Danh Nhân Lịch Sử - Văn Hóa Tiêu Biểu Người Bắc Ninh Thời Lê Trung ...

Bàn thờ Nguyễn Gia Thiều tại nhà thờ họ Nguyễn Gia.

6. Nguyễn Gia Thiều (1741 - 1798)

Nguyễn Gia Thiều người làng Liễu Ngạn, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ông sinh năm Tân Dậu (1741), trong một gia đình võ quan triều Lê - Trịnh. Ông là con Đạt Vũ hầu Nguyễn Gia Ngô và quận chúa Quỳnh Liên Trịnh Thị Ngọc Tuân (con chúa Trịnh Cương). Ông vốn gọi chúa Trịnh Doanh là cậu ruột và con cô, con cậu với Trịnh Sâm. Vợ ông là con gái trưởng của quan chưởng phụng sự Đại tư đồ Bùi Thế Đạt. Mặc dù được sinh ra trong một gia đình quyền thế và được trọng vọng, bản thân Nguyễn Gia Thiều là một võ quan, giữ Tổng binh ở Hưng Hóa, tước Ôn Như Hầu nhưng ông lại chán đường công danh. Đến khi nhà Tây Sơn lên ngôi, ông bất đắc dĩ phải về kinh nhưng không chịu làm việc, suốt ngày giả say.

Nguyễn Gia Thiều nổi tiếng với tài năng về văn, sử, triết, âm nhạc, hội họa và kiến trúc. Về âm nhạc ông có bản “Sơn Trung âm”, “Sơ từ điệu”. Về hội họa, ông có bức tranh hoàng tráng “Tống Sơn đồ”. Về kiến trúc, ông được chúa Trịnh giao cho việc trang hoàng phủ chúa và chỉ đạo xây tháp chùa Thiên Tích ở Bắc Ninh. Về văn học, ông có tác phẩm nổi tiếng là “Cung oán ngâm khúc” nói về nỗi khổ của người cung nữ trong cấm cung. Ngoài ra, ông còn có các tác phẩm hợp soạn với 3 người em trai là “Tứ trai thi tập”, “Tiền hậu thi tập”, “Tây Hồ thi tập”…

Nguyễn Gia Thiều là nhà văn hóa lớn của Việt Nam thế kỷ XVIII. Nhà thờ danh nhân Nguyễn Gia Thiều và phần mộ của ông ở quê hương Liễu Ngạn đã được nhà nước xếp hạng và cấp bằng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1988.

7. Phạm Khiêm Ích (1679 - 1741)

Phạm Khiêm Ích tự là Kính Trai, sinh năm Kỷ Mùi (1679) là cháu nội Nguyễn Mậu Tài, người làng Kim Sơn, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Sau ông làm con nuôi vợ chồng người cô ruột, người xã Bảo Triện (nay thuộc xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) nên đổi sang họ Phạm theo họ của cha nuôi.

Phạm Khiêm Ích thi hương đỗ Giải nguyên năm 32 tuổi đỗ Đình nguyên Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ Tam danh (Thám hoa) khoa thi Canh Dần, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 6 (1710) đời Lê Dụ Tông.

Năm Canh Tý (1720), Phạm Khiêm Ích làm quan Thượng thư Bộ Hình tước Thuật chương bá vào Bối tụng. Năm Quý Mão (1723), vâng mệnh vua đi sứ nhà Thanh khi về ông được thăng Hạng Bộ tả thị lang, tước Thuật quận công nhưng vẫn làm Bối tụng.

Năm Mậu Thân (1728), Phạm Khiêm Ích ngự thi Đông các, trúng thứ nhất được thêm chức Đông các đại học sĩ. Năm Nhâm Tý, niên hiệu Long Đức (1732), ông được Thăng Thượng thư Bộ Binh, gia Thiếu bảo và Bối tham tụng. Sau ông lại được thăng Thượng thư Bộ Lễ.

Năm Bính Thìn (1736), ông làm sách “Thẩm trị nhất lãm” khuyên chúa Trịnh không nên ham mê xây lâu đài, cung điện được chúa Trịnh khen ngợi, thưởng bạc lụa và ban cho chức quan hàm Á Bảo tá lý công thần, thăng chức Lại Bộ thượng thư. Sau thăng chức Thái Tể. Sau khi mất, ông được truy tặng là Đại tư không.

Phạm Khiêm Ích còn để lại các tác phẩm: Sứ trình tập, Kính trai thi tập, Thâm trị nhất lãm thư.

8. Nguyễn Đương Hồ (1657 - 1740)

Nguyễn Đương Hồ húy là Tuế, tự Phú Hồ, quê làng Dương Húc nay thuộc xã Đại Đồng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Vốn xuất thân nhà nghèo nhưng từ nhỏ ông đã nổi tiếng thông minh và chăm học. Điều may mắn là Nguyễn Đương Hồ được theo học những người thầy mẫu mực và tài năng xuất chúng như Trạng Nguyên Đặng Công Chất, Thám hoa Nguyễn Đương Cảo, Giáo thụ Quốc tử giám Đàm Tung,…

Khoa thi Quý Hợi (1683), niên hiệu Chính Hòa thứ 4, đời vua Lê Huy Tông, Nguyễn Đương Hồ đỗ đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (tức Hoàng giáp). Đồng môn và đồng khoa thi với ông có Nguyễn Đăng Đạo trúng Trạng nguyên.

Ngay sau khi đỗ Hoàng giáp, Nguyễn Đương Hồ được bổ chức Hàn lâm viện hiệu lý. Từ đó, con đường hoạn lộ của ông khá hanh thông với các chức Đốc thị quân vụ, Hiến sát sứ Thanh Hóa, đốc đồng Cao Bằng… Năm 1700, Nguyễn Đương Hồ về triều được thăng Lễ khoa đô cấp sự trung, Bồi tụng, Lại khoa đô cấp sự trung kiêm Tư thị nội tả binh phiên; năm 1714, thăng Hữu Thị lang Bộ Hình; năm 1717, thăng Bồi tụng phó đô ngự sử, Binh bộ tả thị lang; năm 1720 được xếp vào hàng các vị triều thần có công lớn được ban thưởng.

Suốt 42 năm cư quan nhậm chức, Hoàng giáp Nguyễn Đương Hồ đã chứng tỏ là một vị quan văn võ song toàn, đóng góp to lớn vào công cuộc kinh bang đất nước thời Lê Trung Hưng với những chiến công trong việc trấn diệt các bè đảng phản nghịch, ngăn chặn các thế lực thù địch nước ngoài, giữ vững biên giới quốc gia. Đặc biệt, Nguyễn Đương Hồ đã đề xuất nhiều cải cách về chính sách thuộc Bộ Hình được chúa Trịnh chấp thuận nhằm giảm một số hình phạt tàn khốc với các tội nhân cũng như nghiêm trị các tệ nạn xã hội, chỉnh đốn chính sự, sửa chữa các phong tục hủ bại, xử lý nghiêm minh các quan lại mắc sai lầm.

Khi về trí sĩ tại quê nhà, Nguyễn Đương Hồ có nhiều việc làm giàu giá trị nhân văn đối với quê hương Dương Húc và gia tộc của ông. Danh sĩ Nguyễn Đương Hồ xứng đáng là danh nhân lịch sử - văn hóa tiêu biểu của quê hương Bắc Ninh và của dân tộc Việt Nam thời Lê Trung Hưng.

Năm 1990, nhà thờ danh nhân Nguyễn Đương Hồ ở làng Dương Húc đã được nhà nước xếp hạng và cấp bằng di tích lịch sử cấp quốc gia.

9. Nguyễn Phúc Xuyên (1613 - 1696)

Nguyễn Phúc Xuyên là tu sĩ đời Lê Trung Hưng, quê làng Đại Tráng, nay thuộc phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh. Ông tự là Tế An, đạo hiệu Thiền sư Đại Bồ tát.

Nguyễn Phúc Xuyên là danh y nổ tiếng thời Lê Trịnh. Ông xuất thân dòng dõi nho học nhưng mộ đạo Thiền và chuyên nghề làm thuốc trị bệnh cứu người. Từ nhỏ Nguyễn Phúc Xuyên vốn thông minh và chăm học, giỏi cả nho, phật và lão. Kết hợp nhuần nhuyễn nho, phật và lão, Nguyễn Phúc Xuyên đề xướng gia đạo (Đạo nhà) làm phương châm xử thế và thực hành việc truyền bá cùng với việc làm thuốc trị bệnh cứu người.

Nguyễn Phúc Xuyên không tu xuất thế mà tu nhập thế tại gia. Ông kết hợp chặt chẽ giữa Đạo và y để làm việc thiện cứu giúp người nghèo khổ, chăm lo phúc lợi cho nhân dân. Ông mở trường tại chùa Cao ở quê nhà để truyền tụng đạo. Học trò đến học đông tới hàng nghìn người.

Truyền rằng, Nguyễn Phúc Xuyên tự xưng là Hậu thân thánh tổ Nguyễn Minh Không để trị bệnh cứu người. Với lòng nhân đức và tài trị bệnh cho dân và vua quan, Nguyễn Phúc Xuyên được vua Lê, chúa Trịnh Phong là Thiền sư hộ quốc, Đại bồ tát thiền sư và cho xây tòa Nam giao để ông hành đạo.

Khu di tích phần mộ và nhà thờ danh y Nguyễn Phúc Xuyên ở quê hương Đại Phúc đã được nhà nước xếp hạng và cấp bằng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1988.

10. Trần Danh Lâm (1705 - 1777)

Trần Danh Lâm tự là Khiêm Trai, con Hoàng giáp Trần Phù Đức, em Hoàng giáp Trần Danh Ninh, xuất thân từ dòng họ và gia đình có truyền thống khoa bảng ở làng Bảo Triện nay thuộc xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.

Năm 27 tuổi, Trần Danh Lâm đỗ đệ tam giáp đồng Tiến sĩ, xuất thân khoa thi Tân Hợi, niên hiệu Vĩnh Khánh thứ ba (1731) đời Lê Duy Phường. Đến đời Cảnh Hưng, Trần Danh Lâm làm Đốc đồng Cao Bằng, thăng Hàn lâm viện hiệu lý, tước Trực nhạc bá. Do công lao dẹp giặc cướp quấy phá, ông được thăng cấp và phong tước Du lĩnh bá và được triệu về kinh lăng lên Hữu Thị lang Bộ Công.

Năm Đinh Mão (1747), Trần Danh Lâm được điều làm Đốc thị Nghệ An, thăng Thị lang phó đô ngự sử. Năm 1759, được triệu về kinh thăng Bồi tụng phó đô ngự sử, rồi thăng thị lang Bộ Công và Hộ bộ Kiêm chức Ngự sử đài đô ngự sử.

Năm 1769, Trần Danh Lâm về trí sĩ, được thăng Thượng thư Bộ Công rồi lại được mời ra làm việc ở Bộ Lại. Trần Danh Lâm là danh thần của Triều Lê Trung Hưng có nhiều công lao trong việc chăm lo chính sự, giữ vững biên cương, mở mang văn hóa được triều đình tấn phong tước Du nhạc hầu.

Trần Danh Lâm là một nhà chính trị tài ba đồng thời là nhà văn hóa đương thời. Ông sáng tác nhiều tác phẩm văn học, sử học nhưng phần lớn bị thất truyền. Hiện chỉ còn Bộ Hoan Châu phong thổ ký là một bộ địa chí về xứ Nghệ Tĩnh có giá trị về lịch sử và địa chí.

11. Trần Danh Án (1754 - 1794)

Trần Danh Án là con trai Tiến sĩ Trần Danh Lâm, cháu nội Tiến sĩ Trần Phù Dực quê làng Bảo Triện nay thuộc xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.

Năm 34 tuổi, Trần Danh Án đỗ Đệ Nhị giáp Tiến sĩ, xuất thân (tức Hoàng Giáp) khoa thi Đinh Mùi, niên hiệu Chiêu Thống. Ông làm quan cho nhà Lê đến chức Phó đô ngự sử, tước Đinh lĩnh hầu.

Khi nhà Lê mất, nhà Tây Sơn lên thay, vua Quang Trung mời Trần Danh Án ra làm quan, ông kiên quyết cự tuyệt để giữ lòng trung với vua Lê, được vua Quang Trung khen là người có nghĩa khí. Sau đó ông tìm cách chống lại nhà Tây Sơn và tử tiết. Năm Tự Đức thứ 12 (1859) nhà Nguyễn cho liệt thờ ở đền Lê Tiết Nghĩa.

Trần Danh Án là một nhà văn hóa để lại nhiều công trình có giá trị tiêu biểu như: Liễu Am thi tập, Liễu Am Tản Ông thi tập, Bảo Triện Trần Danh Án thi thảo, … Những tập thơ này, gồm: thơ đề vịnh, cảm tác, đi sứ, thù tạc, trong đó có thơ họa, đối đáp với Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Chí… Ông cũng có một tập văn đề là “Lịch đại chính yếu luận” là một luận văn về lịch sử, trong đó bàn về các chính sách của các triều đại từ đời Đinh đến đời Trần.

Đáng chú ý, Trần Danh Án có tham gia soạn tập “Nam phong giải trào” và “Nam phong nữ ngạn thi” là những cuốn sưu tầm ca dao, tục ngữ có cả những lối dịch ra chữ Hán theo phong cách của kinh thi. Đây là tập sưu tầm ca dao đầu tiên trong lịch sử văn học nước nhà.

Từ khóa » Chức Tả Thị Lang