Dạy Con Biết Dũng Cảm Nhận Lỗi Và Sửa Lỗi - Báo Giáo Dục Thời đại

1. Trước nhất, bạn nên dạy bé phân định điều đúng - sai

Bé cần được giáo dục về hành vi, về điều đúng sai trong cuộc sống hằng ngày, có như thế mới giúp bé hình thành được những phản xạ tự nhiên, từ đó có thái độ đúng đắn hơn trong việc nhận lỗi về mình.

me
Bé cần được giáo dục về hành vi, về điều đúng sai trong cuộc sống hằng ngày.

2. Phương pháp thứ hai đó là bạn cần giúp bé nhận lỗi

Đôi khi bé sẽ không biết phải nhận lỗi như thế nào. Bạn cần khuyến khích hay thậm chí dỗ ngọt để bé chịu nhận lỗi của mình. Nhưng cũng không nên quá gò bó hay ép buộc bé phải làm, vì nhận lỗi cần sự tự giác từ các bé. Khi cần thiết, bạn cũng có thể trò chuyện riêng với bé và hỗ trợ bé tìm ra những từ ngữ phù hợp trong hoàn cảnh đó mà không cần đến từ “xin lỗi” như: “Con rất buồn vì làm hư đồ của chị” hay “con không cố ý làm đổ cơm”…

3. Tiếp theo là sự chân thành trong việc xin lỗi

Bạn cần cho bé hiểu mức độ quan trọng của một lời xin lỗi như thế nào. Không phải là những câu chữ qua loa hay hành động hời hợt, không xuất phát từ trái tim. Hãy tập cho bé nhìn thẳng vào người đối diện, nói xin lỗi một cách chân thành và biết lỗi. Điều này sẽ giúp bé đề cao việc xin lỗi và hạn chế mắc phải sai lầm.

4. Khen ngợi khi trẻ nhận lỗi

me
Hãy khen ngợi trẻ khi chúng dám nói ra sự thật về bản thân.

Hãy khen ngợi trẻ khi chúng dám nói ra sự thật về bản thân. Những câu đại loại như "Con rất dũng cảm, biết nhận lỗi như thế là đã lớn".

Đưa ra cho trẻ những ví dụ rằng kể cả người lớn đôi khi cũng mắc sai lầm và nói thật ra để mọi người cùng góp ý, sửa chữa mới đáng khen và được tha thứ. Trong những trường hợp khác nhau, tất nhiên không phải lúc nào cũng ngợi khen nhưng khi trẻ có ý muốn "tự thú" cho dù chúng "bóng gió" thì bạn hãy tỏ ý cho trẻ biết rằng nói thật là điều nên làm hơn.

5. Cha mẹ biết nói xin lỗi con

Cha mẹ thường dạy con cái khi làm sai hay không vâng lời phải biết xin lỗi. Ngay cả cha mẹ nếu có lỗi với ai ngoài xã hội cũng cảm thấy áy náy, nhanh nhanh tìm cách xin lỗi họ. Nhưng nếu cha mẹ có lỗi với con thì sao? Có phải xin lỗi con không?

Một số phụ huynh bảo thủ nói rằng: "Tôi đẻ ra nó mà lại đi xin lỗi nó ư?". Đừng quên rằng "Xin lỗi" cũng là một cách tôn trọng con và dạy con tôn trọng cha mẹ. Được tôn trọng, con sẽ trưởng thành hơn trong giao tiếp.

Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cũng cần xác định "điểm dừng" cho các con trong mỗi lần xin lỗi con bởi nếu để con "lấn lướt" quá đà, sẽ là nguồn cơn gây ra tính ích kỷ ở trẻ. Bố mẹ hãy nói xin lỗi, nhưng cũng định hướng cho con, cần phải ứng xử thế nào trước những lỗi lầm của người xung quanh.

6. Luôn làm gương cho trẻ

Trẻ con như tờ giấy trắng. Mọi điều bé nhìn thấy từ người lớn sẽ ăn sâu vào đầu óc non nớt của bé. Bạn hãy nhớ kỹ điều đó để có những cách hành xử đúng đắn hàng ngày. Ví dụ như nếu bố mẹ cứ đổ thừa nhau: “Tại anh…”, “Tại em…” thì chuyện tất yếu là bé cũng sẽ nhiễm ngay cách chối bỏ trách nhiệm như thế.

7. Nên sớm giao cho con quyền quyết định

Các bà mẹ Việt Nam rất hay có thói quen… úm con, làm thay hết mọi thứ cho con và coi bé là “con nít” nên luôn áp đặt con theo ý mình.

Thật ra, đây là cách làm không tốt vì có rất nhiều em đến tận lớp 12, chọn trường Đại học để thi, quyết định con đường của cả đời mình mà vẫn… ngơ ngác chờ cha mẹ làm thay cho việc ấy! Cách làm này cũng khiến trẻ luôn dựa dẫm vào cha mẹ, thiếu khả năng chịu trách nhiệm với việc mình làm và sẵn sàng đổ lỗi cho cha mẹ khi kết quả không như mong muốn.

8. Cha mẹ nên có những trường hợp giả định

Hãy chơi cùng bé khi bạn có thời gian rãnh rỗi, hãy tập cho bé các trò chơi bổ ích như lỡ tay làm hư cây hoa của mẹ, trong trường hợp này bé nên xin lỗi mẹ hay không…

Những tưởng lời xin lỗi đối với trẻ nhỏ chỉ là hình thức, nhưng nó chính là cột mốc đánh dấu sự phát triển về mặt nhân cách cho trẻ sau này. Cha mẹ hãy giúp trẻ hiểu và hình thành thói quen nhận lỗi ngay từ ngày còn bé, bởi khi càng lớn, bé sẽ có biểu hiện hổ thẹn mỗi khi xin lỗi.

Theo phunutoday

Từ khóa » Cách Dũng Cảm Nhận Lỗi