Đất Và Người Thái Bình Góp Phần Làm Rạng Danh Truyền Thống Lịch ...

 

(Phát biểu đề dẫn Hội thảo khoa học “Thái Bình - 125 năm hình thành và phát triển” của đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh)

Từ ngàn xưa, đất đai tỉnh Thái Bình vốn là bãi bồi phù sa ven biển, có sức cuốn hút các thế hệ cư dân từ nhiều vùng miền đổ về khai phá, chung lưng đấu cật quai đê trị thủy, lấn biển, lập làng để tạo thành một miền quê trù phú.

Địa phận tỉnh Thái Bình được giới hạn bằng ba mặt giáp sông, một mặt giáp biển. Do sự hội tụ cư dân từ “chín người mười làng” về hợp cư sinh tồn ở nơi đầu sóng ngọn gió, cửa ngõ của biển Đông nên các thế hệ cư dân ở đất này đã sớm hình thành và vun đắp nên những truyền thống nổi trội, góp phần tích cực vào quá trình tạo lập những tinh hoa truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Có khá nhiều công trình nghiên cứu về Thái Bình của các học giả trong và ngoài nước đã hướng tới sự khẳng định: Do chung đúc khí thiêng sông biển nên những bậc anh hùng hào kiệt “lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa” ở đất này thời nào cũng có.

Nếu như trong truyền thống, Việt Namon> là một nước nông nghiệp thì Thái Bình là một trong những miền quê có nền kinh tế nông nghiệp sớm phát triển. Trải ngàn đời, từ truyền thống đến hiện tại Thái Bình luôn là một điển hình về thâm canh lúa nước.

Do cư dân sớm đông đúc, giỏi thâm canh lúa nước và phát triển các nghề thủ công nên vùng quê này từng được sử sách tôn vinh là “quê lúa, đất nghề”, là “kho người, kho của” cung cấp nhân tài, vật lực cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước ở mọi thời kỳ lịch sử.

Theo các nguồn sử liệu thì vào giữa thiên niên kỷ thứ nhất, nhiều vùng đất nay thuộc tỉnh Thái Bình đã khá sầm uất với các lớp cư dân sinh sống chủ yếu nhờ gieo cấy lúa nước và đánh bắt thủy hải sản. Có lẽ, đó chính là nguyên cớ để vào thế kỷ thứ VI, Lý Bí đã  chọn đất này làm nơi dấy nghĩa đánh giặc Lương dựng nước Vạn Xuân.

Đến thế kỷ thứ X, vùng đất Bố Hải khẩu mà trung tâm là thành phố Thái Bình ngày nay đã là nơi ruộng tốt, người đông và là một trong những trung tâm giao lưu với cảnh trên bến dưới thuyền. Đó là cơ sở để tướng quân Trần Lãm chọn cát cứ mà trở thành sứ quân mạnh nhất, làm nơi nương tựa cho Đinh Bộ Lĩnh thống nhất giang sơn, lập nghiệp đế vương.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư đã cho biết: vào năm 965, khi nhà Ngô mất, đất nước loạn lạc, giang sơn bị chia cắt trong cảnh loạn 12 sứ quân (966 - 968), sứ quân Trần Lãm có thế lực mạnh chiếm giữ vùng Bố Hải khẩu. Trần Lãm vốn nổi tiếng tài ba, đức độ nhưng không có con nối dõi. Đinh Bộ Lĩnh nổi dậy ở Hoa Lư bèn cùng con là Liễn tìm đến nương tựa. Minh Công (Trần Lãm) thấy Bộ Lĩnh dáng mạo khôi ngô lạ thường, lại có khí lượng, bèn nhận làm con nuôi, ưu đãi ngày càng hậu, sau giao cả binh quyền. Trên cơ sở đó Đinh Bộ Lĩnh đã dẹp yên các sứ quân, thống nhất sơn hà, lên ngôi Hoàng đế, lập ra nước Đại Cồ Việt, khẳng định một quốc gia có chủ quyền độc lập.

Về sự giao thoa chính trị - kinh tế - quân sự giữa hai vùng đất thiêng Bố Hải khẩu - Hoa Lư đã được Giáo sư sử học người Mỹ là Taylor nhận định trong cuốn Sự ra đời của nước Việt Nam rằng: “Bố Hải khẩu lúc bấy giờ là trung tâm buôn bán chính với bên ngoài, sự liên kết giữa trung tâm Hoa Lư và Bố Hải khẩu, một về chính trị, một về thương mại đó là một bước tiến tự nhiên đến việc thống nhất nước Việt Nam”.

Vào thế kỷ XI, diện mạo kinh tế - xã hội, đặc biệt là nền nông nghiệp ở vùng này đã phát triển, làng mạc đã trù phú. Bằng chứng là khi nhà Lý mở mang chính sách khuyến nông, vào những năm 1038 - 1065 vua Lý Thái Tông và vua Lý Thánh Tông đã về Bố Hải khẩu cày ruộng tịch điền. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Mùa xuân, tháng hai vua ngự ra cửa Bố Hải cày ruộng tịch điền. Sai hữu ti dọn cỏ, đắp đàn. Vua tế thần nông, tế xong tự cầm cày để muốn làm lễ tự cày. Các quan tả hữu có người can rằng: “Đó là công việc của nông phu, bệ hạ cần gì phải làm thế” - Vua nói “Trẫm không tự cày thì lấy gì làm xôi cúng, lấy gì cho thiên hạ noi theo”. 

Thế mới hay, từ đầu thế kỷ XI, các vị vua anh minh triều Lý đã nhận thức được nơi đây là miền quê trọng yếu về nông nghiệp để chọn làm nơi cày ruộng tịch điền, khơi nguồn cho chính sách khuyến nông của quốc gia Đại Việt.

Bước sang thế kỷ XIII, hệ thống làng xã thuộc Thái Bình ngày nay đã cơ bản ổn định, có đồng đất tốt tươi, dân tình trọng hậu để rồi tổ tiên nhà Trần từ nghề đánh cá đã chọn được miền Hải Ấp (nay thuộc huyện Hưng Hà) mà lên bờ định cư lập nghiệp. Từ vùng đất này họ Trần đã sinh ra những anh tài kiệt hiệt, nhờ phát nghiệp nông tang mà trở nên giàu có, từng bước tiến thân vào vũ đài chính trị mà mưu nghiệp lớn để rồi đến đời thứ tư họ Trần ở Hải Ấp đã khai nghiệp đế vương. Trải những năm tháng tái thiết đất nước và ba lần kháng chiến chống giặc Nguyên - Mông, nhà Trần đã rất chú trọng thực hiện những kế sách phát triển kinh tế - xã hội ở các phủ lộ nay thuộc tỉnh Thái Bình để làm chỗ dựa mà hưng nghiệp và giữ nghiệp.

Ở thế kỷ XV, Nguyễn Trãi đã viết trong sách Dư địa chí về phủ Kiến Xương và các vùng đất lân cận nay thuộc tỉnh Thái Bình là “đất đai màu mỡ phì nhiêu vào bậc nhất” và ông đã nhấn mạnh: “Phí dụng nuôi quân các triều đều lấy từ đất này”. Lời nhận xét đó đủ cho thấy vị thế của Thái Bình trong lịch sử dân tộc.

Vào thế kỷ XVIII, Lê Quý Đôn, nhà bác học lớn nhất Việt Nam thời phong kiến, đã có những trước tác đồ sộ viết về nhiều lĩnh vực tự nhiên và xã hội. Do am tường về đất và người của quê hương mình nên trong khá nhiều tác phẩm, đặc biệt là ở bộ sách Vân đài loại ngữ, Lê Quý Đôn đã chú tâm khảo tả khá tỷ mỷ về sự siêng năng, cần mẫn, về kỹ nghệ gieo cấy lúa nước trong các khâu: nước, phân, cần, giống của người nông dân ở các phủ huyện nay thuộc Thái Bình.

Là một vùng quê có nhiều yếu tố thuận lợi cho việc gieo cấy lúa nước, các thế hệ cư dân Thái Bình đã truyền đời “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” tích lũy thành một kho tàng kinh nghiệm thâm canh lúa. Kho tàng đó ngày càng được bồi đắp thêm để đến thời kỳ hiện đại, hơn bảy thập kỷ qua, Thái Bình luôn chiếm giữ đỉnh cao về tăng năng suất lúa. Năm 1966, trong hoàn cảnh đạn bom khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, Thái Bình đã giành năng suất lúa 5 tấn/ha bình quân trong toàn tỉnh để trở thành quê hương 5 tấn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Người suốt đời cống hiến, hy sinh cho Tổ quốc và nhân dân đã dành nhiều tâm lực chăm lo cho lĩnh vực nông dân, nông nghiệp, nông thôn, Người đã 5 lần về thăm Thái Bình. Lần thứ tư Người về thăm là để chia vui cùng Đảng bộ và nhân dân Thái Bình vì là tỉnh đầu tiên của miền Bắc đã đạt kỷ lục 5 tấn thóc/ha.

Quê lúa Thái Bình, quê hương 5 tấn đã và còn là nguồn cảm hứng bất tận với giới văn nghệ sĩ. Nếu như trong  Bài ca năm tấn, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã khẳng định “năm tấn thóc để góp phần đánh Mỹ. Ruộng đất quê ta không muốn nghỉ lấy một ngày” thì trong  Nắng ấm quê hương, nhạc sĩ Vĩnh An lại nhấn mạnh thêm: “Dù trong nắng trong mưa, lúa vẫn lên xanh tốt. Dù trong bom trong đạn đất vẫn cứ sinh sôi. Thái Bình ơi Thái Bình”. Đó là những sự khái quát, sự khẳng định một cách tài tình về truyền thống của vùng đất, con người Thái Bình và sẽ mãi mãi là những bài ca đi cùng năm tháng.

 Khi đất nước bước vào thời kỳ CNH, HĐH thì Thái Bình vẫn được xác định là tỉnh trọng điểm lúa, năng suất, sản lượng lúa vẫn tiếp tục được nâng lên cùng với quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. 

Do những đặc điểm về vị trí địa lý, địa hình và cư dân nên Thái Bình đã là nơi hội tụ và lan tỏa  các sắc thái văn hóa, văn minh của vùng châu thổ Bắc Bộ, vốn được coi là đất chèo, là quê hương của múa rối nước. Trải bao thăng trầm, đến nay Thái Bình còn hàng nghìn công trình kiến trúc cổ, một phần lớn đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 2 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Đó là chùa Keo, một trong những biểu tượng ngời sáng của bản sắc văn hóa Việt Nam; Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần, vốn là niềm tự hào vĩnh hằng về vùng đất phát đế vương đã sinh ra những bậc hiền tài khai sáng ra một vương triều lừng lẫy võ công, văn nghiệp.

Thái Bình là một vùng quê hiếu học, có rất nhiều những làng khoa bảng, những dòng họ hiếu học truyền đời. Hàng trăm trí thức đại khoa thời Nho học đã được bảng vàng, bia đá lưu danh, trong đó có nhiều vị đã trở thành danh nhân đất Việt mà tiêu biểu là nhà bác học Lê Quý Đôn. Truyền thống hiếu học thành danh đã và đang được tỏa sáng, nhân lên ở thời kỳ hiện đại.

Lại nữa, Thái Bình cũng còn là nơi “đất lành chim đậu”. Hai đại thi hào của dân tộc là Nguyễn Trãi và Nguyễn Du đều là giai tế của Thái Bình. Nguyễn Công Trứ vốn sinh ra từ Thái Bình, ở tuổi ấu thơ từng thấm đẫm hơi thở của đất  này mà nuôi hoài bão “phải có danh gì với núi sông” và ông đã trả nghĩa sinh thành với Thái Bình bằng việc tổ chức cuộc đại khẩn hoang lập ra huyện Tiền Hải. Và, cũng cần thấy thêm là: từ xưa đến nay đã có biết bao bậc “tao nhân mặc khách” đã nhờ những năm tháng tắm mình ở đồng đất Thái Bình mà có công danh sự nghiệp để đời.

Xưa và nay, tỉnh Thái Bình từng được cả nước biết đến là một miền quê giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Với vị trí trọng yếu cửa ngõ, Thái Bình cũng sớm phải đương đầu với các thế lực ngoại xâm. Ngay từ buổi đầu dựng nước, vào năm 40 sau công nguyên, hưởng ứng lời hịch cứu nước của Hai Bà Trưng, nhiều anh hùng hào kiệt ở Thái Bình đã nổi dậy phất cờ khởi nghĩa chống lại chế độ cai trị hà khắc của nhà Đông Hán. Tiêu biểu như cuộc khởi nghĩa của Vũ Thị Thục ở Tiên La Trang (nay là xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà), dưới ngọn cờ “Phù Trưng phạt Hán”… Trải qua ngàn năm, người dân Thái Bình đã không ngừng bồi đắp ý chí kiên cường, bất khuất, lập nên bao kỳ tích trong đấu tranh để bảo vệ quê hương. Sử xanh còn lưu danh biết bao người con của Thái Bình đã xuất hiện như những dấu son trong những cuộc kháng chiến chống các đạo quân xâm lược để giành và giữ nền độc lập.

Vào nửa cuối thế kỷ XIX, kể từ khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam, các tầng lớp nhân dân Thái Bình đã nối tiếp nhau quật cường chống Pháp bằng nhiều hình thức khác nhau ở các tỉnh thành cả nước và trên đất Thái Bình. Lịch sử dân tộc Việt Nam đã và sẽ mãi mãi lưu danh những thủ lĩnh kháng Pháp trước ngày có Đảng vốn là những người con của Thái Bình như Tiến sĩ Phạm Thế Hiển quê làng Luyến Khuyết (Thái Thụy), Đình nguyên Hoàng giáp Nguyễn Quang Bích quê làng Trình Phố (Tiền Hải), Đề đốc Tạ Hiện quê làng Quang Lang (Thái Thụy), cùng bao ông Nghè, ông Cử, ông Tú, ông Đề, ông Đốc, ông Lãnh khác. 

Vào những thập niên cuối thế kỷ XIX, sau khi đã bình định xong toàn cõi Đông Dương, thực hiện chính sách chia để trị, thực dân Pháp đã thiết lập nhiều tỉnh mới theo quy mô phù hợp để dễ bề kiểm soát. Trong bối cảnh đó, ngày 21/3/1890 Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập tỉnh Thái Bình.

Trong một báo cáo gửi về bộ Thuộc địa Pháp về việc thành lập tỉnh Thái Bình, viên Toàn quyền Đông Dương đã lý giải: “Dân vùng này ngoan ngạnh, khó trị, phải thành lập một tỉnh riêng để cử quan công sứ cai trị”.

Nhận thức rõ vị thế của tỉnh Thái Bình, một học giả người Pháp đã viết trong tác phẩm Chú thích về tỉnh Thái Bình: “Đây là một trong những tỉnh lớn nhất và quan trọng nhất của Bắc kỳ, đó là một điều không ai chối cãi được…”. Chính vì nhận thức rõ điều này nên nhà nước bảo hộ Pháp luôn chú trọng cử những viên công sứ người Pháp cùng những tổng đốc, tuần phủ giàu năng lực quản lý và kinh nghiệm đàn áp các phong trào yêu nước về cầm quyền ở Thái Bình.

Theo nghị định thành lập tỉnh Thái Bình thì một tỉnh mới mang tên Thái Bình bao gồm phủ và phân phủ Thái Bình, phủ Kiến Xương tách ra từ tỉnh Nam Định và huyện Thần Khê tách ra từ tỉnh Hưng Yên (tức là phần đất của các huyện Vũ Thư, Kiến Xương, Tiền Hải, Đông Hưng, Quỳnh Phụ, Thái Thụy ngày nay). Đến ngày 28/11/1894, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định cắt hai huyện Duyên Hà, Hưng Nhân (nay là huyện Hưng Hà) thuộc tỉnh Hưng Yên nhập vào tỉnh Thái Bình. Từ đó đến nay, địa dư, duyên cách tỉnh Thái Bình cơ bản ổn định, là một trong số ít tỉnh thành của Việt Namon> từ khi thành lập đến nay chưa hề bị chia ra, nhập lại.

Năm 1990, tỉnh Thái Bình tổ chức lễ hội trọng thể kỷ niệm 100 năm ngày thành lập tỉnh. Vì kết hợp với việc tổ chức Đại hội Thể dục thể thao toàn tỉnh nên lễ hội được tổ chức vào ngày 14/10. Từ sau sự kiện đó, ngày 14/10 hàng năm được chọn làm ngày Lễ hội văn hóa  thể thao truyền thống của tỉnh Thái Bình. Có lẽ đó là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người trong và ngoài tỉnh cùng một bộ phận trong giới truyền thông đã hiểu nhầm ngày thành lập tỉnh là ngày 14/10.

Với mưu đồ thành lập tỉnh riêng để dễ bề cai trị hòng dẹp yên các phong trào kháng Pháp nhưng thực tế lịch sử diễn ra trên đất Thái Bình lại hoàn toàn trái ngược với mưu đồ của người Pháp. Từ sau ngày thành lập tỉnh. Giới văn thân, sỹ phu yêu nước ở khắp các phủ, huyện đã đồng loạt đứng lên lãnh đạo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đấu tranh dưới nhiều hình thức khác nhau, ngày càng sôi động, phong phú hơn. Vào những thập niên đầu của thế kỷ XX, khi phong trào Đông Kinh nghĩa thục và Đông Du nổi nên ở nhiều nơi trong nước thì Thái Bình là nơi có phong trào mạnh nhất và trở thành một trung tâm giao lưu của các chí sỹ yêu nước. Đó chính là một trong những tiền đề để Thái Bình sớm xuất hiện những người con kiên trung trong ngày đầu thành lập Đảng như Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Danh Đới, Nguyễn Văn Năng cùng bao chiến sĩ cộng sản ưu tú khác, để rồi Đảng bộ tỉnh Thái Bình ra đời sớm và người Thái Bình thường xuất hiện như những dấu son chói lọi trong những dấu mốc lịch sử của Đảng và nhân dân ta như: Tạ Quốc Luật, Nguyễn Thị Chiên, Bùi Quang Thận, Vũ Ngọc Nhạ, Hoàng Văn Thái, Phạm Tuân…

Là một miền quê giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Tinh thần thượng võ, quật khởi chống ngoại xâm và áp bức cường quyền đã thấm sâu vào máu thịt, tâm can của các thế hệ cư dân nơi đầu sóng ngọn gió này.

Sau ngày thành lập Đảng, ở Thái Bình đã nổ ra hai cuộc biểu tình “long trời, lở đất” của nông dân Tiên Hưng - Duyên Hà tại chợ Khô, xã Hoa Lư, huyện Đông Hưng ngày 1/5/1930 và tại Tiền Hải ngày 14/10, thu hút hàng chục nghìn quần chúng tham gia.

Trải 15 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tầng lớp nhân dân Thái Bình đã luyện tôi trong gian khó, hy sinh, “nếm mật, nằm gai”, bền gan, vững chí, một lòng sắt son với Đảng để sớm giành chính quyền cách mạng.

Trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp, người Thái Bình vừa xả thân ở những trận chiến khốc liệt để giải phóng quê hương vừa dốc cạn  sức người, sức của chi viện cho các mặt trận.

Đi trọn chặng đường 20 năm đánh Mỹ, Thái Bình luôn thực hiện “thóc thừa cân, quân vượt mức”. Lớp lớp con em Thái Bình ra trận với tinh thần “có lệnh là đi, tư thế sẵn sàng”.  Người ở lại hậu phương, tay cày tay súng, làm nên “năm tấn thóc để góp phần đánh Mỹ”, “tất cả vì miền Namon> ruột thịt”. Hàng chục vạn bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, thanh niên xung phong, dân quân du kích, dân công hỏa tuyến, người phục vụ kháng chiến đã hy sinh hoặc cống hiến một phần xương máu để giang sơn thu về một mối.

Đất nước thống nhất nhưng máu xương của tuổi trẻ Thái Bình lại tiếp tục đổ xuống ở biên giới và hải đảo. Trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, gần 50 vạn người con của Thái Bình “lớp cha trước, lớp con sau” lần lượt lên đường. Kết thúc chiến tranh, gần 52.000 người con của quê hương Thái Bình đã anh dũng hy sinh, gần 5.500 bà mẹ đã được phong tặng và truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Namon> anh hùng”, hàng vạn người thuộc diện người có công với cách mạng.

Kế thừa và phát huy những tinh hoa truyền thống của các thế hệ cha ông, trên cuộc hành trình gần 30 năm đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã năng động tìm ra sức bật mới với những bước đi, cách làm mới.

Xuất phát điểm từ một tỉnh nông nghiệp với nền kinh tế thấp, bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Thái Bình đã gặp biết bao trở ngại. Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã năng động, sáng tạo khai thác mọi tiềm năng thế mạnh, tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua mọi thách thức để phát triển kinh tế - xã hội.

Nếu như, tại hội thảo khoa học kỷ niệm 100 năm thành lập tỉnh được tổ chức vào năm 1990, có nhà khoa học đã nhận định: “Thái Bình là một tỉnh thuần nông, những tiền đề để phát triển công nghiệp, dịch vụ chưa rộng mở” thì đến nay, sau 25 năm, diện mạo nền kinh tế của Thái Bình đã hoàn toàn đổi khác. Giá trị tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh 5 năm (2010 - 2014) tăng bình quân 7,4%/năm. Năm 2014, GRDP tăng 7,83% so với năm 2013, cao hơn mức tăng năm trước (7,24%). Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 5.300 tỷ đồng, tăng 48%. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,27 tỷ USD, tăng 16,9% so với năm 2013. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,42%. Đến hết năm 2014 toàn tỉnh đã có 85 xã (chiếm 31,8%) đạt chuẩn nông thôn mới và dự kiến đến cuối năm 2015, Thái Bình có 135 xã (51,1%) đạt chuẩn nông thôn mới; 129 xã đạt từ 13 - 18 tiêu chí và phấn đấu có từ 1 - 2 huyện đạt huyện nông thôn mới. Nếu như trước đây, trong phát triển kinh tế nông nghiệp các địa phương của tỉnh mới chỉ tập trung vào trồng trọt và chăn nuôi, thì hiện nay 2 huyện ven biển Thái Thụy và Tiền Hải đã và đang tập trung vươn khơi, bám biển, vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.

 Đến Thái Bình hôm nay, người dân không còn thấy cảnh chờ phà. Những cây cầu mới Tân Đệ, Triều Dương, Cầu Hiệp đã phá thế cô lập bởi 3 mặt sông một mặt biển; những con đường quốc lộ phẳng lì, đường bê tông đê biển, đường nông thôn mới trong các xóm, thôn, cùng với những tiềm năng thế mạnh của tỉnh đã và đang gọi mời các nhà đầu tư, bạn bè đến với Thái Bình ngày một nhiều thêm.

Song song với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội của Thái Bình những năm qua đã phát huy được những truyền thống, giá trị văn hiến của quê hương, đất nước. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo của tỉnh được giữ vững và phát triển. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được thực hiện có hiệu quả. Đời sống văn hóa của nhân dân được cải thiện. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa được chú trọng. Các thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư xây dựng. Việc thực hiện chính sách đối với người và gia đình có công với cách mạng, các chính sách xã hội đạt nhiều kết quả tích cực. An ninh chính trị được đảm bảo, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được thực hiện đồng bộ, đạt nhiều kết quả. Các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục khuyết điểm, hạn chế đã chỉ ra sau kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tạo sự chuyển biến khá rõ nét về năng lực lãnh đạo của các tổ chức đảng và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên.

Những thành tựu quan trọng và toàn diện đã đạt được về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng của Thái Bình trong tiến trình đổi mới, hội nhập, xây dựng nông thôn mới đã và đang thắp sáng thêm truyền thống của miền quê “rạng rỡ đất văn, oai phong đất võ”.

Nhân kỷ niệm 125 năm thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2015), Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chủ trương phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức cuộc hội thảo khoa học mang chủ đề “Thái Bình - 125 năm hình thành và phát triển”. Hy vọng đây sẽ là một diễn đàn để các nhà khoa học cùng các nhà quản lý có dịp trao đổi, đánh giá về những tiềm năng thế mạnh và cả những mặt hạn chế về điều kiện tự nhiên, xã hội, kinh tế và dân cư của quê hương Thái Bình, đồng thời cũng là một dịp để đánh giá, lý giải về những truyền thống của Thái Bình ở các thời kỳ lịch sử, đặc biệt là những thành tựu trên các chặng đường: đấu tranh giành độc lập, giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Bình trong tiến trình 125 năm hình thành và phát triển.

Sau một thời gian không dài phát động và đặt bài, đến trước giờ khai mạc hội thảo, ban tổ chức đã nhận được gần 50 bản tham luận của các nhà khoa học và các nhà quản lý từ trung ương đến địa phương viết về các chủ đề: lịch sử về vùng đất, con người, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh… từ truyền thống đến hiện tại. Ngoài những chủ đề về sự kiện thành lập tỉnh Thái Bình vào ngày 21/3/1890, những thành tựu của tỉnh Thái Bình trong 125 năm hình thành và phát triển còn có những tham luận nghiên cứu về lịch sử hình thành đất đai và cư dân, truyền thống của Thái Bình, bản sắc văn hóa Thái Bình, văn hóa Thái Bình trong tổng thể văn hóa Việt Nam… Có khá nhiều tham luận tập trung đề cập tới vấn đề phát huy những tiềm năng, thế mạnh của vùng đất, con người Thái Bình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó có những kiến giải khá lý thú về việc thu hút, trọng dụng nhân tài ở Thái Bình…  Đối với từng cụm chủ đề, đều có những tham luận được trình bày mang tính tổng thể và những nghiên cứu mang tính chuyên sâu về một lĩnh vực, một nhân vật lịch sử cụ thể, một thời điểm, hoặc một giai đoạn lịch sử cụ thể…

Điều rất đáng trân trọng là hầu hết các tham luận đều được viết công phu, tâm huyết, mang tính khoa học cao với nhiều sự tìm tòi phát hiện mới cùng những sự lý giải khoa học và lý thú.

Với khuôn khổ thời gian cho phép, chúng tôi đề nghị các tác giả tham luận cùng toàn thể hội thảo tập trung trao đổi về một số vấn đề chính sau:

Một là: Từ những nguồn tư liệu đã sưu tầm và phát hiện được, hướng tới việc nhận định, đánh giá, lý giải được những nét đặc trưng, những đặc điểm nổi trội của Thái Bình về các lĩnh vực tự nhiên, dân cư, kinh tế, văn hóa, xã hội… Những đặc điểm nổi trội đó đã tác động như thế nào vào việc hình thành các truyền thống tiêu biểu của con người Thái Bình như: truyền thống cần cù, sáng tạo trong thâm canh lúa nước, truyền thống quật khởi chống ngoại xâm với những phẩm chất nổi trội như: siêng năng, quả cảm, hiếu học, năng động…

Hai là: Bằng những cứ liệu khoa học để lý giải và khẳng định nguyên cớ tỉnh Thái Bình được thành lập vào ngày 21/3/1890 đồng thời chỉ ra được một cách khách quan, chân xác về những thành tựu cùng những hạn chế, yếu kém và bài học kinh nghiệm đối với từng lĩnh vực trong quá trình phát triển 125 năm qua của tỉnh Thái Bình.

Ba là: Khẳng định vị thế của tỉnh Thái Bình trong tiến trình đấu tranh và xây dựng đất nước ở từng thời kỳ, từng giai đoạn lịch sử: đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới và hội nhập trong 125 năm hình thành và phát triển.

Bốn là: Lý giải một cách khách quan, khoa học về những đặc điểm, những thành tựu, hạn chế mang tính truyền thống của Thái Bình có ý nghĩa như thế nào cho sự phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của Thái Bình hôm nay và mai sau.

Năm là: Thông qua hội thảo này, các nhà khoa học sẽ đặt ra những vấn đề cần đề xuất, tư vấn, kiến nghị với Trung ương về việc quan tâm chỉ đạo, đầu tư, hỗ trợ để tạo đà xây dựng quê hương Thái Bình xứng tầm với vị thế vốn có, với đặc điểm của Thái Bình hiện nay. Ví dụ như: kiến nghị với Trung ương có cơ chế, chính sách mang tính đặc thù để giúp Thái Bình chuyển nhanh, chuyển mạnh những sản phẩm nông nghiệp trở thành hàng hóa. Chú trọng đầu tư cho Thái Bình xây dựng và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, đặc biệt là lĩnh vực giao thông hoặc các đề xuất, kiến nghị với Trung ương có những cơ chế, chính sách phù hợp về các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác nhằm tạo được những thuận lợi để Thái Bình tiếp tục khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh trong tiến trình hội nhập và phát triển.

Vì điều kiện thời gian hội thảo không cho phép nên có thể sẽ có một số tham luận chưa được trình bày trong hội thảo này, kính mong được sự lượng thứ của tác giả. Chúng tôi sẽ tập hợp, nghiên cứu và sử dụng sau.

Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và ban tổ chức hội thảo, tôi xin bày tỏ sự trân trọng và cảm ơn Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và các cơ quan nghiên cứu ở Trung ương đã cùng phối hợp tổ chức và đồng chủ trì hội thảo. Cảm ơn các nhà khoa học, nhà quản lý đã nhiệt thành tham gia viết tham luận và tham dự hội thảo.

Nhân dịp đầu xuân mới, xin kính chúc các vị khách quý, các nhà khoa học cùng toàn thể quý vị sức khỏe và hạnh phúc.

Từ khóa » đất Nước Thái Bình Nghĩa Là Gì