng ngay đến bí mật về chiếc giường cưới. Và vì thế, lời trách của chàng như một chìa khoá gợi mở để hai người cùng nhận ra nhau. Đồng thời, đây cũng là một phép thử với Pê-nê-lốp: Liệu rằng chiếc giường kiên cố do chính chàng đóng kia trong ngày cưới của hai người có bị chuyển dời, và liệu Pê-nê-lốp có còn giữ nguyên vẹn sự chung thuỷ với chàng? Chỉ một lời trách cứ nhưng cũng thể hiện thái độ trân trọng của Uy-lít-xơ với hạnh phúc gia đình. Sau những lời miêu tả chi tiết của Uy-lít-xơ về chiếc giường, đến lúc này Pê-nê-lốp đã nhận ra chàng và khẳng định người trước mặt đúng là Uy-lít-xơ. Và quả thật, trí tuệ và tình yêu, sự tin tưởng vợ đã giúp chàng đã chiến thắng. Lúc này đây, Uy-lít xơ hạnh phúc tột cùng, chàng “ôm lấy vợ, khóc dầm dề” sau hai mươi năm đoàn tụ. Đó là niềm hạnh phúc khi được cảm nhận một tình yêu thuỷ chung, được tận hưởng hạnh phúc gia đình.

      Như vậy, chỉ qua một đoạn trích nhưng Hô-me-rơ đã diễn tả rất sâu sắc hai ý tưởng trí tuệ và tình yêu thuỷ chung của người Hy Lạp đương thời. Nổi bật trong đoạn trích là hình tượng nhân vật Uy-lít-xơ với những cung bậc cảm xúc đa dạng được diễn tả rất tinh tế, tự nhiên, hấp dẫn. Diễn biến tâm trạng của Uy-lít-xơ trong đoạn trích giúp bộc lộ vẻ đẹp của nhân vật, đồng thời cho thấy tài năng nghệ thuật của tác giả Hô-me-rơ.

3. Phân tích nhân vật nàng Xi-ta trong đoạn trích Ra-ma buộc tội 

      Ra-ma-ya-na là bộ sử thi, niềm tự hào của người Ấn Độ. Người dân Ấn Độ tin rằng "chừng nào sông chưa cạn, đá chưa mòn thì Ra-ma-ya-na còn mãi làm say lòng người và cứu họ ra khỏi vòng tội lỗi". Một nhà nghiên cứu phương Tây từng miêu tả về Ra-ma-ya-na: "Đó là tác phẩm chan chứa những âm điệu du dương, toát ra mội bầu không khí yên lành và một tình yêu thương vô bờ bến trong hoàn cảnh xã hội đầy sự mâu thuẫn và xung đột" (Michelet).

      Một trong những hiện thân của vẻ đẹp làm say lòng người ấy là nhân vật Xi-ta. Nàng không chỉ là hình ảnh bổ sung cho sự kì vĩ của người anh hùng Ra-ma mà còn là minh chứng cho vẻ đẹp chân thực, toàn mĩ của người phụ nữ Ấn, từ hình dáng bên ngoài đến những phẩm chất tâm hồn bên trong.

      Vẻ đẹp của nàng luôn được miêu tả gắn liền với cụm từ "gương mặt bông sen" - đó là chi tiết ngoại hình luôn được láy đi láy lại trong tác phẩm. Hoa sen hay bông sen là biểu tượng của vẻ đẹp chuẩn mực, vẻ đẹp của cả hình dáng bề ngoài và chiều sâu nội tâm trong quan niệm thẩm mĩ của người Ấn Độ. Khuôn mặt bông sen, đôi mắt hình hoa sen... là những hình ảnh miêu tả quen thuộc về người phụ nữ trong văn học Ấn Độ. Miêu tả nàng bằng chi tiết ấy, dường như ngay từ đầu, người kể đã khẳng định vẻ đẹp toàn mĩ ở nàng.

      Và vẻ đẹp toàn mĩ ấy cũng đã được thử thách trong suốt chiều dài các sự kiện của câu chuyện. Song lần thử thách cuối cùng nghiệt ngã nhất nhưng đồng thời cũng vinh quang nhất là sự kiện Ra-ma buộc tội nàng và nàng bước lên giàn lửa. Chương 78 kể lại những diễn biến đầy kịch tính của sự kiện này.

      Đọc chương truyện cùng với những cảm thương trước nỗi oan uổng của nàng, ta còn có thể sẻ chia cùng nàng cái cảm giác bị ruồng bỏ, dù rằng đằng sau sự ruồng bỏ ấy là tình yêu. Và có lẽ, đó chính là dấu ấn bi kịch trong bộ sử thi tràn ngập cảm xúc ngợi ca này.

      Ta có thể hiểu tâm trạng của Ra-ma trong những lời buộc tội Xi-ta: ban đầu vì sợ tai tiếng, về sau là cảm giác nghi ngờ, ghen tuông. Trong lời nói có đầy đủ sự giận dữ, sự ghẻ lạnh, sự xúc phạm và lăng nhục của chàng vẫn có tình yêu. Nhưng chính tình yêu lại càng làm cho những lời nói của chàng trở nên độc ác. Chàng đã không chỉ buộc tội nàng, chàng đã xúc phạm và hơn thế, lăng nhục nàng bằng những lời lẽ nặng nề nhất. Và Xi-ta đã nghe, đã cảm nhận được tất cả những trạng thái tình cảm ấy ở chồng mình. Còn gì đau đớn hơn khi người thân yêu nhất của mình lại xúc phạm mình nặng nề đến thế?

      Trước lời buộc tội của chồng, nàng Xi-ta trái tim tan nát, đau đớn đến nghẹn thở, xấu hổ cho số kiếp..., nghĩa là nàng phải trải qua một loạt những cảm xúc của nỗi đau, nỗi tủi nhục, nàng phải tự minh oan cho mình. Và nàng quả thật thông minh khi lần lượt chứng minh những ngờ vực của Ra-ma là không căn cứ. Nàng lấy danh dự, rồi nguồn gốc xuất thân, lòng trung thành, tình yêu của mình để làm minh chứng. Nhưng, tất cả dường như đều không đủ, đều vô nghĩa trước cơn giận dữ cùa Ra-ma. Chàng ngồi đó, "trông khủng thiếp như thần chết vậy". Tình huống sử thi, tính cách nhân vật sử thi hay tâm lí con người bình thường đã chi phối diễn biến của chuyện, chi phối tâm trạng của Ra-ma? Chàng Ra-ma cao quý khi ấy có khác gì những con người bình thường, tầm thường nhất?

      Thái độ của Ra-ma đã tạo nên hoàn cảnh bi thảm của Xi-ta buộc nàng phải chứng minh bằng hành động thuyết phục cuối cùng: bước lên giàn lửa. Thần lửa A-nhi sẽ là minh chứng cuối cùng, đủ sức thuyết phục nỗi nghi ngờ khổng lồ trong tâm hồn của chồng nàng. Lúc này, cho dù lâm vào hoàn cảnh nghiệt ngã ấy, ở nàng vẫn ngời lên một tình yêu thủy chung, trong sáng.

      Có lẽ, chính tình yêu ấy làm nên lòng dũng cảm của nàng. Nàng bước vào ngọn lửa trong sự kêu khóc vang trời của muôn loài, trong nỗi thương xót cực độ của những người chứng kiến.

      Thần lửa A-nhi đã khẳng định sự trong trắng của nàng: "Hỡi Ra-ma, Gia-na-ki của người đây. Nàng trong trắng. Nàng không phạm bất cứ tội lỗi nào, bằng lời nói, việc làm, hay ý nghĩ" (Dẫn theo SGK Ngữ văn 10, tập 1)

      Sự trong trắng của nàng là sự trong trắng tuyệt đích. Cho dù bị xúc phạm, bị lăng nhục nhưng tình cảm của nàng, sự thủy chung của nàng vẫn không hề thay đổi. Vẻ đẹp của nàng là vẻ đẹp của một tấm gương mà bất cứ một người phụ nữ nào trên trái đất này đều có thể soi và tự hoàn thiện mình. Nàng trở về trong vòng tay của Ra-ma sau sự chứng minh khốc liệt nhất. Đó là sự khẳng định cao nhất phẩm chất của nàng của sử thi.

      Sức hấp dẫn của sử thi Ấn Độ một phần là bởi trong vẻ đẹp cùa huyền thoại vẫn lấp lánh những tính cách rất con người. Nhưng với Xi-ta, vẻ đẹp huyền thoại và vẻ đẹp con người dường như hoàn toàn thống nhất. Đó phải chăng là lời ngợi ca đẹp nhất về nàng.

      Tuy thế, cảnh tượng bi tráng về nàng, nỗi đau của nàng vẫn còn để lại những dấu ấn không phai trong lòng người đọc. Nàng là biểu tượng của vẻ đẹp nhưng cũng là nỗi đau xót mà một người phụ nữ có thể gặp trong cuộc đời mình. Nhưng hơn hết, tình yêu vẫn luôn là phép màu kì diệu làm cho thế giới mãi mãi tốt đẹp hơn. Xi-ta là biểu tượng của sự hoàn thiện, hoàn mĩ về cả hình thức, tâm hồn và tình yêu cao cả. Nhưng bi kịch của nàng cũng tiêu biểu cho những gì mà người phụ nữ có thể gặp phải trong thế giới này.

      Không khí trong lành và tình yêu thương vô bờ bến toát ra từ những trang sử thi Ra-ma-ya-na chính bởi vẻ đẹp thẳm sâu của nữ nhân vật: nàng Xi-ta.

Từ khóa » đặc Trưng Của Sử Thi Và Truyền Thuyết Qua Chiến Thắng Mtao Mxay