Đau Lưng Trên: Nguyên Nhân, Triệu Chứng, điều Trị Và Phòng Ngừa

Nếu bị đau lưng trên do các hoạt động nặng, bạn có thể nghỉ ngơi để cơn đau thuyên giảm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, triệu chứng đau lưng là dấu hiệu của các bệnh lý nguy hiểm. Tính chất, đặc điểm của cơn đau cùng những dấu hiệu đi kèm sẽ phản ánh phần nào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh.

đau lưng trên

Đau lưng trên là gì?

Đau lưng trên (đau vùng cột sống lưng) là tình trạng các cơn đau xuất hiện ở khoảng cột sống dưới cổ và trên thắt lưng. Khu vực này chứa 12 đốt sống lưng T1 tới T12. Vùng cột sống lưng có dạng cong vòm ra trước. Bởi phạm vi di chuyển của cột sống lưng hạn chế hơn so với vùng đốt sống cổ và cột sống thắt lưng. Do đó, khu vực này ít bị đau và chịu tổn thương hơn liên quan đến vận động.

Nguyên nhân gây ra tình trạng đau vùng lưng trên thường liên quan đến chấn thương hoặc vận động quá mức các đốt sống. Trong một số trường hợp, những cơn đau lưng trên cũng là dấu hiệu của những bệnh lý nghiêm trọng. Người bệnh cần được thăm khám, chẩn đoán để tìm ra nguyên nhân gây bệnh, từ đó có biện pháp can thiệp kịp thời. (1)

Đau lưng là một trong những triệu chứng thường gặp nhất trong xã hội ngày nay. Tình trạng đau mỏi xuất hiện ở những vị trí khác nhau, làm giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

banner khai trương tâm anh quận 8 mb

Phân loại đau lưng trên

Tùy thuộc vào thời gian đau, đau nhức lưng trên được chia làm 3 loại:

  • Đau lưng trên cấp tính khi cơn kéo dài dưới 6 tuần.
  • Đau lưng trên bán cấp khi tình trạng đau lưng kéo dài từ 6 – 12 tuần.
  • Khi cơn đau lưng trên xảy ra liên tục trên 12 tuần, bệnh đã bước vào giai đoạn mạn tính, ảnh hưởng nghiêm trọng khả năng vận động của người bệnh.

đau vùng lưng trên

Triệu chứng khi bị đau lưng trên

Tùy theo nguyên nhân gây bệnh, người bệnh sẽ có triệu chứng đau lưng trên khác nhau. Những triệu chứng đau lưng mà người bệnh có thể gặp phải như: (2)

  • Đau nhói vùng lưng trên: Người bệnh cảm thấy đau nhói ở lưng trên như bị dao đâm hay bị siết chặt. Khu vực đau nhức tương đối tập trung, không lan rộng sang những vùng xung quanh, chỉ xuất hiện ở một vị trí nhất định.
  • Đau âm ỉ: Những cơn đau âm ỉ khiến người bệnh bị đau đớn, khó chịu. Cơn đau này không chỉ xảy ra ở một khu vực mà còn có khả năng lan sang những nơi lân cận như cổ, thắt lưng và vai.
  • Đau lưng trên lan rộng những vùng xung quanh: Tình trạng đau nhức lưng trên có thể theo dây thần kinh lan rộng ra những cơ quan lân cận như lồng ngực, cánh tay, dạ dày… Người bệnh có thể xuất hiện cảm giác tê bì, điện giật do hiẹn tượng chèn ép rễ thần kinh. Các cơn đau thường chỉ xuất hiện ở một bên cơ thể. Mức độ đau có thể tăng dần theo thời gian khi người bệnh không có biện pháp can thiệp sớm.
  • Căng cứng, khó cử động: Bệnh nhân sẽ gặp nhiều khó khăn trong những hoạt động cơ bản hằng ngày như cử động cúi ngửa, nghiêng trái nghiêng phải, xoay người hoặc nâng và hạ cánh tay. Cảm giác đau càng gia tăng, hệ thống cơ cạnh cột sống sẽ càng co cứng, điều này có thể phát hiện khi sờ vào các khối cơ. Ngoài ra, hoạt động của dây chằng và khớp có thể sẽ mất đi sự linh hoạt.
  • Nóng râm ran, tê bì: Những triệu chứng tê bì, nóng râm ran theo kèm cơn đau gây chèn ép rễ thần kinh. Triệu chứng có thể lan ra phía trước ngực, bụng, cánh tay…

Nguyên nhân bị đau lưng trên

Có nhiều nguyên nhân gây đau nhức lưng trên, có thể chia thành các nhóm nguyên nhân khác nhau như đau do nguyên nhân cơ học, nguyên nhân viêm nhiễm, ung thư và đau do nguyên nhân khác.

Đau lưng trên do nguyên nhân cơ học

Thoái hóa cột sống lưng

Thoái hóa cột sống là một bệnh lý xương khớp mạn tính, xảy ra do tình trạng thoái hóa đĩa đệm và các đốt sống. Tính trạng này thường xảy ra ở những người cao tuổi, tuy nhiên đang có xu hướng trẻ hóa. Không phải tất cả các đĩa đệm và đốt sống sẽ thoái hóa như nhau. Tình trạng thoái hóa thường xảy ra ở những vị trí đốt sống chịu lực và cử động nhiều như cột sống cổ và cột sống thắt lưng.

banner subs ctch content

Thoái hóa cột sống lưng thương gây đau âm ỉ vùng lưng trên, tăng khi vận động đặc biệt các động tác như cúi người, bưng đồ nặng, xoay người, khi đứng hoặc ngồi lâu. Khi tình trạng thoái hóa nặng hơn làm thoái hóa khớp liên mấu, sẽ gây triệu chứng đau lan ra 2 bên bẹ sườn và có thể lan ra trước ngực. Tình trạng này khiến quá trình vận động, di chuyển của người bệnh gặp nhiều khó khăn.

Yếu tố nguy cơ nổi bật làm xuất hiện và gia tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm tuổi cao, yếu tố sinh hoạt (công việc đứng ngồi lâu, bưng vác đồ nặng) và thừa cân – béo phì.

Thoát vị đĩa đệm cột sống lưng

Một nguyên nhân cũng có thể gây đau vùng lưng trên là bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống lưng. Đây là bệnh lý gây ra do tình trạng lớp nhân nhầy ở đĩa đệm tràn ra bên ngoài, chèn ép lên các dây thần kinh, gây ra bệnh rễ thần kinh.

Bệnh xảy ra cả ở người cao tuổi và ở người trẻ tuổi. Những yếu tố nguy cơ của bệnh bao gồm lão hóa, yếu tố sinh hoạt đặc biệt công việc ngồi lâu, bưng vác đồ nặng và tình trạng thừa cân – béo phì. Người bệnh thường có triệu chứng đau âm ỉ vùng lưng trên, tăng khi vận động đặc biệt các động tác như cúi người, bưng đồ nặng hoặc khi đứng hoặc ngồi lâu. Bệnh thường sẽ kèm theo các triệu chứng chèn ép rễ thần kinh như đau lan ra 2 bên mạn sườn hoặc thậm chí lan ra trước ngực, kèm cảm giác tê bì, châm chích.

Ngoài ra, tình trạng thoát vị đĩa đệm nặng có thể gây chèn ép tủy sống – một thành phần quan trọng của hệ thần kinh trung ương của con người. Tình trạng chèn ép tủy sống gây ra các triệu chứng nguy hiểm cần phải được phẫu thuật cấp cứu như yếu liệt, mất cảm giác 2 chân, 2 tay và rối loạn đi tiểu và đi tiểu. Khi có những dấu hiệu này, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị sớm.

Cong vẹo cột sống

Tình trạng cong vẹo cột sống nếu không được điều chỉnh sớm có thể gây ra những cơn đau co thắt cơ, thậm chí là tạo áp lực lớn chèn ép nặng lên các đĩa đệm và khớp. Hơn nữa, nếu người bệnh trì hoãn chữa trị, bệnh có khả năng dẫn tới dị tật, ảnh hưởng rất lớn tới tính thẩm mỹ, gây mất tự tin và gân tàn phế cho bệnh nhân.

Hẹp ống sống

Hẹp ống sống là tình trạng ống sống bị thu hẹp, chèn ép lên tủy sống và rễ thần kinh. Hẹp ống sống thường xảy ra ở vùng cột sống thắt lưng hoặc cột sống cổ. Hẹp ống sống cũng có thể xảy ra ở vùng lưng nhưng thường hiếm gặp hơn. Đây là bệnh phổ biến ở người trên 50 tuổi. Người bệnh thường có triệu chứng đau vùng lưng trên, tăng khi vận động đặc biệt các động tác như xoay người, ngồi hoặc đứng lâu. Cơn đau đôi khi âm ỉ và có thể đến và đi rất nhanh. Người bệnh thường có biểu hiện triệu chứng chèn ép rễ thần kinh như tê, đau bỏng rát lưng, lan ra phía trước.

Bởi vì vùng cột sống lưng thường ít di động, do đó khi làm động tác ngả người về phía trước thì không có hiệu quả làm rộng ống sống và đo đó không có hiệu quả giảm đau. Nguyên nhân hẹp ống sống thường gặp nhất là tình trạng thoái hóa cột sống thắt lưng gây phì đại khớp liên mấu, thoát vị đĩa đệm cột sống lưng ra sau do chấn thương, trượt đốt sống ra sau, phì đại dây chằng vàng, vẹo cột sống.

Loãng xương và gãy xương do loãng xương

Loãng xương là tình trạng xảy ra do giảm khối lượng và chất lượng của xương, làm giảm mật độ xương và tăng nguy cơ gãy xương dù chỉ với chấn thương nhẹ. Tình trạng loãng xương thường xảy ra ở người lớn tuổi, phụ nữ sau mãn kinh, những người suy dinh dưỡng. Gãy xẹp đốt sống là biến chứng nguy hiểm của loãng xương và nguy cơ càng gia tăng khi tình trạng loãng xương càng nặng. Gãy xẹp đốt sống ở vùng lưng thường xảy ra ở đốt sống T7, T8, đây là những đốt sống nằm ở vị trí cong lõm của cột sống và do đó dễ bị gãy hơn.

Tuy nhiên gãy xẹp đốt sống có thể xảy ra ở bất kì vị trí đốt sống nào. Bệnh nhân thường đau vùng trên (ngang đầu dưới 2 xương vai) xảy ra đột ngột hoặc từ từ sau một chấn thương nhẹ như té ngồi từ trên ghế, võng hoặc thậm chí xảy ra khi không có chấn thương. Gãy xương do loãng xương có thể gây ra tình trạng chèn ép tủy sống làm bệnh nhân bị yếu liệt, mất cảm giảm 2 chân hoặc 2 tay? rối loạn đi tiêu, đi tiểu và cần nhập viện cấp cứu.

Chấn thương cột sống

Tai nạn trong luyện tập thể dục thể thao, tai nạn giao thông, vận động quá mức có thể tác động tới vùng lưng trên, gây đau nhức. Chấn thương cột sống có thể gây biểu hiện nhẹ như đau vùng lưng không đặc hiệu do căng cơ đến những biểu hiện nghiêm trọng như thoát vị đĩa đệm cột sống hoặc gãy đốt sống. Tình trạng này có thể gây ra gây chèn ép lên những dây thần kinh xung quanh, làm khởi phát tình trạng đau lưng trên. Trong trường hợp nguy hiểm có thể gây chèn ép tủy sống cần phải được can thiệp cấp cứu.

Ngoài ra, bong gân cũng có thể gây đau lưng trên. Chấn thương này thường xảy ra sau một tác động mạnh nhưng không gây trật khớp hay gãy xương. Bong gân dễ dẫn tới căng dây chằng hay rách dây chằng, thường xảy ra do vận động quá sức hay sai tư thế khi sinh hoạt, làm việc, chơi thể thao, vặn mình… Các cử động này có khả năng kích hoạt những cơn co thắt ở cơ lưng, khiến người bệnh bị đau nhức lưng trên.

Trong trường hợp này, dù tần suất cơn đau ít hay nhiều, mức độ nhẹ hay nghiêm trọng, bác sĩ vẫn khuyến khích người bệnh nên nhanh chóng tới bệnh viện để kiểm tra sau khi chấn thương. Vì một số thương tổn trong cơ thể khi không có biện pháp can thiệp kịp thời và đúng cách, người bệnh có thể phải đối mặt với nhiều biến chứng nặng như đau mạn tính, tổn thương dây thần kinh, tê liệt…

Đau lưng trên không đặc hiệu

Vùng lưng trên được cấu tạo không chỉ bởi các đĩa đệm, đốt ống mà còn có hệ thống gân cơ và dây chằng bao phủ. Đau lưng trên không đặc hiệu thường do tình trạng căng cơ của các cơ cạnh sống mà không có kèm theo các bệnh lý khác như thoái hóa cột sống thắt lưng, thoát vị đã đệm cột sống lưng, hẹp ống sống, gãy xẹp đốt sống, tình trạng viêm nhiễm hoặc ung thư di căn…

Người thường biểu hiện đau âm ỉ vùng lưng trên, xảy ra sau khi chấn thương nhẹ vùng lưng trên hoặc lặp đi lặp lại một động tác gây ảnh hưởng đến vùng lưng trên. Cơn đau thường gia tăng khi cử động và giảm khi nghỉ ngơi. Khám vùng cột cột sống lưng ghi nhận căng cứng vùng khối cơ cạnh sống kèm những điểm đau tăng khi ấn vào khối cơ.

Viêm thân sống đĩa đệm cột sống lưng

Đây là tính trạng xảy ra khi vi trùng xâm nhập và các đốt sống hoặc đĩa đệm cột sống lưng, gây ra tình trạng viêm và nhiễm trùng vùng đốt sống và đĩa đệm. Người bệnh thường có biểu hiện đau vùng lưng trên xảy ra nhiều vào ban đêm, khi nghỉ ngơi kèm dấu hiệu nhiễm trùng như sốt cao lạnh run, mệt mỏi nhiều. Xét nghiệm máu ghi nhận tình trạng bạch cầu tăng cao và tình trạng viêm trong máu gia tăng. Bệnh lý thường xảy ra ở những người làm thủ thuật hoặc phẫu thuật ở vùng cột sống lưng, người suy giảm miễn dịch như sử dụng corticoid kéo dài, đái tháo đường, HIV hoặc nhiễm lao. Người bệnh có các triệu chứng gợi ý viêm thân sống đĩa đệm cột sống lưng cần được nhập viện, chụp cộng hưởng từ vùng cột sống lưng có tiêm thuốc cản từ và điều trị kháng sinh đường tĩnh mạch

Đau lưng trên do nguyên nhân ung thư

Ung thư di căn vùng cột sống thắt cũng là một trong những nguyên nhân có thể gây đau vùng lưng trên. Ở những người lớn tuổi, có tiền sử ung thư, sụt cân không rõ nguyên nhân, không đáp ứng điều trị sau 1 tháng cần phải nghĩ đến nguyên nhân ung thư di căn cột sống lưng gây đau vùng lưng trên. Đau lưng trên trong ung thư thường đau âm ỉ, kéo dài, đau nhiều khi nghỉ ngơi hoặc về đêm, một số người bệnh có thể có các triệu chứng chèn ép rễ thần kinh như gây đau lan 2 bên mạn sườn hoặc lan ra trước ngực. Ngoài ra cũng có thấy gây chèn ép tủy sống gây yếu liệt hoặc mất cảm giác chân, tay hoặc rối loạn đi tiêu và đi tiểu. Những trường hợp đau lưng trên nghi do ung thư di căn, cần được chụp phim cộng hưởng từ cột sống lưng để đánh giá và đồng thời tầm soát khối u nguyên phát.

Nguyên nhân khác

Đau xơ cơ

Đau xơ cơ là một bệnh lý đặc trưng bởi tình trạng đau cơ xương khắp người, mạn tính cùng với các triệu chứng mệt mỏi, mất ngủ hoặc không ngủ sâu, trầm cảm, lo lắng, khó tập trung. Như vậy đau vùng lưng trên là một phần trong đặc điểm đau lan tỏa trong đau xơ cơ. Người bệnh thường than phiền đau khắp người không rõ chính xác vị trí đau, đau liên tục, kiểu đau đau bỏng rát hoặc như dao đâm, đau tăng khi vận động và khi thay đổi thời tiết. Khám các khớp thường trong giới hạn bình thường.

Nguyên nhân gây ra bệnh đau xơ cơ hiện nay vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên khi có những triệu chứng gợi ý, người bệnh cần đến chuyên khoa cơ xương khớp để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị thích hợp nhằm kiểm soát bệnh và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Yếu tố nguy cơ

Những yếu tố có thể làm gia tăng nguy cơ đau lưng trên gồm:

  • Tuổi tác: tuổi càng cao thì hệ thống cơ xương khớp, dây chằng càng suy yếu. Khi tuổi cang cao, tình trạng thoái hóa cột sống lưng càng nhiều.
  • Thể chất yếu: Các cơ ở lưng, vai, bụng khi càng suy yếu, nguy cơ chấn thương tại khu vực này càng cao.
  • Cân nặng: Tình trạng thừa cân, béo phì có thế khiến cơ lưng bị căng ra, gây đau.
  • Các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn: Các bệnh lý như viêm khớp, ung thư… có thể gây đau lưng trên cho người bệnh.
  • Hút thuốc lá: Tình trạng ho khan ở người hút thuốc có thể làm căng cơ lưng. Ngoài ra, nếu hút thuốc lá thường xuyên, các cơn ho sẽ ngày càng gia tăng, kéo theo tình trạng đau lưng dai dẳng.

Biến chứng

Nếu không được chẩn đoán và điều trị thích hợp, nhiều trường hợp đau lưng trên có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Chèn ép tủy sống là một trong những nguyên nhân nguy hiểm nhất của đau lưng trên. Người bệnh bị chèn ép tủy sống có thể biểu hiện với triệu chứng yếu liệt chân tay, giảm cảm giác, tiêu tiểu không tự chủ. Khi có người bệnh có đau lưng trên kèm những biểu hiện trên, cần đến bệnh viện khám và chẩn đoán, nhằm điều trị sớm. Nếu không triệu trị thích hợp, các triệu chứng trên sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng và có thể dẫn đến tàn phế vĩnh viễn.

Đối với các trường hợp đau lưng trên cấp tính, nếu không được điều trị đúng cách thường có nguy cơ cao chuyển sang mạn tính. Cơn đau có xu hướng kéo dài liên tục, mức độ đau gia tăng theo thời gian, dẫn đến giảm chất lượng cuộc sống, tăng tỷ lệ tàn tật, tăng chi phí điều trị. Khi phát hiện bệnh trễ, việc điều trị cũng trở nên khó khăn hơn nhiều. Ngoài ra, đau kéo dài có thể làm hạn chế vận động và thậm chí dẫn đến liệt, làm teo hệ thống cơ khi không vận động kéo dài.

Phương pháp chẩn đoán

Triệu chứng và mức độ đau lưng trên ở mỗi người bệnh sẽ có sự khác biệt tùy thuộc vào ngưỡng chịu đau và nguyên nhân gây bệnh. Trong trường hợp cơn đau lưng trên dữ dội, kéo dài dai dẳng, bạn nên đến cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Thông thường, người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện những phương pháp chẩn đoán như:

  • Xét nghiệm máu: đánh giá tình trạng viêm trong cơ thể trong những trường hợp nghi ngờ đau lưng trên do nguyên nhân viêm, nhiễm trùng hoặc ung thư. Ngoài ra, khi nghi ngờ ung thư, xét nghiệm máu còn giúp đánh giá thiếu máu – một tình trạng phổ biến ở người bệnh ung thư.
  • Chụp X-quang: phương pháp chẩn đoán ban đầu giúp cho thấy sự bất thường ở vùng cột sống lưng như tình trạng thoái hóa cột sống với biểu hiện gai xương, xơ xương dưới sụn, hẹp khoảng gian đốt sống; tình trạng gãy xương đốt sống.
  • Chụp cộng hưởng từ (chụp MRI): phương tiện rất hữu ích và có độ chính xác cao, giúp phát hiện những bất thường ở mô mềm như hệ thống cơ, dây chằng, đĩa đệm. Chụp MRI nên được thực hiện khi nghi ngờ nguyên nhân nhiễm trùng, ung thư di căn, đau lưng trên kéo dài không đáp ứng với điều trị hoặc khi có những biến chứng nguy hiểm như yếu liệt 2 chân, 2 tay, đi tiêu tiểu không tự chủ.
  • Chụp CT: kết quả chụp CT sẽ cho phép bác sĩ thấy rõ các xương đốt sống từ nhiều góc độ khác nhau, qua đó phát hiện nhanh các tổn thương bên trong xương cột sống lưng.
  • Kiểm tra mật độ xương: Người bệnh có thể bị đau lưng do loãng xương. Kiểm tra mật độ xương sẽ giúp bác sĩ loại trừ nguyên nhân trên.

Điều trị đau lưng trên

Chăm sóc tại nhà

  • Các phương pháp chăm sóc tại nhà nên được thực hiện trong 72 giờ đầu tiên sau khi xuất hiện cơn đau. Nếu cơn đau không thuyên giảm sau 72 giờ điều trị tại nhà, người bệnh nên đi thăm khám càng sớm càng tốt.
  • Tạm thời ngừng những hoạt động thể chất mạnh trong một vài ngày, tuy nhiên không nên chỉ nằm tại giường mà vẫn nên duy trì các hoạt động nhẹ hàng ngày mà có thể chịu đựng được.
  • Bạn có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen hoặc acetaminophen.
  • Tình trạng đau lưng trên có thể gây khó chịu khi bạn nằm ngửa. Vì thế, người bệnh hãy thử nằm nghiêng với đầu gối cong, đặt gối giữa hai chân. Nếu nằm ngửa thoải mái, bạn có thể thử đặt một chiếc gối hay khăn cuộn dưới đùi nhằm giảm áp lực lên lưng trên.
  • Để cải thiện tình trạng cứng cơ ở lưng, người bệnh có thể tắm nước ấm hay massage thường xuyên ở khu vực đau nhức.

Đến khám tại bệnh viện

Nếu các phương pháp điều trị tại nhà không hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh dùng thuốc, tập vật lý trị liệu hoặc kết hợp cả hai phương pháp này.

Dùng thuốc

Nếu tình trạng đau lưng trên không đáp ứng tốt với thuốc giảm đau không kê đơn, người bệnh có thể cần sử dụng thuốc giảm đau mạnh hơn như thuốc có chứa tramadol (ví dụ: ultracet), thuốc giảm đau kháng viêm NSAIDs, giảm đau thần kinh khi có biểu hiện chèn ép rễ thần kinh (ví dụ: pregabalin hoặc gabapentin) hoặc thuốc giãn cơ khi có dấu hiệu căng cứng cơ (ví dụ: eperisone…).

dùng thuốc trị đau lưng trên

Vật lý trị liệu

Bác sĩ có thể chỉ định người bệnh áp dụng các biện pháp như siêu âm trị liệu, chiếu laser, kích thích điện để giảm đau… Khi các cơn đau đã thuyên giảm, bác sĩ hoặc chuyên viên vật lý trị liệu có thể hướng dẫn bạn thực hiện các bài tập tăng cường sức mạnh cho cơ lưng, cơ bụng. Người bệnh được khuyến khích thực hiện những kỹ thuật này thường xuyên, ngay cả khi hết đau lưng trên nhằm ngăn ngừa nguy cơ tái phát.

Liệu pháp nhận thức – hành vi (Cognitive behavioral therapy)

Liệu pháp này giúp kiểm soát chứng đau lưng mạn tính bằng cách khuyến khích người bệnh có suy nghĩ tích cực hơn. Liệu pháp này gồm những kỹ thuật thư giãn và cách duy trì thái độ tích cực. (3)

Phẫu thuật

Đối với trường hợp đau lưng nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh can thiệp phẫu thuật. Phẫu thuật thường được chỉ định khi tất cả những phương pháp điều trị nội khoa đều thất bại hoặc khi bệnh nhân có những biến chứng đe dọa tính mạng như chèn ép tủy sống.

Có nhiều phương pháp phẫu thuật trong điều trị đau lưng trên. Phẫu thuật bơm xi măng có thể được sử dụng trong điều trị gãy xẹp đốt sống lưng nhằm ổn định phần lưng trên và nâng xương sống. Ngoài ra có thể phẫu thuật trong điều trị thoát vị đĩa đệm nhằm giảm giảm áp lực lên tủy sống và dây thần kinh, giúp phục hồi vị trí bị tổn thương, ngăn ngừa biến chứng liệt cơ cột sống.

Biện pháp phòng ngừa

Để ngăn ngừa nguy cơ đau lưng trên, người bệnh nên lưu ý một số điều dưới đây:

  • Khi nâng đồ vật nặng, bạn cần mở rộng hai chân, ngồi xổm xuống ở tư thế gập khớp gối và khớp háng, không cúi gập cột sống, dùng tay di chuyển đồ vật sát bụng đồng thời căng cơ bụng, từ từ đứng dậy và nâng đồ vật lên. Lưu ý luôn giữ thẳng lưng.
  • Sắp xếp thời gian nghỉ ngơi và làm việc hợp lý, hạn chế tình trạng căng thẳng, stress liên tục. Người làm văn phòng nên chọn ghế ngồi có độ cao phù hợp (đảm bảo hai bàn chân chạm sát vào sàn). Sau mỗi 1 giờ ngồi làm việc, bạn nên đứng lên vận động, thực hiện những động tác thư giãn cho lưng trong khoảng 15 phút trước khi quay trở lại làm việc.
  • Kiểm soát tốt cân nặng: Bạn nên kết hợp chế độ ăn uống và luyện tập phù hợp để kiểm soát tốt cân nặng, tránh thừa cân, béo phì. Điều này sẽ giúp giảm áp lực lên cột sống.
  • Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, đặc biệt là canxi, magie, kali trong thực đơn hàng ngày.
  • Mỗi ngày nên dành khoảng 30 phút để tập luyện thể dục thể thao với cường độ phù hợp, cần khởi động trước khi vào bài tập chính. Một số bài tập thể dục có thể sử dụng như chạy bộ, đi bộ…Thói quen tốt này sẽ giúp rèn luyện sức mạnh và sự linh hoạt lưng, giảm thiểu nguy cơ phát triển các cơn đau.
  • Không hút thuốc: Thói quen xấu này làm gia tăng nguy cơ đau lưng mạn tính và tăng nguy cơ thoát vị đĩa đệm. Vì thế, nếu có hút thuốc, bạn nên từ bỏ thói quen này càng sớm càng tốt.
  • Cần duy trì thói quen khám sức khỏe tổng quát định kỳ mỗi 6 tháng để nhận biết sớm dấu hiệu bệnh, từ đó có biện pháp can thiệp, ngăn ngừa bệnh chuyển biến nặng.

Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh, là nơi quy tụ đội ngũ chuyên gia đầu ngành, bác sĩ ngoại khoa giàu kinh nghiệm, tận tâm, nhiệt tình như: TTND.GS.TS.BS Nguyễn Việt Tiến; PGS.TS.BS Đặng Hồng Hoa; ThS.BS Trần Anh Vũ; BS.CKI Trần Xuân Anh, ThS.BS Lê Đình Khoa, TS.BS Đỗ Tiến Dũng; TS.BS.CKII Vũ Hữu Dũng… Đây cũng là một trong những đơn vị tiên phong trong việc chẩn đoán và điều trị các bệnh về cơ xương khớp với kỹ thuật hiện đại theo phác đồ cập nhật quốc tế.

Bệnh viện còn được trang bị hệ thống máy móc, trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh hiện đại như: máy chụp CT 768 lát cắt Somatom Drive, máy cộng hưởng từ thế hệ mới Magnetom Amira BioMatrix, robot Artis Pheno, máy đo mật độ xương, máy siêu âm…; hệ thống kính vi phẫu thuật Opmi Vario 700 Zeiss, bàn mổ Meera-Maquet… để có thể phát hiện sớm các tổn thương và điều trị hiệu quả các bệnh lý về cơ xương khớp…

BVĐK Tâm Anh còn sở hữu hệ thống phòng khám khang trang, khu nội trú cao cấp; khu vực phục hồi chức năng hiện đại; quy trình chăm sóc hậu phẫu toàn diện giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục và ổn định sức khỏe sau phẫu thuật.

Để đặt lịch khám và điều trị với các chuyên gia đầu ngành tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:

HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH

  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội:
    • 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, Hà Nội
    • Hotline: 024 3872 3872 – 024 7106 6858
  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM:
    • 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh – Quận 8:
    • 316C Phạm Hùng, P.5, Q.8, TP.HCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7:
    • 25 Nguyễn Hữu Thọ, P.Tân Hưng, Q.7, TP.HCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh/
  • Website: https://tamanhhospital.vn

Nguyên nhân gây đau lưng trên thường là do những chấn thương mạnh hay tổn thương kéo dài vượt qua sức chịu đựng của những đốt sống. Trong một số trường hợp, những cơn đau mỏi lưng trên lại là dấu hiệu của những bệnh lý nghiêm trọng. Người bệnh cần được thăm khám, chẩn đoán để xác định nguyên nhân gây bệnh, từ đó có biện pháp can thiệp kịp thời, hạn chế nguy cơ xuất hiện các biến chứng nguy hiểm.

Từ khóa » ê Lưng Trên