Đối Chọi Nhất Với Quý Tộc Không Phải Cùng đinh Mà Là Giàu Xổi!
Có thể bạn quan tâm
Trước một vũ trường ở Bắc Kinh (Trung Quốc) - Ảnh: vice.com
Có một trò chơi hoàn toàn mang tính học thuật giữa các nhà từ điển học: tìm cặp từ trái nghĩa, chẳng hạn đen-trắng, tròn-méo...
Một ngày đẹp trời, họ bàn đến từ "quý tộc" và ngạc nhiên thấy khái niệm đối trọng hay nhất không phải là "cùng đinh", mà là "giàu xổi"!
Góc nhìn lịch sử
Tầng lớp "quý tộc" (Latin: nobilitas) xuất hiện khi trong xã hội loài người xa xưa hình thành một hạng người có trọng lượng chính trị đặc biệt.
Trái với cách hiểu phiến diện thời nay, quý tộc không mặc định phải giàu có, thậm chí nhiều người cũng sớm tối ra đồng như các nông dân khác, song họ leo lên ghế cao không phải nhờ gươm giáo như giới võ biền, mà do có tài năng, phông giáo dục hoặc đôi khi từ nguồn gốc và tôn giáo.
Hôm nay, giới quý tộc đã biến mất cùng thể chế quân chủ và quân chủ lập hiến châu Âu, cũng như sau làn sóng cách mạng ở các nước của phe xã hội chủ nghĩa cũ, có sót lại chút nào thì cũng không còn được nhận dạng như một tầng lớp xã hội, ít nhất là không còn trọng lượng chính trị như trước nữa, chẳng hạn ở Anh, Bắc Ireland, Oman, Campuchia...
Trò chơi khăm của lịch sử đã tạo ra một lớp "quý tộc" mới, tuy dùng ngữ nghĩa của thời xưa song lại nhồi vào đó những nội dung mới mẻ.
Trong khi huyền thoại về con đường thành công ở Hoa Kỳ được tóm gọn khá tích cực trong câu "từ rửa chén lên triệu phú" và không hẳn trùng khớp với nouveau riche (để phân biệt với old money), thì khái niệm giàu xổi ít nhiều có hàm nghĩa ít thân thiện về những ai vì trăm lý do khác nhau mà leo nhanh lên bậc thang tài chính, song không kéo được trình văn hóa lên theo.
Dân gian vẫn có câu "giàu và sang là hai chuyện khác nhau" để thể hiện cách nhìn dân dã mà rất chính xác về nhóm giàu xổi này, đại khái là vào nhà hàng 5 sao nhưng vẫn vô tư đeo túi eo-lờ-vi giả da 50 đôla và kiên cường giữ thói quen co chân ngồi xổm lên ghế.
Nổi bật trong giới đó là dân phong lưu mới nổi ở các nước đang phát triển tới ngưỡng cao như Ấn Độ, Nga, Brazil, Trung Quốc...
Ngó qua hàng xóm
Bốn thập kỷ cải cách kinh tế triệt để ở Trung Hoa không chỉ đưa nhiều triệu người khỏi cảnh nghèo đói, mà còn mở toang cánh cửa cho làn gió quốc tế lùa vào thư phòng Khổng Khâu bụi bặm.
Hôm nay, giới trung lưu đông đảo học nhấm nháp ly Latte ở tiệm Starbucks, mua nhẫn kim cương để đính hôn và trang trí cây thông Giáng sinh lấp lánh. Và trong mấy ngày nghỉ phép, họ không chỉ qua Nhật ngắm hoa anh đào hay đi lặn biển Maldives, mà chen vai thích cánh với dân châu Âu cớm nắng: đi du thuyền.
Ở Mỹ và châu Âu, lịch sử con đường vượt đại dương bắt đầu từ năm 1840, với những chiếc tàu hơi nước cỡ lớn đưa đến vùng đất lạ. Những hành khách ngày ấy bỏ xứ ra đi, chủ yếu chen chúc cả chục người mỗi phòng dưới tầng hầm không cửa sổ.
Khi máy bay chiếm ưu thế, các công ty tàu biển biến tàu thương mại thành du thuyền xa xỉ, nơi du khách có thể lênh đênh từ vài tuần đến vài tháng qua mấy châu lục. Trên tàu có bể bơi, phòng tranh nghệ thuật, sân bóng, sòng bạc, nhà hát... như một thành phố nổi.
Về mặt này, Trung Quốc chậm chân hơn vài chục năm, bù lại thì đất nước tỉ dân dường như là thị trường vô tận. Từ cảng nước sâu Trường Giang, họ đi đến Nhật, Đài Loan, Việt Nam...
Khởi đầu với 58.000 khách năm 2008, năm qua số người đi du thuyền đã tăng bốn chục lần, đạt con số 2,4 triệu và chi khoảng 3 tỉ USD cho thú vui mới mẻ này. Châu Âu hay Mỹ chỉ có thể nằm mơ tới chỉ số phát triển tương tự.
Các cường quốc du thuyền như Đức, Mỹ, Na Uy đã đặt văn phòng đại diện và có những con tàu chỉ chở khách Trung Quốc. Điểm đặc biệt là người Trung Quốc hay đi nghỉ cả gia đình ba thế hệ, khi con cái họ có thu nhập cao đem theo cả cha mẹ lẫn cháu chắt.
Cảnh 4.000 khách từ 2.000 cabin trên 18 tầng cùng lúc ập vào phòng ăn tự chọn có lẽ đỡ phải miêu tả, nhưng chuyện đó thuộc vào một trang khác.
Không chỉ trên các tàu viễn du, thế giới bán lẻ hàng xa xỉ nói chung cũng đã từ lâu "đánh hơi" được nhóm quý tộc đời mới từ Trung Quốc và Nga. Trung Quốc thuộc về những nước vượt qua hậu quả cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu 2008-2009 nhanh nhất, do đó cũng là nhóm khách hàng được chú trọng nhất đối với thị trường đồng hồ, đồ da và trang sức cao cấp.
Riêng năm 2010 cho thấy mức tăng trưởng 14% của thị trường này để đạt doanh số kỷ lục 172 tỉ euro, trong đó thị phần cho khách Trung Quốc trong cùng thời gian tăng 25%. Không có gì lạ, khi ở đất nước này các tỉ phú USD có mức tuổi trẻ thứ hai thế giới là 50 (Nga: 49, theo Forbes). Để so sánh với "bà đầm gia" châu Âu nhăn nheo: tỉ phú Pháp có tuổi bình quân là 74.
Qua mặt Nhận Bản
Có lẽ nên nhìn ngược lại chiều lịch sử. Tờ New York Times ngày 15-9-2011 đã tiên đoán: "Thoạt tiên Paris rơi vào tay người Mỹ, sau đó là người Nhật, rồi đến người Nga. Nhưng người Trung Quốc đang xuất hiện".
Đúng thế, con người ưa đồ xa xỉ và người Trung Quốc cũng không là ngoại lệ. Nghiên cứu của Tổ chức kiểm toán quốc tế KPMG và của Ngân hàng Hongkong and Shanghai Banking Corporation (HSBC) cho thấy nhà giàu Trung Quốc từ năm 2011 được coi là nhóm khách hàng lớn nhất cho xa xỉ phẩm, thế chỗ người Nhật vốn sùng hàng hiệu nhất toàn cầu.
Về nguyên tắc, sự ham hố đồ xa xỉ đi ngược với truyền thống căn cơ vẫn được xã hội Trung Quốc nêu cao. Trong xã hội từng bị khép kín, tiết kiệm là một đạo đức truyền thống của người nghèo ở vùng nông thôn, tức là của đại đa số.
Ngược lại, người giàu và quyền thế có quyền sống xa hoa không cần che đậy. Từ khi có kinh tế thị trường, người Trung Quốc bao đời chịu nghèo đói đã lao theo tiếng gọi của đồng tiền như chưa từng thấy ở nơi khác và thời đại khác.
Cuộc săn đuổi giá trị vật chất đã trở thành giá trị định hướng của giới giàu xổi, phe thắng cuộc ở nền kinh tế mới, trong khi cuộc sống của đa số người nông thôn không mấy được cải thiện. Lối sống tôn thờ vật chất từ phương Tây từng bị tẩy chay, nay trở thành biểu tượng thành đạt!
Sạp báo chất đầy những tạp chí về thời trang và lối sống, điện ảnh và truyền hình xiển dương phong cách của các ngôi sao, những ngày lễ lạ hoắc từ phương Tây được du nhập chỉ để bán thêm những hàng hóa chẳng ai cần.
Người Nhật đã qua thời kỳ quá độ ấy, nay nhếch mép cười thứ văn hóa do chính họ xuất khẩu, đủ sức thống trị vài thế hệ. Quan điểm của Karl Marx về phương thức sản xuất bị lẳng lặng mở rộng thêm: nếu hỏi đám người giàu xổi ở các xã hội của thời chuyển đổi thì nay có một giai cấp trong xã hội không được định nghĩa bởi sản xuất nữa, mà thông qua hành xử tiêu thụ.
Văn hóa hàng hóa tiêu dùng có nguồn gốc từ những ngày đầu của chủ nghĩa tư bản. Trong tác phẩm Xa xỉ và chủ nghĩa tư bản (Luxus und Kapitalismus), nhà xã hội học Đức Werner Sombart miêu tả cách tầng lớp nhà giàu ngày đó hủy hoại cơ cấu xã hội truyền thống thông qua tiêu thụ xa xỉ phẩm và đặt mình vào vị thế giai cấp thượng lưu.
Sara Jane Ho, người sáng lập Viện Sarita - Ảnh: onmogul.com
Người giàu xổi còn làm gì nữa?
Một khi có đủ tài lực khấm khá trong tay, lớp "quý tộc" mới sẽ nâng mức lobby chính trường lên một nấc và lấn sân sang chính trị để làm hậu thuẫn cho cỗ máy in tiền của mình. Và như ở mọi nền kinh tế trên Trái đất này, đất đai luôn là một tài sản mang tính quyết định.
Bạc Hi Lai đi con đường ấy. Nhiều quan tham khác của Trung Quốc cũng tậu bất động sản tiền triệu ở nước ngoài, dù luật pháp Trung Quốc chỉ cho phép chuyển ra nước ngoài tối đa mỗi năm 5 vạn USD.
Biệt thự, đồi nho, siêu thị, khu nghỉ dưỡng của đám giàu xổi bất chính ấy rải rác khắp châu Âu, Úc, Bắc Mỹ. Tăng Vĩ, con trai nguyên ủy viên Bộ Chính trị Tăng Khánh Hồng, mua hồi năm 2008 một ngôi nhà cổ ở ngoại ô Sydney với giá 32,4 triệu đôla Úc, theo tin của báo Sydney Morning Herald (tháng 4-2010). Chỉ khi kế hoạch tu sửa giá 5 triệu đôla không được cấp phép thì sự việc mới lộ ra.
Nike là nại khắc, và những nan đề khác của lớp quý tộc mới
16.000 USD là mức học phí cho khóa học hai tuần ở Viện Sarita (Bắc Kinh) để truy lĩnh vài nét văn minh, mà nhà giàu xổi không được tiếp nhận từ sữa mẹ.
Ở đó, họ học cách ăn hàu bằng nĩa, rót vang vào ly, gọi thứ nước đường có gas màu nâu là Coca-Cola, chứ không phải Khả Khẩu Khả Lạc, hay Nại Khắc nên đọc là Nike thì mới mua được giày ở Mỹ. Sara Jane Ho, người sáng lập viện, kể lại: "16.000 USD là số tiền không nhỏ, nhưng học viên chỗ tôi không hề kêu ca, họ mặc những cái áo lông có giá gấp ba như thế".
Bà giám đốc trẻ rất tâm đắc rằng đa số học viên là phụ nữ tuổi trên 40 và thành đạt trong nền kinh tế phát triển chóng mặt. Đối với họ, sự chuyển biến trong xã hội là một cơn sốc văn hóa không nhỏ.
"Phụ nữ giàu xổi có vai trò vợ, mẹ, thương nhân trong một xã hội phát triển năng động. Họ không biết quy định, định hướng hay tấm gương nào. Những gì học viên của tôi muốn là được cầm tay chỉ việc, là một Khổng Tử mới. Nhiều người trong số họ sẽ di cư ra nước ngoài và muốn con cái họ lớn lên trong một thế giới lành mạnh hơn".
Viện Sarita đóng ở một khách sạn 5 sao và hứa hẹn trang bị cho đám học viên quý tộc của mình một số kỹ năng khả dĩ bớt run rẩy khi bước ra thế giới đầy cạm bẫy bên ngoài.
Với khoản học phí khủng ấy, học viên được học về trang phục khi đi làm và khi dự dạ hội, phân biệt các loại rượu vang, biết nhận xét về môn đánh golf và polo, uống trà kiểu Anh, cắm hoa, nói chuyện xã giao với các đối tác của chồng...
Nhiều người xin học sau khi bị lúng túng tại một buổi tiệc vì không biết ăn ốc sên ra sao. Martin Whyte, nhà xã hội học ở Trường đại học Harvard, so sánh lớp giàu xổi ở Trung Quốc với người Mỹ thế kỷ 19: "Họ muốn chứng tỏ cho thế giới biết họ không phải là những kẻ mới ngoi lên ghế trên và có lắm tiền, mà cũng biết thế nào là văn minh và lịch sự".
Gì thì cũng là quãng đường gập ghềnh để giàu, rồi từ giàu đến sang.
Con nhà giàu Trung Quốc rèn giũa làm 'quý tộc'TTO - Ngoại ngữ, nghệ thuật, quy tắc ăn uống, ứng xử… là những điều mà trẻ em nhà giàu Trung Quốc được cha mẹ cho học từ trước năm lên 10 tuổi để mau chóng trở thành những 'công dân quốc tế ưu tú', theo Hãng tin AFP.
Từ khóa » Sự Quý Tộc
-
Giới Quý Tộc – Wikipedia Tiếng Việt
-
Quý Tộc Anh – Wikipedia Tiếng Việt
-
Sự Cao Quý Của Người Châu Âu :: Suy Ngẫm & Tự Vấn
-
Tản Mạn Về “tinh Thần Quý Tộc” Thời Nay - Công An Nhân Dân
-
Phẩm Chất Quý Tộc? Điều Gì Làm Nên “sự Quý Tộc” Của Những Người ...
-
[Thông điệp Từ Lịch Sử] Quý Tộc Nhà Trần Với Vương Triều
-
Sự Lãng Mạn Của Hậu Duệ Quý Tộc | Tiki
-
Mê Mẩn Bản Live Da Diết Tâm Sự Cùng Người Lạ Của Miêu Quý Tộc
-
[PDF] Thế Nào Là Tầng Lớp Tinh Hoa, Quý Tộc?
-
Chính Thể Cộng Hòa Quý Tộc Là Gì ? Tìm Hiểu Về ... - Luật Minh Khuê
-
Đặc Quyền Pháp Luật Của Quý Tộc Thời Lê Sơ Qua Quốc Triều Hình Luật
-
Bình Tĩnh Tạo Nên Sự Quý Tộc - Home | Facebook
-
Tầng Lớp Quý Tộc - CafeF