Đặc điểm Của Tín Ngưỡng Thờ Mẫu ở Nam Bộ Và Mối Quan Hệ Với ...

tho-mau-1-2032

Thờ Mẫu – Tín ngưỡng độc đáo của người Việt

Huỳnh Thiệu Phong

  1. Đặt vấn đề

Đảm bảo sự cân bằng trong đời sống tinh thần chưa bao giờ là một việc làm dư thừa. Trong cuộc sống công nghiệp hiện nay, những giá trị thuộc phạm trù văn hóa tinh thần không ngừng chiếm giữ một vị trí quan trọng trong đời sống sinh hoạt. Và cũng chính lối sống công nghiệp đang dần biến những giá trị văn hóa truyền thống trở nên mờ nhạt.

Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng đã định hướng: “Làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ vào thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển” [1: 5].

Mặt khác, vùng đất Nam Bộ đã từ lâu được xem là vùng đất “mới”, với độ “mở” cao. Chính điều đó đã tạo điều kiện cho sự hình thành, tích hợp và phát triển đời sống vật chất lẫn tinh thần của cư dân tại vùng đất mới này.Nơi đây đã chứng kiến sự ra đời của một dạng thức tín ngưỡng bản địa, mà trước đó đã hình thành tại khu vực Bắc Bộ, chính là tín ngưỡng thờ Mẫu. Đây là một dạng thức tín ngưỡng không mới nhưng cũng rất mới. Nói không mới vì vùng đất phát tích nên tín ngưỡng này là tại Bắc Bộ, nhưng mới vì ở Nam Bộ, dạng thức tín ngưỡng này có những nét khác biệt so với ở Bắc Bộ; điều này chịu ảnh hưởng từ yếu tố địa – văn hóa.

Như vậy, là một thành tố trong nội hàm khái niệm văn hóa tinh thần, tín ngưỡng thờ Mẫu có vai trò to lớn như thế nào đến công cuộc bảo tồn bản sắc văn hóa Việt Nam nói chung, bảo tồn bản sắc văn hóa Nam Bộ nói riêng. Bài viết sẽ tập trung làm rõ vấn đề trên.

  1. Thờ Mẫu ở Nam Bộ – một dạng thức tín ngưỡng đặc sắc
    • Thờ Mẫu ở Nam Bộ – tôn giáo hay tín ngưỡng ?

Thờ Mẫu là một tôn giáo (đạo Mẫu) hay một hình thức tín ngưỡng dân gian ? Câu hỏi này vẫn còn đang gây khá nhiều tranh cãi trong giới nghiên cứu. Tuy nhiên, trong giới hạn phạm vi bài viết, cá nhân tác giả đồng ý theo ý kiến cho rằng thờ Mẫu là tín ngưỡng, ít nhất là xét trong trường hợp nghiên cứu thờ Mẫu ở vùng Nam Bộ.

Ngô Đức Thịnh – một chuyên gia đầu ngành trong nghiên cứu về thờ Mẫu có lý khi gọi đây là đạo Mẫu khi ông nghiên cứu thờ Mẫu ở Bắc Bộ. Bởi vì ở đó, một hệ thống điện thờ đã hình thành. Cụ thể:

Ngọc Hoàng

Phật Bà quan âm

Thánh Mẫu (Tam tòa Thánh Mẫu)

(Thiên, Địa, Thoải, Nhạc)

Quan (Ngũ Vị Quan Lớn) (Từ 5 – 10 vị quan)

Chầu (Tứ vị Chầu bà) (Từ 4 – 6 – 12 chầu Bà)

Ông Hoàng (Từ 5 – 10 Ông Hoàng)

Cô (12 Cô)

Cậu (Cậu quận) (10 Cậu)

Ngủ Hổ

Ông Lốt (rắn)

Sơ đồ 1: Hệ thống điện thần tín ngưỡng Thờ Mẫu theo thứ bậc

[Nguồn: Đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ – Ngô Đức Thịnh, tr49]

Tuy nhiên, ở tín ngưỡng thờ Mẫu tại Nam Bộ, điều này đã không xảy ra. Thêm vào đó, để được công nhận là một tôn giáo cần có những đặc điểm sau:

  • Phải có 4 yếu tố cấu thành: Giáo chủ – giáo lý – giáo luật – tín đồ.
  • Mỗi người chỉ có thể chọn cho mình một tôn giáo.
  • Có hệ thống giáo lý hẳn hoi, đầy đủ, đồ sộ.
  • Các tôn giáo đều có những người hành đạo chuyên nghiệp và theo đạo suốt đời.

Như vậy, trong phạm vi bài viết, tác giả chấp nhận sử dụng thuật ngữ tín ngưỡng thờ Mẫu.

Quay lại với hình tượng Mẫu trong tín ngưỡng truyền thống của Việt Nam; trước hết, chữ “Mẫu”(母) là một từ Hán Việt, có nghĩa là “mẹ”. Tín ngưỡng thờ Mẫu có nghĩa là tín ngưỡng thờ người mẹ, ý chỉ người phụ nữ đã sinh ra một người nào đó, là tiếng xưng hô của con đối với người sinh ra mình. Vậy thì do đâu mà hình thành nên tín ngưỡng thờ Mẹ ? Trước hết, như đã lý giải ở trên, bản chất của văn hóa nước ta là văn hóa gốc nông nghiệp, do vậy mà chất âm tính trong văn hóa và vai trò của người phụ nữ trong đời sống sinh hoạt thường ngày là rất quan trọng. Một lý do khác hình thành nên tín ngưỡng thờ mẹ đó là do những tư duy, quan niệm lúc ban đầu vô cùng đơn giản của người dân gốc nông nghiệp. Vai trò của người mẹ đã được giáo sư Vũ Ngọc Khánh đề cập trong công trình “Tục thờ Thánh – Mẫu ở Việt Nam”: “Mẹ sáng tạo ra con, chăm sóc con từ ngày con ở trong nôi cho đến lúc mẹ từ giã cõi đời. Những ngày đầu tiên của lịch sử nhân loại, con người chỉ biết có mẹ, không biết có cha. Xã hội hình thành cũng phải trải qua chặng đường đầu tiên là thời kỳ mẫu hệ. Do đó trong quan niệm của loài người, không thể thiếu hình ảnh người mẹ” [6: 11]. Về sau, quan niệm ấy dần được mở rộng hơn về phạm vi. Con người ai cũng có mẹ, vậy thì ông Trời mặc dù là đấng tối cao, nhưng cũng phải có mẹ; rồi vạn vật trên trái đất này đều có mẹ, tất cả đều phải tuân theo quy luật đó. Và từ những quan niệm đó thì những yếu tố và hiện tượng tự nhiên như: Mây, mưa, nước, núi, đất, … cũng đã “có” mẹ. Và đó cũng chính là nguyên nhân lý giải cho sự ra đời của “nguyên lý Mẹ”[1].

  • Những đặc điểm của tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Bộ

            Trước tiên, theo Trần Hồng Liên, tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Bộ có những đặc trưng nổi bật chính là tính đa dạng và tính đa nguyên [8].

            + Về tính đa dạng, “… ở miền Nam, tính đa dạng trong thờ Mẫu được thể hiện qua tư duy tích hợp và hướng thượng… ngoài sự đa dạng trong chức năng, còn thể hiện sự đa dạng trong không gian thờ tự, trong tượng thờ và cách thờ phối tự trong một cơ sở.” [8: 18]. Nếu ở miền Bắc, dạng thức thờ Mẫu Tam phủ – Tứ phủ là một dạng thức phổ biến, hệ thống điện thờ hầu như thống nhất đến nổi nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đây là đạo Mẫu (một tôn giáo sơ khai chứ không còn là một hình thức của tín ngưỡng dân gian) thì ở miền Nam lại không xảy ra trường hợp như ở miền Bắc.

            + Đặc điểm thứ hai của tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Bộ theo Trần Hồng Liên chính là tính đa nguyên. Tính đa nguyên hiểu theo nghĩa tổng quát chính là sự xác nhận và chấp nhận tính đa dạng. Đây là một đặc điểm có thể dễ dàng nhận thấy; nếu quay dòng lịch sử, tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Bộ đã được du nhập vào khu vực này theo chân những người lưu dân vào khai phá vùng đất Nam Bộ. Một ví dụ rõ nét cho tính đa nguyên của tín ngưỡng thờ Mẫu trong khu vực này có thể dẫn chứng là: “Ở Huế, tín ngưỡng thờ mẫu nơi đây đã phân lập khái niệm Thiên phủ ra hai cõi: Thượng thiên và Trung thiên. Khái niệm Địa phủ lại được chuyển hóa thành khái niệm Thượng ngàn. Trung thiên được hiểu là cõi trời trung gian giữ cõi trời Thượng thiên và thế gian. Do hai tên gọi của cùng một vị thánh mẫu này,  tên gọi bà Chúa Tiên, phổ biến ở vùng Khánh Hòa, còn Chúa Ngọc phổ biến ở Huế, nên khi du nhập vào Nam Bộ, có người vẫn làm tưởng đó là hai vị khác nhau, vì vốn xuất phát từ hai hướng” [8: 23].

“Đây chính là vùng đấtphong phú nhất về tín ngưỡng – tôn giáo ở Việt Nam, với đầy đủ bốn loại hình tôn giáo đa thần và độc thần, nội sinh và ngoại sinh.” [4: 6]. Đây là quan điểm khi nhận xét về tôn giáo tín ngưỡng nói chung ở Nam Bộ là của Lý Tùng Hiếu. Các đặc điểm của tôn giáo tín ngưỡng vùng Nam Bộ có thể kể đến như: Tính đa dạng, tính dung hợp, tính hệ thống và tính dân tộc [4: 10]. Đa dạng và có sự dung hợp trong các tôn giáo ở Nam Bộ là do quá trình tiếp biến tôn giáo của các tộc người khác nhau trong lịch sử; tính hệ thống trong tôn giáo tín ngưỡng ở Nam Bộ thể hiện qua các hoạt động tôn giáo của các tộc người ở Nam Bộ nói riêng luôn gắn bó với chủ thể văn hóa và được thể hiện thông qua các hoạt động văn hóa khác như phong tục lễ hội, truyền thuyết, diễn xướng của các tộc người; và cuối cùng là các hoạt động tôn giáo nói chung có thể giúp chúng ta dễ dàng nhận ra các tộc người , các nhóm người địa phương [4].

            Tác giả đã vừa đưa ra những quan điểm của các nhà nghiên cứu về đặc điểm của tôn giáo tín ngưỡng ở Nam Bộ nói chung, của tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Bộ nói riêng, kết hợp với những đặc điểm của tín ngưỡng thờ Mẫu ở phạm vi cả nước, thông qua đó, tác giả nêu quan điểm của mình về đặc điểm của tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Bộ.

            Thứ nhất, Tín ngưỡng thờ Mẫu thể hiện tính nhân văn của con người vùng Nam Bộ. đây là một đặc tính chung của văn hóa Việt Nam chứ không riêng gì của tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Bộ. Xét trong phạm vi tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Bộ, điều này còn thể hiện rõ nét hơn. Ai trong chúng ta cũng đều biết, con người ta tìm đến tôn giáo tín ngưỡng như tìm kiếm sự chở che khi chúng ta đang bất lực trước những hiện tượng của tự nhiên. Marx đã từng nói: “Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức, là trái tim của thế giới không có trái tim, cũng giống như nó là tinh thần của những trật tự không có tinh thần. Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân” [3: 175]. Nếu đem định nghĩa của Marx gắn vào tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Bộ, ta thấy vô cùng chính xác. Buổi đầu khai hoang ở vùng đất mới, đầy rẫy những hiểm họa, thiên tai không lường trước được, con người ở vùng đất mới này đã tìm đến những giá trị tinh thần đủ mạnh để giúp họ có thêm niềm tin, sức mạnh, che chắn cho họ để họ có thể vượt qua những khó khăn, hiểm trở khi khai hoang vùng đất mới. Nhiều hình thức tín ngưỡng đã đồng thời được những lưu dân Việt đem theo từ vùng ngoài vào bên cạnh tín ngưỡng thờ Mẫu. Hình ảnh, vai trò và giá trị của người phụ nữ truyền thống trong văn hóa Việt đã được những lưu dân tiếp thu và củng cố khi đến vùng đất mới. Những vị Linh Sơn Thánh Mẫu, Chúa Xứ Thánh Mẫu, Thiên Hậu Thánh Mẫu đều thể hiện những khát khao sống hòa hợp với thiên nhiên, đề cao những giá trị truyền thống anh hùng, bất khuất của người phụ nữ Việt Nam trong lịch sử dân tộc, … Ngoài ra, tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Bộ đều hướng con người đến những giá trị mang tính hướng thiện: Trong cuộc sống phải biết ăn ở,  biết đối nhân xử thế, thành tâm thờ phụng ông bà tổ tiên… Những giá trị đầy tính nhân văn đó đã được lưu truyền lại thông qua những truyền thuyết về nguồn gốc xuất xứ của các Mẫu[2]. Để rồi ngày nay, khi mà cuộc sống con người đã ấm no, tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Bộ vẫn còn là một nét văn hóa rất Nam Bộ, trở thành một phần trong văn hóa Nam Bộ nói chung. Hằng năm, những lễ hội vía các Bà đều được tổ chưc trọng thể, thu hút được nhiều tầng lớp nhân dân tham gia, qua đó thể hiện thêm một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam – truyền thống “uống nước nhớ nguồn”.

            Thứ hai, tín ngưỡng thờ Mẫu thể hiện tính dung hợp. Trong điều kiện đấu tranh chống lại điều kiện tự nhiên khắc nghiệt ở vùng đất mới, tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Bộ nói riêng đã tích hợp và dung hợp rất nhiều tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau, thu hút đông đảo công chúng tham gia, không phân biệt lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp. Điều này được thể hiện thông qua qui mô của các lễ hội các Mẫu đã thu hút rất nhiều người tham gia hằng năm. Những lễ hội này thực sự đã vượt qua phạm vi không gian của một tỉnh thành và đã trở thành một phần của văn hóa vùng Nam Bộ. Trong những lễ hội cổ truyền chính trong năm của người Việt ở Nam Bộ, lễ hội của Bà Chúa Xứ và Bà Đen là hai trong số những lễ hội đó, có quy mô rất lớn.

            Thứ ba, tính đa nguyên trong tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Bộ. Đây có thể được xem là một trong những đặc điểm nổi bật nhất của tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Bộ. Nguyễn Thừa Hỷ đã xem cộng đồng văn hóa Việt Nam như một “phức thể văn hóa đa nguyên” vì lý do: Cộng đồng văn hóa Việt Nam là một cấu trúc văn hóa đa tầng, văn hóa Việt Nam là một nền văn hóa bao gồm nhiều các văn hóa sắc tộc và các vùng văn hóa địa phương, xét về mặt giai tầng xã hội thì văn hóa Việt Nam truyền thống là một nền văn hóa “lưỡng nguyên đối trọng” [5: 455, 456, 457]. Quay trở lại với tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Bộ, đây là một phần của văn hóa Việt Nam nói chung, và văn hóa Nam Bộ nói riêng, do vậy mà tính lưỡng nguyên cũng được thể hiện rõ nét trong tín ngưỡng thờ Mẫu. Yếu tố lịch sử là một lý do quan trọng trong việc hình thành đặc điểm này của tín ngưỡng thờ Mẫu; với sự cộng cư với nhiều tộc người anh em trong khu vực như: Chăm – Hoa – Khmer đã làm cho đặc điểm này trở nên nổi bật. Nếu ở miền Bắc, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ hầu như khá thống nhất về mọi phương diện, đặc biệt là hệ thống điện thờ, thì trong miền Nam lại không có tình trạng đó. Sự pha trộn văn hóa giữa các tộc người đã diễn ra vô cùng mạnh mẽ, điều này được thể hiện qua rất nhiều phương diện, mà trong đó biểu hiện rõ nét nhất chính là nguồn gốc tượng thờ của các Mẫu và hệ thống điện thờ. “Tình trạng khó phân lớp giữa Nữ thần và Mẫu thần này ở Nam Bộ so với Bắc Bộ là hoàn toàn có thể giải thích được vì Nam Bộ là vùng đất mới của người Việt, khi di cư vào đây, họ vừa mang các truyền thống tín ngưỡng cũ lại vừa tiếp nhận những giao lưu ảnh hưởng của cư dân sinh sống từ trước, tạo nên bức tranh không chỉ đa dạng văn hóa nói chung mà còn cả tín ngưỡng nữa… đây cũng là một trong các đặc thù của tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Bộ” [11: 38, 39].

            Tính phi hệ thống là đặc điểm cuối cùng của tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Bộ. Theo quan điểm của tác giả, tính phi hệ thống ở đây, trước hết là nằm ở tên gọi của cơ sở thờ tự. Nếu ở miền Bắc, những nơi thờ tự của tín ngưỡng thờ Mẫu đều theo công thức: “Phủ + địa danh”[3], chẳng hạn như Phủ Giày có nghĩa là “… địa điểm có tên là Giày, là nơi thờ các vị Thánh mẫu của bốn phủ, bốn cõi…” [6: 17] hay như Phủ Nấp, Phủ Tây Hồ, Phủ Sòng, … Trong khi đó, ở Nam Bộ, trong hệ thống những cơ sở thờ tự của các hình thức thờ Mẫu, chúng ta hầu như không hề tìm ra bất kỳ một quy luật nào trong cách đặt tên cho các cơ sở thờ tự. Một cách chi tiết, trong những nơi thuộc phạm vi nghiên cứu của đề tài, tại những nơi thờ tự của các Mẫu là đối tượng nghiên cứu của tác giả, có rất nhiều cách gọi những địa danh thờ các Bà. Chẳng hạn như đối với Thiên Hậu Thánh Mẫu, có rất nhiều nơi ở Nam Bộ thờ Bà nhưng tác giả lựa chọn Chùa Bà Thiên Hậu ở quận 5 làm nơi khảo sát, Chùa Bà Thiên Hậu là tên gọi phổ biến của chúng ta khi nói về nơi này; tuy nhiên còn có rất nhiều tên gọi để chỉ địa danh này như: Phò Miếu[4], chùa Bà Chợ Lớn hay Tuệ Thành Hội quán. Đó là tính phi hệ thống thể hiện trong cách đặt tên cơ sở thờ tự. Vấn đề thứ hai thể hiện tính phi hệ thống trong tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Bộ chính là hệ thống điện thờ. Các hình thức của tín ngưỡng thờ Mẫu nói chung ở Nam Bộ có xu hướng Phật giáo hóa. Nguyễn Ngọc Thơ đã có lý khi nhận xét như vậy. Quả thật trong hệ thống các cơ sở thờ tự của các hình thức thờ Mẫu ở Nam Bộ luôn theo một mô – típ “tiền Phật hậu Mẫu”, qua đó cho ta thấy được “độ mở” trong văn hóa Nam Bộ mạnh như thế nào, điều này đúng với nhận xét của Ngô Đức Thịnh khi nhận xét về văn hóa Nam Bộ: “So với nhiều vùng văn hóa ở nước ta thì Nam Bộ bộc lộ những sắc thái văn hóa tiêu biểu, những “tính cách” riêng của mình” [10: 265].

            Có thể thấy, cơ sở hình thành nên những đặc điểm mà tác giả đã đề cập và phân tích ở trên đều xuất phát từ yếu tố lịch sử và yếu tố tự nhiên. Theo tác giả, chính yếu tố lịch sử và yếu tố tự nhiên đã tạo nên mối quan hệ biện chứng giữa các đặc điểm của tín ngưỡng thờ Mẫu ở vùng đất này. Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt của buổi đầu khai phá đã làm cho những người lưu dân ở đây phải thích nghi với những điều kiện sống mới mẻ, tạo nên tính dung hợp trong đời sống nói chung và đời sống tinh thần nói riêng (trong đó có đời sống tín ngưỡng) của cư dân. Ở một phương diện khác, điều kiện lịch sử đã hình thành nên tính nhân văn, tính đa nguyên và tính phi hệ thống trong tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Bộ. Với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, lại cùng chung sống với nhiều tộc người, từ đó đã dẫn đến việc giao lưu và tiếp biến văn hóa – một hiện tượng không thể tránh khỏi giữa cộng đồng những lưu dân Việt với các cộng đồng tộc người Hoa – Chăm – Khmer. Mặt khác, với tâm thế là những người rời bỏ quê hương xứ sở, những cư dân đó đã gửi gắm vào đời sống tinh thần của mình những triết lý tốt đẹp của dân tộc như truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, những phẩm hạnh tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, những khát khao về một cuộc sống hạnh phúc, ấm no, … thông qua việc tôn thờ các Mẫu. Người ta có thể dễ dàng chấp nhận tôn thờ một pho tượng không rõ nguồn gốc để tôn xưng làm Chúa Xứ Thánh Mẫu mà không cần biết nguồn gốc của pho tượng; chỉ vì một lý do đơn giản, đó chính là khát khao được gửi gắm khát vọng sống của mình vào một vị thần nào đó và nhận được sự chở che từ chính vị thần đó.

  1. Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Bộ với công tác bảo tồn bản sắc văn hóa

            Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng đã định hướng: “Làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ vào thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển” [1: 5]. Qua đó, ta thấy được nhận thức của Đảng là vô cùng chuẩn xác. Bởi vì hiện nay, xu thế toàn cầu hóa đã tạo ra những giá trị chung, khiến chúng xích lại gần nhau hơn, xâm nhập vào quá trình phát triển lẫn nhau. Tuy nhiên, toàn cầu hóa trong đó có văn hóa không đơn thuần chỉ là những phép cộng các yếu tố văn hóa bên trong và các yếu tố văn hóa bên ngoài, mà phải là quá trình tích hợp biện chứng, sinh động, nhuần nhuyễn, hài hòa các yếu tố để tạo ra một nền văn hóa thuần Việt. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Phương Đông hay phương Tây, cái gì tốt thì phải học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam…” [13: 117]; hay như trong Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã xác định: “Văn hóa Việt Nam… là kết quả của giao lưu và tiếp thụ tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình” [13: 177]. Và quay dòng lịch sử dân tộc, ta thấy đó là một chân lý; văn hóa Việt Nam trong từng giai đoạn lịch sử đã từng giao lưu và chịu ảnh hưởng của rất nhiều nền văn minh trong khu vực và trên thế giới – trong đó, Việt Nam chịu ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa (trong đó có thể kể đến tín ngưỡng thờ Mẫu, vì tín ngưỡng này chịu ảnh hưởng của Đạo giáo) và Ấn Độ rất nhiều. Nhưng vì gốc văn hóa mạnh mẽ đã giúp cho Việt Nam có đủ bản lĩnh để tiếp biến văn hóa với những nền quốc gia đó mà không bị đồng hóa[5].

              “Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc không có nghĩa là đóng cửa lại, chỉ chấp nhận một cách giải thích, chỉ chấp nhận một quyển sách, dù đó là thánh kinh, mà phải thích ứng với mọi sự thay đổi. Như vậy có nghĩa là phải chấp nhận mọi tiếp xúc, mọiquan hệ. Không có văn hóa tự lực cánh sinh. Không có văn hóa tự túc. Vào thời Tự Đức, ta đã chủ trương văn hóa tự túc, kết quả là đã mất nước” [9: 114]. Vậy thì “bản sắc văn hóa” là gì mà chúng ta phải bảo tồn và phát huy ?

              Xét về mặt ngữ nghĩa, “bản sắc” là một cụm từ Hán – Việt; trong đó “bản” là cái gốc, cái hạt nhân của một sự vật; “sắc” là cái thể hiện ra bên ngoài. Từ đó ta có thể đưa ra nghĩa gốc của cụm từ – “bản sắc văn hóa” chính là sắc thái gốc của một nền văn hóa. Hay nói một cách khác đi, những yếu tố được xem là bản sắc văn hóa chính là những yếu tố văn hóa, nhưng những yếu tố văn hóa thì chưa hẳn đã là bản sắc văn hóa của một dân tộc. Những yếu tố văn hóa muốn trở thành bản sắc văn hóa phải là những yếu tố mang những giá trị tiêu biểu nhất, bản chất nhất, mang tính dân tộc rõ nét. Ngoài ra, bản sắc văn hóa còn là một phương tiện để phân biệt giữa dân tộc hay cộng đồng người này với dân tộc hay cộng đồng người khác. Cuối cùng, bản sắc văn hóa được biểu hiện trong mọi mặt của đời sống văn hóa: Trong ý thức về cội nguồn dân tộc, trong cảm xúc, suy nghĩ, tư duy, trong lối sống, ứng xử, cách sáng tạo nghệ thuật. Với những lý do đó, nhóm tác giả đồng ý với định nghĩa “bản sắc văn hóa” của Nguyễn Quang Lê, “bản sắc văn hóa phải là những nét đặc trưng, độc đáo và cơ bản nhất để nhận diện một nền văn hóa và để phân biệt nền văn hóa này với một nền văn hóa khác” [7: 14].

              Giá trị cốt lõi của tín ngưỡng thờ Mẫu là tính nhân văn. Con người ta đến với tín ngưỡng thờ Mẫu vì những mục đích hết sức đơn giản nhưng thắm đượm tinh thần nhân văn: Tìm đến một chỗ dựa tinh thần; cầu mong sức khỏe, tiền tài. Mặt khác, chính tín ngưỡng thờ Mẫu là môi trường để nảy sinh, tích hợp cũng như bảo tồn các sinh hoạt văn hóa – nghệ thuật, hay nói cách khác tín ngưỡng thờ Mẫu là môi trường tạo cảm hứng cho các sáng tác về văn hóa nghệ thuật, mà ở đây, loại hình sinh hoạt nghệ thuật mà nhóm tác giả đề cập chính là nghệ thuật múa bóng rỗi (hay còn được gọi là bóng rỗi, hát bóng rỗi, múa bóng)[6] [11]. “Sáng tạo văn hóa nghệ thuật là một hình thức sáng tạo đặc thù, nó không chỉ đòi hỏi trí tuệ mà còn phải có hứng, cảm xúc đạt tới trạng thái thăng hoa. Chính ở đây, một niềm tin về một thế giới huyền ảo, siêu thực, tâm linh của tôn giáo tín ngưỡng đã tạo môi trường cho sự sáng tạo nghệ thuật này” [12: 213].

              Tiếp theo, xét về tính bản chất của một yếu tố văn hóa để được xem là một phần của bản sắc văn hóa thì bản chất của tín ngưỡng thờ Mẫu chính là để ứng phó với môi trường tự nhiên. Các học giả khi nghiên cứu về tính ứng xử với môi trường tự nhiên của cộng đồng dân người Việt tại vùng Nam Bộ thường quan tâm xem xét dưới góc độ ứng phó với đời sống vật chất mà thường để sót tính ứng phó với môi trường tự nhiên trong đời sống tinh thần. Theo nhóm tác giả, xem xét như thế chỉ mới ở bề mặt của vấn đề; ở đây chúng ta cần thấy cả tính ứng phó với môi trường tự nhiên ngay cả trong đời sống tinh thần của cư dân Nam Bộ, trong đó, tín ngưỡng thờ Mẫu thể hiện khá rõ nét. “Điều này được quy định từ tính chất địa – văn hóa của vùng miền” [8]. Đó là điều mà nhóm tác giả muốn đề cập, danh xưng Thánh Mẫu được sử dụng nhiều trong khu vực Nam Bộ, các hình tượng Mẫu cũng khác biệt so với các vùng khác; nhưng về bản chất thì những Bà Chúa Xứ, Bà Đen cai quản một vùng rộng lớn cũng là những Mẫu Thoải, Mẫu Địa trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ ở vùng Bắc Bộ mà thôi [8].

              Cuối cùng, tính dân tộc trong bản sắc văn hóa được nhóm tác giả đồng nhất với đặc điểm đề cao vai trò người phụ nữ trong tín ngưỡng thờ Mẫu. “Tính dân tộc là một phạm trù thẩm mĩ chỉ rõ bản sắc, tính cách dân tộc… Tính dân tộc cũng đồng thời là một phạm trù lịch sử, gắn liền với những điều kiện lịch sử xã hội cụ thể và biến đổi, phát triển không ngừng…” [14]. Với bản chất là nền văn hóa nông nghiệp lúa nước, vai trò của người phụ nữ trong đời sống sinh hoạt lẫn vật chất và tinh thần đều rất được đề cao. Nho giáo đã có những đóng góp hết sức to lớn vào sự phát triển của văn hóa truyền thống của Việt Nam trên các lĩnh vực như tư tưởng (ngọn cờ cho các vương triều phong kiến xây dựng thể chế quân chủ), về đạo đức (tạo sự tu thân cho vua chúa, quan lại, bàn dân thiên hạ), hay về tôn giáo (tạo ra những điển chế, nghi lễ, nghi thức cho một hình thức tôn giáo phương Đông đặc thù – Kính thiên tế tổ) [2: 107, 108]. Tuy vậy, cũng chính Nho giáo trong một thời gian trong lịch sử văn hóa dân tộc đã có những quan điểm, tư tưởng xem nhẹ, khinh thường vai trò của người phụ nữ. Chẳng hạn như: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” hay như “Chỉ hạng đàn bà và tiểu nhân là khó dạy. Gần thì họ nhờn, xa thì họ oán – Luận ngữ… Tuy nhiên, lịch sử Việt Nam đã không dưới một lần chứng kiến vai trò vô cùng quan trọng của người phụ nữ không chỉ đối với sinh hoạt đơn thuần trong cộng đồng, mà họ còn có ảnh hưởng rất lớn đến với cả vận mệnh dân tộc Việt Nam. Những vị nữ tướng, công chúa nổi danh chúng ta có thể liệt kê như: Hai Bà Trưng, Bà Triệu Thị Trinh, Huyền Trân Công chúa, Công chúa Ngọc Vạn, … đều là những minh chứng hùng hốn cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam đảm đang, dũng cảm, bất khuất. Đó có lẽ là những hình ảnh thể hiện rõ nét nhất tính dân tộc của bản sắc văn hóa nước ta. Do vậy, theo nhóm tác giả, tín ngưỡng thờ Mẫu được duy trì, củng cố cũng là một phương thức để chúng ta góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

  1. Kết luận

Nghiên cứu tín ngưỡng thờ Mẫu nói chung từ khởi nguyên, ta thấy rất rõ tính nhân văn trong hình thức tín ngưỡng này. Với vùng đất Nam Bộ, sự ra đời của tín ngưỡng thờ Mẫu để đáp ứng nhu cầu “tìm điểm dựa tâm linh trong những ngày đầu đến với vùng đất mới đầy hiểm nguy”. Trải qua quá trình hình thành, phát triển song song với lịch sử vùng đất này, tín ngưỡng thờ Mẫu thực sự là một phần tất yếu của văn hóa Nam Bộ. Vai trò bảo tồn bản sắc văn hóa Việt Nam nói chung, văn hóa Nam Bộ nói riêng đã càng làm cho thờ Mẫu thực sự trở thành một phần của bản sắc văn hóa Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đinh Xuân Dũng (2014), Văn hóa trong chiến lược phát triển của Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia.
  2. Nguyễn Hồng Dương (2013), Tôn giáo trong văn hóa Việt Nam, NXB Văn hóa thông tin.
  3. Lê Sĩ Giáo (Chủ biên) (2011), Dân tộc học đại cương, NXB Giáo dục.
  4. Lý Tùng Hiếu (2013), “Tổng quan về tôn giáo của cư dân Nam Bộ”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Một số vấn đề về lý luận và thực tiễn sự chuyển đổi tôn giáo của các dân tộc thiểu số ở vùng Nam Bộ, tr11 – 32.
  5. Nguyễn Thừa Hỷ (2012), Văn hóa Việt Nam truyền thống một góc nhìn, NXB Thông tin Truyền thông.
  6. Vũ Ngọc Khánh (2012), Tục thờ Thánh – Mẫu ở Việt Nam, NXB Văn hóa Thông tin.
  7. Nguyễn Quang Lê (2014), Bản sắc văn hóa qua lễ hội truyền thống người Việt, NXB Khoa học Xã hội.
  8. Trần Hồng Liên (2013), “Bảo tồn và phát huy những đặc điểm và giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Bộ trong quá trình hội nhập”, Tạp chí nghiên cứu và phát triển (số 9), tr17 – 29.
  9. Phan Ngọc (2006), Bản sắc văn hóa Việt Nam, NXB Văn học.
  10. Ngô Đức Thịnh (2002), Văn hóa vùng và phân vùng văn hóa ở Việt Nam, NXB Trẻ.
  11. Ngô Đức Thịnh (2009), Đạo Mẫu Việt Nam (tập 1), NXB Tôn giáo.
  12. Ngô Đức Thịnh (Chủ biên) (2014), Tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa cộng đồng, NXB Khoa học Xã hội.
  13. Phạm Ngọc Trung (2012), Giáo trình lý luận văn hóa, NXB Chính trị Quốc gia.
  14. http://daitudien.net/triet-hoc/triet-hoc-ve-tinh-dan-toc.html

H.T.P

SG, 12/10/2015

Chú thích:

[1]: Thuật ngữ mà giáo sư Vũ Ngọc Khánh đã sử dụng.

[2]: Về nguồn gốc cũng như truyền thuyết của các Mẫu sẽ được tác giả trình bày cụ thể hơn trong mục 2.1.

[3]: “Phủ chính nghĩa trong từ tứ phủ hoặc tam phủ, là một cõi” chứ không có nghĩa là dinh thự hay để chỉ một cơ quan hành chính (cấp phủ) [17: 17].

[4]: Đây là một từ thuần Hán, xét dưới góc độ phân tích từ nguyên thì “Phò” có nghĩa là Bà trong tiếng Việt.

[5]: Tuy là tiếp biến văn hóa với Trung Hoa nhưng thực chất, sự tiếp biến ở đây được thể hiện dưới hình thức cưỡng bức (thông qua quá trình xâm lược đô hộ). Mặt khác đối với văn minh Ấn Độ, Việt Nam đã tiếp biến văn hóa dưới hình thức tự nguyện [15: 13].

[6]: Múa bóng ở Nam Bộ khác với nghi lễ lên đồng trong tín ngưỡng Tam phủ, Tứ phủ. Có thể tham khảo thêm trong công trình Đạo Mẫu Việt Nam (tập 1) – Ngô Đức Thịnh, tr322.

Chia sẻ:

  • Twitter
  • Facebook
  • Thêm
  • Email
Thích Đang tải...

Có liên quan

Từ khóa » Tín Ngưỡng Thờ Mẫu Nam Bộ