Giếng Cổ Làng Tỉnh Thủy - Báo Đà Nẵng điện Tử

Tại khu vực di tích đồi Bà Lau (thôn Tỉnh Thủy, xã Tam Thanh, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) có một giếng nước cổ gắn liền với quá trình khẩn hoang, khai phá lập làng xã ở vùng đất này. Giếng có tên dân gian là giếng Bộng và tên gọi làng Tỉnh Thủy (井水: nghĩa là giếng nước) cũng có xuất xứ từ giếng nước cổ này...

Giếng Bộng nằm bên sông Trường Giang (ảnh trái) và nhà thờ Hương hiền làng Tỉnh Thủy. Ảnh: A.T
Giếng Bộng nằm bên sông Trường Giang (ảnh trái) và nhà thờ Hương hiền làng Tỉnh Thủy. Ảnh: A.T

Làng Tỉnh Thủy nằm ở vùng Đông Tam Kỳ có lịch sử hình thành cách đây hàng trăm năm. Theo tư liệu từ cuốn Quảng Nam truyền thống Văn hóa (NXB Hội Nhà văn, 2020) của nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Tôn Thất Hướng, làng chài Tỉnh Thủy được thành lập từ thế kỷ XVI thời hậu Lê. Cuốn Lịch sử đấu tranh cách mạng xã Tam Thanh, xã Tam Phú, phường An Phú: 1930-1975 (NXB Đà Nẵng, 2019) cho biết, năm Gia Long thứ 13 (1813), xã Tỉnh Thủy (cùng 11 xã khác ở vùng Đông Tam Kỳ) được thành lập, thuộc tổng An Hòa, phủ Thăng Bình, sau đổi thành tổng Phú Quý, phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam...

Năm 1945, sau Cách mạng Tháng Tám thành công, địa bàn vùng Đông Tam Kỳ lúc đầu gồm 9 xã nhỏ, sau đó nhập lại thành 5 xã gồm Hòa Thanh, Tam Phú, Quý Phú, Tứ Dân và Tỉnh Thủy. Tháng 2-1949, 5 xã trên nhập lại thành một xã lớn lấy tên là Tam Thanh và Tỉnh Thủy trở thành một làng thuộc xã này.

Buổi sơ khai, làng Tỉnh Thủy còn là vùng đất gò đồi hoang vu, ngoài biển trong sông nên dân gian gọi là Gò Rú. Khi những bậc tiền nhân đặt chân đến nơi đây quyết định an cư lạc nghiệp, bên cạnh việc khẩn hoang, khai hóa thì việc tìm mạch nước ngầm để đào giếng định cư lâu cũng được chú tâm thực hiện. Từ sự bức thiết của cuộc sống, các bậc tiền nhân làng Tỉnh Thủy đã tìm được nguồn nước dưới chân Gò Rú (nay là đồi Bà Lau). Do chỉ cách sông Trường Giang khoảng 40m nên nguồn nước mạch của giếng này rất dồi dào và ngọt mát, trong lành. Có giếng có nước, dân quần cư tạo thành làng xã. Dân cư ngày càng đông đúc, uống chung dòng nước giếng trong làng bên bờ sông Trường Giang.

Dân làng truyền tai nhau, rồi các thuyền chài đánh bắt trên sông, thuyền buôn trên sông Trường Giang từ An Hòa ra Cửa Đại thường ghé vào đây xin dân làng lấy nước ngọt, họ gọi vùng đất này là xứ Giếng Nước. Và đoạn bờ sông Trường Giang chỗ các thuyền thường neo đậu để vào lấy nước giếng hình thành một bến đò sau này được gọi tên là bến đò Tỉnh Thủy.

Theo nội dung Hồ sơ di tích cấp tỉnh Đồi Bà Lau do Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Truyền thông thành phố Tam Kỳ lập năm 2021, ban đầu dân làng chỉ dùng chung nguồn nước từ giếng Bộng, nhưng rồi dân cư đông đúc, lại phải thường xuyên cung cấp nước cho các thuyền chài, thuyền buôn ghé lấy nên các xóm trong làng bắt đầu khai thông các giếng khác như giếng Đình ở xóm Đình, giếng Dưới ở xóm Dưới... Mãi về sau, khi dân làng bắt đầu được học hành và hình thành nên bộ phận những người hay chữ trong làng, họ lấy tên gọi xứ Giếng Nước phiên âm qua chữ Hán - Việt là Tỉnh Thủy để đặt tên cho làng.

Như vậy, quá trình khai cư lập nên làng xã cũng như nguồn gốc tên làng Tỉnh Thủy đều gắn liền với giếng Bộng. Hiện nay, giếng Bộng tuy không được sử dụng nhưng vẫn còn nguyên vẹn và được người dân gìn giữ cẩn thận. Giếng dùng đá ong để xây thành giếng, đường kính khoảng 1,5m, sâu khoảng 6m, chiều cao từ mặt đất đến miệng giếng khoảng 60cm.

Theo các vị cao niên tại làng Tỉnh Thủy, vào các dịp khai biển đầu năm, người dân trong làng lại thực hiện nghi lễ dọn sạch giếng để nước dưới lòng đất nhỉ ra nước mới. Mồng 7 tháng Giêng âm lịch, dân làng chuẩn bị hương đèn, mâm quả cúng lễ khánh hạ tại giếng Bộng với niềm tin mạch nước mới từ giếng sẽ giúp những chuyến đi biển trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang. Người dân còn cho biết, ngay cả khi xưa, khi ngư dân đi biển ít tôm cá, đói kém cũng thực hiện nghi lễ này để cầu may mắn.

Bên cạnh giếng Bộng, nhà thờ Hương Hiền, thôn Tỉnh Thủy cũng là địa điểm gắn liền với quá trình quần cư, lập nên làng xã nơi đây. Để ghi nhớ công lao khẩn hoang, khai hóa, khai cư lập làng của các bậc tiền nhân, sau khi dân quần tụ đông đúc, làng xóm ổn định, các thế hệ con cháu của làng đã góp công, góp của xây dựng một ngôi nhà thờ để thờ tự các vị tiền hiền, đồng thời làm nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng chung.

Vị trí xây dựng nhà thờ nằm gần giếng Bộng, ngay phía sau bến đò Tỉnh Thủy. Lúc đầu, nhà thờ được xây bằng tranh tre nứa lá, dần qua thời gian được xây dựng khang trang hơn. Đến năm Gia Long thứ nhất (1802), khi kinh tế ổn định, nhân dân trong làng tự động góp sức người sức của xây dựng lại ngôi nhà thờ bề thế hơn. Trải qua tác động của thiên tai và chiến tranh, nhà thờ ít nhiều xuống cấp.

Hiện nay, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, các cấp, các ngành và sự đồng lòng của nhân dân làng hướng về tiên tổ, nhà thờ Hương hiền được đầu tư xây dựng khang trang, to đẹp hơn. Nhà thờ thờ các vị tiền hiền, hậu hiền, các vị tiền bối chư phái tộc đã có công khai mở và đóng góp cho vùng đất này như: Nguyễn, Lê, Huỳnh, Đặng, Đoàn, Đỗ, Phạm, Phan, Trương, Kiều, Mai, Võ, Hồ... Tại đây, cũng trang trọng đặt ghi danh tri ân những Bà mẹ Việt Nam anh hùng, những anh hùng - liệt sĩ của làng Tỉnh Thủy đã có nhiều cống hiến, hy sinh trong hai cuộc kháng chiến.

Giếng Bộng, nhà thờ Hương hiền cùng với đồi Bà Lau, bến đò Tỉnh Thủy là những điểm di tích thuộc di tích Đồi Bà Lau - nơi gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của làng, cũng như gắn với những sự kiện lịch sử, những chiến công trong các cuộc kháng chiến của nhân dân Tỉnh Thủy nói riêng, của xã Tam Thanh và các xã vùng Đông Tam Kỳ nói chung. Vì thế, địa điểm đồi Bà Lau được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh vào ngày 5-12-2021.

AN TRƯỜNG

Từ khóa » Từ Giếng Có ý Nghĩa Gì