Đau đầu Dạy Con Lớp 1, Từ "giếng" đánh Vần Như Thế Nào?

Từ ‘giếng’ đánh vần thế nào?

Mới đây, một tài khoản là phụ huynh của học sinh lớp Một đăng trên diễn đàn Facebook xin ý kiến của các giáo viên dạy bậc tiểu học về cách đánh vần từ ‘giếng’.

Tài khoản này viết: “thầy cô ơi, con mình đang học lớp Một. Tối qua cô giao bài tập đọc về nhà, có từ ‘giếng’, con trai mình đánh vần mãi không ra chữ ‘giếng’, trong ‘giếng nước’, nhờ mọi người chỉ thêm.

Nghe con hỏi, mẹ quát có từ ‘giếng nước’ cũng không đánh vần nổi thì học cái gì, nhưng sau đó mình xấu hổ với con vì mẹ cũng không đánh vần được.

Đây là cách đánh vần của tôi: cách một, ‘iêng’ – ‘g’ – ‘iêng’– ‘sắc’, vẫn không ra ‘giếng’; cách 2, ‘êng’ – ‘gi’– ‘êng’ – ‘sắc’ cũng chẳng ra được từ gì cả”.

Cùng với đó, chị Trần Tỉnh (Gia Lai) chia sẻ, con chị gặp khó khăn khi đánh vần từ ‘giếng’ trong sách Tiếng Việt 1 – bộ Cánh Diều (tập 1) của nhóm tác giả Nguyễn Minh Thuyết (Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên) - Hoàng Hòa Bình – Nguyễn Thị Ly Kha – Lê Hữu Tỉnh biên soạn do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành (2020).

Cụ thể, con chị Tỉnh không chịu đánh vần từ ‘giếng’ là: “gi” – “iêng” – “giêng” – “sắc” ‘giếng’ theo lời mẹ dạy vì… thừa một âm “i”.

“Tôi đã giải thích cho cháu đây là trường hợp đặc biệt (thừa một âm ‘i’ nên bỏ đi cho gọn), phải đánh vần như vậy nhưng con bé ngang, không chịu nghe.

Nó rất cứng rắn, một là đánh vần ‘gờ’ + ‘iêng’+ ‘sắc’; hai là ‘gi’ + ‘êng’. Mẹ bảo sao nó cũng không chịu”, chị Tỉnh nói thêm.

(Ảnh do tác giả cung cấp)

(Ảnh do tác giả cung cấp)

Người viết hỏi thêm một số phụ huynh có con đang học lớp Một ở Thành phố Hồ Chí Minh thì cha mẹ các em kể, đã từng gặp phải trường hợp như vậy.

“Tôi giải thích cho con hiểu, từ ‘giếng’ là trường hợp đặc biệt nên phải đánh vần ‘gi’ – ‘iêng’ – ‘giêng’ – ‘sắc’ – ‘giếng’.

Cũng như tên con là ‘Khôi’, chỉ đơn giản do bà nội con thích tên này nên ba mẹ đặt cho thôi”, một phụ huynh ở quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết.

Vì sao từ “giếng” chỉ có… một chữ ‘i’?

Theo tác giả Phan Tử Băng, khi ghép vần mà có hai nguyên âm giống nhau, đứng liền nhau thì phải bỏ đi một nguyên âm.

Ví dụ, khi ghép phụ âm ‘qu’ và vần ‘uê’, lẽ ra ta có từ ‘quuê’ nhưng vì bỏ một nguyên âm ‘u’ nên nên chỉ còn lại ‘quê’.

Tương tự, từ ‘gì’ có phụ âm ‘gi’ và nguyên âm ‘i’ nhưng bị lược bỏ một nguyên âm ‘i’ nên còn lại ‘gì’… Cho nên, nếu không chấp nhận quy tắc này thì không thể đánh vần từ ‘giếng’, từ ‘gì’… [1]

(Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Sạn sách giáo khoa lớp 1 các trường đã dạy gần hết, in tài liệu làm gì

Còn một số giáo viên dạy bậc tiểu học ở Thành phố Hồ Chí Minh lí giải, từ ‘giếng’ phải đánh vần là ‘gi’ – ‘iêng’ – ‘giêng’ – ‘sắc’ – ‘giếng’ là do quy định, ngoại lệ.

Người viết hiểu rằng, cách giải thích này, ngôn ngữ học gọi là ‘võ đoán’. Tính võ đoán của ngôn ngữ là chỉ cái biểu hiện và cái được biểu hiện không có mối quan hệ tất yếu nào, mà chỉ đơn thuần là do một nhóm người quy ước với nhau, khi quy ước được chấp nhận rộng rãi, nó sẽ được cố định.

Tuy nhiên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngôn ngữ học Nguyễn Thị Hai, nguyên giảng viên Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết trường hợp âm vị /z-/ (ví dụ từ ‘giếng’) là khả năng kết hợp không có quy tắc. Nó được ghi bằng 3 cách như sau:

“Thứ nhất, chữ cái ‘d’, ví dụ: ‘da’; ‘dẻ’; ‘dễ’; ‘dì’; ‘dượng’’ ‘dục vọng’; ‘diệt’…

Thứ hai, chữ cái kép ‘gi’, ‘gieo’; ‘giữ’; ‘giẫm’; ‘giờ’; ‘giãy’’ ‘giăng’’; ‘gia’ (đình); ‘giường’; ‘giúp’; ‘giống’; ‘gió’’; ‘giũa’; ‘giuộc’ (duộc).

Thứ ba, “chữ cái ‘g’ chỉ có trong 7 âm tiết: ‘gì’ (làm gì?, cái gì?); ‘gìn’ (giữ gìn); ‘giết’; ‘giêng’; ‘giềng’; ‘giếng’ và ‘gịa’ (chú ý, dấu ‘nặng’ được đặt dưới chữ cái ‘i’, âm tiết này có trong từ ‘gặt gịa’ của phương ngữ Nam; ‘ia’ ở đây chính là chữ cái ghi biến thể của nguyên âm đôi /ie/. Thực ra, cách ghi này cũng chỉ là biến thể của cách ghi ‘gi’ mà thôi.”

Giáo viên, phụ huynh cần nói sao cho học sinh dễ hiểu?

Một cô giáo dạy bậc tiểu học ở quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng, cách đánh vần từ ‘giếng’ là: ‘gi’ – ‘iêng’ – ‘giêng’ – ‘sắc’- ‘giếng’.

“Nên giải thích cho học sinh hiểu, sở sĩ phải đánh vần ‘gi’ – ‘iêng’ – ‘giêng’ – ‘sắc’- ‘giếng’ vì vần ‘iêng’ có âm ‘i’ đứng trước”, cô Hà nói thêm.

Nghi ngờ cách giải thích của cô giáo chưa thuyết phục ở góc độ khoa học – ngữ âm học, tôi hỏi xin ý kiến của Tiến sĩ Ngôn ngữ học Nguyễn Văn B., nguyên tác giả sách Tiếng Việt (trước năm 2000), thì thầy khẳng định, cách giải thích của tác giả Phan Tử Băng và cô Hà – như đã đề cập ở trên, là sai.

“/G/ (đọc là ‘dờ’ - /z-/) là âm đầu còn phần vần là ‘iêng’ nên đọc thành ‘giếng’. Do lẫn lộn giữa ‘âm’‘chữ’ nên nhiều người tưởng ‘g’ trong từ ‘giếng’ là âm /g/ - đây là âm /z-/ (dờ) chứ không phải âm /g/”, thầy B., phân tích thêm.

Khi được hỏi, phải giải thích thế nào cho học sinh 6 tuổi không thắc mắc, bắt bẻ, mà thật dễ hiểu về trường hợp đánh vần từ ‘giếng’ thì thầy B., khuyên, nên nói cho các em hiểu, với từ ‘giếng’ ta có ‘iêng’ là phần vần nên đánh vần là ‘gi’ – ‘iêng’ – ‘giêng’ – ‘sắc’- ‘giếng’.

Tài liệu tham khảo:

[1] //dantri.com.vn/ban-doc/trao-doi-ve-cach-ghep-van-trong-sach-giao-khoa-tieng-viet-1-1271896684.htm?

[2] Nguyễn Thị Hai (2017), Ngữ âm học tiếng Việt hiện đại, Nhà xuất bản Thanh niên, Trang 140-142

Thạc sĩ Ngôn ngữ học Phan Thế Hoài

Từ khóa » Từ Giếng Có ý Nghĩa Gì