Đau Thận Trái: Nhận Biết Ngay Nguyên Nhân để Xử Lý - Hello Bacsi

Đau thận bên trái là triệu chứng phổ biến của nhiều bệnh lý. Những cơn đau quặn thận có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Tuy nhiên, những cơn đau này lại dễ bị nhầm lẫn với một số tình trạng khác như đau lưng, đau dạ dày. Điều này khiến người bệnh chủ quan và chậm trễ trong việc điều trị. Hiểu về nguyên nhân gây đau thận trái sẽ giúp bạn phát hiện bệnh sớm và có phương pháp xử lý kịp thời.

Vậy đau thận trái là bệnh gì và nguyên nhân nào gây ra tình trạng này? Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu lời giải trong bài viết dưới đây.

Đau thận trái ở vị trí nào? 

Thận là một bộ phận quan trọng trong hệ tiết niệu, bao gồm hai quả thận có hình hạt đậu, nằm trong khoang bụng sau phúc mạc và đối xứng nhau qua cột sống. Thận có chức năng lọc độc tố và chất thải từ máu và loại bỏ ra ngoài qua đường tiểu. 

Đau thận bên trái thường xảy ra ở vị trí dưới khung xương sườn và khu vực bên trái của cột sống. Cơn đau có thể âm ỉ hoặc dữ dội, đột ngột theo từng cơn. Nguyên nhân đau thận trái có khả năng là do thận bị tổn thương hoặc cơn đau đến từ các cơ quan và mô lân cận như đau cơ, đau dây thần kinh, chấn thương cột sống, viêm khớp, các vấn đề về tuyến tụy hoặc túi mật,…

Dấu hiệu bị đau thận trái

Các dấu hiệu đi kèm đau thận trái thường dễ bị nhầm lẫn với các bệnh đường tiêu hóa. Tùy vào nguyên nhân mà các dấu hiệu bị đau thận trái sẽ khác nhau, cụ thể:

  • Nước tiểu xuất hiện bọt lâu tan, nước tiểu có màu vàng thẫm, mùi khó chịu. Khi đi tiểu bạn có cảm giác đau buốt, khó chịu.
  • Khi bị đau thận trái, bạn sẽ cảm giác buồn nôn, khó ăn, chán ăn.
  • Sốt cao
  • Những bệnh liên quan đến thận trái sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiêu độc của thận, gây phù mặt và tứ chi.
  • Cơn đau ở vùng háng trái, hông trái.

Nguyên nhân đau thận bên trái cần lưu ý

Đau thận trái có thể xảy ra vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Đa số các trường hợp đau thận đều tự khỏi mà không cần điều trị chuyên sâu. Tuy nhiên, người bệnh không nên chủ quan mà hãy theo dõi các triệu chứng kèm theo để phát hiện sớm các dấu hiệu đau thận bên trái bất thường và điều trị kịp thời. Dưới đây là một số nguyên nhân đau thận trái cùng các triệu chứng đi kèm phổ biến.

Bị đau thận trái do mất nước

Mất nước là tình trạng lượng nước nạp vào cơ thể ít hơn lượng nước thải ra. Cơ thể mất nước là do các nguyên nhân sau đây:

  • Uống ít nước, cơ thể không được cung cấp đủ lượng chất lỏng cần thiết
  • Thời tiết khô và nóng
  • Chế độ ăn uống kém dinh dưỡng
  • Sau khi vận động, hoạt động thể chất gắng sức
  • Tiêu chảy, nôn mửa
  • Một số bệnh lý như đái tháo đường

Tình trạng mất nước nghiêm trọng hoặc mạn tính có thể gây tích tụ chất thải trong thận và dẫn đến những cơn đau quặn thận. Ngoài ra, các triệu chứng mất nước thường gặp khác bao gồm:

  • Đau hoặc khó chịu ở hông hoặc lưng
  • Mệt mỏi, kiệt sức
  • Khô miệng, môi hoặc mắt
  • Cảm thấy chóng mặt, choáng váng, khó tập trung

Nhiễm trùng đường tiết niệu gây đau vùng thận trái

nhiễm trùng đường tiểu gây đau thận trái

Đường tiết niệu bao gồm hai thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Nhiễm trùng đường tiết niệu (hay viêm đường tiết niệu) là tình trạng các vi sinh vật gây bệnh tấn công bất kỳ cấu trúc nào của đường tiết niệu. Tình trạng nhiễm trùng có thể lây lan đến một hoặc cả hai thận gây nhiễm trùng thận. Đây là nguyên nhân đau thận trái phổ biến.

Trường hợp đau thận trái do nhiễm trùng đường tiết niệu, bạn có thể có các triệu chứng như:

  • Đau bụng, lưng hoặc bên hông
  • Buồn nôn 
  • Đi tiểu thường xuyên hoặc cảm giác mắc tiểu liên tục
  • Nóng rát hoặc đau khi đi tiểu
  • Nước tiểu có máu hoặc mủ
  • Nước tiểu đục hoặc có mùi hôi
  • Ớn lạnh
  • Sốt

Sỏi thận là nguyên nhân đau thận bên trái

Đau thận, có thể ở thận trái hoặc phải, là một trong những dấu hiệu tiêu biểu của bệnh sỏi thận. Nếu thận bị tổn thương hoặc lượng nước tiểu quá thấp, chất thải sẽ không được đẩy ra ngoài hết mà ứ đọng tạo thành sỏi thận. Khi sỏi di chuyển thường gây ra cảm giác đau đớn cho người bệnh. Một số sỏi thận kích thước nhỏ có thể tự đào thải ra ngoài theo dòng nước tiểu, những sỏi lớn hơn cần phải được điều trị y tế để lấy sỏi. 

Người bệnh sỏi thận sẽ có dấu hiệu như:

  • Đau nhói hoặc dữ dội ở một bên cơ thể và sau lưng, phía dưới xương sườn
  • Cơn đau quặn thận lan tỏa dần đến vùng bụng dưới và háng 
  • Đau ở một hoặc cả hai tinh hoàn (đối với nam giới)
  • Sốt hoặc ớn lạnh
  • Buồn nôn
  • Cảm thấy đau hoặc nóng rát khi đi tiểu
  • Nước tiểu có màu hồng, đỏ hoặc nâu
  • Nước tiểu đục hoặc có mùi hôi 
  • Tiểu khó
  • Nam giới có thể cảm thấy đau ở đầu dương vật

U nang thận gây đau quặn thận bên trái

Bệnh u nang thận xảy ra khi thận tạo những túi chứa đầy dịch. Trong hầu hết các trường hợp, nang thận vô hại và không cần điều trị. Đôi khi, u nang phát triển quá lớn cũng có thể gây nhiễm trùng, dẫn đến tình trạng đau thận trái hoặc cả hai bên thận. Một số các triệu chứng khác có thể xuất hiện như:

  • Sốt
  • Đau nhói hoặc âm ỉ bên hông hoặc lưng
  • Đau bụng 
  • Tiểu ra máu

Ngoài ra, nang thận lớn có thể gây ra biến chứng nguy hiểm như thận ứ nước. Điều này xảy ra khi u nang chặn dòng chảy của nước tiểu, làm cho thận bị sưng.

Nguyên nhân đau thận bên trái: Bệnh thận đa nang

đau thận trái do bệnh thận đa nang

Thận đa nang là thuật ngữ mô tả tình trạng có nhiều túi nang phát triển tại cơ quan bài tiết này. Sự gia tăng về số lượng và kích thước của chúng theo thời gian sẽ dần thay thế cho tế bào thận khỏe mạnh. Từ đó, chức năng thận có nguy cơ suy giảm đáng kể, thậm chí dẫn đến suy thận.

Bệnh thận đa nang thường ảnh hưởng đến cả hai thận nhưng người bệnh có thể chỉ cảm thấy đau thận trái hoặc phải. Các dấu hiệu khác bao gồm:

  • Đau hông hoặc lưng
  • Nhiễm trùng thận 
  • Sưng bụng
  • Huyết áp cao
  • Nhịp tim nhanh 
  • Có máu trong nước tiểu

Nguyên nhân bị đau thận trái do ung thư thận

Ung thư thận là sự phát triển bất thường của các tế bào và hình thành khối u trong thận. Đây là một trong những bệnh ung thư đường tiết niệu thường gặp. Bệnh thường xảy ra ở một bên thận và được phát hiện phổ biến ở nam giới trên 60 tuổi. 

Ung thư thận thường không có triệu chứng trong giai đoạn đầu. Các triệu chứng báo hiệu tình trạng bệnh nghiêm trọng bao gồm:

  • Đau hông hoặc lưng
  • Tiểu ra máu
  • Giảm cảm giác thèm ăn
  • Giảm cân 
  • Sốt
  • Mệt mỏi

Phì đại tuyến tiền liệt gây đau vùng thận trái

Tuyến tiền liệt là một phần của hệ thống sinh sản nam giới. Nó chịu trách nhiệm sản xuất chất lỏng mang tinh trùng cần thiết cho khả năng sinh sản của phái mạnh. Tuyến tiền liệt bao quanh niệu đạo – ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài cơ thể.

Phì đại tuyến tiền liệt xảy ra khi tuyến tiền liệt to ra, niệu đạo bị ép hẹp lại và làm cho thành bàng quang trở nên dày hơn. Theo thời gian, thành bàng quang có thể bị suy yếu và mất khả năng đào thải toàn bộ nước tiểu ra khỏi thận và bàng quang. Điều này có thể dẫn đến nhiễm trùng hoặc sưng ở một hoặc cả hai thận, gây đau thận trái hoặc phải. Tuyến tiền liệt phì đại thường được điều trị bằng thuốc. Trong một số trường hợp, xạ trị hoặc phẫu thuật có thể cần thiết. 

Bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm gây đau thận trái

hồng cầu lưỡi liềm gây đau thận trái

Thiếu máu hồng cầu hình liềm là một tình trạng di truyền làm thay đổi hình dạng của các tế bào hồng cầu. Thông thường, các tế bào hồng cầu có hình tròn và có thể di chuyển dễ dàng qua các mạch máu, giúp vận chuyển oxy đến các bộ phận của cơ thể. Khi bị thiếu máu hồng cầu lưỡi liềm, các tế bào này biến thành hình lưỡi liềm, trở nên cứng và dính, gây khó khăn khi di chuyển trong các mạch máu nhỏ. Tình trạng này dẫn đến các mô và cơ quan như thận bị tổn hại do không được cung cấp đủ máu. Do đó, người bệnh có thể gặp triệu chứng đau thận trái do thiếu máu hồng cầu lưỡi liềm. 

Khi biết được nguyên nhân đau thận trái và các triệu chứng liên quan, bạn sẽ phát hiện bệnh sớm để điều trị kịp thời. Ngoài ra, nếu nghi ngờ bất cứ dấu hiệu nào của cơn đau quặn thận, bạn nên đến gặp bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán và xử lý tốt nhất. 

Đau thận trái nên làm gì?

Nếu bạn bị đau thận bên trái thì cần phải làm gì? Nếu phát hiện cơn đau bất thường, bạn hãy nhanh chóng đến bệnh viện để được kiểm tra, chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời.

Bạn không nên tự ý mua thuốc hay áp dụng các mẹo dân gian để chữa đau thận vì không thể giải quyết được nguyên nhân đau thận trái và có thể gây ra nhiều tác dụng không mong muốn.

Phòng ngừa đau thận bên trái

Để phòng ngừa đau thận vùng bên trái, bạn nên lưu ý những điều sau:

  • Duy trì cân nặng hợp lý bằng chế độ ăn lành mạnh, có lợi cho cơ thể
  • Ăn nhiều hoa quả tươi, rau xanh
  • Tránh xa các chất kích thích như: bia, rượu, thuốc lá,…
  • Uống nhiều nước để đào thải các chất cặn bã ra ngoài.
  • Khám sức khỏe định kỳ để kiểm tra cơ thể, thận có khỏe không
  • Nên có tâm trạng thoải mái, thư giãn, vận động hợp lý, thường xuyên
  • Tuyệt đối không nên thức quá khuya để bảo vệ sức khỏe.

Từ khóa » Thận Nóng Rát