Đặc Trưng Mỹ Cảm Ấn Độ Qua Thủ Pháp So Sánh Nhân Vật Anh Hùng ...
Có thể bạn quan tâm
Trong sử thi, nhân vật anh hùng là yếu tố trung tâm của thế giới nghệ thuật sử thi, tiêu biểu cho tinh thần, tài năng, lòng dũng cảm và trí tuệ của cộng đồng. Trong đó, hành động là hình thức tồn tại, là thước đo những giá trị cơ bản của nhân vật anh hùng. Khi miêu tả vẻ đẹp đặc trưng của nhân vật anh hùng, tác giả sử thi đã khắc họa thông qua thủ pháp nghệ thuật so sánh để góp phần phóng đại và thần bí hóa nhân vật anh hùng, mang màu sắc chủ quan, thiên về cảm nhận và ấn tượng. So sánh là biện pháp quen thuộc được dùng phổ biến trong đời sống và trong văn học nghệ thuật nhằm nhận thức sự vật, hiện tượng một cách cụ thể, sâu sắc hơn. So sánh là “một phương thức chuyển nghĩa (tu từ), một biện pháp nghệ thuật trong đó việc biểu đạt bằng ngôn ngữ hình tượng được thực hiện trên cơ sở đối chiếu và tìm ra những dấu hiệu tương đồng nhằm làm nổi bật thuộc tính, đặc điểm của sự vật hoặc hiện tượng này qua thuộc tính, đặc điểm của sự vật hoặc hiện tượng khác” (1).
Trong tư duy của người Ấn Độ, mỗi sự vật, hiện tượng đều có hình dáng hữu thể và hình dáng vô thể hay hình dáng nhìn thấy và hình dáng cảm thấy. Khi tiếp cận với sự vật, hiện tượng nếu chỉ bằng giác quan thì đó mới chỉ là sự tiếp cận với hình dáng bề ngoài mà không phải là bản chất và có thể thay đổi. Vì vậy, khi tiếp cận cần có cái nhìn của cái tâm. Người Ấn Độ cho rằng phép so sánh cần phải dựa vào hai tiền đề là: những quy tắc, trật tự của tự nhiên và những đặc điểm về hình dáng, tính chất của sự vật, hiện tượng thông qua trường liên tưởng của thế giới cảm nhận và ấn tượng. Do vậy, thủ pháp so sánh là thủ pháp quen thuộc của người Ấn Độ, góp phần phóng đại và thần bí hóa nhân vật anh hùng, mang màu sắc chủ quan, thiên về cảm nhận và ấn tượng.
Thiết lập một phép so sánh trong tác phẩm đòi hỏi người kể chuyện phải hiểu sâu sắc, cảm nhận tinh tế, phải sống bằng cái hồn của tự nhiên, hòa nhập và rung động thực sự mới chọn được những chất liệu của đối thể so sánh có giá trị gợi hình, gợi cảm, tưởng tượng và mang tính quan niệm đặc thù của dân tộc. Chất liệu của sự so sánh thường được lựa chọn trong thế giới tự nhiên. Người kể chuyện đã lựa chọn đối thể phù hợp với tính chất, trạng thái cần làm nổi bật. Phép so sánh được sử dụng trong sử thi Ramayana nói riêng và sử thi Ấn Độ nói chung là kết quả của sự kết hợp nhuần nhị giữa biện pháp nghệ thuật và yếu tố tôn giáo. Qua nguồn sáng nội tâm của người kể chuyện, sự tương đồng của nhân vật anh hùng với các đối thể so sánh đã được thể hiện. Trong sử thi Ramayana những thứ ấy là thứ chất liệu thấm đẫm cảm quan đạo đức tôn giáo Ấn Độ.
Trong sử thi Ramayana, người kể chuyện dùng những hiện tượng tự nhiên làm đối tượng để so sánh với các nhân vật anh hùng. Sức mạnh, tầm vóc, chiều kích của người anh hùng được phóng đại, nâng lên vô hạn qua kiểu so sánh này. Với quan niệm con người là một bộ phận của tự nhiên, các tác giả sử thi thế giới đã tái tạo được hơi thở, sức sống cho hình tượng nhân vật anh hùng, so sánh con người với các hiện tượng của tự nhiên như mây mưa, sấm chớp, gió bão, núi non, sông biển, mặt trăng, mặt trời, ngôi sao, hoa sen, lửa,… Trong sự tương đồng mang tính lịch sử trong tư duy nghệ thuật, tác giả sử thi Ramayana cũng đã so sánh sức mạnh, khí thế,… của người anh hùng với các hiện tượng tự nhiên, thể hiện được những nét đặc thù trong quan niệm, tư duy nghệ thuật Ấn Độ.
So sánh người anh hùng với mây mưa - sấm chớp - gió bão
Trong các sử thi trên thế giới, sức mạnh, tầm vóc và khả năng sử dụng vũ khí của người anh hùng cũng thường được so sánh với các hiện tượng của tự nhiên. Nằm trong điểm tương đồng ấy, sử thi Ramayana cũng được người kể so sánh sức mạnh của người anh hùng với các hình ảnh gió, bão. Hành động trong giao đấu của người anh hùng với kẻ thù trên chiến trận trong Ramayana được so sánh với hiện tượng mây, mưa, sấm chớp, gió bão, sét… “Chàng vừa bay lên cao, cây cối ở hai bên đã bị nhổ bật gốc. Chàng vẫn bay qua bầu trời như vũ bão cuốn theo cùng chàng các cây đó” (2). Tiếng gầm thét oai hùng đầy uy lực của người anh hùng cũng được so sánh với những âm thanh của các hiện tượng thiên nhiên như tiếng “sấm động đêm mưa”, “tiếng sét đánh”.
Trong sử thi Ramayana, vũ khí của người anh hùng cũng như khả năng sử dụng vũ khí của người anh hùng được diễn tả rất đa dạng. Trong đó xuất hiện nhiều nhất là hình ảnh so sánh vũ khí của người anh hùng với sấm sét, những mũi tên như “lóe chớp” và “ghê gớm như sao chổi và làm lóe mắt như làn sét” (3). Bên cạnh vẻ đẹp sức mạnh của người anh hùng được so sánh với các hiện tượng tự nhiên, thì vẻ đẹp thánh thiện của người nữ anh hùng Xita cũng được nhiều lần so sánh với hình ảnh những “tia chớp” rực sáng trên bầu trời.
Sử thi Ramayana dựa trên tính chất của hai sự vật trong mối quan hệ tương tác đã so sánh người anh hùng với các hiện tượng của tự nhiên, làm nổi bật sức mạnh, khí thế của người anh hùng, khắc họa hình ảnh người anh hùng mang chiều kích của vũ trụ.
So sánh người anh hùng với núi non - sông biển
So sánh sức mạnh, tư thế vững chãi của người anh hùng với đại dương, với núi đã thể hiện một thái độ ngưỡng mộ đối với tài năng, sức mạnh của người anh hùng. Qua lời thoại của Xita, vẻ đẹp và sức mạnh của người anh hùng được sánh ngang với núi, đại dương.
So sánh người anh hùng với núi để bộc lộ sức mạnh phi thường nhưng đồng thời cũng thể hiện được những nét điển hình, đặc sắc của vùng miền nhiệt đới với những tài nguyên khoáng sản đa dạng, phong phú: “Cũng như núi Hymalaya là quê hương của mọi thứ khoáng sản, y cũng là nơi hội tụ của mọi đức tính tốt” (4). Hình ảnh người anh hùng bị thương nhưng vẫn mang vóc dáng oai phong, vững vàng “chẳng khác núi Hymalaya bị tuyết mây bao phủ”. Bên cạnh đó, vẻ đẹp sức mạnh, tài năng của người anh hùng được so sánh với núi trong tư thế được đặt giữa những ngọn núi hùng vĩ khác, càng làm nổi bật lên hình ảnh người anh hùng.
Bên cạnh việc so sánh người anh hùng với núi non, sông biển để thể hiện sức mạnh, tài năng của người anh hùng mang tầm vóc vũ trụ. Kẻ thù của người anh hùng cũng được so sánh với núi, đại dương. Phép so sánh này gợi cảm giác choáng ngợp, hãi hùng trước hai hiện tượng tự nhiên đều dữ dội, có sức mạnh như nhau. Từ đó, chiến thắng mà người anh hùng giành được càng trở nên vinh quang, chói lọi hơn.
Không chỉ so sánh từ hình dáng bên ngoài của sự vật, mà trong sử thi còn so sánh cảm nhận từ những tính chất giống nhau ở bên trong của sự vật, thể hiện sự ngưỡng mộ chân thành những chiến tích mà người anh hùng giành được. Sức mạnh của kẻ thù càng lớn thì chiến tích người anh hùng giành được càng trở nên chói lọi, vinh quang. Sử thi Ramayana không chỉ chú ý sự giống nhau ở hình thức bề ngoài mà còn đặc biệt chú trọng sự giống nhau ở những cảm nhận trước các sự vật được đưa ra so sánh. Sức mạnh, khí thế, vóc dáng và tình cảm của con người được đặt trong mối tương quan với vũ trụ là nét đặc trưng của nhân vật anh hùng trong thời đại sử thi.
So sánh người anh hùng với mặt trời - mặt trăng - ngôi sao
Sử dụng các vật thể của vũ trụ để so sánh với hình ảnh người anh hùng, tác giả sử thi muốn nâng người anh hùng lên một tầm cao kỳ vĩ với vẻ đẹp siêu thoát, thánh thiện, làm cho những vật thể vô tri, vô giác kia trở nên có hồn. Hình ảnh mặt trời sáng chói được sử dụng với tần suất cao để so sánh với sức mạnh và vẻ đẹp của người anh hùng. Sức mạnh của người anh hùng được so sánh với tính chất đặc trưng của sự vật được so sánh như sức nóng của ánh sáng mặt trời “tỏa sáng với cường lực của họ như mặt trời sáng rực” (5). Trong trận giao tranh, các động tác, hành động dũng mãnh của người anh hùng cũng được so sánh với tính chất của sự vật được so sánh: “chàng sáng rực như mặt trời” (6). Cơn thịnh nộ của người anh hùng được so sánh với sự gay gắt, nóng bỏng của mặt trời lúc chính trưa: “Trong cơn giận dữ, chàng như mặt trời chính trưa mà không ai nhìn nổi” (7).
Trong Ramayana vẻ đẹp của người nữ anh hùng Xita cũng thường được so sánh với hình ảnh mặt trăng. Mặt trăng trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp thánh thiện, trong sáng của nhân vật Xita. Đặc biệt, tác giả sử thi chú ý tới hình ảnh “vầng trăng tròn” và sử dụng hình ảnh này để so sánh với khuôn mặt “không tì vết” của người đẹp Xita. Cách so sánh này càng làm nổi bật phẩm chất trong sáng, đức hạnh của người con gái được toát lên ngay từ khuôn mặt.
So sánh người anh hùng với hoa sen
Hoa sen trong văn hóa Ấn Độ mang một ý nghĩa đặc biệt. Hoa sen trở thành biểu tượng của sức mạnh, sự linh thiêng và cao thượng. Với người Ấn Độ, loài hoa này tượng trưng cho sự sinh ra từ bóng tối và bừng nở ngoài ánh sáng. Hoa sen là một sự thăng hoa về mặt tinh thần. Hình ảnh hoa sen đã gắn liền với Hinđu giáo. Ngay trong thần thoại thời kỳ Vê đa, hình ảnh hoa sen đã gắn liền với hình ảnh của vị thần Vishnu. Vị thần Bảo hộ nằm nghỉ trên mình con rắn thần Sesa bồng bềnh trên mặt biển Ananta (vô biên). Từ rốn của thần mọc ra một bông sen: Đấng sáng tạo Brahma vị thần bốn mặt ra đời từ đó.
Hình ảnh hoa sen gắn liền với Đức phật từ bi. Hình ảnh bông sen vàng ngàn cánh, mở rộng nơi Đức Phật ngồi tọa thiền, tượng trưng cho tiềm năng trí tuệ linh thánh của con người bừng nở. Mỗi cánh hoa sen tượng trưng cho một cánh cửa mở vào lòng vũ trụ. Đạo Phật coi hoa sen là biểu tượng cho sự thanh cao, tinh khiết. Hình ảnh hoa sen trong sử thi Ấn Độ được sử dụng như một hình ảnh ước lệ, tượng trưng để miêu tả vẻ đẹp của người anh hùng. Đặc biệt, hình ảnh hoa sen được sử dụng để so sánh với mắt của người anh hùng. Sự so sánh này gắn liền với ý nghĩa tôn giáo và mang nặng sắc thái tâm linh.
Trong sử thi Mahabaharata, hình ảnh hoa sen được sử dụng để so sánh với mắt của người anh hùng “Krishna - vị thần mắt bông sen”, “Nakula mắt như hoa sen”…
Trong Ramayana, 42 phép so sánh “hoa sen”, “bông sen” với vẻ đẹp thánh thiện của người anh hùng đã được sử dụng. Trong đó, hình ảnh đôi mắt của người anh hùng thường được so sánh với hình ảnh “hoa sen”, “bông sen”. Cách so sánh dựa trên sự liên tưởng tương đồng giữa hai sự vật, gợi lên sự liên tưởng về vẻ đẹp trong sáng, thuần khiết của người anh hùng: “Một hảo hán mắt bông sen và có nước da xanh, đó là Rama” (8). Tâm trạng phấn chấn, tràn đầy hào khí của người anh hùng cũng được so sánh với hình ảnh của hoa sen mới nở vào buổi sáng mai, một vẻ đẹp tinh khiết và trong sáng. Hoa sen là biểu tượng của năng lực sinh hóa trong thiên nhiên, nhờ vào lửa và nước, tức vật chất và tinh thần. Nó còn là biểu tượng của sự phì nhiêu và tốc độ sinh trưởng chẳng khác “một bông sen to lớn nở ra trong ánh mặt trời mùa thu” (9).
Hình ảnh của “bông sen”, “ngát hương sen”… được xem như biểu tượng mang ý nghĩa đạo đức và so sánh với vẻ đẹp thánh thiện của Xita. Vẻ yếu ớt của người con gái cũng được so sánh với hình ảnh hoa sen trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên giống như “đóa hoa sen bị sương gió dập vùi” (10).
Trong sử thi Ramayana, bằng thủ pháp so sánh nhân vật anh hùng với các sự vật, hiện tượng của tự nhiên, người kể đã xây dựng được hình ảnh người anh hùng có tầm vóc vũ trụ, thể hiện được đặc trưng của mỹ cảm Ấn Độ. Trong đó, tư thế, vóc dáng, sức mạnh và hành động của người anh hùng được đặt ngang hàng với sức mạnh của các hiện tượng tự nhiên, vũ trụ và sánh ngang cùng các thần linh. Cách so sánh này đã xây dựng được tư thế kiêu hãnh của con người trước vạn vật, nâng con người lên tầm kỳ vĩ, tráng lệ. Đồng thời, tạo nên hiệu quả thẩm mỹ đặc trưng mang đậm dấu ấn của dân tộc và tính đặc thù của thời đại (11).
____________________
1. Lại Nguyên Ân, 150 thuật ngữ văn học, Nxb Đại học quốc gia, Hà Nội, 2003, tr. 385.
2, 4, 5, 6, 7, 9, 10. Ramayana II, Phạm Thủy Ba dịch, Nxb Văn học, Hà Nội, 1988, tr. 127, 36, 179, 231, 216, 212, 160.
3, 8. Ramayana III, Phạm Thủy Ba dịch, Nxb Văn học, Hà Nội, 1988, tr.111, 51.
11. Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia (NAFOSTED) trong đề tài mã số 602.04-2020.301.
Tác giả: TS Lê Thị Bích Thủy
Nguồn: Tạp chí VHNT số 461, tháng 5-2021
Từ khóa » đặc điểm Của Sử Thi ấn độ
-
[PPT] Sử Thi Ấn Độ - Phongtauhu
-
Một Vài Nét Về Sử Thi Ấn Độ - TaiLieu.VN
-
Bài Giảng Môn Văn: Đặc Trưng Sử Thi Ấn Độ - Tài Liệu, Ebook, Giáo Trình
-
CHƯƠNG 1: SỬ THI VÀ SỬ THI RAMAYANA CỦA ẤN ĐỘ. - 123doc
-
Sử Thi Ấn Độ - Ngữ Văn - Minh Ly - Thư Viện Giáo án điện Tử
-
Kết Cấu Nghệ Thuật Của Sử Thi Ramayana Ấn Độ, 2013 — Trang 8
-
Sử Thi Ấn Độ PowerPoint Presentation, Free Download - SlideServe
-
So Sánh Sử Thi ấn độ Và Sử Thi Hy Lạp
-
KẾT LUẬN - Văn Học Châu Á 2 - Quê Hương
-
Giáo Lý Dharma - Tinh Thần Ấn Độ Trong Sử Thi Ramayana
-
Giới Thiệu Sách "Đặc Trưng Thi Pháp Nhân Vật Trong Sử Thi Ramayana"
-
Về Quan Niệm Nhân Vật Anh Hùng Trong Sử Thi Ấn Độ Nhìn Từ Góc độ ...
-
[PDF] SỰ TƯƠNG ĐỒNG VÀ KHÁC BIỆT VỀ Ý CHÍ VÀ SỨC MẠNH CỦA ...