Đại Tá Cáp Xuân Diệm Và Những Ký ức Trong Tôi - Công An Nhân Dân

Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, người sỹ quan Cảnh sát ấy đã cùng đồng đội trực tiếp tham gia và chỉ đạo điều tra hàng trăm vụ án lớn, góp phần vào sự nghiệp giữ gìn an ninh trật tự ở các đô thành.

Một trong những vụ án hình sự nghiêm trọng nhất mà ông tham gia với cương vị là Ủy viên Thường trực Ban chuyên án và Chủ tịch Hội đồng khám nghiệm hiện trường là vụ ám hại vợ chồng nghệ sĩ nổi tiếng Thanh Nga ở TP Hồ Chí Minh vào đêm 26/11/1978. Hồi ấy, cùng với Đại tá Trần Lung, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự và hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh đã vượt qua muôn vàn khó khăn trong quá trình điều tra và bắt giữ thủ phạm của vụ án này. Người sỹ quan Cảnh sát ấy là Đại tá Cáp Xuân Diệm.

1. Tôi còn nhớ, hồi mới tốt nghiệp khoá 1 Trường Đại học An ninh, về nhận công tác tại Tổng cục Cảnh sát nhân dân, trong một chuyến đi công tác ở các tỉnh phía Nam, tôi có dịp được tiếp xúc với ông. Khi đó, ông đang đảm nhận cương vị Phó Giám đốc, kiêm chỉ huy trưởng lực lượng Cảnh sát Công an TP Hồ Chí Minh.

Công tác đảm bảo an ninh - trật tự ở thành phố mang tên Bác Hồ vào thời điểm này phức tạp vô cùng. Có tuần xảy ra cả chục vụ trọng án nghiêm trọng, gây dư luận xấu. Một trong những vụ trọng án lớn là vụ sát hại vợ chồng nghệ sỹ Thanh Nga. Do vậy để gặp được ông và để nghe ông kể về diễn biến điều tra trong vụ án này vào thời điểm ấy thật khó khăn. Nhưng rồi cuộc gặp của tôi với Đại tá Cáp Xuân Diệm cuối cùng cũng được thực hiện. Trong lần tiếp xúc ấy giờ vẫn hiển hiện trong tôi.

Ông kể: "Kết thúc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 4 cũng là thời điểm kết thúc phần việc của Ban Bảo vệ Đại hội, trong đó tôi là thành viên. Tôi được anh Trần Quốc Hoàn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ lúc bấy giờ gọi lên và giao nhiệm vụ mới. Giữa lúc tôi còn chưa rõ nhiệm vụ gì thì anh Hoàn đã chủ động nói: "Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tình hình an ninh, trật tự ở TP Hồ Chí Minh rất phức tạp. Đồng chí là người đã có nhiều kinh nghiệm chỉ đạo công tác Cảnh sát ở Hà Nội nên lãnh đạo Bộ quyết định cử đồng chí vào làm Phó Giám đốc kiêm Chỉ huy trưởng lực lượng Cảnh sát ở TP Hồ Chí Minh. Địa bàn mới, công việc cũ, nhưng khó khăn phức tạp gấp trăm lần so với ngày ta tiếp quản Hà Nội, tôi tin rằng đồng chí sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao". Nhận nhiệm vụ, tôi vào thành phố, ít lâu sau thì xảy ra vụ ám hại vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga.

Vụ án xảy ra chẳng những gây chấn động dư luận trong thành phố mà còn gây dư luận xấu trong cả nước và nước ngoài. Ngay sau khi vụ án xảy ra, sáng hôm sau nhiều tờ báo, hãng thông tin nước ngoài đã đưa tin về vụ án này. Điều đó cho thấy dư âm của vụ án đến mức nào?. Đêm đó, sau khi nghe điện thoại báo vợ chồng nghệ sỹ Thanh Nga bị ám hại trước cửa nhà riêng tại 114 đường Ngô Tùng Châu, quận I, thành phố Hồ Chí Minh, chỉ sau 15 phút, tôi đã có mặt để trực tiếp chỉ đạo công tác khám nghiệm hiện trường và thực hiện các công việc cần thiết phục vụ công tác điều tra. Thời điểm này rất nhạy cảm, vì vụ án xảy ra đúng vào thời điểm Việt Nam đang gặp nhiều bất lợi trong các mối quan hệ quốc tế; hơn nữa trước đó ở địa bàn thành phố đã xảy ra vụ bắt cóc con trai nghệ sỹ Kim Cương. Tình hình trên đặt trước lực lượng Công an nhân dân nói chung và các cán bộ, chiến sĩ Công an Thành phố Hồ Chí Minh tham gia điều tra, khám phá vụ án này những nhiệm vụ rất nặng nề.

Ngay sau đó, Ban chuyên án được thành lập do một đồng chí lãnh đạo Bộ làm Trưởng ban, còn tôi là Ủy viên Thường trực, kiêm Chủ tịch Hội đồng khám nghiệm. Sau khi khám nghiệm hiện trường xong, Ban chuyên án và Hội đồng khám nghiệm tổng hợp, sơ bộ đánh giá và báo cáo với Thường vụ Thành ủy để xin chỉ thị. Lần đầu tiên, Thường vụ Thành ủy mà chủ yếu là đồng chí Võ Văn Kiệt, lúc đó là Bí thư Thành ủy đã dành thời giờ nghe trực tiếp vụ án, cho ý kiến chỉ đạo, càng thấy tính chất nghiêm trọng của vụ án trong bối cảnh chính trị lúc đó hết sức phức tạp.

Đồng chí Võ Văn Kiệt sau khi nghe chúng tôi báo cáo đã khẳng định: "Đây không phải đơn thuần Thanh Nga là một nghệ sĩ nổi tiếng mà đây là một vụ án gây ảnh hưởng xấu về chính trị, gây xúc động về tình cảm trong nhân dân, nên yêu cầu ngành Công an phải tập trung chỉ đạo, tập trung lực lượng bắt cho được đối tượng để đưa ra xét xử nghiêm minh, kịp thời. Còn hai hay ba khả năng là căn cứ vào tình hình thực tế của vụ án và đó là về mặt nghiệp vụ thuộc quyền lãnh đạo của Sở Công an, trách nhiệm của Công an phải làm".

Theo Đại tá Cáp Xuân Diệm thì vụ án đã có lúc tưởng rơi vào thế câu dầm bế tắc, nhưng với quyết tâm truy tìm thủ phạm, Ban chỉ đạo chuyên án đã quyết định tổ chức dựng lại hiện trường. Khi dựng lại hiện trường, Ban chỉ đạo chuyên án nhận định: Nhiều khả năng thủ phạm định bắt cóc con Thanh Nga tống tiền song không thành nên giết bố mẹ để tẩu thoát. Từ nhận định này, Ban chuyên án tổ chức một mũi nhọn đi tìm thủ phạm nhằm vào các băng nhóm chuyên hoạt động bắt cóc tống tiền đang hoạt động ở thành phố, đặc biệt là những đối tượng nguyên là những tù hình sự bị bắt giữ từ thời nguỵ quyền Sài Gòn giam giữ ở nhà tù Côn Đảo, sau giải phóng được tha về tiếp tục hoạt động. Giữa lúc việc điều tra vụ án Thanh Nga còn ngổn ngang như mối tơ vò thì ở TP Hồ Chí Minh lại xảy ra vụ bắt cóc cháu Phương, con bác sĩ Nguyễn Lã Hỷ.

Cũng giống như vụ bắt cóc con nghệ sĩ Kim Cương, ở vụ án này, bọn chúng đã qua điện thoại đòi gia đình phải mang 20 lượng vàng đi chuộc. Chúng dọa gia đình bác sĩ Hỷ không được báo cho Công an, nếu báo chúng sẽ giết cháu Phương và giết cả vợ chồng bác sĩ Hỷ, vì vậy khi ta đến gặp vợ chồng bác sĩ Hỷ để kết hợp tìm bắt thủ phạm thì họ đã từ chối và xin để họ tự lo. Trước tình thế mới, Ban chuyên án nhận định: Thủ phạm của cả 3 vụ án bắt cóc con nghệ sỹ Kim Cương; bắt cóc con và ám hại vợ chồng nghệ sỹ Thanh Nga và vụ bắt cóc con vợ chồng bác sĩ Hỷ đều là một. Từ nhận định trên, ta bí mật phục kích. Khi hai bên giao nhận hàng xong, các trinh sát tấn công bắt thủ phạm thì chúng đã nhảy lên xe honda chạy trốn, một tên cầm lái, một tên ngồi phía sau. Khi các trinh sát đuổi theo thì tên ngồi sau xe ném lại một trái lựu đạn để ngăn chặn lực lượng đuổi bắt. Vì chúng nhất định không chịu dừng lại nên trinh sát phải bắn theo. Tên ngồi sau bị thương nhưng tên cầm lái vẫn luồn lách qua các hẻm chạy trốn. Mặc dù chưa bắt được hai tên thủ phạm, nhưng Ban chuyên án nhận định, chúng sẽ phải đến một cơ sở y tế để chữa vết thương nên đã tung lực lượng trinh sát cài cắm vào các bệnh viện ở thành phố. Quả nhiên đúng như nhận định của ta, Hóa đã tìm đến một bệnh viện để điều trị. Tại đây, Hóa khai bị cướp bắn. Ta đề nghị các nhân viên y tế hết sức chạy chữa và cảm hóa thuyết phục Hóa.

Cuối cùng, Hóa đã khai việc bọn chúng bắt cóc cháu Phương và Hóa cùng với Tân đến nhận vàng của gia đình nạn nhân. Hóa còn khai chính tên Tân là thủ phạm vụ bắt con nghệ sĩ Kim Cương và con nghệ sĩ Thanh Nga. Dựa theo lời thú tội của Hoá; Ban chuyên án đã tổ chức lực lượng truy bắt tên Tân và đồng bọn. Trước những chứng cứ rõ ràng, chúng đã phải thừa nhận là thủ phạm của 3 vụ án trên.

Kết thúc điều tra vụ án Thanh Nga, ít lâu sau, Đại tá Cáp Xuân Diệm được lãnh đạo Bộ điều về nhận cương vị mới - Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế. Trong điều kiện đất nước vừa ra khỏi cuộc chiến tranh tàn khốc, nền kinh tế nước ta gặp muôn vàn khó khăn, lạm phát ở mức độ phi mã. Với cương vị là Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế, Đại tá Cáp Xuân Diệm và các đồng nghiệp đã có nhiều đóng góp trong việc phối hợp cùng các bộ, ngành xây dựng các thiết chế nhằm bịt kín các sơ hở trong công tác quản lý, bảo vệ tài sản XHCN. Nhiều vụ án kinh tế lớn xảy ra trong thời kỳ này đã được ông chỉ đạo điều tra, khám phá và đưa ra truy tố trước pháp luật, được dư luận đồng tình ủng hộ.

Gia đình Đại tá Cáp Xuân Diệm.

2. Trong gia đình, đồng hành cùng với ông trên trận tuyến giữ gìn an ninh - trật tự là bà Tạ Thị Minh Đa (phu nhân của Đại tá Cáp Xuân Diệm) cũng là một sỹ quan Cảnh sát. Từ một cán bộ hoạt động trong phong trào phụ nữ thời kháng chiến chống thực dân Pháp, gặp ông, hai người nên vợ, nên chồng rồi cùng về tiếp quản Thủ đô (năm 1954). Hoà bình lập lại ở miền Bắc, ông được điều về công tác tại Cục Cảnh sát nhân dân. Tại đây, từ cương vị là Trưởng phòng Trị an dân cảnh, ít năm sau ông được bổ nhiệm giữ chức Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát nhân dân.

Năm 1967, cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ diễn ra rất ác liệt ở miền Bắc, Thủ đô Hà Nội là một địa bàn trọng điểm. Trong thời khắc ấy, Đại tá Cáp Xuân Diệm được lãnh đạo Bộ Công an điều về làm Phó Giám đốc, phụ trách công tác Cảnh sát, Công an Hà Nội. Ông giữ cương vị này trọn 10 năm, sau đó được lãnh đạo Bộ điều về nhận công tác tại Công an TP Hồ Chí Minh. Cùng đến nhận công tác tại Công an TP Hồ Chí Minh vào thời điểm ấy còn có vợ ông - bà Tạ Thị Minh Đa với cương vị là Phó trưởng Phòng Cảnh sát hành chính - trị an (PC13) Công an thành phố.

Với tôi, bài viết này thay cho nén nhang nhân ngày giỗ của Đại tá Cáp Xuân Diệm (18/4) - một sỹ quan Cảnh sát cả đời tận tuỵ, cống hiến và hy sinh cho sự bình yên của Tổ quốc

Từ khóa » Cáp Xuân Diệm