Đánh Thức Tiếng Khèn Dân Tộc Thái - Báo Công An Nhân Dân điện Tử

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà sàn đã bạc phếch màu sương gió, cụ già 72 tuổi Vi Đình Công "khoe" với giọng nói hào sảng: "Khi mới chập chững tập đi đã thích nghe tiếng khèn bè, tiếng kèn môi, tiếng sáo, lớn lên một tí, ta suốt ngày đi theo cụ già Tấu người thổi khèn và làm khèn giỏi nhất bản, cũng từ đó già này bắt đầu học thổi khèn, múa khèn rồi làm khèn…".

Trong men rượu lâng lâng, cụ già Vi Đình Công cười, nụ cười í nhị như thời trai trẻ: "Nhờ tiếng khèn, tiếng hát mà già ni cưới được vợ đẹp nhất vùng đó!". Già Công kể rằng, trong một đêm trăng thanh gió mát, Công đem khèn ra thổi bên dòng sông Lam tràn ngập ánh trăng. Một cô gái nghe tiếng khèn mê quá bơi qua sông để gặp người chơi khèn. Và rồi họ nên vợ nên chồng. Người vợ Công tên là Lô Thị Khoành cũng là một sơn nữ có tiếng hát rất hay nên Công xin cho vợ vào đội văn nghệ. Vậy là từ đó, vợ chồng Công trở thành trụ cột của đội văn nghệ.

Chiến tranh kết thúc, vợ chồng già Công về bản Piềng Chắn làm nương, làm rẫy để nuôi đàn con ăn học. Nhưng, khi mà cuộc sống hiện đại đi vào từng thôn bản thì những điệu khèn, những điệu xuối, lăm, nhuôm của người Thái đang ngày một bị lãng quên. Nhiều bản làng không còn có nổi một cây khèn bè, nếu có thì cũng rất ít người biết thổi, biết múa, đặc biệt là thế hệ thanh niên đồng bào Thái ở các bản làng miền Tây xứ Nghệ hiện rất ít người biết đến những loại nhạc cụ này của cha ông,… Già Công buồn lắm!

Nghĩ phải làm một điều gì đó thôi, già Công âm thầm đi tìm gỗ, tìm trúc làm khèn. Bàn chân già đã đi qua không biết bao nhiêu ngọn núi, dòng khe để tìm cây gỗ kim giao và trúc già vàng óng để làm khèn. Làm xong những ai thích ông lại đem tặng và hướng dẫn cách múa khèn, thổi khèn. Ông dạy những chàng trai những điệu khèn, điệu kèn môi, điệu sáo và chế tác các loại nhạc cụ ấy. Còn vợ ông thì miệt mài dạy cho những sơn nữ những làn điệu dân ca Thái, điệu khắp, lăm, xuối..

Để làm thành một cây khèn cũng phải lắm công phu. Gỗ kim giao làm đế thân khèn, dây rừng buộc chét phải đi tít trên núi cao hiểm trở mới có. Lấy xong về sơ chế kĩ càng rồi gác trên bếp sấy khô. Trúc cũng phải chọn trúc già vàng óng, giao lóng dùng làm đế so hơi cũng trải qua quá trình sơ chế ấy để không bao giờ bị mối mọt, chịu đựng được tất cả mọi thời tiết. Khi khoét gióng phải đưa thân khèn khít tránh lọt gió như vậy tiếng khèn mới hay được. Và một điều đặc biệt là người làm khèn phải có tâm, không có tâm thì không bao giờ làm được khèn. Chính ông gửi gắm cả hồn mình vào thân gỗ kim giao và trúc vàng mới chắp gió thành được lời yêu lời nhớ như vậy. Những cây khèn của ông, những làn điệu dân ca Thái... ngày một nhân rộng ra nhiều làng bản...

Để giữ gìn những giá trị văn hóa, ngành văn hóa Tương Dương đã mở các lớp chế tác nhạc cụ dân tộc, học nhạc, học hát những làn điệu dân ca Thái. Vợ chồng già Công được đánh giá là "bảo tàng âm nhạc sống" bởi già Công chế tác và chơi thành thạo rất nhiều loại nhạc cụ của các dân tộc thiểu số anh em, còn vợ thì thuộc tất cả những làn điệu dân ca Thái và những điệu khắp, lăm, nhuôm, xuối... Hai vợ chồng già Công được ngành Văn hóa mời làm "giảng viên". Tuy tuổi cao, nhưng với tình yêu và lòng đam mê những điệu khèn, điệu xuối... vợ chồng già không quản đường xa vẫn trèo đèo lội suối truyền niềm đam mê âm nhạc dân tộc cho thế hệ trẻ.

Với những cống hiến của mình, vợ chồng già Công đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian, Huy hiệu Vì sự nghiệp văn nghệ dân gian Việt Nam và Huy hiệu Vì sự nghiệp văn hóa quần chúng. Ông Vi Tân Hợi, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết, từ tấm gương nghệ nhân vợ chồng Vi Đình Công - Lô Thị Khoành, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục có những chính sách để gìn giữ, bảo tồn và phát triển những giá trị văn hóa của các tộc người trên địa bàn huyện

Từ khóa » Khèn Dân Tộc Thái