Tục Thờ Mẫu ở Nam Bộ - Báo Cần Thơ Online

Trong tín ngưỡng dân gian của các cộng đồng người Việt, tôn thờ nữ thần, thờ mẫu khá phổ biến và có nguồn gốc lịch sử xã hội sâu xa của cư dân sinh sống bằng nông nghiệp trồng lúa nước ở vùng nhiệt đới gió mùa. Đất và nước là hai điều kiện quan trọng hàng đầu trong việc giúp cho cây lúa phát triển tốt, sản sinh ra thóc gạo nuôi sống con người. Bởi thế nông dân Việt Nam coi đất, nước, cây lúa như những vị thần linh của mình, và các vị thần đó đều mang nữ tính: Mẹ Đất, Mẹ Nước, Mẹ Lúa.

Khi người Việt vào khai phá vùng đất Nam bộ, tín ngưỡng thờ mẫu có nguồn cội từ quê cha đất tổ được các lưu dân mang vào Nam bộ vẫn tiếp tục một dòng chảy sâu rộng. Hầu khắp các tỉnh Nam bộ, nơi nào cũng có điện thờ mẫu hoặc gian thờ mẫu. Rất nhiều nguồn tài liệu cho ta biết việc thờ mẫu ở Nam bộ có mặt ở hầu khắp mọi nơi. Nhưng nổi bật trong tín ngưỡng thờ mẫu ở Nam bộ là hiện tượng tôn thờ Bà Chúa Xứ. “Ở Nam bộ, nhà nào cũng có miếu thờ Bà Chúa Xứ, đặt ở góc nhà hoặc góc vườn. Trong rừng U Minh, người dân đốn củi, lấy mật ong cũng thờ Bà Chúa Xứ, để cầu mong được mạnh khỏe, tránh được sốt rét, tránh rủi ro trong nghề nghiệp”. (*)

Miếu Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc.

Đặc biệt, thờ Bà Chúa Xứ ở núi Sam, Châu Đốc là trung tâm của tín ngưỡng này. Hằng năm, nơi đây thu hút khách từ khắp mọi nơi đến đây cúng Bà, xin Bà ban lộc, cầu cho được nhiều may mắn, bình an. Truyền thuyết về Bà được kể như sau:

...Ngày nọ, một số người vào núi đốn củi, tình cờ phát hiện một pho tượng phụ nữ ở giữa rừng bèn về báo với dân làng. Sau đó, bà con cùng nhau đưa tượng Bà về và lập miễu thờ. Truyền thuyết khác kể thêm rằng có một vị thần linh tự xưng là bà Chúa Xứ Châu Đốc, báo mộng cho dân làng: Hãy chọn chín cô gái đồng trinh lên đỉnh núi Sam đưa tượng ta về lập miếu thờ, ta sẽ phù hộ cho dân an lành và làm ăn phát đạt. Sau đó, chín cô gái được chọn cử lên đỉnh núi để tìm tượng, và quả nhiên họ tìm thấy một bức tượng tạc hình một người đàn bà trong tư thế ngồi, khuôn mặt phúc hậu, mắt nhìn thẳng về phía trước, đưa về rửa sạch sẽ và lập miếu thờ. Từ đó, hằng năm dân làng lấy ngày tượng bà được “an vị” tại miễu làm ngày lễ Vía bà. Truyền thuyết gắn ngày lễ Vía bà với tập quán sản xuất nông nghiệp ở địa phương, cho rằng tháng Tư là thời vụ bà con chuẩn bị xuống giống làm mùa. Họ làm lễ cúng tạ ơn Bà, hy vọng được Bà phù hộ, mùa màng sẽ bội thu. Chuyện kể rằng dưới triều Minh Mạng, khi Thoại Ngọc Hầu đảm nhận trọng trách trấn giữ biên cương phía Tây, giặc ngoại xâm thường sang quấy nhiễu. Mỗi lần nghe tin giặc kéo vào quấy phá, vợ Thoại Ngọc Hầu thường đến miếu bà Chúa Xứ khấn vái, mong chồng được bà phù hộ đánh thắng giặc, bảo vệ cuộc sống yên lành cho dân. Và những lời khấn cầu được ứng nghiệm. Để tạ ơn, vợ Thoại Ngọc Hầu đã cho xây cất lại miếu to lớn và khang trang hơn. Lễ khánh thành được tổ chức trong ba ngày 24, 25, 26 tháng 4 âm lịch. Từ đó về sau thành lệ, dân chúng cúng Vía bà vào những ngày nói trên.

Một trung tâm thờ mẫu khác khá nổi tiếng ở Nam bộ là nơi thờ Linh Sơn Thánh Mẫu ở núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh. Truyền thuyết về Linh Sơn Thánh Mẫu cũng có nhiều dị bản khác nhau, phổ biến là truyền thuyết sau đây:

Bà tên Lý Thị Thiên Hương, còn có tên khác là cô Đen, võ nghệ cao cường, nhan sắc mặn mà. Thiên Hương là người mộ đạo, mỗi dịp Nguyên Tiêu, nàng thường vượt đường xa lên núi lễ Phật. Một ngày kia, trên đường lên núi viếng chùa, nàng bị bọn cướp chặn đường uy hiếp. Thiên Hương chống trả rất quyết liệt, nhưng vì thân gái thế cô, nàng đành lao mình xuống vực quyên sinh, quyết không chịu hoen ố thanh danh trong tay bọn chúng. Sau khi chết, Thiên Hương thường hiển linh, luôn ban phước lành cho chúng sinh, thiện tín mười phương, nên dân gian mới kính trọng gọi Thiên Hương là Bà, và để cho gần gũi người ta gọi là Bà Đen. Và người ta lập đền thờ Bà trên núi, núi này cũng được gọi là núi Bà Đen.

Mặc dù không có trung tâm thờ lớn nhưng Thiên Hậu Thánh Mẫu được thờ ở hầu khắp Nam bộ. Có thể nói, hầu như tỉnh thành nào ở Nam bộ cũng có miếu thờ hay gian thờ Bà.

Khi vào Nam khai khẩn, trước sự lạ lẫm của cảnh quang thiên nhiên mới mẻ, thờ Mẫu không còn là Tam tòa, Tứ phủ như ở ngoài Bắc, mà thay vào đó là những Cửu Thiên huyền nữ, Địa phủ, Thủy phủ. Do đó, quyền năng cai quản đất đai thuộc về các bà chúa Xứ, chúa Hòn, chúa Động. Bên cạnh đó, cư dân Việt ở Nam bộ vẫn tiếp tục tôn thờ sáng tạo âm dương ngũ hành nên thờ bà Ngũ Hành nương nương, bà Thủy, bà Hỏa...

Như vậy, tín ngưỡng thờ mẫu của người Việt ở Nam bộ vừa phát huy tín ngưỡng cũ vừa tiếp thu các tín ngưỡng mới để tạo nên sự hỗn dung văn hóa tín ngưỡng nhưng đồng thời cũng vừa giữ được những nét truyền thống cơ bản của cội nguồn dân tộc.

Tục thờ mẫu ở Nam bộ là một sự tiếp nối của tục thờ mẫu truyền thống. Qua đó thể hiện ước mơ của con người mong muốn vạn vật được sinh sôi nảy nở hầu đem lại cuộc sống no ấm cho con người. Đồng thời thể hiện đức tin của con người vào sự linh thiêng, phù hộ độ trì của các vị Thánh Mẫu để con người được bình yên trong cuộc sống. Tục thờ mẫu cũng thể hiện tâm lý uống nước nhớ nguồn của con người Việt Nam nói chung, Nam bộ nói riêng khi được sức khỏe, tài lộc và may mắn thì nhớ ơn những người đã phù hộ độ trì cho mình. Đây chính là giá trị nhân bản, giá trị đạo đức và giá trị truyền thống Việt Nam.

Bài, ảnh: Trần Ngu Lạc

(*) Nguyễn Công Bình, Lê Xuân Diệm, Mạc Đường, Văn hóa và cư dân Đồng bằng sông Cửu Long. NXB KHXH, Hà Nội - 1990. Tr.377

Từ khóa » Tín Ngưỡng Thờ Mẫu Nam Bộ