Đặc Sản Đường Thốt Nốt

Đường Thốt nốt - loại đường đặc sản được nấu từ mật hoa và quả của cây thốt nốt nổi tiếng của vùng đồng bào Khmer ở huyện Tịnh Biên tỉnh An Giang đang vào vụ. Vụ thốt nốt ở đây được tính từ tháng 10 âm lịch năm này đến Hội Vía Bà của An Giang – tức là đến tháng Tư âm lịch năm sau. Cây thốt nốt gắn liền với cuộc sống của bà con Khmer. Hầu như gia đình người Khmer nào cũng có từ vài cây đến vài chục cây thốt nốt. Khách du lịch qua đây đều mua ít đường thốt nốt về làm quà.

alt

Cây thốt nốt có dáng dấp của cây dừa, cũng mang dáng dấp của cây cọ. Quả thốt nốt trông cũng tương tự quả dừa nhưng chỉ nhỏ bằng một phần tư hay một phần năm quả dừa. Thốt nốt gắn liền với mỗi gia đình đồng bào dân tộc Khmer, tập trung nhiều ở tỉnh An Giang và Kiên Giang. Thốt nốt được thị trường biết đến với đặc sản đường thốt nốt thơm mát dùng để nấu chè hoặc chế biến các món ăn. Cùi và nước của trái thốt nốt là món giải khát hấp dẫn của vùng đất nhiều nắng gió này. Quả thốt nốt gần giống quả dừa và cùi thốt nốt cũng gần giống với cùi dừa non, mỗi quả thốt nốt thường có ba múi, mỗi múi to gấp hai hay ba lần múi mít, trắng ngần, mềm, ngọt mát và thơm hơn cùi dừa non.

Trong vùng trồng cây đặc sản thốt nốt huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, dọc bên đường thường có những hàng thốt nốt đầy sức sống với những tàu lá màu xanh thẫm, vươn cao nổi bật trên nền trời xanh và nắng vàng, cạnh những hàng thốt nốt là những quán giải khát thốt nốt ướp lạnh, thoáng đãng, mát rượi dẫu đang trưa hè, quán nào cũng giăng võng để khách có thể nghỉ ngơi thưởng thức nước và cùi thốt nốt ướp lạnh. Chỉ cần ghé vào quán, nhìn dãy võng mắc san sát, giăng thành hàng thẳng tắp trong khoảng sân rộng rãi sạch sẽ du khách đã cảm nhận được sự thảnh thơi, dễ chịu. Rồi sau đó, thưởng thức một cốc thốt nốt ướp lạnh thì những mệt mỏi, nóng bức sau mỗi chặng đường rong ruổi trưa hè sẽ nhanh chóng tan biến.

Cây thốt nốt là cây mang tính truyền thống, gắn bó với mỗi gia đình đồng bào Khmer, Đường Thốt nốt - một nguồn thu nhập của đồng bào Khmer cũng là đặc sản của toàn vùng. Để đặc sản thốt nốt An Giang được nhiều người biết đến, có thể đem lại lợi ích kinh tế cao hơn cho người dân cần phải tổ chức sản xuất ở quy mô lớn hơn, có bài bản hơn, cũng như cần có được thương hiệu đặc sản của đường thốt nốt An Giang. Tức là phải biến việc sản xuất thủ công, nhỏ lẻ phục vụ khách vãng lai là chủ yếu hiện nay sang cách làm ăn tập trung hơn với quy mô lớn hơn. Nếu phát triển được loại cây đặc sản này trong vùng, thành nơi sản xuất hàng hóa, thì bà con Khmer sẽ có điều thiện nâng cao hơn thu nhập. Cùng đó đặc sản đường thốt nốt sẽ đến được nhiều thị trường hơn, nhất là thị trường nước ngoài.

Nguồn:

Lý Thái Phương, Đặc sản đường Thốt nốt và tiềm năng sản xuất hàng hóa,

Đài tiếng nói Việt Nam online, http://vov.vn/Home/Dac-san-duong-Thot-not

Từ khóa » đặc Sản An Giang đường Thốt Nốt