Độc đáo Khèn Bè Người Thái Nghĩa Lộ - Mường Lò

Nghệ nhân Lò Văn Biến (bên phải) cùng các nghệ nhân nghiên cứu chế tác khèn bè.

Hệ thống nhạc cụ của người Thái rất đa dạng và phong phú, gồm bộ gõ, các loại pí…, đặc biệt là khèn bè. Chiếc khèn bè của người Thái Nghĩa Lộ - Mường Lò, Yên Bái từ bao đời nay đã gắn liền với những điệu xòe cổ. Nó được ví như một tác phẩm nghệ thuật, thể hiện khéo léo, tài hoa của người nghệ nhân, cũng là biểu tượng văn hóa tinh thần độc đáo, riêng có của đồng bào dân tộc Thái.

Chẳng phải ngẫu nhiên chiếc khèn bè lại giữ một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người Thái ở Mường Lò, nhất là trong những điệu xòe cổ, những điệu dân vũ đắm say đất trời. Tiếng khèn bè dặt dìu, huyền hoặc, mê mị lòng người bắt nguồn bởi một truyền tích cổ xưa của người Thái.

Chuyện kể rằng, có một chàng trai nghèo họ Lò, vốn nhân hậu và có tài thổi sáo. Tiếng sáo của chàng phát ra một thứ âm thanh kỳ lạ, làm xao xuyến lòng người. Âm thanh đó bay qua các bản làng, lay động mỗi nhành hoa, ngọn cỏ, làm xuyến xao nỗi lòng một thiếu nữ xinh đẹp là con gái của tạo bản trong vùng. Mê cái tài của người thổi sáo, cô gái thầm đem lòng yêu chàng trai từ lúc nào không hay.

Ngày ngày, họ hẹn hò nhau dưới chân nhà sàn hay bên dòng suối mát. Hay tin con gái bén duyên chàng trai nghèo họ Lò, tạo bản chọn gả cô cho một người giàu có ở làng bên. Không cưỡng lại được ý cha, vào một đêm trăng, cô gái trốn ra ngoài để từ biệt người yêu. Cô đưa cho chàng miếng sáp ong thường ngày kéo sợi để làm kỷ vật.

Nhận kỷ vật của người yêu, chàng trai buồn bã bỏ bản ra đi. Lang thang hết ngày này tháng khác, cuối cùng chàng dừng lại bên một con suối nhỏ. Buồn nhớ người yêu, chàng chặt nứa tép, bó lại với nhau, lấy sáp ong người yêu tặng bịt kín các kẽ hở giữa các ống sáo rồi đem thổi. 

Càng thổi càng buồn. Chàng chặt thêm các gióng nứa, lấy dao vạt chéo hết phần đầu các ống sáo, lạ thay âm thanh phát ra nhỏ to, cao thấp, nỉ non, dìu dặt... Chàng cứ mải miết thổi, thổi mãi cho tới khi lịm đi. Người ta vẫn thấy đôi tay chàng trai ôm chặt lấy cây khèn bè không dời. 

Câu chuyện về cây khèn của chàng trai họ Lò và người con gái được lưu truyền chín bản, mười mường của người Thái từ đời này qua đời khác...

Gắn bó không thể thiếu trong các sinh hoạt văn hóa tinh thần của người Thái, khèn bè được sử dụng làm nhạc đệm trong hầu hết các làn điệu dân ca, làm nền cho các điệu dân vũ. Tiếng khèn bè cất lên rộn rã trong vũ điệu xòe hoa; có khi da diết, sâu lắng như những cung bậc cảm xúc của tình yêu lứa đôi; lúc lại ngân nga, trong trẻo như tiếng suối reo, gió hát... 

Tiếng khèn làm rộn rã bản làng, đắm say đêm hội, xuyến xao lòng người. Âm thanh của khèn bè vừa có giai điệu lại vừa có phần đệm tạo cho người nghe cảm giác thư thái, yên bình, tạo bởi sự độc đáo riêng có của chất liệu làm nên nhạc cụ và cái tài hoa của người nghệ nhân chế tác, biểu diễn khèn bè.

Trong hoạt động văn hóa nổi bật của tỉnh Yên Bái, Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò và Lễ hội Khám phá Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2017, cùng với màn nghệ thuật biểu diễn khèn bè và màn đại xòe, chiếc khèn bè của người Thái vùng Mường Lò – Nghĩa Lộ, Yên Bái sẽ được tôn vinh tại lễ công nhận Kỷ lục Guinness chiếc khèn bè lớn nhất Việt Nam.

Bà Hoàng Thị Vân - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Công việc chế tác chiếc khèn bè lớn nhất Việt Nam đang được nghệ nhân Lò Văn Biến cùng các nghệ nhân vùng Mường Lò, Yên Bái và một số nghệ nhân chế tác khèn bè vùng Tây Bắc bắt tay thực hiện. Dự kiến, chiếc khèn bè này có chiều dài 5 m, rộng 2 m. Để chế tác và có thể tấu lên những bản nhạc từ chiếc khèn khổng lồ này phải cần tới 10 - 15 nghệ nhân. Nhạc cụ khèn bè của người Thái vùng Mường Lò - Nghĩa Lộ, Yên Bái được công nhận kỷ lục Guinness chiếc khèn bè lớn nhất Việt Nam không chỉ là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc thị xã Nghĩa Lộ nói chung, người Thái vùng Mường Lò nói riêng mà còn có ý nghĩa rất lớn đối với việc bảo tồn và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng các dân tộc ở Yên Bái”.

1806 lượt xem Theo Báo Yên Bái

Từ khóa » Khèn Dân Tộc Thái