Đàn đá Trong Văn Hóa Tây Nguyên - Báo Đắk Lắk điện Tử
Có thể bạn quan tâm
Đồng bào Tây Nguyên rất say mê âm nhạc, không có âm nhạc đối với họ như thiếu thức ăn nước uống hằng ngày vậy. Đồng thời, người dân các dân tộc Tây Nguyên còn có đôi tai thỉnh âm tuyệt vời, điều này được chứng minh qua cách họ tạo ra các âm thanh trầm bổng khác nhau từ thanh đá. Từ những thanh đá tự nhiên bên các con sông con suối, đồng bào đưa về ghè đẽo và chỉnh sửa làm sao cho âm thanh phát ra theo ý muốn, một thanh đá trên một dàn như một nốt nhạc trong ngũ cung truyền thống âm nhạc Tây Nguyên. Đàn được làm bằng các thanh đá với kích thước dài, ngắn, dày, mỏng khác nhau. Thanh đá dài, to, dày có âm vực trầm trong khi thanh đá ngắn, nhỏ, mỏng thì tiếng thanh.
Đàn đá là một loại nhạc cụ đa năng, nó được sử dụng ở mọi lúc, mọi nơi với những vai trò khác nhau. Thời tiền sử, những thanh đá được đưa xuống các dòng suối, dòng thác, khi dòng nước chảy qua đập vào các thanh đá phát ra những âm thanh xua đuổi thú dữ, ngăn chúng phá hoại mùa màng và cuộc sống của dân làng. Đàn đá còn được sử dụng trong các lễ hội truyền thống như là một tiếng gọi tâm linh, hướng lòng người về với cội nguồn, dạy bảo họ luôn biết trân trọng những giá trị của bản sắc tộc người Tây Nguyên.
Khi chúng ta vô tình hay hữu ý nghe được âm thanh từ đàn đá, dù không am hiểu chuyên môn về âm nhạc vẫn có thể cảm nhận đó là một thứ âm thanh rất độc đáo, mộc mạc và hết sức tự nhiên. Nó như tiếng thì thầm của núi rừng, sông suối. Đó không chỉ là những âm thanh phát đơn thuần phát ra từ cái búa gõ tiếp xúc với mặt đá xù xì vô tri vô giác, mà đằng sau những tiếng gõ ấy, từng âm thanh ấy là cả một thông điệp được gửi đến người nghe, có thể là một lời thì thầm tỏ tình của một chàng trai với một cô gái, cũng có thể là lời thúc giục ra trận hào hùng của vị trưởng làng… Mỗi thông điệp như vậy được tạo nên bởi bàn tay điêu luyện và linh hoạt của người nghệ nhân đánh đàn.
Đối với các dân tộc Tây Nguyên, đàn đá không chỉ là một loại nhạc cụ mà nó còn như một người bạn tâm giao, khi vui, khi buồn họ tìm đến đàn để tâm sự và chia sẻ nỗi lòng cũng như trò chuyện về cuộc sống. Trong đời sống tín ngưỡng, đàn đá như mối dây liên kết giữa con người với thần linh. Trong lễ cúng Giàng, tiếng đàn đá là lời cảm tạ đến Giàng hoặc lời cầu khẩn mong Giàng ban cho một mùa màng bội thu cây cối tốt tươi và mưa nắng thuận hòa,…
Đàn đá có giá trị lớn lao như thế trong văn hóa Tây Nguyên. Tuy nhiên, hiện nay với sự phát triển của xã hội, các thể loại âm nhạc mới đã trà trộn vào đời sống của người dân Tây Nguyên, nhiều thanh niên bây giờ không thích các nhạc cụ của dân tộc mình. Họ bỏ đàn đá mà thích ghi ta và dàn nhạc điện tử. Trước đây đàn đá là vật thiêng, con người dùng âm sắc để giao tiếp với thế giới siêu nhiên. Khi hệ tín ngưỡng đã thay đổi, không cần giao tiếp nữa thì đàn đá không còn giá trị. Số lượng đàn đá hiện cũng rất hiếm hoi, các nghệ nhân đánh đàn và nghệ nhân chỉnh sửa âm thanh ngày càng ít…
Ước gì đến một ngày nào đó, khi ghé qua các buôn làng Tây Nguyên, đêm xuống, quanh ngọn lửa hồng bập bùng dưới mái nhà rông, nhà dài ấm cúng, ta lại được nghe kể sử thi, tham gia vào những điệu múa uyển chuyển ngất ngây và được thưởng thức những âm thanh trầm bổng của đàn đá…
Nguyễn Hồ Nhật
Từ khóa » Thuyết Minh Về đàn đá Tây Nguyên
-
Thuyết Minh Về Đàn Đá - Việt Nam Overnight
-
Top 10 Bài Văn Thuyết Minh Về Một Nhạc Cụ Dân Tộc Hay Nhất
-
Bài Văn Mẫu Lớp 8: Thuyết Minh Về Nhạc Cụ Dân Tộc
-
Giới Thiệu Về Nhạc Cụ Đàn đá Của Việt Nam
-
Đàn đá, âm Hưởng độc đáo Của Các Dân Tộc Tây Nguyên - VOV World
-
Đàn đá - Linh Hồn Dân Tộc Tây Nguyên - Trường Âm Nhạc Việt Thanh
-
Thuyết Minh Một Nhạc Cụ Dân Tộc Hoặc điệu Ca Dân Tộc Hay Nhất (dàn ý
-
Đàn đá – Wikipedia Tiếng Việt
-
Top 10 Bài Văn Thuyết Minh Về Một Nhạc Cụ Dân ...
-
Bài Văn Thuyết Minh Về Lễ Hội Cồng Chiêng Tây Nguyên Chi Tiết, Hay
-
Đàn đá – Nhạc Cụ Cổ Xưa Nhất Của Tây Nguyên - Tạp Chí Quê Hương
-
Đàn đá Tây Nguyên - Báo Đại Đoàn Kết
-
Đàn đá: Nhạc Cụ Gõ Cổ Xưa Của Việt Nam - USSH
-
Thuyết Minh Về Cồng Chiêng Tây Nguyên