Dân được Phường Bố Trí Chỗ Bán Hàng Rong Miễn Phí - PLO

Tình trạng buôn bán lấn chiếm vỉa hè lâu nay luôn là bài toán khó cho chính quyền ở các phường trên địa bàn TP.HCM. Mặc dù UBND các phường nhiều lần ra quân xử lý nhưng vẫn khó giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Thấy được sự bất cập trong quá trình quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường, từ năm 2018 đến nay, UBND phường 4, quận Tân Bình (TP.HCM) đã xây dựng mô hình kẻ vạch bố trí cho người dân chỗ bán hàng trên vỉa hè để họ ổn định cuộc sống, tạo vẻ đẹp mỹ quan đô thị.

Các hộ dân được bố trí chỗ kinh doanh tạm trên đường Lê Bình, phường 4, quận Tân Bình. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Bố trí cả mái che cho người dân bán hàng

Tại góc đường Lê Bình giao với đường Út Tịch thuộc phường 4, quận Tân Bình, hơn hai năm nay không còn tình trạng buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Thay vào đó là những quán hàng rong được sắp xếp ngay ngắn trong vạch sơn.

Khi được PV hỏi về tình hình buôn bán khu vực này như thế nào, chị Nguyễn Thị Trọng, bán cháo lòng ở vỉa hè góc đường Lê Bình, cho biết chị bán ở đây gần 20 năm nay. “Trước đây không có chỗ bán cố định nên cứ bán đại trên vỉa hè. Có hôm đang bán thì phường xuống kiểm tra, tôi sợ bị tịch thu đồ nên ôm cả nồi cháo chạy bỏng hết cả người. Vì kinh tế gia đình khó khăn, nếu không bán cháo thì tôi cũng chẳng biết làm gì.

Dù biết buôn bán ở lòng đường, vỉa hè là sai nhưng tôi không còn cách nào khác. Cách đây khoảng hai năm, phường thông báo hộ tôi được phép bán ở vỉa hè, tôi mừng rơi nước mắt” - chị Trọng nói.

Anh VTP, một hộ được bố trí chỗ bán hàng trên vỉa hè ở khu vực này, cho hay: “Mọi người buôn bán ở đây rất biết ơn phường vì đã tạo điều kiện cho chúng tôi có chỗ bán ổn định. Không những được chỗ bán miễn phí, phường còn tài trợ cho những hộ bán ở đây mái che, tủ đựng đồ và thường xuyên tổ chức buổi tập huấn an toàn vệ sinh thực phẩm”.

“Được chỗ bán hàng đàng hoàng như vậy, chúng tôi cũng phải tự ý thức việc giữ gìn vệ sinh, an toàn thực phẩm trong hoạt động mua bán hằng ngày. Hàng quán sạch đẹp thì người ta mới vào ăn chứ” - anh VTP vui vẻ nói.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Như Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường 4, quận Tân Bình, cho biết thấy được cuộc sống mưu sinh khó khăn của người dân nghèo ở địa phương, UBND phường đã lên kế hoạch bố trí tạm cho các hộ buôn bán ở vỉa hè. Sau khi khảo sát thì đường Lê Bình là nơi thích hợp để bố trí cho các hộ buôn bán ở vỉa hè mà vẫn chừa chỗ cho người đi bộ. Phường xin ý kiến quận, kẻ vạch sơn và thẩm định hoàn cảnh gia đình khó khăn để lựa chọn người kinh doanh.

“Hiện nay tại khu vực trên đã có khoảng sáu hộ được bố trí chỗ bán. Vì chỗ bố trí có giới hạn mà nhu cầu của người dân buôn bán thì nhiều nên để tạo sự công bằng, phường đã chọn hộ kinh doanh ở đây là hộ nghèo và buôn bán lâu năm, thường xuyên bị xử phạt vì buôn bán lấn chiếm. Từ ngày người dân về nơi bố trí tạm buôn bán thì ở khu vực này không còn cảnh xả rác và đời sống của các hộ buôn bán tốt hơn” - ông Hùng cho biết thêm.

Mong muốn có chỗ mua bán cố định

Dọc đường Nguyễn Văn Cừ (phường 4, quận 5) có rất nhiều xe đẩy bán nước giải khát ở vỉa hè. Trên vỉa hè được kẻ vạch sơn từng ô màu trắng.

Lối đi bộ… để gửi xe

Dựng rào trên vỉa hè để dẹp nạn buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại một số khu vực gần các bệnh viện lớn từng là cách làm mang lại hiệu quả tích cực trong việc giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Thế nhưng theo ghi nhận của PV, sáng 28-12 tại đường Lý Thường Kiệt (quận 5), trên vỉa hè tuy được rào chắn và gắn bảng lối đi dành cho người đi bộ nhưng lại làm chỗ gửi xe.

Tương tự, tại đường Nguyễn Chí Thanh gần BV Chợ Rẫy, trên vỉa hè cũng được rào chắn để dành đường cho người đi bộ nhưng cũng chỉ dùng để gửi xe. Chính vì không còn lối đi nên những người đi bộ phải đi xuống lòng đường, khiến giao thông ở khu vực xung quanh cổng bệnh viện rất bát nháo.

Khi được hỏi về tình hình buôn bán ở vỉa hè tại khu vực này, bà Nguyễn Thị Trang cho biết bà bán quán nước ở đây hơn 10 năm và cũng ngán cảnh bị cán bộ phường xuống kiểm tra, không cho bán lắm rồi. Những vạch kẻ sơn là do phường kẻ cho những người bán hoa dịp tết, chứ không phải cho người bán hàng rong.

“Giá mà phường cũng bố trí cho chúng tôi bán một góc ở vỉa hè cố định, có đóng một ít phí chúng tôi cũng chịu. Người dân chúng tôi luôn muốn chấp hành đúng quy định pháp luật nhưng vì không có nơi bán cố định, cuộc sống khó khăn nên chúng tôi mới vi phạm” - bà Trang nói.

Trao đổi với PV về việc quản lý và sử dụng vỉa hè, lòng đường trên địa bàn, một đại diện UBND phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú cho biết hiện phường cũng đang lên kế hoạch kẻ vạch sơn trên vỉa hè để quản lý. Việc này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mua bán và lập lại trật tự lòng lề đường, tạo mỹ quan đô thị sạch đẹp.•

NGUYỄN HIỀN Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Từ khóa » Hàng Rong Vỉa Hè