Đau Tai: Các Nguyên Nhân Thường Gặp

Nội dung bài viết

  • Đau tai có nguy hiểm không?
  • Các nguyên nhân thường gặp

Đau tai là một trình trạng đau nhức, khó chịu ở tai có thể gặp ở cả trẻ em lẫn người lớn. Những nguyên nhân và xử lí triệu chứng này rất đa dạng tùy vào vị trí, bản chất và mức độ tổn thương hay bệnh lý  gặp phải Vậy có những nguyên nhân nào gây đau tai, có nguy hiểm không? Chúng ta cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé.

Đau tai có nguy hiểm không?

Triệu chứng này thường không phải là dấu hiệu cảnh báo tình trạng bệnh nguy hiểm nhưng gây nhiều khó chịu. Nguyên nhân có thể do bệnh lý tai, nhưng cũng có thể không phải từ tai. Nếu đau tai kèm theo một hay nhiều các biểu hiện như chảy dịch tai, nghe kém, ù tai, chóng mặt, liệt mặt giúp gợi ý có bệnh lý ở tai.

 Đau tai có nguy hiểm không
Đau tai gây ra nhiều khó chịu

Các nguyên nhân thường gặp

Vậy, đau tai có thể do các nhóm nguyên nhân sau:

  • Các bệnh lý cấp tính từ tai như: viêm tai ngoài cấp, các thể của viêm tai giữa, viêm màng nhĩ,…
  • Đau quy chiếu (đau do bệnh ở cơ quan khác có sử dụng chung đường thần kinh cảm giác với tai).
  • Đau do nguyên nhân thần kinh.
  • Đau tai do các nguyên nhân tâm lý.

Một số nguyên nhân gây viêm phần tai ngoài có thể được phát hiện khi chúng ta quan sát kỹ. Còn lại đòi hỏi phải được khám bởi một bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng có hoặc không kết hợp với một số phương tiện hỗ trợ.

Đau tai do viêm tai ngoài cấp tính

Thứ nhất, về viêm tai ngoài cấp tính có thể lan tỏa gây ảnh hưởng đến toàn bộ da ống tai ngoài hoặc khu trú biểu hiện như một đinh nhọt.

Nhọt là khối phòng lên gây đau. Nhọt luôn nằm phần ngoài ống tai (nơi có lông tai). Nhọt thường không ảnh hưởng đến sức nghe (chỉ ảnh hưởng khi sưng nề nhiều, bít tắc ống tai). Sốt thường chỉ gặp khi nhiễm trùng lan rộng. Đôi khi chúng ta có thể sờ được hạch nông và gây đau ở phía sau tai. Trong viêm tai ngoài cấp tính, khi lắc vành tai sẽ gây đau tăng. Chảy dich tai ít xảy ra và quánh đặc.

Trường hợp nhiễm nấm da ống tai ngoài có thể gây đau dữ dội kèm gây bong tróc keratin. Chúng tạo thành hình ảnh các hạt đen hoặc sậm màu của các bào tử nấm.

Thứ hai, về điều trị viêm tai ngoài cấp tính. Kháng sinh toàn thân chỉ khuyên dùng trong trường hợp có sốt hoặc viêm hạch. Sưng nề được điều trị bằng cách nhét meche có tẩm các dung dịch thuốc. Chúng ta nên thay meche mỗi ngày cho đến khi giảm hiện tượng phù nề. Sau đó chúng ta có thể sử dụng các loại thuốc nhỏ tai theo kê toa của bác sĩ. Các thuốc giảm đau toàn thân, kết hợp làm ấm tai bằng gạc, nhỏ tai bằng dầu ấm sẽ giúp giảm đau. Lưu ý khi bị nhọt tái phát nhiều lần, chúng ta nên tầm soát xem bệnh nhân có bị đái tháo đường hay không.

Đau tai do viêm tai ngoài cấp tính
Đau tai do viêm tai ngoài cấp tính

Đau tai do viêm tai giữa cấp tính tạo mủ

Nói về các trường hợp viêm tai giữa cấp tính tạo mủ sẽ gây đau ở sâu trong tai. Bệnh lý gây ảnh hưởng sức nghe, biểu hiện toàn thân kèm sốt. Bệnh nhân có thể xuất hiện cảm giác đầy tai, sau đó đau và sốt, tiếp đến là chảy dịch tai (khi màng nhĩ thủng). Lúc này, cảm giác đau sẽ giảm. Tác nhân gây bệnh cảnh viêm tai giữa cấp tính thường gặp là vi khuẩn. Viêm tai giữa đơn thuần không bao giờ nổi hạch lớn các hạch lân cận. Chúng ta cần soi tai quan sát màng nhĩ để xác định chẩn đoán.

Về điều trị viêm tai giữa cấp tính tạo mủ. Việc có sử dụng kháng sinh cho tất cả bệnh nhân có luôn cần thiết hay không?. Các tài liệu trong và ngoài nước vẫn còn bàn luận nhiều về vấn đề này. Các kháng sinh được khuyến cáo tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Cần điều trị ít nhất trong 5 ngày. Điều trị hỗ trợ bao gồm thuốc giảm đau và làm ấm tai.

Cần lưu ý trường hợp viêm tai giữa cấp tái phát, được định nghĩa là có ba đợt viêm cấp trong vòng 6 tháng. Nguyên nhân do một số yếu tố có thể là: tụ dịch trong tai giữa kéo dài, VA lớn kèm nguy cơ nhiễm trùng. Những trường hợp này cần bác sĩ chuyên khoa đánh giá thêm.

Viêm tai giữa cấp mủ
Viêm tai giữa cấp mủ

Đau tai do viêm tai xương chũm cấp tính

Bệnh cảnh này hình thành do sự hủy các vách xương nằm giữa các thông bào chũm (phần xương ở sau tai). Đây là một tiến trình chậm, cần khoảng 2 – 3 tuần để hình thành. Trong suốt khoảng thời gian đó, chúng ta sẽ gặp biểu hiện chảy dịch tai lượng nhiều và liên tục.

Các biểu hiện kèm theo bao gồm: mệt mỏi, sốt. Dấu hiện bệnh có thể không rõ ràng bởi tác dụng thuốc kháng sinh đã điều trị trước đó hoặc ở trẻ nhỏ. Bệnh lý này được nghi ngờ ở bất kỳ bệnh nhân nào có chảy dịch tai liên tục trên 10 ngày, đặc biệt nếu tổng trạng không khỏe.

Các hình ảnh học (X – quang hoặc CT- scan) có thể giúp chẩn đoán tình trạng này. Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp cũng không xác định được.

Điều trị đòi hỏi cần phải phẫu thuật kết hợp với các điều tri khác.

Đau tai do viêm tai giữa mạn tính xuất tiết

Thể bệnh thường nhẹ, mơ hồ và cơn đau thường ngắn là đặc tính thường gặp của thể bệnh này. Trẻ em thường sẽ biểu hiện khỏe mạnh, không có sốt. Tình trạng nghe kém đi kèm có thể hiện diện hoặc không.

Đau tai do viêm tai ngoài “ác tính” (hoại tử)

Đây là một bệnh lý hiếm nhưng là một dạng nhiễm trùng nặng (cần lưu ý đây không phải là bệnh lý u). Nguyên nhân do vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa. Thường gặp trên bệnh nhân lớn tuổi bị đái tháo đường. Chúng ta nên nghi ngờ bệnh lý trên ở nhóm bệnh nhân này, đặc biệt nếu người bệnh đau tai dữ dội, không tương xứng với các dấu hiệu của viêm tai ngoài. Nhiễm trùng sẽ xâm lấn sàn sọ và mô xung quanh.

Nếu có liệt mặt hoặc tổn thương các dây thần kinh sọ khác thì càng gợi ý cho chẩn đoán.  Trước đây tỉ lệ tử vong thường cao. Mô hạt trong ống tai ngoài kết hợp là một dấu chứng giúp nghi ngờ và chúng ta cần khảo sát bằng phương pháp hình ảnh học chuyên sâu.

Bệnh cảnh này được điều trị với kháng sinh toàn thân đường tĩnh mạch và theo dõi các thông số huyết động hàng ngày. Điều trị liên tục trong nhiều tuần đến khi hết đau và chú ý kết hợp với thuốc giảm đau.

Các nguyên nhân khác

Viêm màng nhĩ tạo bóng nước: gây đau tai dữ dội. Tác nhân là vi-rút. Thường kèm dịch tai giữa.

Hội chứng Ramsay Hunt: là bệnh lý hiếm gặp, nguyên nhân do Varicella-zoster vi-rút (vi-rút gây bệnh thủy đậu và giời leo). Biểu hiện có thể bao gồm: yếu mặt đột ngột, nổi ban trên vành tai.

Đau quy chiếu

Nguyên nhân trong trường hợp này rất đa dạng, cần được đánh giá chuyên sâu bởi bác sĩ Tai mũi họng. Đau có nguồn gốc tử: vùng hầu họng, do răng, cột sống cổ,…

Các nguyên nhân do thần kinh

Sau khi loại trừ các bệnh lý gây đau tai ở tai và đau tai do quy chiếu, các nguyên nhân còn lại bao gồm: đau thần kinh các vùng phía sau trong của họng kiểu đau như cắt khởi phát sau chạm vùng “cò súng” và đau thần kinh dạng đau nửa đầu, thường gặp ở bệnh nhân nam trẻ tuổi.

Tâm lý cũng có thể gây đau tai

Trong trường hợp không tìm thấy nguyên nhân nào, có thể tai bị đau liên quan đến trầm cảm.

Đau tai thường gặp trong đời sống hiện nay. Tuy hiếm gây ra những nguy hiểm đến tính mạng nhưng tạo nhiều phiền toái trong cuộc sống cũng như công việc. Hi vọng bài viết trên cung cấp những kiến thức khái quát giúp chúng ta biết những nguyên nhân thường gây đau tai, cũng như nhận ra những dấu hiệu sớm của các bệnh lý đã đề cập để có kế hoạch điều trị sớm nhất có thể.

Từ khóa » đau Tai Trong