Hồ Sơ Các Vụ án Nổi Tiếng: Nghệ Sĩ Thanh Nga Và Phát Súng Oan ...

Khoảng 11h đêm 26/11/1978, sau khi diễn xong vở cải lương Thái hậu Dương Vân Nga ở rạp hát Cao Đồng Hưng (quận Bình Thạnh, TP.HCM), nữ nghệ sĩ Thanh Nga lên chiếc xe hiệu Volkswagen mang biển số 51A - 48 do chồng là đạo diễn Phạm Duy Lân cầm lái. Thanh Nga ngồi băng ghế phía sau với con trai Cúc Cu, 5 tuổi.    Phát súng Khi xe dừng trước cổng nhà  114 Ngô Tòng Châu (đường Bùi Thị Xuân, quận 1 ngày nay), vệ sĩ Nguyễn Văn Các bước ra mở cửa thì bất ngờ một chiếc xe máy phóng tới, hai tên lạ mặt nhảy xuống, dùng súng ngắn khống chế Các nằm úp vào trong xe. Hai tên uy hiếp vợ chồng Thanh Nga để bắt bé Cúc Cu. Trong lúc giằng co bọn chúng đã nổ súng bắn chết cả hai vợ chồng rồi lên xe chạy ra hướng ngã sáu Cộng Hòa mất dạng. Ngay sau đó, đại tá Cáp Xuân Diệm, phó giám đốc CATP, trực tiếp chỉ đạo xét nghiệm hiện trường, thu giữ 1 đầu đạn và  1 vỏ đạn, trong xe có nhiều vết máu. Vệ  sĩ Các khai chỉ thấy lờ mờ tên cầm lái mặc áo màu nhạt, tên cầm súng tóc dài, mặc quần đen, áo gạch đậm. 

a
Thanh Nga cùng chồng và con trai Cúc Cu.

Thi hài của hai vợ chồng Thanh Nga được đưa vào nhà xác Bệnh viện Sài Gòn. Sáng 27/11, khi đội pháp y đến khám nghiệm, theo báo cáo chuyên án Thanh Nga của ông Võ Tấn Thành, nguyên đội trưởng Đội trọng án, phòng CSHS CA TP.HCM: "Thanh Nga thân hình đẹp, hoàn mỹ. Vết đạn nằm gần ngực trái, nằm như người ngủ, sắc mặt vẫn tươi đẹp. Ông Lân người cứng cáp, to bự gấp đôi Thanh Nga, bị một vết thương (đạn bắn) ở ngực trái, xuyên thẳng hướng tim ra sau lưng". Đầu đạn thứ hai được lấy ra từ lồng ngực Thanh Nga. Hai đầu đạn được xác định là bắn ra từ loại súng P.38. Thông tin vợ chồng nghệ  sĩ Thanh Nga bị sát hại làm chấn động giới văn nghệ sĩ và bao người hâm mộ. Linh cữu vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga quàn tại Hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM (81 Trần Quốc Thảo, quận 3). Hàng vạn khán giả từ khắp nơi về thắp hương vĩnh biệt, đứng tràn ra các ngả đường để dự đám tang người nghệ sĩ tài hoa, bạc mệnh.  "Chính chú này giết ba má cháu" Trong khi tang lễ vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga đang được tiến hành, thì  bất ngờ cháu Cúc Cu chỉ vào anh thợ nhiếp  ảnh Trần Triều Bình nói: "Chính chú này giết ba má cháu, sao hôm nay còn đến đây chụp ảnh?". Bình bị bắt thẩm vấn ngay, đồng thời được giám biệt hơi bằng chó nghiệp vụ. Kết quả là chó nghiệp vụ đã phản ứng mùi hơi của Trần Triều Bình đồng nhất với mùi hơi của chiếc mũ mềm để lại hiện trường vụ án mạng. 8 giờ ngày 21/12, hai chó nghiệp vụ China và Đarích đưa từ Hà Nội vào được cho giám biệt hơi của chiếc mũ với đồ vật của 5 đối tượng nghi vấn. Kết quả đều không có phản ứng gì, phủ nhận kết quả giám biệt trước đó.

Qua điều tra, ban chuyên án khẳng định Trần Triều Bình có chứng cứ ngoại phạm, không có mặt tại thời điểm xảy ra vụ án. Hỏi cặn kẽ thì ra khi nhìn thấy ánh đèn flash lóe lên, cháu Cúc Cu đã liên tưởng tới nòng súng lóe sáng bắn vào ba má cháu. Trần Triều Bình và một số đối tượng như Trần Phương Quốc, Chánh Hồng Quốc... được loại khỏi vòng nghi vấn.  

Bé Cúc Cu (tên thật là  Phạm Duy Hà Linh) giờ là trưởng nhóm hài Hà  Linh. Hà Linh tâm sự: "Tôi còn nhớ cái  đêm mẹ mất, lúc đó tôi mới 5 tuổi... Lúc vụ  án xảy ra, tôi còn quá nhỏ nên không thể  phân biệt ánh sáng đèn flash từ máy chụp ảnh và ánh sáng từ nòng súng phát ra. Hôm đám tang, khi thấy ánh đèn flash từ máy chụp ảnh, tôi liên tưởng đến ánh sáng phát ra từ khẩu súng mà người ta đã gây tang tóc cho gia đình tôi. Rất may là nhờ chó nghiệp vụ bậc cao cùng với các tài liệu của trinh sát, người thợ chụp ảnh đó đã được giải oan".

Truy tìm tung tích kẻ sát hại nghệ sĩ Thanh Nga

Trước khi vụ án xảy ra, có nhiều thư nặc danh yêu cầu nghệ sĩ Thanh Nga ngưng diễn các vai nhân vật lịch sử mà chị đang diễn rất thành công trong các vở Tiếng trống Mê Linh, Thái hậu Dương Vân Nga... nếu không sẽ bị thanh toán.

Thậm chí có lần chị  diễn vai Trưng Trắc trong "Tiếng trống Mê Linh" tại rạp Lux B với nghệ sĩ Thanh Sang, một quả  lựu đạn ném lên sàn diễn làm chị bị thương. Vì vậy, bước đầu ban chuyên án nhận định vụ án có liên quan đến yếu tố chính trị.  Nhận là thủ phạm để lấy tiếng Giữa lúc ấy, phòng trinh sát chính trị mật báo có một nhóm 6 tên tự xưng là "Lực lượng thống hợp liên bang Đông Dương" với sự đỡ đầu của tình báo Mỹ CIA vừa mở tiệc ăn mừng tại một quán rượu nằm ở vùng ven Sài Gòn, do đã bắn chết Thanh Nga theo án lệnh tử hình đưa xuống.

4 trong 6 tên này bị bắt ngay sau tiệc mừng, trong đó có Mười Núi - "bộ trưởng an ninh", Nguyễn Văn Y - tự nhận là đã "hành quyết" Thanh Nga, Phan Văn Sơn - nhận là thừa án lệnh xử luôn ông Phạm Duy Lân, Võ Xuân Dương - "bộ trưởng quốc phòng". Qua khai thác, lực lượng an ninh đã truy bắt nóng hơn 100 thành viên thuộc "Lực lượng thống hợp liên bang Đông Dương" với những kẻ  cầm đầu như Khiết, Công, Giàu, Mậu... Nhưng khi khai báo tình tiết quanh việc sát hại nghệ sĩ Thanh Nga thì cả "nhóm liên bang" này đều tắc tị.

Lời khai của bọn chúng đều không khớp với những gì cơ quan điều tra thu thập được, từ hiện trường đến tang chứng, vật chứng... Cuối cùng, "bộ trưởng quốc phòng" Mười Núi đành thú nhận đã bịa đặt, nhận bừa là thủ phạm để lấy tiếng, tạo thanh thế. Chuyển hướng điều tra Chuyển hướng điều tra từ chính trị sang hình sự, Đội SBC vào cuộc. Hàng chục nhóm đâm thuê chém mướn, hơn 20 băng cướp bị sa lưới, nhưng qua so sánh với dấu vết để lại hiện trường và lời khai của nhân chứng thì những băng nhóm đó đều không phải là đối tượng gây án.

d
  Vợ  chồng Thanh Nga, bé  Cúc Cu và bà bầu Thơ.

Vì một trong những người bị tình nghi giết Thanh Nga là lai Pháp nên phải sàng lọc khoảng 3.000 người lai Tây có mặt trong thành phố. Lực lượng điều tra cũng tiến hành rà soát hàng nghìn chiếc Volkswagen đang lưu hành trên địa bàn TP.HCM lúc bấy giờ, vì theo lời khai của vệ sĩ, trước đó có một chiếc cứ chạy theo xe Thanh Nga. Nhưng qua điều tra thì chiếc Volkswagen trên là xe của Đài Tiếng nói Việt Nam II chở phát thanh viên đi công tác về. Không loại trừ khả năng Thanh Nga bị bắn chết do ghen tuông, mâu thuẫn trong tình yêu, nên lực lượng điều tra đã chú ý đặc biệt tới những người chồng, người tình cũ của Thanh Nga như nghệ sĩ Thành Được, ông Nguyễn Minh Mẫn - sĩ quan cấp tá chế độ Sài Gòn. Nhưng sau nhiều tháng điều tra ráo riết vẫn không tìm ra manh mối hung thủ thực sự của hai vụ sát hại vợ chồng  Thanh Nga và bắt cóc con trai của Kim Cương.  Thêm một vụ bắt cóc Chiều ngày 2/3/1979 xảy ra vụ con trai của BS Lã Hỷ là bé Phương bị bắt cóc tại trường phổ thông Tân Nhì, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Hung thủ ném chiếc áo đang mặc của bé ngay cột điện gần nhà và báo cho mẹ bé là bà Bích đến nhặt. Sau đó, một người đàn ông nói giọng Nam Bộ cũng xưng tên Hải Phong gọi điện thoại đòi cái giá chuộc là 100 cây vàng. Sau 5 lần thương lượng, kẻ bắt cóc chấp nhận với giá 20 cây. Lực lượng điều tra xác định có nhiều tình tiết chứng tỏ  kẻ chủ mưu vụ bắt cóc này liên quan đến vụ bắt cóc con trai NS Kim Cương trước đó, nên phải phá bằng mọi giá. Tuy bà Bích không muốn hợp tác với công an vì bị đe dọa, nhưng đội trọng án được chia làm nhiều tổ công tác bí mật tiếp cận nhà của bà ở số 271 Nguyễn Minh Chiếu, phường 10, quận Phú Nhuận, theo dõi sát sao diễn biến của vụ việc. 5h chiều ngày 21/3/1979, bà  Bích mặc áo bà ba, đội nón lá, đi xe đạp theo yêu cầu và mang theo vàng đến địa điểm  ở số 95 Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận. Các thành viên Đội SBC trong vai những bác xích lô, lái taxi, xe ôm, buôn bán hàng rong... đã phục sẵn.

Hung thủ đền tội

Vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga đã bị sát hại bởi phát súng oan nghiệt. Công an TP.HCM đã tung lực lượng ráo riết truy tìm hung thủ...

Nổ súng Đội phó Đội Trọng án Phạm Văn Thịnh - tức Hai Thịnh, nay là trưởng Phòng CSGT đường bộ CA TP.HCM, nhớ lại: Lúc ấy anh đạp xe xích lô bám sau xe bà Bích. Khi đến gần điểm "G", anh thấy 1 thanh niên mặc áo sơ mi trắng đứng bên trụ điện. Bên kia đường, một thanh niên đội mũ lưỡi trai đỏ, mặc bộ đồ jean, ngồi trên Honda 67 mang biển số tỉnh Hậu Giang. Khi bà Bích vừa kịp nhận ra mảnh vải áo của con thì tên mặc áo sơ mi trắng đã chộp vội gói vàng, tên đội mũ đỏ phóng xe sang đón. Hai Thịnh vừa nhảy xuống, hô  to "đứng lại" thì chiếc xe 67 rồ ga, phóng vụt vào con hẻm trước mặt. Hai Thịnh nổ một phát vào bánh xe do chúng đánh võng nên đạn trúng vào bô thủng lỗ, viên tiếp theo nhắm vào chân phải tên cầm lái thì lại trúng vào sườn xe, xoẹt lửa... Đến phát thứ ba thì tên mặc áo trắng ngồi sau dính đạn, máu loang đỏ áo, nhưng hắn vẫn ôm chặt tên cầm lái phóng đi...  

a
Dẫn độ tên Tân (ảnh tư liệu).

Dự đoán hung thủ bị thương nặng, lực lượng công an bủa khắp các bệnh viện và tối hôm ấy đã tóm được tên ngồi sau khi gia đình đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng nguy kịch.

Tên hắn là Hóa và khai ra kẻ cầm đầu 2 vụ bắt cóc và nổ súng sát hại nghệ sĩ Thanh Nga là Nguyễn Thanh Tân, 36 tuổi, trung sĩ biệt động dù của chế độ cũ. Từ lời khai của Hóa với sự hỗ trợ của Toro-con trai nghệ sĩ Kim Cương, các trinh sát tìm về gia đình Tân tại ấp Ngân Rô 2, xã Đại Ân 2, huyện Long Phú, tỉnh Hậu Giang. Cảnh vật và con người đều đúng như lời cháu Toro đã kể trước đó. Nhưng tên Tân đã đi khỏi và cháu Phương - con BS Lã Hỷ - vẫn không tìm thấy. Qua theo dõi Giang Vĩnh Xương, bạn của Tân khi tên này "chạy" giấy ở xã  cho Tân lên thành phố tạm trú, các trinh sát đã tóm được Nguyễn Thanh Mai, em ruột của Tân, người biết được chỗ trú ẩn của Tân. Đêm 9/4/1979, công an đã bắt được Tân khi hắn đang ngủ trong căn hộ 145/20, đường Nguyễn Thiện Thuật, phường 2, quận 3. Viên đạn bị găm trong người được hắn gói trong tờ giấy có viết hai chữ "lưu niệm". Lúc đầu Tân khai đã quăng khẩu súng xuống cầu Bình Lợi, nhưng các thợ lặn không tìm thấy, lại chết mất hai người vì vướng mìn.  Hung thủ của 3 vụ án Đến 19 giờ ngày 15/4, các trinh sát đã tìm ra khẩu P.38 với băng đạn 7 viên do Tân gửi, được giấu dưới miệng cống sát cầu thang nhà Mai ở số 145/45 Nguyễn Thiện Thuật, phường 2, quận 3. Khẩu P.38 được đưa ngay đến phòng Giám định của Viện Khoa học Hình sự, Bộ Nội vụ. Đến 0 giờ 5 phút ngày 16/4/1979, kết quả giám định cho thấy: Hai đầu đạn sát hại vợ chồng Thanh Nga được bắn ra từ khẩu P.38 này, có nòng 9mm và mang số 4925 J. Tất cả thở phào nhẹ nhõm khi chuyên án gay cấn nhất đã đến hồi kết. Trước chứng cứ rành rành, Nguyễn Thanh Tân cúi đầu nhận tội đã cùng đồng bọn là tên Nguyễn Văn Đức, lính hải quân ngụy, thực hiện cả 3 vụ. Thực chất vụ Thanh Nga cũng là bắt cóc tống tiền. Tân khai lúc đầu bọn chúng nhắm đến nghệ sĩ Bảo Quốc là em trai Thanh Nga vì nghĩ bà bầu Thơ để của cải lại cho con trai. Nhưng sau thấy Bảo Quốc đông con, không giàu có gì, nên đã thay đổi mục tiêu. Trước đó, chúng đã nhiều lần định thực hiện bắt cóc con trai Thanh Nga nhưng do đông người nên không thực hiện được. Tên Đức sau khi cùng Tân bắt cóc con Kim Cương và gây ra vụ sát hại vợ chồng Thanh Nga đã lên đường vượt biên ra nước ngoài nhưng bị bắt ở Hậu Giang và được di lý lên TP.HCM điều tra. Cháu Phương được tìm thấy tại nhà em trai Tân ở Sóc Trăng. Ngày 23/8/1980, án tử hình đã được thi hành với Nguyễn Thanh Tân và Nguyễn Văn Đức.

Hàn Phong (Bee.net)

Từ khóa » Cáp Xuân Diệm