Đặc Quyền Pháp Luật Của Quý Tộc Thời Lê Sơ Qua Quốc Triều Hình Luật

Quốc triều hình luật (thời Lê) được phát hành bởi Viện Sử học & NXB Chính trị Quốc gia (ảnh: tác giả sưu tầm)

Nhà Lê Sơ rất coi trọng yếu tố “hoàng tộc”. Việc phong tước được dựa trên quan hệ huyết thống, theo nguyên tắc huyết thống càng “cận” thì tước càng cao. Đến giai đoạn trị vì của Lê Thánh Tông, lệ phong tước cho người hoàng tộc còn được áp dụng cho tất cả những đối tượng trực hệ bậc dưới như Hoàng tử, Thế tử, Hoàng thái tử, Hoàng thái tôn… Sắc dụ hiệu định quan chế ngày 26 tháng 9 năm Hồng Đức thứ hai (1470) vương triều Lê Thánh Tông cho biết:

-Thân vương: Hoàng tử thụ phong lấy phủ làm hiệu, như ở phủ Kiến Hưng gọi là Kiến Hưng vương.

- Thân tự vương: Thế tử của thân vương thụ phong, lấy huyện làm hiệu, như Hải Lăng huyện gọi là Hải Lăng vương.

- Tước Công: Các con của Hoàng thái tử, Thân vương, thụ phong lấy mỹ tự làm hiệu như Triệu Khang công…

- Tước Hầu: Trưởng tử của Tự thân vương công, thụ phong lấy mỹ tự làm hiệu như Vĩnh Kiến hầu.

- Tước Bá: Các con của Hoàng thái tôn, Tự thân vương, con trưởng của Thân công chúa, thụ phong lấy mỹ tự làm hiệu như Tĩnh Cung bá.

- Phò mã đô uý: ngang tước Bá - chồng của Thân công chúa được thụ phong.

- Tước Tử (ngang Chánh nhất phẩm): Các con của Thân công chúa, con trưởng của Hầu, Bá được thụ phong lấy mỹ tự làm hiệu, ví dụ như Diên Xương tử.

- Tước Nam (ngang lòng nhất phẩm): Con trưởng của Thân công chúa được truy tặng, các con của Hầu, Bá được thụ phong lấy mỹ tự làm hiệu, ví dụ như Quảng Trạch Nam.

- Tá quốc sử (Chánh nhị phẩm): Con của các tước Tử, tước Nam được trừ thụ.

- Phụng quốc sử (Tòng nhị phẩm): Con của Tá quốc sử được trừ thụ.

- Dực quốc sử (Chánh tam phẩm): Con của Phụng quốc sử được trừ thụ.

- Lượng quốc sử (Tòng tam phẩm): Con của Dực quốc sử được trừ thụ.

Với Thân công chúa, việc trừ thụ được áp dụng với nhiều thế hệ sau, lần lượt là các tước Sùng ân sử (Tòng nhị phẩm), Dự ân sử (Tòng tam phẩm), Mậu ân sử (Tòng tứ phẩm), Tự ân sử (Tòng ngũ phẩm). Ngoài ra còn có các tước vị: Quận thượng chúa Nghi tân (Chánh tam phẩm) trừ thụ cho con rể của Hoàng thái tử, con rể của Thân vương, Quận chúa Nghi tân (Tòng tam phẩm) ban cho con rể của Hoàng thái tôn con rể của Tự thân vương, của Thân công chúa (Thiên Nam dư hạ tập, tr.369-370).

Cần phải thấy rằng, tước vị là tiêu chí để phân biệt đẳng cấp của hoàng thân. Quý tộc có tước vị có thể không tham gia vào bộ máy chính trị (không có chức) nhưng vẫn được hưởng những đặc ân lớn lao cả về vật chất lẫn danh vọng. Chưa dừng lại ở đó, trong quản lý nhà nước thời Lê Sơ, tầng lớp hoàng tộc phong tước còn được hưởng một đặc ân khác mà khi khảo cứu về quan chế nhà Đường (Trung Hoa), Hải Văn Vệ, Hồ Kỷ Bình gọi là “đặc quyền pháp luật” (Phân tích các đặc quyền pháp luật của quý tộc phong tước thời Đường, tr.68-69). Với nhà Minh, trong một nghiên cứu về tước chế, tác giả Tào Tuân còn cung cấp thông tin về sự xuất hiện của “lệnh bài miễn tử” (Sơ luận về chế độ phong tước quan thần thời Minh, tr.46-52). Điều đó cho thấy, trong một số trường hợp, quan lại, quý tộc phong tước nhà Minh còn đứng trên cả pháp luật.

Đặc quyền pháp lý nhà Lê Sơ dành cho quan lại, hoàng tộc luôn tạo ra một “ranh giới bất phạm” với bách tính trăm họ. Nhà Lê Sơ quy định tám nhóm đối tượng được nghị xét giảm tội (bát nghị) gồm:

- Nghị thân”: Họ tôn thất từ hàng đản vấn (袒免 - anh em xa cùng chung tổ năm đời) trở lên, dòng họ của Hoàng Thái hậu từ hàng phải để tang ty ma (để tang trong 3 tháng trở lên) và họ của Hoàng hậu từ tiểu công trở lên (小功 - để tang 5 tháng, khác với đại công - 大功 để tang 9 tháng).

- Nghị cố: Những người theo hầu vua lâu ngày hoặc quan lại triều trước.

- Nghị hiền: Những người có đức hạnh lớn.

- Nghị năng: Những người có tài năng lớn.

- Nghị công: Những người có công huân lớn.

- Nghị quý: Quan lại từ tam phẩm trở lên, tản quan từ nhị phẩm trở lên.

- Nghị cần: Những người cần cù, chăm chỉ.

- Nghị tân: Hậu duệ của vương triều trước.

Trong tương quan “bát nghị”, nhóm “nghị thân” được ưu ái cao hơn hẳn. Quốc hình triều luật dành nguyên Điều 6 (chương Danh lệ) để bảo đảm quyền lợi phát luật cho quý tộc hoàng triều. Đặc quyền pháp lý này biểu hiện trên nhiều phương diện, liên quan đến gần như toàn bộ quá trình tư pháp từ xét xử, kết án, quyết định hình phạt đến thi hành án phạt. Điều 4, Điều 5 (chương Vi chế), Quốc hình triều luật ghi rõ: Nếu phạm tử tội thì các quan nghị án phải làm bản tấu dâng lên để vua xét định; cơ quan nghị án không được quyền quyết án, nếu phạm tội “lưu đày” thì được giảm một bậc.

Đặc biệt là những đối tượng thuộc “nghị thân”, nếu phạm tội, họ được miễn thi hành các tội đánh roi, đánh trượng, thích mặt. Những đối tượng thân tộc của Hoàng hậu có thể dùng tiền để chuộc tội (Quốc hình triều luật, tr.50-51).

Tuy nhiên, đặc quyền pháp luật của quý tộc được phong tước không tuyệt đối, nó không có hiệu lực trong một số trường hợp nhất định. Đặc biệt là khi hoàng tộc nhà Lê Sơ phạm vào “thập ác” (10 tội ác): Mưu phản, mưu đại nghịch, mưu chống đối, ác nghịch, bất đạo, đại bất kính, bất hiếu, bất mục, bất nghĩa, nội loạn. Đây cũng là “mười điều ác” () được nhà Đường quy định trong Đường luật sơ nghĩa: Tội chết không thể xin, không thể giảm nhẹ, sau khi vào ngục, gặp dịp đại xá cũng không được hưởng ân xá.

Tóm lại, dưới thời Lê Sơ, quý tộc phong tước được hưởng các mức độ đặc quyền khác nhau, được bắt nguồn từ các vị trí của họ trong hệ thống đạo đức xã hội. Những đặc quyền này được sự bảo trợ của nhà nước mà cụ thể là Quốc triều hình luật đã tạo ra một đặc quyền pháp lý với quý tộc được phong tước mà kể cả khi phạm pháp (trừ nhóm tội “thập ác”), họ cũng rất khó bị trừng trị bởi pháp luật đương thời.

PHẠM HOÀNG MẠNH HÀ

Tài liệu tham khảo

1.明代臣僚封爵制度略, (开大学 历史学院 , 天津 300071) - Tào Tuân, Sơ luận về chế độ phong tước quan thần thời Minh, Học viện Lịch sử, Đại học Nam Khai, NXB Khoa học Xã hội, 2011, trang 46-52.

2.唐代封爵贵族的法律特权探析, 纪平 - Hồ Kỷ Bình, Phân tích các đặc quyền pháp luật của quý tộc phong tước thời Đường, Viện Luật học, Đại học Dân tộc Trung Nam, Vũ Hán - Hồ Bắc) Tạp chí Khoa học Xã hội Hồ Bắc, 2002, trang 68-69.

3.Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên (1272 - 1697), Đại Việt Sử ký toàn thư, Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam dịch (1985 - 1992), Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993 (phiên bản điện tử của tác giả).

4.Nguyễn Minh Tường (2015), Tổ chức bộ máy nhà nước quân chủ Việt Nam (từ năm 939 đến năm 1884), Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội.

5.Viện nghiên cứu Hán - Nôm (2006), Quốc hình triều luật, trong cuốn Một số văn bản điển chế và pháp luật Việt Nam, Tập I: Từ thế kỷ XV đến XVIII, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội.

6. Viện nghiên cứu Hán - Nôm (2006), Thiên Nam dư hạ tập, trong cuốn Một số văn bản điển chế và pháp luật Việt Nam, Tập I: Từ thế kỷ XV đến XVIII, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội.

Từ khóa » Sự Quý Tộc