Home Từ điển Dữ liệu Danh mục - Tin tức
- Xiển dương Đạo pháp
- Media
- Môi trường
- Lời Phật dạy
- Sống an vui
- Đức Phật
- Sách Phật giáo
- Giáo hội
- Nghiên cứu
- Tâm linh Việt
- Phật pháp và cuộc sống
- Phật giáo thường thức
- Kinh Phật
- Phỏng vấn
- Chùa Việt
DỮ LIỆU
Đức Phật Từ điển Giáo hội Chùa Sách Tăng sỹ Phong tục tập quán
Thứ ba, 27/09/2016, 17:37 PM Giá trị tinh thần trong tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Bộ
Trần Hồng Liên
Là nước nông nghiệp, Việt Nam trong quá trình phát triển đã thể hiện dấu ấn ấy trong đời sống tinh thần, đặc biệt là qua các hình thức tín ngưỡng nữ thần phong phú, đa dạng. Nhiều cuộc khảo sát, nghiên cứu trường hợp đã thực hiện việc phân loại tín ngưỡng[1] theo giới tính và lứa tuổi.
Một nhận định xác đáng, sâu sắc đã cho rằng: “Việc đồng thời phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau của tự nhiên dẫn đến hậu quả trong lĩnh vực tư duy là lối tư duy tổng hợp; và trong lĩnh vực tín ngưỡng là tín ngưỡng đa thần. Tính chất âm tính của văn hóa nông nghiệp dẫn đến hậu quả trong lĩnh vực quan hệ xã hội là lối sống thiên về tình cảm, trọng phụ nữ và trong lĩnh vực tín ngưỡng là tình trạng lan tràn các nữ thần. Và vì cái đích mà người Việt Nam hướng tới là sự phồn thực, cho nên nữ thần của ta không phải là các cô gái trẻ đẹp, mà là các bà Mẹ, các Mẫu”[2]. Tuy vậy, tùy từng địa vực cư trú, từng vùng miền khác nhau đã đưa đến sự khác biệt khá rõ nét trong tư duy, thể hiện qua các hình thức thờ nữ thần ở 3 miền có nét đặc thù. Sự khác biệt ấy thể hiện qua các hình thức thờ tự những nữ thần nào? Từ việc thờ nữ thần đến thờ Mẫu ở Nam bộ có gì khác biệt so với ở miền Bắc và Trung bộ ? Trong phạm vi một bài tham luận, bài viết chỉ giới hạn trong việc nêu lên các hình thức từ thờ nữ thần đến thờ Mẫu ở Nam bộ trong sự so sánh với ở Bắc và Trung bộ, từ đó góp phần nhận diện những giá trị tinh thần trong tín ngưỡng dân gian Nam bộ, nêu lên đặc trưng tín ngưỡng mang yếu tố văn hóa vùng Nam bộ; đồng thời cũng góp phần nhận diện quy luật thống nhất trong đa dạng của nền văn hóa Việt Nam.
1. Từ việc thờ nữ thần đến thờ Mẫu ở Nam bộ Nam bộ là vùng đất mới, trong quá trình khai hoang mở đất của cư dân cũng là quá trình cư dân mang theo hành trang tinh thần của mình từ nhiều vùng, miền khác nhau khi đến tụ cư tại Nam bộ. Tín ngưỡng ở Nam bộ vì vậy càng phong phú, đa dạng. Mặt khác, tín ngưỡng ở Nam bộ còn là sản phẩm của quá trình giao lưu văn hóa giữa các cộng đồng cư dân sống cộng cư và cận cư. Vì vậy, có thể thấy các thành tố có trong tín ngưỡng từng tộc người cư trú ở Nam bộ như Kinh, Hoa, Chăm, Khmer đều có một ảnh hưởng nhất định trong việc định hình thể loại, diện mạo của các tín ngưỡng thờ nữ thần cũng như thờ Mẫu ở Nam bộ. Khó có thể thống kê hết số cơ sở thờ tự thuộc tín ngưỡng dân gian ở Nam bộ. Ngoài những đình, miếu, đền, điện được phân bố đều khắp có đặt thờ nữ thần, thần nữ còn được đặt thờ phối tự bên trong nhiều ngôi chùa Phật giáo. Không gian tín ngưỡng nữ thần vì vậy khá rộng rãi và mang tính phức hợp.
1.1. Thờ nữ thần Có thể nêu một số nữ thần được thờ tự phổ biến ở Nam bộ, theo lịch đại cũng như đồng đại. Các nữ thần mang tính cổ xưa, nay ít được nhắc đến, hoặc chỉ còn một số nơi thờ tự như bà Cố Hỷ, bà La Sát, Hà Bá. Các nữ thần mang tính siêu nhiên, thể hiện các yếu tố có trong thiên nhiên như năm bà Ngũ Hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ), được đặt thờ chung trong cùng một trang thờ, hoặc riêng từng vị như miếu thờ bà Thủy Long, bà Hỏa. Ngoài năm bà Ngũ Hành được thờ tự phổ biến ở cả miền Bắc, Trung, tại Nam bộ còn có hình thức tín ngưỡng thờ Bảy Bà. Đây là dạng tín ngưỡng đặc biệt ở Nam bộ, cho thấy tư duy tổng hợp. Huỳnh Tịnh Paulus Của đã cho rằng: “đó là dạng kết hợp bà Chúa Tiên, bà Chúa Ngọc, bà Chúa Xứ, bà Chúa Động, bà Cố Hỉ, bà Thủy, bà Hỏa”[3]. Thực ra, Chúa Tiên và Chúa Ngọc chỉ là một, “tên bà Chúa Ngọc có lẽ là từ tên núi Ngọc Trản (chén ngọc) ở Huế (…) bà cũng mang một tên dân gian khác là bà Chúa Tiên, có lẽ là sự ảnh hưởng danh thần Thánh Mẫu Liễu Hạnh từ ngoài Bắc, vốn gốc là một thiên tiên trên thiên đình”[4] Thờ nữ thần còn được đặt chung trong tổng thể cặp đôi như ông Bổn - bà Bổn trong tín ngưỡng của người Hoa như ở Phúc Đức cổ miếu (thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu); thờ Thái Âm – Thái Dương ở chùa Thuận Thiên (thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương). Bên cạnh các nhiên thần, thì nhân thần vốn là những con người thật, như Hai Bà Trưng, được thờ trong đền, hiện còn ở Tp.HCM; huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An; chùa Bửu Lâm (Tiền Giang). Cửu Thiên Huyền Nữ, vừa là vị thần nữ ở cõi Trời (Thiên Phủ) được thờ ở chùa Thiên Phước (Vĩnh Long); chùa Bửu Lâm (Tiền Giang), bà còn là vị nữ thần độ mạng cho phái nữ trong từng gia đình. Mỗi gia đình nông thôn thường đặt trang thờ bà đối xứng với trang thờ ông quan Thánh Đế Quân, vốn được xem là vị độ mạng cho phái nam. Tại các miếu của người Hoa như miếu Thiên Hậu – hội quán Quảng Triệu (quận 1, Tp.HCM) cũng có trang thờ bà. Trong miếu Hoa, ta cũng thấy phổ biến đặt thờ Mẹ Thai Sinh, còn gọi Kim Huê nương nương, là vị nữ thần hỗ trợ cho việc sinh nở, chăm sóc cho trẻ con. Niềm tin vào việc được ban phúc cho “mẹ tròn, con vuông” cũng đưa đến tín ngưỡng Mười Hai Mụ Bà, khá phổ biến ở Tp.HCM như tại chùa Phước Hải (quận 1, Tp.HCM); hay chùa Minh Hương (Tp.Vĩnh Long). Long Mẫu nương nương, thường được đặt phối tự với tượng Thiên Hậu Thánh Mẫu và Kim Huê nương nương, như trường hợp ở Miếu Thiên Hậu - Tuệ Thành hội quán (quận 5, Tp.HCM).
1.2. Thờ Mẫu Thờ Mẫu có quan hệ mật thiết với thờ nữ thần. Ngô Đức Thịnh đã từng nhấn mạnh: “Mẫu đều là nữ thần nhưng không phải tất cả nữ thần đều là Mẫu thần, mà chỉ một số nữ thần được tôn vinh là Mẫu thần (..) đạo Mẫu gắn liền với tục thờ Mẫu dân gian, nhưng như thế không có nghĩa mọi Mẫu thần đều thuộc điện thần của đạo Mẫu”[5]. “Mẫu có gốc từ Hán Việt, tiếng Việt là Mẹ. Nghĩa ban đầu, Mẫu hay Mẹ đều để chỉ một người phụ nữ đã sinh ra một người nào đó, là tiếng xưng hô của con đối với người sinh ra mình. Ngoài ý nghĩa xưng hô thông thường, từ Mẫu và Mẹ còn bao hàm ý nghĩa tôn xưng, tôn vinh, chẳng hạn như Mẹ Âu Cơ, Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu nghi thiên hạ (..) là các vị thần linh gắn liền với các hiện tượng thiên nhiên, vũ trụ được người đời gán cho chức năng sáng tạo, bảo trợ và che chở cho sự sống của con người. Đó là trời, đất, sông nước, rừng núi”[6]. Hai ngọn núi cao ở Nam bộ là nơi đặt thờ Linh Sơn Thánh Mẫu (núi Bà Đen) và Chúa Xứ Thánh Mẫu (núi Sam). Chúa Xứ Thánh Mẫu được đặt thờ không chỉ trên sườn núi Sam (phường Núi Sam, thị xã Châu Đốc), mà còn trong những ngôi miếu riêng biệt tại nhiều vùng miền ở Nam bộ; trong sân chùa; trong điện thờ của Đạo Minh Sư như Nam Nhã Phật Đường (Tp.Cần Thơ)[7]. Ở Quang Nam Phật Đường (Tp.HCM), cũng thuộc đạo Minh Sư, trong chính điện còn đặt thờ Diêu Trì Kim Mẫu và Địa Mẫu tại vị trí trung tâm. Người dân còn đặt tên cho các cơ sở thờ Bà ở nhiều nơi khác là Miếu Bà Chúa Xứ 2, Miếu Bà Chúa Xứ 3, như trường hợp ở Thủ Thiêm, ở Bình Dương để chỉ “mạng lưới” thờ tự Bà xuống khắp các địa phương, nhưng đồng thời cũng cho thấy tính thống nhất về một mối của ngôi miếu thờ mang tính trung tâm của các miếu khác, là ở núi Sam Châu Đốc. Người dân đến cúng bái đều cho là bà Chúa Xứ 2, 3 là em của chị cả Chúa Xứ ở Châu Đốc! Cách thờ tự tại miếu bà Chúa Xứ núi Sam đã thể hiện nhiều lớp văn hóa được hình thành trong quá trình giao lưu từ nhiều vùng miền khác nhau trong cả nước và đọng lại qua hình thức thờ tự tại đây. Ngô Đức Thịnh đã dày công nghiên cứu và có nhận xét rằng: “Nhìn vào các lớp văn hóa tạo nên biểu tượng tâm linh bà Chúa Xứ, chúng ta đều thấy thấp thoáng hình bóng bà Mẹ Xứ Sở - Pô Inư Nưgar của người Chăm, Thánh Mẫu Thiên Yana của người Việt, nữ thần Neang Khmau (Bà Đen), tục thờ Neak Tà của người Khơme và xa xưa hơn, nhưng cũng hiển hiện hơn là tất cả các biểu tượng trên đều được quy tụ trong linh tượng Shivalinga và Sakti của Shiva là nữ thần Uma của Bà la môn giáo, mà truyền thuyết bức tượng bà Chúa Xứ An Giang đã mách bảo chúng ta những điều như vậy, cho dù bề ngoài bức tượng đó cũng đã được cải trang dưới hình dáng Thánh mẫu của người Việt”[8]
|
Trong cộng đồng người Hoa cũng thờ phổ biến Thiên Hậu Thánh Mẫu. Mỗi triều đại ở Trung Quốc, Bà đều được vua phong tặng[9]: đời Tống (Tống Cao Trung) phong tước vị đầu tiên là Phu Nhân Linh Huệ kèm theo vinh hiệu là Thiên Ân vào năm 1156. Đời Nguyên, Bà được phong tặng Thiên Phi; đời Thanh Khang Hy 1682 Bà được gia phong Thiên Hậu Thánh mẫu. Tổng cộng qua các đời Tống, Nguyên, Minh, Thanh, Bà được phong tặng 28 lần mỹ hiệu, tước hiệu[10]. Ngoài tước hiệu và danh vị chính thức, người Hoa còn tôn xưng Bà bằng nhiều tên gọi khác nhau. Người Phúc Kiến và Hải Nam thích gọi bà là Đại Mẫu. Người Quảng Đông gọi là Đức Bà. Ngôi miếu thờ Bà, người Quảng Đông gọi Phò Miếu. Ở miền Bắc, tín ngưỡng thờ Mẫu với hình thức từ Tam Phủ (Mẫu Thoải, Mẫu Thượng Thiên, Địa Mẫu) đến Tứ Phủ (Mẫu Thoải, Mẫu Thượng Thiên, Địa Mẫu, Mẫu Thượng Ngàn) cho thấy hình thức tín ngưỡng nữ thần đã được phát triển, nâng cao địa vị các nữ thần, đặc biệt là những thần nữ có liên quan đến 4 yếu tố: Trời, Đất, Nước, Rừng, là 4 yếu tố chiếm vị trí quan trọng trong đời sống con người, trong sản xuất cũng như đời sống tâm linh, đã trở thành đạo Mẫu. Tín ngưỡng thờ Mẫu theo di dân đi dần vào Trung bộ. Ở đây, tín ngưỡng thờ Mẹ Xứ Sở của người Chăm là Bà Pô Inư Nưgar, còn được người Chăm gọi là Pô Nư Cành, đã được kết hợp với tín ngưỡng dân gian của người Việt, hình thành một dạng thức thờ tự mới, với cơ sở nổi tiếng là Điện Hòn Chén, nơi đặt thờ Bà Thiên Yana Ngọc Diễn Phi. Ngô Đức Thịnh đã nhận xét rằng: “vị nữ thần Chăm này là sự kết hợp giữa nữ thần Chăm bản địa và nữ thần Uma, vợ của Shiva. Bà là vị thần cao nhất của Vương quốc Chămpa, được tôn xưng là Mẹ Xứ Sở [11]. Nếu như ý thức tôn vinh Thiên Phủ đã có trong tín ngưỡng thờ Mẫu ở miền Bắc thì khi vào miền Trung và Nam bộ đã được chuyển hóa. Thời vua Khải Định, tín ngưỡng này được tôn thành Thiên Tiên Thánh mẫu (Bà Mẹ Trời, Tiên, Thánh). “Ở Huế, tín ngưỡng thờ Mẫu nơi đây đã phân lập khái niệm thiên phủ ra hai cõi: thượng thiên và trung thiên. Khái niệm Địa phủ lại được chuyển hóa thành khái niệm Thượng ngàn. Trung thiên được hiểu là cõi trời trung gian giữa cõi trời thượng thiên và thế gian”.[12] Ngoài cơ sở thờ tự dành cho Linh Sơn Thánh Mẫu tại núi Bà Đen, còn khá nhiều ngôi chùa, trong sân cũng đặt miếu thờ Bà như chùa Giác Lâm (quận Tân Bình, Tp.HCM); hay trong chùa cũng giành một trang thờ Bà riêng biệt trong chính điện (chùa Phụng Sơn, quận 11, Tp.HCM). Bà Chúa Xứ cũng được thờ tự trong ngôi miếu ở nhiều sân chùa. Tại chính điện chùa Tây An (tỉnh An Giang), hai bên Chúa Xứ Thánh mẫu còn có Bà Chúa Tiên, Chúa Ngọc chầu hầu. Hình tượng Địa Mẫu với tư thế đứng trên trái đất, mình khoác áo choàng màu đen, lại được đặt trước cửa vào điện thờ Linh Sơn Thánh Mẫu tại núi Bà Đen. Gần cửa vào điện thờ này ta cũng thấy có ngôi miếu nhỏ thờ Neak Tà, một dạng Thổ thần của người Khmer. Có thể thấy trong ngôi chùa Bửu Sơn (thị xã Sóc Trăng) của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, ngoài các thần linh thể hiện đậm nét mối giao lưu văn hóa giữa các dân tộc Việt, Hoa qua việc thờ Thiên Phụ, Địa Mẫu trên bàn lộ thiên đặt giữa sân như hầu hết các miếu của người Hoa, còn có bàn thờ riêng dành cho Phật Mẫu Diêu Trì. Trên điện thờ của nhóm theo đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, một đạo giáo do thầy Tây An khai sáng ở Nam bộ, tại Ngọc Liên Hoa tịnh thất ở Tp.Hồ Chí Minh (quận 7, Tp.HCM), cũng đặt tượng Diêu Trì Kim Mẫu trên chính điện, phối tự với Ngọc Hoàng Thượng Đế và Mẫu Mẹ[13]. Trong đạo Cao Đài, vốn là tôn giáo bản địa, xuất hiện ở Nam bộ vào năm 1926, đã thể hiện ý thức thờ tự cặp đôi, đối sánh Âm - Dương, Trời - Đất qua việc đặt thờ vị trí tối cao dành cho Ngọc Hoàng Thượng Đế (Cha Trời) và Diêu Trì Kim Mẫu (Mẹ Đất). Đạo Cao Đài quan niệm Phật Mẫu được nhân loại tôn xưng bằng nhiều danh hiệu khác nhau, tùy theo tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc và địa phương, bao gồm các danh xưng: Phật Mẫu; Diêu Trì Kim Mẫu; Kim Bàn Phật Mẫu; Cửu Thiên Huyền Nữ; Đại Từ Mẫu; Tây Vương Mẫu; Địa Mẫu; Mẹ Sanh. Mỗi một thánh thất của đạo Cao Đài thuộc hệ phái Tây Ninh đều có thêm một điện thờ Diêu Trì Kim Mẫu và được gọi tên là Điện thờ Phật Mẫu, được xây dựng cách thánh thất khoảng 10 đến 20 mét. Diêu Trì Kim Mẫu cũng được đặt thờ trong miếu, chùa của người Hoa như ở chùa Thiên Ý (quận 6, Tp.HCM). Tại Huế, “từ người con gái trưởng thành cho đến người phụ nữ 60 tuổi, trước khi ra lão đều thờ Tây Cung Vương Mẫu, hay còn gọi là Đoài Cung Thánh Mẫu, một vị nữ thần hộ mệnh của mình. Nơi thờ là trang Bà, đặt ở vị trí cao của gian tả trong nhà, trông về hướng Tây”[14]
2. Giá trị tinh thần truyền thống trong thờ Mẫu ở Nam bộ Như vậy, có thể thấy ở Nam bộ, hình tượng thờ Mẫu khá khác biệt so với miền Bắc và miền Trung. Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam bộ có kế thừa, tiếp thu và sáng tạo, đã chuyển hóa từ Linga - Yoni sang Ban Cô - Ban Cậu, được thờ phối tự với Chúa Xứ Thánh Mẫu (Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam) Tín ngưỡng thờ Mẫu Nam bộ thể hiện mối quan hệ, giao lưu văn hóa giữa Việt - Khmer (Miếu ông Tà trong sân miếu bà Chúa Xứ núi Sam, hay trên núi Bà Đen), hay giữa Việt - Hoa (chùa Hải Phước An tự ở Sóc Trăng của người Việt có thờ Thiên Hậu Thánh mẫu) tạo ra một quần thể tín ngưỡng hay một điện thờ đa văn hóa. Ta thấy “có hiện tượng tích hợp nhiều lớp văn hóa - tín ngưỡng khác nhau: lớp văn hóa Phù Nam, lớp văn hóa cổ truyền Khmer, lớp văn hóa Chăm và lớp văn hóa Việt[15]. Một nhà nghiên cứu đã nhận xét rằng: “Khi những tôn giáo đã không còn đủ sức thu hút và niềm tin cứu đời, thì Thánh mẫu xuất hiện”[16]. Từ đó có thể thấy không phải ngẫu nhiên mà hai vị Thánh mẫu quan trọng nhất ở Nam bộ được đặt ở vị trí chiến lược, trên hai ngọn núi cao nhất Nam bộ, là vùng tiếp giáp biên giới. Chính tâm thức của người dân có nhu cầu, khát vọng về một cuộc sống bình an, hạnh phúc đã đưa đến việc đặt để vị trí thờ tự trên. Khát vọng chính đáng ấy nói lên tư duy sáng tạo, xuất phát từ bối cảnh địa - chính trị, địa - lịch sử và địa - văn hóa của Nam bộ. Tín ngưỡng Mẹ Xứ Sở đã được tôn vinh thành Thánh Mẫu ở miền Trung với Thiên Yana Ngọc Diễn Phi, một lần nữa lại tích hợp vừa là Địa Mẫu (Địa Phủ), vừa là Mẫu Thượng Thiên (Thiên Phủ) của đất Bắc. Chức năng tổng hợp dành cho các Thánh Mẫu ở Nam bộ nói lên nhu cầu cần thiết được bảo vệ, được che chở tại một vùng đất phải đối đầu với quá nhiều cuộc chiến tranh xâm lược trực tiếp, cần thiết phải bảo vệ biên cương lãnh thổ. Huyền năng của các bà, các nữ thần đã được tôn vinh thành Thánh Mẫu ở Nam bộ đã nói lên tinh thần yêu nước, khát vọng thanh bình, hạnh phúc hơn nơi nào hết của cư dân vùng đất mới! Đồng thời với những huyền thoại, truyền thuyết do người dân nêu lên đã phản ánh một bức tranh đa dân tộc, đa tôn giáo và đa văn hóa của Nam bộ. Nghi thức cúng tế trong các miếu, điện thờ Mẫu cũng giống với nghi cúng đình vào dịp lễ Kỳ Yên ở Nam bộ. Tuy nhiên ở Đình không diễn ra múa bóng rỗi, mà chỉ có ở miếu. Không gian thờ Mẫu ở Nam bộ khá rộng lớn, không chỉ là một cơ sở thờ tự riêng biệt mang tính cộng đồng là miếu, mà còn phối tự trong miếu, chùa, vườn chùa, hoặc ngay tại chính điện. Tuy vậy, thờ Mẫu ở Nam bộ ít thấy mang tính chất gia đình như hiện tượng thờ Tây Cung Vương Mẫu ở Huế, trừ trường hợp một số gia đình người Hoa tỉnh Sóc Trăng có thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu tại gia đình. Tính cộng đồng vẫn chiếm vị trí chủ đạo, vẫn là niềm tin và sự kỳ vọng chung của cư dân Nam bộ đối với các Thánh Mẫu. Nơi thờ tự các Mẫu ở Nam bộ có tên gọi khác với ở Bắc và Trung bộ. Nếu ở miền Bắc, thờ Mẫu được đặt trong những phủ, đền, hay những quán của đạo Lão, hay một phần trong các chùa chiền, thì ở Nam bộ, Mẫu thường thấy phổ biến ở các đình làng, trong miếu, vốn là những nơi thờ tự phổ biến tín ngưỡng của cộng đồng cư dân tại đây. Khảo sát danh xưng các Mẫu ở Nam bộ cho thấy những nữ thần được tôn vinh Mẫu đều được gọi qua danh xưng Thánh mẫu. Điều này khá khác biệt so với tên gọi Mẫu ở phía Bắc (Mẫu Thoải, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thượng Thiên, Địa Mẫu). Nếu như Mẫu chính là những nữ thần đã được tôn vinh, được đưa lên vị trí tột đỉnh, có liên hệ đến 4 yếu tố Trời, Đất, Nước, Rừng, thì khi vào miền Trung và Nam bộ, các yếu tố ấy vẫn được lưu giữ, nhưng cũng đưa đến hiện tượng đặt nặng yếu tố này hơn yếu tố khác, hoặc sáng tạo thêm một số yếu tố mới, như cõi Trung thiên ở miền Trung, hay kết hợp nữ thần với Thánh mẫu để hình thành một thần điện mới (thờ Bảy Bà). Điều này được quy định từ tính chất địa - văn hóa của vùng miền. Khung cảnh thiên nhiên khác biệt, xa dần vùng rừng núi, tiếp cận với đồng bằng Nam bộ, nên Mẫu Thượng Ngàn đã trở nên mờ nhạt. Thiên Phủ đã được chuyển hóa, từ nhiên thần đến nhân thần (Thiên Phủ -> Liễu Hạnh) rồi lại từ nhân thần đến nhiên thần (Liễu Hạnh -> Cửu Thiên Huyền Nữ). Địa Phủ, Thủy phủ được tôn thờ, được giữ lại qua các lớp văn hóa mới bao phủ, được gọi theo một danh xưng mới, nhưng về chất thì vẫn không thay đổi. Vì vậy, ta vẫn thấy về Địa Phủ còn lại tên gọi Địa Mẫu, nhưng đã hình thành những “Mẫu mới”, được thánh hóa thành Chúa Xứ Thánh Mẫu, thành Linh Sơn Thánh Mẫu, cai quản một vùng đất rộng lớn, là hình tượng của Mẹ Xứ Sở, một Pô Inư Nưgar ở góc trời Nam. Những truyền thuyết khác nhau về hai vị Thánh mẫu này chính là những cốt lõi, định hình cho cuộc thánh hóa này, để đưa những vị Mẫu này, tuy ở vị trí tối cao nhưng có thể gần gũi hơn với con người, bởi vì họ cũng là người, được nhân dân gắn vào truyền thuyết nên có họ, có tên (Lý Thị Thiên Hương, Nàng Đênh,...) Từ đó có thể thấy, thờ Mẫu ở Nam bộ đã bộc lộ được một giá trị tinh thần phong phú của cư dân vùng đất mới. Ý thức lưu giữ, nhớ lại cội nguồn qua việc thờ Tam Phủ, Tứ Phủ vẫn đang còn tiếp tục hoạt động tại Tp.HCM qua đền Sòng Sơn Thánh Mẫu (quận 3), đền Mẫu Tuyên, đền Mẫu Thiên Hoàng, đền thờ Hai Bà Trưng và Thánh Mẫu Phủ Giầy; dù rằng về kiến trúc, bày trí tượng thờ đã có một ít khác biệt. Tiếp tục tôn thờ triết lý âm dương, ngũ hành nhưng có sáng tạo, tích hợp những yếu tố mới do quá trình giao lưu văn hóa ở miền Trung (chúa Tiên, chúa Ngọc) để hình thành tín ngưỡng Bảy Bà ở Nam bộ. Đó là kết quả của tư duy tổng hợp giữa các nữ thần (bà Chúa Động, bà Cố Hỉ, bà Thủy, bà Hỏa và Thánh mẫu (Chúa Tiên, Chúa Ngọc, bà Chúa Xứ). Cũng dễ dàng nhận thấy yếu tố sông nước được đặt lên vị trí tối cao của Mẫu Thoải, vì Nam bộ là vùng sông nước. Nhưng vào miền Nam, do quá trình cộng cư với người Hoa, nên tín ngưỡng Thiên Hậu Thánh Mẫu, vốn có nguồn gốc từ vị nữ thần của biển cả, bảo vệ người đi lại trên sông nước, đã được người Hoa tín ngưỡng phổ biến rộng rãi, đã chiếm đa số, có mặt hầu hết các vùng miền. Ở đồng bằng sông Cửu Long, khá nhiều ngôi miếu thờ Bà đã được xây dựng cách nay hơn một trăm năm. Người Hoa ở Cà Mau, Bạc Liêu còn gọi Bà là Bà Mã Châu, phiên âm của tên gọi Mazou, có từ Trung Quốc[17]. Tại Thiên Hậu Thánh miếu (xã Vĩnh Mỹ, thị xã Châu Đốc, An Giang) có cặp đối treo trước cửa vào miếu, ca ngợi Bà, với 4 chữ đầu của hai cặp này, đọc theo hàng dọc thành Thiên Hậu Thánh Mẫu: Thiên đức cao minh bảo hộ thôn hương hỷ lạc Hậu cung phổ chiếu phù trì xã ngọc vĩnh khang Thánh tích uy linh lê dân lạc nghiệp Mẫu nghi chiếu diệu bổn hội an hòa. Miếu thờ Bà tại quận 3, Tp.HCM còn xác nhận sự tôn vinh này qua bảng ghi trước cổng 5 chữ Hán “Thiên Hậu Thánh mẫu miếu”. Trong nhiều gia đình người Hoa ở Nam Bộ, đặc biệt là ở huyện Vĩnh Châu tỉnh Sóc Trăng, Bà còn được thờ tự ở gian trước, với bài vị màu đỏ, trang trọng ghi 4 chữ Hán nhũ vàng: “Thiên Hậu Thánh mẫu”. Quá trình người Hoa sống cộng cư với người Việt và người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long, cũng đã đưa đến hiện tượng giao lưu văn hóa thú vị: trong ngôi chùa của người Việt cũng đặt tượng thờ Bà (Hải Phước An Tự, ở huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng). Cũng lưu ý rằng, tên gọi Thánh mẫu là danh xưng gia phong cho bà Lâm Mặc, thời nhà Thanh (Khang Hy) 1682, còn các đời trước, chưa phong tặng Thánh mẫu[18]. Phải chăng do ảnh hưởng gia phong danh xưng Thiên Hậu Thánh Mẫu dưới thời Thanh mà từ thế kỷ 17 về sau, ở Nam bộ, các Mẫu được gọi phổ biến là Thánh mẫu? Ảnh hưởng giao lưu văn hóa qua danh xưng từ đời nhà Thanh có điều kiện du nhập và lưu giữ ở Trung và Nam bộ rõ nét hơn Bắc bộ, nhất là từ sau sự kiện phân chia đàng Trong và đàng Ngoài, di dân và tín ngưỡng - tôn giáo từ Trung Quốc đã có điều kiện đi thẳng vào Trung và Nam bộ. Trong đạo Cao Đài, một tôn giáo mang yếu tố dân tộc khá rõ nét, đã nêu chủ trương nổi bật trong giáo lý mang tính tổng hợp của đạo là “Quy nguyên tam giáo, ngũ chi phục nhất”. Phương châm hành đạo ấy cho thấy một nhân sinh quan, một nếp sống đạo vừa mang tính tổng hợp, vừa thể hiện quá trình tâm linh trong việc tu chứng. Theo đạo Cao Đài, quá trình tiến tu ấy phải tiến lên 5 bậc, đi từ Nhân đạo đến Thần đạo, Thánh đạo, Tiên đạo và Phật đạo. Khi hình tượng, thiêng hóa các Mẫu, đưa lên vị trí tôn vinh các Mẫu ở Nam bộ, ta thấy có danh xưng Thánh mẫu (Linh Sơn Thánh Mẫu, Chúa Xứ Thánh Mẫu, Thiên Hậu Thánh Mẫu), còn vị trí tối thượng, cao nhất trong 5 bậc, được nâng lên hàng Phật, tương xứng với Phật Mẫu dành cho Diêu Trì Kim Mẫu, vì trong đạo Cao Đài chủ trương “tam giáo quy nguyên” trong đó có Phật giáo. Như vậy, ngoài danh xưng Thánh mẫu phổ biến cho các mẫu, thì cũng thấy có Phật Mẫu. Do đó, từ tín ngưỡng nữ thần, qua quá trình dung hợp văn hóa, từ địa bàn chuyển cư miền Bắc vào Nam, Nam bộ là vùng đất cuối cùng của tổ quốc, đã tích hợp, dung chứa trong nó bức tranh khá toàn cảnh về quá trình phát triển tâm thức về Mẫu, đã thể hiện 5 bậc thang tiến hóa, hướng thượng, giành cho một số nữ thần ở Nam bộ, có liên quan đến các yếu tố Trời, Đất, Nước được tôn vinh, được đưa lên vị trí cao hơn nữ thần, để trở thành Thánh Mẫu, Phật Mẫu. Từ yếu tố này đã bộc lộ trong tín ngưỡng thờ Mẫu một tư duy hướng thượng và hướng thiện. Tâm thức phiếm thần của cư dân Việt dung chứa trong nó tư duy hướng thiện sâu sắc. Không phải ngẫu nhiên mà Lý Thị Thiên Hương (hay nàng Đênh) lại được ngưỡng vọng và tôn kính đến nhường ấy. Huyền thoại về cái chết của cô gái trung trinh Lý Thị Thiên Hương, mượn cái chết để bảo toàn phẩm giá, là bài học lớn về việc giáo dục nhân cách cho người phụ nữ. Cũng không phải ngẫu nhiên mà Bà Thiên Hậu lại được du nhập vào điện thờ Phật giáo, được đặt thờ phổ biến trong chùa Việt, trong miếu của người Hoa. Lòng hiếu thuận và tinh thần vô úy, xả thân vì mọi người như Bà đáng được làm tấm gương soi cho nhiều thế hệ phụ nữ đời sau, và lại cũng gần gũi với tinh thần vô úy (không sợ hãi); với cái “dũng”, một trong ba yếu tố cơ bản của người theo đạo Phật phải có là Bi, Trí, Dũng. Tín ngưỡng thờ Mẫu nếu như đã góp phần mang lại nhiều ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc, thì một mặt khác, cũng chính xuất phát từ những điều kiện và các yếu tố ấy lại làm cho dạng thức tín ngưỡng này nhuốm màu sắc mê tín, nặng tính thần quyền, đưa đến một số suy nghĩ có thể sai lệch. Các bàn thờ Mẫu, thờ Cô (cô Hồng, cô Hạnh), thờ Chúa (Chúa Hòn) bên trong chính điện đã “góp phần” đưa vào đây nhiều nghi lễ liên quan đến việc cầu cúng, xin xâm, bói quẻ, xin keo. Hình ảnh, tên gọi Phật mẫu, vô hình chung đã đưa lại trong tư duy một số phật tử về một đạo Phật ngưỡng vọng Thượng đế, tin rằng Thượng đế ngự trị, ban phúc giáng họa, có quyền năng chi phối cuộc sống con người[19]. Những pho tượng thờ Thần, Thánh, đã làm mờ nhạt đi quan niệm và vai trò tự lực của con người. Tha lực của Phật, Bồ tát chỉ góp phần hỗ trợ, vì Phật Thích Ca đã chẳng từng khuyên nhủ các đệ tử của mình: “ Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Các hình thức cúng tế như múa bóng, lên đồng, đâu phải lúc nào tự nó cũng đủ sức thuyết phục về một sự tích hợp các giá trị văn hóa - nghệ thuật. Từ các công trình nghiên cứu về hát văn, múa bóng, về đạo Mẫu Việt Nam[20] quả đã mang lại một giá trị khoa học, một ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần làm rõ, đi đến việc thừa nhận những giá trị văn hóa - nghệ thuật mà trong suốt tiến trình đi về phương Nam, tín ngưỡng thờ Mẫu của dân tộc Việt Nam đã được tích hợp. Như vậy, có thể thấy, thờ Mẫu ở Nam bộ không mang tính khuôn mẫu như ở Bắc bộ, không trở thành một đạo Mẫu, vì trong quá trình du nhập và phát triển ở Nam bộ, do giao lưu văn hóa với nhiều vùng miền khác nhau, thờ Mẫu ở Nam bộ đã mang tính thoáng, mở, đã tích hợp nhiều loại hình tín ngưỡng thờ Mẫu khác nhau. Từ nữ thần, một số Bà đã được nâng lên vị trí mới, phổ biến với tên gọi Thánh mẫu, có liên quan đến Đất, Nước, Trời. Trong thờ Mẫu ở Nam bộ vẫn còn đọng lại những hình thức thờ tự của đạo Mẫu Bắc bộ. Thờ Mẫu ở Nam bộ vừa mang tính chung nhất vừa thể hiện nét đặc thù. Vì vậy, có thể nói rằng, thờ Mẫu ở Nam bộ đã góp phần minh chứng cho quy luật thống nhất trong đa dạng của nền văn hóa Việt Nam.
Tiến sĩ Trần Hồng Liên - Viện Phát triển Bền vững vùng Nam bộ
Báo cáo tại Hội thảo khoa học: “Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam trong quá trình đổi mới và hội nhập” do Đề tài KX. 03.14/06-10 (Chương trình KX.03/06-10) và khoa Văn hóa học (Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM) tổ chức ngày 17/09/2009 tại Biên Hòa, Đồng Nai. Tài liệu tham khảo: - 1. Đặng Việt Bích 2005. Thờ mẫu - Tín ngưỡng truyền thống bản địa Việt Nam. T/c Dân tộc học số 1/2005. 2. Keith Stevens 1997. Chinese Gods. Collins & Brown. 3. Liêu Địch Sinh 1996. Hương Cảng Thiên Hậu sùng bái. Tam Liên thư điếm. Hương Cảng. Bản chữ Hán. 4. Nguyễn Đức Lữ (chủ biên) 2005. Góp phần tìm hiểu tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam. Hà Nội: Nxb Tôn giáo. 5. Ngô Đức Thịnh 2009 đạo Mẫu Việt Nam. Tập I. Nxb Tôn giáo. Hà Nội 6. Tạ Chí Đại Trường 2006. Thần, người và đất Việt. Hà Nội: Nxb Văn hoá Thông tin. 7. Trần Đại Vinh. Tín ngưỡng dân gian Huế 1995: Nxb Thuận hoá
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
Ý kiến của bạn
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
-
"Sắc - Không" trong Tâm kinh qua trí tuệ Bát Nhã
-
Ba người (ba chỗ) không được quên ơn
-
Kinh Mi Tiên Vấn Đáp: Phật và chư Tăng, ai phước báu nhiều hơn?
-
Kinh Diệu Pháp Liên Hoa - Phẩm Phổ Môn
-
Kinh năm sự bố thí lớn
-
Kinh Bách Dụ: Trộm áo gấm thêu, gói đồ thô rách
-
Kinh Địa Tạng Vương - Bộ kinh căn bản mang lại nhiều lợi ích, dễ thực hành
-
Kinh Bách Dụ: Lạc đà của người lái buôn chết
-
Cung trời Đâu Suất và Kinh Bồ tát Di Lặc
-
Đạo đức Phật giáo trong kinh A Hàm (I)
Chuyện kỳ bí từ một cây sao
Phong tục tập quán
21:37 06/10/2018 Hướng dẫn chúng tôi đến tận gốc cây sao to lớn đang ẩn chứa nhiều câu chuyện huyền hoặc, tâm linh, ông Lý Thum, ngụ ấp Đại Thọ nói khẽ: “Cây sao này nghe nói đã trên 700 năm rồi mà vẫn tươi tốt quanh năm. Nhiều người tới đây thắp nhang cầu nguyện lắm vì cây rất “thiêng”. Đã có những câu chuyện tâm linh xảy ra với người đã dám cưa cây để lấy gỗ. Từ đó ban đêm không ai dám bén mảng đến đây”.
Rộn ràng làng nghề làm lồng đèn giấy
Phong tục tập quán
09:20 23/09/2018 Điều đáng phấn khởi là công việc này rất đơn giản, dễ làm, không cần vốn, người cao tuổi lẫn trẻ em đều có thể thực hiện do không phụ thuộc thời gian, sức khỏe, trình độ học vấn.
Trung thu sắp về nơi xóm nhỏ…
Phong tục tập quán
14:03 14/09/2018 Ánh trăng vằng vặc ngày rằm chia sẻ niềm vui trong trẻo, hạnh phúc cho con trẻ mọi nhà dù nơi giàu có, hay còn nghèo khó như ở xóm Ao Đình ngày nay... Trăng Trung Thu sẽ rất tuyệt vời! Muôn đời vẫn vậy…
Hương cốm gọi thu về
Phong tục tập quán
12:07 13/09/2018 Cứ mỗi độ gió heo may về, giăng giăng ngập tràn lối phố thì cũng là thời khắc báo hiệu một mùa thu bắt đầu tới! Mùa thu ở mỗi vùng miền lại mang đến cho con người ở đó những khoảng khắc, nét thi vị riêng biệt mà khi đi xa người ta thường không dễ gì quên được. Với thủ đô Hà Nội, mùa thu được mọi người biết tới không chỉ có cái hanh hao của nắng vàng, chút gió heo may se se lạnh, lá vàng rụng rơi ngập phố, mà ở đó còn có còn có mùi hương hoa sữa nồng nàn, những trái sấu chín vàng rụng hoài trên ngõ vắng, và mùi của hương cốm…
Xem thêm
Tin đọc nhiều nhất
1
Sát na là gì? Sát na được tính như thế nào?
2
Đức Phật là người Thầy giáo vĩ đại
3
Sự oán hận của vong hồn thai nhi
4
Đức Phật dạy về bốn hạng người không nên xem là bạn?
5
Làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
6
Tội lỗi nặng nhất trong đời này là gì?
7
“Điều cần thiết nơi phẩm hạnh của người Thầy là đạo đức và tình thương”
Tin chọn lọc
Tục thờ Bà Thiên Hậu ở Nam Bộ
Nhớ lồng đèn tuổi thơ
Tết Đoan Ngọ ở miền Tây Nam bộ
Giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương
Nét mới trong Lễ hội chùa Thầy
Chol Chnam Thmay lễ Tết của người Khmer mang đậm tinh thần Phật giáo
Từ điển Phật giáo
Tìm kiếm
Dữ liệu Phật giáo
- Đức Phật
- Tự Điển
- Giáo hội