Đẩy Mạnh Xúc Tiến Xuất Khẩu Thị Trường Ngoài Nước

Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường ngoài nước

Chiều 29/7, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường ngoài nước tháng 7/2022. Sự kiện thuộc chuỗi chương trình “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường ngoài nước” do Bộ Công Thương tổ chức, được thực hiện định kỳ hàng tháng từ tháng 7/2022 đến tháng 12/2023.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục tăng cao với tổng kim ngạch ước đạt hơn 435,2 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 217,73 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 217,48 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước và cơ bản được kiểm soát tốt. Cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu 243 triệu USD trong 7 tháng đầu năm 2022, hỗ trợ tích cực cho cán cân thanh toán, góp phần ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

Phát biểu tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại Vũ Bá Phú cho rằng, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đã chủ động nghiên cứu, đánh giá, tổng hợp tình hình thị trường và các cơ chế chính sách mới về kinh tế, thương mại, đầu tư của nước sở tại để kịp thời cung cấp thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tận dụng tốt thời cơ, thuận lợi từ các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên để mở rộng, phát triển, đa dạng hóa thị trường và mặt hàng, đẩy mạnh xuất khẩu.

Hỗ trợ doanh nghiệp trong tìm hiểu thị trường, kết nối đối tác và ký kết hợp đồng, thúc đẩy mở rộng hệ thống phân phối hàng Việt tại thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp trong nước xác minh, tìm hiểu thông tin về đối tác tại địa bàn; giải quyết khó khăn, vướng mắc và tư vấn các vấn đề pháp lý giúp doanh nghiệp Việt Nam. Hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cũng chủ động tổ chức các hoạt động quảng bá, truyền thông hình ảnh hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là hàng nông sản Việt Nam theo mùa vụ, góp phần vào việc mở cửa thị trường cho hàng nông sản của Việt Nam - Cục trưởng Vũ Bá Phú cho hay.

Tuy nhiên, hiện nay, dịch COVID-19 cùng một số dịch bệnh khác vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu. Tình hình xung đột Nga – Ukraine đang gây thêm tác động kép cho kinh tế thế giới. Trước bối cảnh đó, hàng loạt hệ luỵ đã xảy ra như đứt gãy chuỗi cung ứng, các nguồn cung năng lượng bị gián đoạn, hiệu ứng domino diễn ra trên nhiều lĩnh vực, lan tới cả những lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế các nước là lương thực, thực phẩm. Việc nối lại, duy trì và phát triển thị trường nước ngoài, chuỗi cung ứng đã rất tích cực nhưng vẫn chưa trở lại bình thường, ảnh hưởng đến tốc độ tăng xuất nhập khẩu chung của cả nước.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, bối cảnh này đòi hòi sự kết nối, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp và người sản xuất để các bên có thể cập nhật, chia sẻ nhanh nhất, chính xác nhất về thông tin thị trường, quy định, chính sách mới của các nước, giúp các ngành, địa phương, doanh nghiệp xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp, tận dụng tốt nhất các cơ hội để phát triển thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác thị trường nước ngoài và xúc tiến xuất khẩu, đồng hành, hỗ trợ các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần chủ động nắm bắt, phân tích, đánh giá chính sách nước sở tại, kịp thời tham mưu cho Bộ về các vấn đề mang tính chất chiến lược và đề xuất những phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời để bảo đảm quyền lợi của đất nước, của doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Đồng thời, tăng cường phối hợp chặt chẽ để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp kết nối xúc tiến thương mại, tận dụng hiệu quả cơ hội thị trường trong từng thời điểm, giai đoạn; đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương trong nước xuất khẩu hiệu quả các loại nông sản có tính mùa vụ cao.

Đối với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu phải chủ động điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại phù hợp nhằm tận dụng hiệu quả các cơ hội thị trường; tuân thủ nghiêm túc, đầy đủ quy định, chính sách của Nhà nước, hướng dẫn của các Bộ, ngành, bảo đảm truy xuất nguồn gốc và các điều kiện của thị trường ngoài nước và cam kết của các FTA mà nước ta đã ký kết.

Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Công Thương và các cơ quan xúc tiến thương mại địa phương nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, từ đó đề xuất giải pháp phù hợp, khả thi; đồng thời làm đầu mối phối hợp với các cơ quan của Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan để hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn thông qua giải pháp xúc tiến thương mại. Đồng thời, đẩy mạnh đàm phán, gỡ bỏ rào cản, nút thắt thương mại, thúc đẩy mở cửa thị trường và xử lý kịp thời các biện pháp phòng vệ thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm, ngành hàng xuất khẩu, tạo cơ hội cho sản phẩm, hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản của nước ta mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào các chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.

“Việt Nam phụ thuộc nhiều vào ngoại thương, đặc biệt là xuất khẩu đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước và tác động cùng chiều tới chỉ số tăng trưởng kinh tế. Bộ Công Thương kỳ vọng chuỗi Hội nghị sẽ tạo điều kiện để Bộ Công Thương cùng các địa phương, Hiệp hội và doanh nghiệp tìm ra những biện pháp xúc tiến xuất nhập khẩu phù hợp, khai thác nhanh chóng, hiệu quả các cơ hội thị trường nước ngoài, góp phần vào sự phát triển ngoại thương nói riêng và kinh tế cả nước nói chung”- Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Từ khóa » Thị Trường Nước Ngoài