Đại Học Đà Nẵng-Tăng Nguồn Thu Từ Khoa Học Công Nghệ để Tái đầu ...

Báo Giáo dục và Thời đại: Đại học Đà Nẵng-Tăng nguồn thu từ khoa học công nghệ để tái đầu tư cho phát triển bền vững

GD&TĐ - 5 năm qua (2016-2020), ĐH Đà Nẵng có nhiều chính sách thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ: đầu tư CSVC phục vụ nghiên cứu Quỹ phát triển KHCN; quy đổi sản phẩm KHCN trong tổng số giờ làm việc của giảng viên, nghiên cứu có địa chỉ.

ĐH Đà Nẵng vừa tổ chức Hội thảo tổng kết “Hoạt động Khoa học công nghệ của ĐH Đà Nẵng: Chặng đường 2016-2020 và Định hướng đến 2030”.

Trong giai đoạn 2016-2020, hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) của ĐH Đà Nẵng có bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện.

Khen thưởng các cá nhân tiêu biểu có

công trình được ứng dụng, chuyển giao 2016-2020

Trong giai đoạn 2016-2020, ĐH Đà Nẵng thực hiện gần 500 đề tài KHCN các cấp, trong đó có 25 đề tài cấp Nhà nước, 134 cấp Bộ, 276 đề tài cấp ĐH Đà Nẵng; 62 đề tài KHCN cấp tỉnh/thành với tổng kinh phí hơn 60 tỷ đồng. Tổng số đề tài KHCN từ địa phương, doanh nghiệp tăng 3 lần so với giai đoạn trước.

Nguồn thu từ các đề tài KHCN theo đặt hàng của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn khoảng hơn 30 tỷ đồng. Tổng kinh phí từ các địa phương, doanh nghiệp tài trợ cho các đề tài, dự án KHCN và phát triển các phòng thí nghiệm giai đoạn 2016-2020 tăng hơn 4 lần so với giai đoạn 2011-2015. Đặc biệt đã có 8 Bằng phát minh sáng chế được đăng ký và cấp bằng chứng nhận sở hữu trí tuệ.

Số công bố khoa học quốc tế tăng gấp 7 lần so với giai đoạn 2011-2015 với gần 1.200 bài báo được đăng trên tạp chí uy tín quốc tế (WoS, Scopus). Hệ thống “QS University Ranking” đánh giá điểm trích dẫn nghiên cứu từ các công trình, bài báo khoa học của ĐH Đà Nẵng thuộc top 3 ĐH hàng đầu Việt Nam.

Tạp chí KHCN của ĐH Đà Nẵng được vào Hệ thống trích dẫn Đông Nam Á (Asean Citation Index-ACI) và được tăng lên mức 1.25 điểm trong 5 Hội đồng Giáo sư (HĐGS) ngành thuộc HĐGS Nhà nước. ACI kết nối hệ thống trích dẫn Quốc gia (National Citation Index-NCI) với các cơ sở dữ liệu khoa học uy tín thế giới (WoS, Scopus).

Khen thưởng các cá nhân tiêu biểu

có công bố khoa học xuất sắc 2016-2020

Nhiều chủ trương, chính sách, quy định KHCN được ĐH Đà Nẵng ban hành và triển khai hiệu quả: Quỹ phát triển KHCN; Quy định tính quy đổi sản phẩm KHCN trong tổng số giờ làm việc của giảng viên; Quy định thi đua, khen thưởng cho các công bố khoa học, khuyến khích công bố quốc tế trên các tạp chí uy tín (đã tăng bình quân 30%/năm). Tính riêng năm 2020 đã vượt 4 lần chỉ tiêu giai đoạn 2016-2020 với hơn 400 bài báo thuộc danh mục WoS và Scopus; Hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học;

Tiềm lực nghiên cứu, hoạt động KHCN được đầu tư, tăng cường. Số lượng cán bộ khoa học, giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên tăng hơn 2 lần. Năng suất công bố quốc tế của mỗi tiến sĩ tăng 3.7 lần. ĐH Đà Nẵng đã thành lập thêm 3 viện nghiên cứu và 10 nhóm nghiên cứu mới theo mô hình nhóm nghiên cứu mạnh. Hiện ĐH Đà Nẵng có 30 nhóm nghiên cứu-giảng dạy lên 30 nhóm.

Tăng cường hợp tác với các địa phương, doanh nghiệp

Nhiều thoả thuận hợp tác với các địa phương, doanh nghiệp được ký kết, triển khai như: Hợp tác với UBND thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025 và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum…

Trong chiến lược phát triển KHCN đến năm 2030, ĐH Đà Nẵng xác định phải chú trọng hài hoà giữa nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, gắn kết phục vụ các địa phương, doanh nghiệp; tích cực hiến kế, tư vấn, phản biện chính sách; đẩy mạnh chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; tăng cường công bố quốc tế trên các tạp chí uy tín (danh mục WoS, Scopus…) tạo thêm nhiều giá trị, sản phẩm KHCN đặc trưng, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn để phục vụ cộng đồng; tăng nguồn thu tài chính phục vụ tái đầu tư và phát triển tiềm lực KHCN.

Nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại

In 386 Đánh giá bài viết: 4.0

Từ khóa » Giới Thiệu Về Báo Giáo Dục Và Thời đại