Tiếp Tục Nâng Cao Hiệu Quả Công Tác Thị Trường Nước Ngoài Và Xúc ...

Theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú, trong 7 tháng đầu năm, các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đã chủ động, tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng trong bộ triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp trong nước và tại địa bàn phụ trách.

Đặc biệt, hệ thống thương vụ đã phối hợp chặt chẽ, kịp thời với Cục Phòng vệ Thương mại và các đơn vị liên quan chủ động ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp) mà nước sở tại áp dụng đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam; tổ chức tốt công tác nắm bắt tình hình, cập nhật kịp thời cho lãnh đạo bộ, lãnh đạo Chính phủ diễn biến tình hình và đánh giá tác động đối với Việt Nam, từ đó đề xuất các biện pháp, chính sách phản ứng phù hợp, đồng thời thông tin lên các phương tiện truyền thông để khuyến cáo, định hướng, hướng dẫn cho doanh nghiệp.

Phổ biến thông tin và hướng dẫn tiếp cận thị trường, chuỗi 30 phiên tư vấn thị trường xuất khẩu cung cấp thông tin cho địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam về các sản phẩm xuất khẩu, nhập khẩu, quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất nhập khẩu với các sản phẩm (lúa gạo, chè, thanh long, hạt điều, thủy sản…) của các nước, thị trường trên thế giới (Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, Thụy Sĩ, châu Phi, châu Âu)…

Cũng theo ông Phú, để sự phối hợp giữa thương vụ và các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và các địa phương được hiệu quả, cần tiến hành giao ban xúc tiến thương mại hàng tháng với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài và sẽ được tổ chức vào ngày làm việc cuối cùng hàng tháng. Các địa phương thống nhất cử đầu mối là lãnh đạo sở công thương tham dự giao ban với hệ thống thương vụ Việt Nam để nêu yêu cầu, trao đổi định hướng hỗ trợ xúc tiến thương mại đối với các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.

Theo đại diện thương vụ tại Trung Quốc, thị trường này đang có dấu hiệu phục hồi. Xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam như cá, động vật giáp xác, trái cây tăng. Phía Trung Quốc đã không kiểm tra với doanh nghiệp khi có hàng bị dính Covid-19 mà chỉ tập trung kiểm tra đầu nguồn. Quy định này có thể tạo đà cho thuỷ sản và trái cây Việt Nam sang Trung Quốc. Tuy nhiên phía bạn vẫn xiết nhập khẩu thực phẩm.

Thương vụ tại San Francisco (Hoa Kỳ) cho biết, năm 2022 - 2023 sẽ tổ chức một loạt các sự kết nối, diễn đàn giữa bang Oregon, bang Colorado, khu vực bờ Tây của Hoa Kỳ với các địa phương, doanh nghiệp của Việt Nam.

Trong khi đó thương vụ tại Ai Cập thông tin, mặc dù phía bạn hiện vẫn duy trì chính sách tăng xuất khẩu giảm nhập khẩu song cũng đã dần có các chính sách đơn giản hoá, minh bạch hoá các quy định xuất khẩu sang đây. Ai Cập đã áp dụng thông quan điện tử từ 10/2021, theo đó hàng hoá phải được đăng ký trước 48 giờ trước khi xuất khẩu và hiện đã mở rộng áp dụng qua cả đường hàng không.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: LP

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, các thương vụ đã chủ động nghiên cứu, đánh giá, tổng hợp tình hình thị trường và các cơ chế chính sách mới về kinh tế, thương mại, đầu tư của nước sở tại để kịp thời cung cấp thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ với các địa phương, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm và tận dụng tốt các thời cơ, thuận lợi từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên để mở rộng, phát triển, đa dạng hóa thị trường và mặt hàng, đẩy mạnh xuất khẩu.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, bối cảnh mới của kinh tế thế giới đòi hòi sự kết nối, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp và người sản xuất để các bên có thể cập nhật, chia sẻ nhanh nhất, chính xác nhất về thông tin thị trường, các quy định, chính sách mới của các nước, giúp các ngành, địa phương, doanh nghiệp xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp, tận dụng tốt nhất các cơ hội để phát triển thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác thị trường nước ngoài và xúc tiến xuất khẩu, đồng hành, hỗ trợ các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài chủ động nắm bắt, phân tích, đánh giá chính sách nước sở tại, kịp thời tham mưu cho bộ về các vấn đề mang tính chất chiến lược và đề xuất những phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời để bảo đảm quyền lợi của đất nước, của doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị chủ động hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh xúc tiến thương mại phù hợp với nhu cầu và năng lực tham gia của doanh nghiệp nhằm khai thác, tận dụng hiệu quả các cơ hội thị trường để củng cố, phát triển sản xuất và đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất khẩu. Thường xuyên cập nhật tình hình của doanh nghiệp để chủ động cung cấp thông tin, trao đổi kịp thời với các đơn vị thuộc bộ và các bộ, ngành liên quan, các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để cùng phối hợp thực hiện có hiệu quả.

Các doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm túc, đầy đủ các quy định, chính sách của Nhà nước, hướng dẫn của các bộ, ngành trong tổ chức sản xuất kinh doanh và hoạt động xuất nhập khẩu, bảo đảm truy xuất nguồn gốc và các quy trình, quy định, yêu cầu, điều kiện của các thị trường ngoài nước và cam kết của các FTA mà nước ta đã ký kết nhằm giữ vững chữ tín với bạn hàng ở cả thị trường truyền thống và thị trường mới.

Từ khóa » Thị Trường Nước Ngoài