Dây Ký Ninh: Cây Thuốc Có Nhiều Tiềm Năng

Nội dung bài viết

  • 1. Mô tả dược liệu
  • 2. Thành phần hóa học
  • 3. Dây ký ninh và tác dụng dược lý
  • 4. Liều lượng và cách dùng
  • 5. Kiêng kỵ

Dây ký ninh là cây thuốc mọc nhiều nơi, dễ trồng. Loài dây này có nhiều hiệu quả và tiềm năng trong điều trị một số bệnh. Nhân dân ta và cũng như nhân dân một số nước trên thế giới, người ta vẫn dùng dây kí ninh để điều trị sốt rét, chống oxy hóa và ức chế xơ vữa mạch máu. Cùng khám phá thêm về công dụng của dây kí ninh qua bài viết dưới đây của Thạc sĩ, Bác sĩ Dư Thị Cẩm Quỳnh.

1. Mô tả dược liệu

1.1. Tên gọi, danh pháp

  • Còn gọi là: Thuốc sốt rét, dây thần nông, bảo cự hành, khua cao ho (Lào), bandaul pech (Campuchia), liane quinine (Pháp).
  • Tên khoa học: Tinospora crispa(L.) Miers., (Menisermum crispum L., Cocculus tuberculatus L., C. crispus DC.).
  • Họ khoa học: Thuộc họ Tiết dê – Menispermaceae.

Người ta dùng thân cây của dây ký ninh, tươi hoặc khô. Đây không phải là cây kí ninh – canhkina thuộc họ Rubiaceae và không có chất quinin, mặc dù có tên là dây kí ninh. Cần phân biệt, tránh nhầm lẫn.

1.2. Đặc điểm tự nhiên dây ký ninh

Dây kí ninh là một loại dây leo, thân rất xù xì, màu nâu nhạt, sống dai, mọc rất khỏe, dài tới 6-7 m hoặc hơn. Thân non nhẵn, thân già màu nâu xám, rất xù xì nom như da cóc. Lá hình dạng tim hay hình thuôn, mọc so le, mép nguyên, dài 8-12 cm, rộng 5-6 cm, có cuống ngắn, gầy. Hoa tập hợp thành 1-2 chùm mọc ở nách những lá đã rụng. Quả hình trứng, khi chín có màu vàng rồi đỏ, dài chừng 12 mm, có cơm quả dày, chứa 1 hạt màu đen.

1.3. Phân bố, thu hái, chế biến

Dây kí ninh mọc hoang tại nhiều tỉnh miền bắc nước ta như Hòa Bình, Hà tây, Hà Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ. Nó còn mọc ở Lào, Campuchia, Philippine.

Việc trồng nó rất dễ dàng, chỉ cần cắt thân thành từng mẩu dài chừng 10-15 cm, trồng nghiêng xuống đất. Mùa nóng ẩm phát triển rất mạnh. Theo M.Brancourt, trong 24h, thân dây kí ninh có thể dài tới 20-25 cm. Mùa rét cây ngừng phát triển.

Thu hoạch quanh năm. Hái về thái từng đoạn từ 0.5 – 1 cm, phơi hoặc sấy khô.

Lúc hái tươi, có chất nhựa nhầy và vị rất đắng.

1.4. Bộ phận sử dụng của dây ký ninh

Để làm thuốc, dùng dây già sau khi đã được thu hái và phơi khô. Có thể tán bột, luyện viên cho dễ uống.

Đặc điểm của dây kí ninh
Đặc điểm của dây kí ninh

2. Thành phần hóa học

Trong thân dây ký ninh đã lấy ra được một ít alkaloid. Một số tác giả cho chất alkaloid đó là chất berberin. Nhưng theo Beauquesne thì đó là chất palmatin. Tỷ lệ alkaloid đó chừng 0,10% so với thân khô.

Ngoài alkaloid ra, dây kí ninh còn lấy ra được một chất đắng với một tỷ lệ 0,60-0,80% tính trên thân cây khô. Chất đắng này đã được xác định là một glycosid. Trong rễ, nhiều tác giả đã chiết ra được chất alkaloid berberin, chất đắng columbin (chừng 2,2%).

3. Dây ký ninh và tác dụng dược lý

Tuy được gọi là dây kí ninh, nhưng thành phần hóa học đã liệt kê trên không có chất quinin. Mặc dù, nhân dân ta và cũng và một số nước trên thế giới, người ta vẫn dùng dây kí ninh để điều trị sốt rét, trị sốt và làm thuốc bổ giúp cho hệ tiêu hóa giống như cây kí ninh – canhkina.

3.1. Hoạt động chống kí sinh trùng sốt rét

Sốt rét là bệnh truyền nhiễm phổ biến ở các nước nhiệt đới, trong đó có Việt Nam. Bệnh do kí sinh trùng sốt rét Plasmodium gây nên. Bệnh lây truyền qua trung gian muỗi đốt. Bệnh có thể gây biến chứng nặng nề nếu không chữa trị kịp thời.

Người ta đã phát hiện ra rằng chiết xuất của dây kí ninh có tác dụng ức chế sự phát triển của Plasmodium theo cách phụ thuộc vào liều lượng. Ức chế 100% sự phát triển của Plasmodium falciparum sau 72 giờ.

Dây kí ninh chống kí sinh rùng sốt rét
Dây kí ninh chống kí sinh rùng sốt rét

Xem thêm: Ngải cứu giá trị dược liệu quý chống sốt rét

3.2. Hoạt động kháng khuẩn

Chất chiết xuất được đánh giá về hoạt tính kháng khuẩn của chúng đối với một số vi khuẩn gram dương như: Bacillus cereus, Staphylococcus aureus, Listeria monoctogens, Streptococcus pneumonia và Clostridium diphtheria và vi khuẩn gram âm như Shigella flexneri, Salmonella typhi, Proteus vulgaris, Escherichia coli và Klebsiella pneumonia.

Hoạt động kháng khuẩn của dây kí ninh cần được nghiên cứu rộng rãi và cơ chế liên quan đến hoạt động kháng khuẩn cũng cần được khám phá thêm.

3.3. Hoạt động chống oxy hóa của dây ký ninh

Hoạt động chống oxy hóa có tầm quan trọng điều trị trong việc ngăn ngừa stress oxy hóa liên quan đến sự tiến triển của một số bệnh mạn tính bao gồm rối loạn tim mạch và thần kinh.

Chiết xuất của dây kí ninh được phát hiện có hoạt tính chống oxy hóa cao và hiệu lực chống oxy hóa của nó tương đương với các chất chống oxy hóa đã được thiết lập trước đó như BHT và vitamin C

3.4. Hoạt động ức chế xơ vữa mạch máu

Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng chiết xuất từ dây ký ninh được sử dụng cho thỏ tăng cholesterol trong máu đã làm chậm sự phát triển của chứng xơ vữa động mạch bằng cách ngăn chặn mức cholesterol toàn phần, chất béo có hại.

Vẫn còn quá sớm để kết luận về hoạt động chống xơ vữa của dược liệu này. Tuy nhiên, những phát hiện này cho thấy nó có hoạt tính tiềm năng và có thể được khám phá sâu hơn như một loại thuốc ức chế xơ vữa động mạch.

4. Liều lượng và cách dùng

Dùng dưới hình thức cao, bột, viên.

Liều dùng chữa sốt rét: ngày uống 0.5 – 1.5 gram cao dưới dạng hình thức thuốc viên

Bột thân cây chế thành rượu hay thuốc ngâm: Bột thuốc ngày uống 2 – 3 gram, rượu ngâm ngày uống 4 – 8 gram.

Người ta còn dùng dây kí ninh trộn vào thức ăn như thóc, bột ngô cho trâu bò, ngựa ăn súc vật sẽ khỏe, lông mượt, cơ thể béo tốt.

Ngoài công dụng uống, dây kí ninh còn được đắp ngoài hoặc sắc lấy nước rửa các vết thương lở loét rất nhanh lành.

5. Kiêng kỵ

Dây ký ninh mặc dù được ứng dụng khá phổ biến cho mục đích chữa bệnh nhưng bạn cần thận trọng. Trước khi áp dụng các bài thuốc có chứa dược liệu này cần trao đổi với thầy thuốc hoặc bác sĩ Y học cổ truyền.

Từ khóa » Cây Ký Ninh Là Cây Gì